Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Học nhóm trên giảng đường - sao lại không...?
Stella Terrill Mann đã từng nói: “Dù Chúa có hy vọng gì về khả năng của con người, họ cũng không thể làm được nếu không hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau”. Việc học nhóm ngay trên giảng đường cũng không phải là ngoại lệ...

Tuy nhiên, việc học như vậy khá mới mẻ và dường như còn xa lạ với sinh viên chúng ta…

Học nhóm trên giảng đường… chuyện lạ

Hầu hết các bạn sinh viên đều có một câu trả lời như thế cho câu hỏi “Bạn biết gì về cách học nhóm trên giảng đường?”. Chỉ có một số rất ít trong số họ là biết tới cách học này.

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số trường thuộc nhiều khối, ngành khác nhau thì chỉ có khoảng hơn 20% sinh viên đã tham gia học nhóm trên giảng đường, số này chủ yếu là sinh viên ngoại ngữ, một số ít thuộc các trường ĐHKHXH&NV và ĐH Ngoại thương. Số còn lại thuộc các chuyên ngành kỹ thuật - công nghệ thì hầu như không được học theo cách này. Hoàng Dung (ĐH Ngoại ngữ Hà Nội), khi được hỏi về vấn đề này, tâm sự: “Hồi năm thứ nhất mình cũng được học nhóm nhưng mà không hiệu quả lắm, ngoại trừ 2 kỹ năng writing và speaking thôi. Bây giờ thì không còn học kiểu này nữa, trên lớp người nào biết phận người ấy đã mệt lắm rồi…”.

Hải Anh (ĐHKHXH&NV) cho biết: “Bọn mình cũng được thảo luận trên lớp. Nhưng lần nào cũng là thầy cô đưa ra một đề tài chung cho cả lớp cùng thảo luận. Trong những buổi học như vậy, việc ai người ấy làm, chỉ có vài người nhiệt tình, nhiều bạn ỷ lại nên không chịu suy nghĩ gì cả thành ra không khí học buồn tẻ lắm. Chỉ khi nào bọn mình làm báo cáo khoa học thì lớp mới tách ra thành những nhóm nhỏ và học nhóm thôi. Nhưng học nhóm kiểu này thường tự về nhà thảo luận bàn bạc mà không có sự góp ý của thầy cô nên chất lượng cũng không tốt lắm…”.

Khánh Hà (ĐH Ngoại thương Hà Nội) cho rằng: “Nếu lớp học được chia nhỏ ra và học ngay ở giảng đường thì quá tốt. Không chỉ ngoại ngữ mà rất nhiều môn có thể đạt hiệu quả cao hơn. Ví dụ học về quảng cáo sản phẩm mà bọn mình được ghép nhóm rồi đi quảng cáo cho một sản phẩm thật nào đó, chắc chắn việc học sẽ hứng thú hơn rất nhiều so với việc cả lớp ngồi nghe thầy đọc kiến thức đã có trong giáo trình…”.

Đó là những người vẫn còn may mắn đã biết tới việc học nhóm dù có hiệu quả hay không, còn phần nhiều ý kiến đại loại như: “Mình chưa được học nhóm kiểu đó bao giờ. Mà mình cũng mới thấy mô hình học tập như vậy ở các nước phát triển thôi. Nước mình chắc còn lâu mới có” - Thanh Bình (ĐH Bách khoa) chép miệng. Hay như Lê Hoàng (cựu sinh viên ĐH Giao thông Vận tải): “Nghe hay thật đấy. Nếu học thế, mọi người sẽ sáng tạo hơn, nỗ lực hơn, hiểu biết nhiều hơn và lại hình thành được kỹ năng chia sẻ thông tin với nhiều người khác. Tiếc quá, mình ra trường mất rồi nên nếu có phương pháp học này thì cũng không được tham gia…”

Dạy cho ứng viên kỹ năng “làm việc theo nhóm” khi họ là sinh viên

Hầu hết sinh viên năm thứ 3, Khoa Báo chí - ĐHKHXH&NV tỏ ra rất hào hứng với những buổi học nhóm gần đây. Lớp có hơn 80 người, tách ra thành 4 nhóm, mỗi nhóm học một buổi khác nhau, trong từng buổi học họ lại được chia nhỏ hơn nữa để làm việc cùng nhau. Thầy cô không bao giờ đưa ra những đề tài trùng lặp. Trong mỗi buổi học, giảng viên sẽ đưa ra những bài tập, ví dụ: tất cả các thành viên trong từng nhóm nhỏ phải cùng nhận xét, tìm lỗi, viết lại một bài báo cho hợp lý, sau đó cử một người lên báo cáo trước lớp. Nếu người đó nói chưa đủ, các thành viên khác có quyền bổ sung thêm. Giảng viên thường cho giới hạn thời gian rất ít. Vì thế, tất cả mọi người phải cố gắng hết mình và phải hợp tác với nhau thì mới đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất. Mỗi buổi học chỉ gồm một nhóm 20 sinh viên nhưng con số bao giờ cũng trội lên vì có những người không phải học hôm đó cũng tới “dự thính” vì theo họ: “Bọn mình ít khi được học như thế. Cả giảng viên lẫn sinh viên đều thấy thoải mái, kiến thức thu được nhiều. Không những thế, bọn mình lại học được kỹ năng nói trước đám đông và làm việc theo nhóm nữa. Nếu được chọn giữa phương pháp học này với phương pháp dạy truyền thống, chắc ai cũng đòi được học nhóm trên lớp…”.

Chỉ có điều, những buổi học như vậy chủ yếu là do các thầy cô trẻ đảm nhận, nhiều buổi do các thầy cô cao tuổi dạy thì vẫn thấy sinh viên thực hiện chính sách “ngủ ở nhà cho khoẻ, đi thi học giáo trình là đủ”.

Hầu hết các nhà tuyển dụng ngày nay đều yêu cầu một kỹ năng làm việc rất quan trọng đối với các ứng viên, đó là họ phải biết hoạt động theo nhóm. Một thực tế khá rõ ràng là ở nước ta hiện nay, các ứng viên đi tìm việc thường rất yếu ở kỹ năng này. Có lẽ phải mất một thời gian khá lâu, một nhân viên mới làm quen được với việc là mình phải cùng làm việc, cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng đưa ra ý kiến, cùng thảo luận và đưa ra một kết quả cuối cùng với nhiều người khác về cùng một vấn đề, kế hoạch nào đó.

Trong khi đó, các công ty nước ngoài luôn bắt buộc nhân viên của mình phải làm việc theo nhóm liên tục, liên tục và chính điều đó đã tạo cho tất cả mọi người thói quen phải động não trong công việc, dù công việc đó do một người làm hay nhiều người làm. Để có được điều đó, một phần rất lớn là nhờ việc họ đã được học làm việc theo nhóm từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Nếu bạn đã từng xem bộ phim Hàn Quốc mang tên “Những chuyện tình ở Harvard”, bạn sẽ vô cùng thán phục tinh thần học tập của sinh viên trường đại học danh tiếng này. Ngay từ năm thứ nhất, những sinh viên Luật đã phải ghép nhóm học và thực hiện những vụ xử thử như thật. Tất cả các thành viên trong nhóm đều phải nỗ lực hết mình để có được một kết quả hoàn hảo nhất. Họ không chỉ làm việc cho riêng mình nữa. Mọi cố gắng đều nhằm phục vụ cho một mục đích cuối cùng và chung nhất cho tất cả mọi người. Đó là lý do vì sao, sinh viên của họ khi ra trường lại có khả năng làm việc theo nhóm thật tuyệt vời. Họ không ngại ngần nói ra suy nghĩ của mình, không e dè phản đối hay lắng nghe ý kiến của người khác để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc.

Còn sinh viên của chúng ta, trong suốt 4 năm ngồi trên ghế giảng đường đại học, việc thảo luận trên lớp dường như chỉ dành cho những dịp làm báo cáo khoa học. Có chăng cũng chỉ hiếm hoi xuất hiện trong một vài lớp học có hơi hướng “hiện đại” mà thôi. Tình trạng đọc - chép trên các giảng đường đại học hiện nay là rất phổ biến. Thầy đổ lỗi cho trò quá thụ động, lười suy nghĩ, thiếu sáng tạo. Trò kêu ca thầy dạy như với học sinh tiểu học, nhàm chán, giáo trình cũ không cập nhật, trang thiết bị thiếu,... Vậy tại sao chúng ta không tìm ra những cách thức học mới cho sinh viên mà học nhóm trên giảng đường là một ví dụ? Tại sao chúng ta không dạy cho sinh viên kỹ năng làm việc theo nhóm ngay khi họ còn trên ghế nhà trường…?

Về trang thiết bị giáo dục, chúng ta còn thua kém các nước phát triển rất nhiều, nhưng sự thông minh của sinh viên, sự sáng tạo và lòng ham hiểu biết của sinh viên chúng ta đâu có thua kém gì các nước khác, chủ yếu vẫn là do phương pháp dạy và học. Một lớp học trên dưới 100 sinh viên mà chỉ thảo luận một chủ đề trong vài tiết học thì không thể có điều kiện cho tất cả mọi người đều được nói. Đó là còn chưa kể đến tình trạng “ỷ vào đông người, không thèm suy nghĩ” tồn tại nhiều trong giới sinh viên hiện nay. Nếu mỗi lớp học được tách nhỏ ra và thường xuyên được học theo nhóm, khả năng làm việc theo nhóm của sinh viên sẽ khá lên rất nhiều. Và điều này rất hữu ích cho cuộc sống của họ sau này. Khi đi làm, nếu trong công việc cho phép làm việc theo nhóm, chắc chắn cơ hội họ được nhà tuyển dụng “để mắt tới” đã tăng lên vài phần…

Một nhóm học trên lớp cần biết:

- Mỗi nhóm học chỉ từ 3 đến 5 người. Nhóm đông hơn sẽ khó quản lý và giao công việc.

- Mỗi nhóm học cần phải làm quen với cách thức hoạt động của cả nhóm, cần đưa ra những nguyên tắc chung thống nhất mà mọi người đều đồng ý.

- Nhất thiết phải phân công một thành viên ghi chép lại toàn bộ buổi học hay thảo luận để cuối cùng tổng kết lại thành bản báo cáo hoàn chỉnh.

- Luôn cố gắng tư duy liên tục và sáng tạo không ngừng, phát biểu ý kiến, đặt ra những câu hỏi hay đưa ra những giải pháp.

- Phải luôn chia sẻ những kinh nghiệm cũng như hiểu biết của mình về vấn đề đang thảo luận với cả nhóm.

- Cố gắng để hiểu ý kiến, quan điểm của các thành viên khác. Không chỉ trích người khác nếu người đó đưa ra một quan điểm trái ngược với mình hoặc mình không đồng ý.

- Mỗi thành viên trong nhóm có quyền yêu cầu người khác phải trình bày ý kiến, phát biểu và đóng góp.

- Các nhóm dưới sự chỉ định của giáo viên sẽ có hiệu quả hơn là nhóm tự chỉ định lẫn nhau.

- Không ngại hỏi những điều mình chưa biết hoặc còn thắc mắc.

- Vì phải thảo luận ngay trên lớp nên các thành viên cần phải tìm các tài liệu trước khi buổi học bắt đầu.

- Nếu một thành viên lười biếng, không chịu hợp tác, các thành viên còn lại buộc phải loại người đó ra khỏi danh sách của nhóm mình.

 Trần Thị Minh Phương - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :