Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Rác giảng đường
Bỏng ngô, ô mai, túi nước, giấy báo, kẹo cao su... đang ngập tràn giảng đường sau mỗi giờ học...

Ăn, có 101 kiểu ăn trong giờ

Vừa vào lớp đã thấy túi bỏng ngô to bự, cả bọn xúm xít vào ăn, chuông reo, vứt nguyên túi bỏng còn thừa tại chỗ cùng rất nhiều những hạt bỏng rơi vãi. Hoà định túm túi bỏng lại thì Chi ngăn: "Ôi dào! Mặc kệ, cuối giờ khác có người quét, lo gì. Mình trả tiền cho họ quét hộ mình cơ mà, thầy vào rồi kìa...". Hợp tiếp lời: "Vứt hẳn xuống đất đi mày, thầy nhìn thấy mắng cho bây giờ!".

Nhóp nhép nhai kẹo cao su, nhai hết giờ, hết vị, tiện mồm nhổ toẹt một cái xuống sàn nhà, không cần quan tâm xem ai là kẻ không may dẫm phải mẩu kẹo đó. Tôi đã từng rất thắc mắc khi nhìn xuống dưới sàn giảng đường, tại sao lại có những chấm đen lồi lên mà lau không được, quét không đi. Sau này mới ngỡ ngàng, đó là... bã kẹo cao su! Chính vì chiếc bẫy siêu dính này mà không ít bạn dở khóc, dở cười. Lan, sinh viên năm thứ 2 ĐHKTQD đứng lên thấy tà áo nằng nặng, đích thị "dính" rồi, mấy cậu bạn bàn bên vội vàng quay đi nơi khác.

Trường ĐHKHXH&NV nổi tiếng có nhiều con gái, cùng với đó sự ăn cũng nhiều. Hôm nào không có cái gì ăn, xem chừng buồn mồm, các nàng không chịu được. Giờ thầy H, đứa nào nói chuyện thầy phát hiện đuổi ngay ra khỏi lớp, nhưng làm thế nào mà im lặng suốt một tiết bây giờ? Câu trả lời là... ngậm kẹo và ô mai, vừa được ăn lại không mất trận tự! Ô mai, kẹo ngọt, cóc, xoài, hạt dưa, hạt hướng dương... Vô tư ăn, cười nói, hạt ô mai được các nàng cho rơi tự do, vỏ kẹo thì nhét vào các khe ghế, uống xong túi nước thì treo luôn lên móc treo cửa sổ, còn hạt dưa thì rơi tí tách như mưa xuống nền. Có lần Hà nhắc mấy bạn xung quanh: "Chúng mày để gọn vào túi đi, ra chơi vứt vào sọt rác", "Thôi. Xin mày. Lịch sự vừa thôi, vứt xuống gậm bàn luôn cho nhanh" - L. nói.

Ngày nào cũng vậy, hàng loạt những chiếc túi bóng nhỏ đựng đồ ăn, cứ nằm im trên sàn giảng đường chờ chị lao công đến quét. Trường ĐH Ngoại ngữ cũng không ít con gái. Lớp học nhỏ, lại có ngăn bàn, thôi thì đủ thứ ăn, ăn xong của thừa còn, lại nằm yên trong ngăn bàn, trông lớp học vẫn cứ sạch như thường.

Chiến trường sau giờ thực hành

Giảng đường 15 nhà G của trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), hôm nào mà ở đây có giờ thực hành làm báo thì cuối buổi nhìn xung quanh lớp không khác gì... cửa hàng gom phế liệu. Giấy báo bị vứt lung tung, bay phấp phới trên mặt bàn, đôi tờ còn co ro nằm nhăn nhúm trên lối đi giữa các dãy bàn. Ngược đời hơn, tiện kéo, có những tên còn cắt vụn báo để... làm tuyết rơi cho đẹp! T còn có một thói quen rất kỳ quái. Mỗi lần cô tức cái gì là rất thích xé giấy, xé càng nhiều, càng nhỏ càng đỡ tức. Xé xong thổi phù một cái cho "cuốn theo chiều gió".

Học viện Quan hệ Quốc tế, thường xuyên sinh viên có những buổi hội thảo. Cơ man nào là giấy tờ được bày ra. Hội thảo xong, cái gì cần thì giữ lại, còn không thì bỏ luôn trong lớp học.Thật đáng tiếc số giấy không cần quá nhiều.

Nếu có sang trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, sau mỗi giờ thực hành ghép cây (mặc dù đã có khu thực hành riêng) ngoài những thành quả thu được còn có một số hậu quả khác, đó là đất thừa, dây buộc, túi bóng, cành cây,... vẫn nằm nguyên tại hiện trường.

Thùng rác xa hơn gầm bàn

Trước cửa mỗi lớp học đều có hai cái thùng rác to bự. Một chiếc đặt đầu lớp, một chiếc đặt cuối lớp. Nhưng mà, nó còn khá xa so với gầm bàn! Và xa với ý thức của sinh viên chúng ta. Hay tại nhà trường quên không viết thêm bảng chú thích là hãy vứt rác đúng vào thùng rác cho sinh viên nhìn thấy? Hầu hết mọi người vẫn theo thói quen nguyên thuỷ: Xả rác ngay tại chỗ, không cần tính đến hậu quả. Điều đó thật đáng buồn!

Một ngày trường ĐHKHXH&NV có 3 ca học sáng, chiều và tối. Dù nhà trường đã thuê hẳn một công ty chuyên làm công tác vệ sinh, nhưng cũng còn khá vất vả đối với các cô lao công khi phải thu dọn một khối lượng rác từ các giảng đường sau mỗi ca học. Một điều khá khó khăn cho việc quét dọn là hầu như bàn ghế ở các giảng đường là cố định, việc lùa chổi vào từng gầm ghế quét rác rất khó có thể sạch với những loại rác như vỏ hạt dưa hay hạt ômai. Còn với bã kẹo cao su, các cô lao công thường phải dùng dao để cậy, sau đó dùng một ít xăng để lau cho sạch.

Cuối buổi ngó vào lớp học của Trường ĐH Ngoại ngữ, thấy bóng một cô lao công cúi vào từng ngăn bàn để nhặt rác, hết lớp này đến lớp khác, chẳng mấy chốc đã đầy hai bao tải.

Ba và một!

Câu chuyện thứ nhất: Xa giảng đường một chút, trên hàng kem của Bách hoá Tràng Tiền, hai bạn trẻ đứng ăn kem với nhau rất ngon lành và vui vẻ, trước mặt họ là một dòng chữ rất to: "Xin quý khách vui lòng vứt que vào thùng rác". Bên cạnh họ là thùng rác cũng to không kém. Nhưng que kem thì vẫn rơi dưới chân của họ. Một cô lao công tiến lại gần để nhặt những que kem được vứt ra, họ đã bước tránh cho cô thực hiện nhiệm vụ của mình.

Câu chuyện thứ hai: Tại trường CĐ Giao thông Vận tải, T vừa ăn xong cái bánh mỳ cũng lũ bạn. T chạy ra phía thùng rác bỏ cái vỏ túi bánh mỳ vào. Chạy về chỗ thì thấy tụi bạn đang đứng cười mình ngặt nghẽo, còn nói: "Hôm nay thể nào trời cũng có bão...".

Câu chuyện thứ ba: Có một cô gái nhỏ nhắn, hàng ngày vẫn thường ở lại sau mỗi giờ tan học. Cô đi khắp các giảng đường để thu gom giấy vụn và hơn thế còn nhặt những thứ vứt không đúng chỗ vào sọt rác. Số giấy mà cô thu gom thật ý nghĩa, nó được bán đi để mua quà cho các em nhỏ trong làng Hoà Bình. Một điều đặc biệt, rất nhiều lần cô nhặt được đồ các bạn để quên ở lớp và tìm đến tận nơi trả lại cho chủ nhân, hoặc mang đến giảng đường đó nhờ các bạn trong lớp đưa hộ.

Ba câu chuyện kết thúc, xin một phút giành cho... suy nghĩ!

 Trần Hồng Minh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 176, tháng 10/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :