Nhịp cầu bè bạn
Trang chủ   >  Sinh viên  >   Nhịp cầu bè bạn  >  
Những ông chủ trọ “đa tình”
Phải thật khéo léo, chúng tôi mới đặt chân được vào khu phòng trọ để gặp gỡ với một số “nữ khách” của căn nhà. Điều rất lạ là tất cả các cửa sổ phòng ở đây đều được ghép bằng những tấm kính nhỏ xếp theo hình vẩy cá. đứng ngoài có thể nhìn vào trong dễ dàng.

“Trong quá trình đi thực tế để viết bài, mình đã được nghe rất nhiều các bạn nữ sinh than phiền về sự đa tình của các bác nam chủ nhà. Từ chỗ nấn ná tán tỉnh rồi nhòm chộm nhà tắm hoặc tình cờ đi qua cửa sổ ô chớp khi các bạn nữ thay quần áo và có không ít nam chủ nhà trọ còn đụng chạm vào người hay lợi dụng không gian vắng vẻ để cưỡng bức nữ sinh. Chẳng thế mà có không ít bạn dù đang ngồi trong phòng trọ của mình mà vẫn nơm nớp lo sợ...” - cô bạn tôi làm phóng viên báo Pháp luật & Xã hội bức xúc kể.

Thiếu tình nên “rình” nữ sinh

Trong vai sinh viên đi tìm phòng, chúng tôi đến một khu cho thuê trọ được xây dựng khá kiên cố và sáng sủa ở khu vực Mễ Trì Thượng (xã Trung Văn, Từ Liêm) nhưng khi chưa kịp hỏi câu nào thì đã bị ông chủ nhà chối khéo: “Khu nhà bác an ninh tốt nên chỉ cho nữ thuê thôi! Nếu các cháu có bạn nữ thì cứ giới thiệu đến. Con trai ở đâu mà chẳng được, lụp xụp tý có sao...”. Phải thật khéo léo, chúng tôi mới đặt chân được vào khu phòng trọ để gặp gỡ với một số “nữ khách” của căn nhà. Điều rất lạ là tất cả các cửa sổ phòng ở đây đều được ghép bằng những tấm kính nhỏ xếp theo hình vẩy cá. đứng ngoài có thể nhìn vào trong dễ dàng. Lý giải cho điều này, ông chủ nhà tỏ ra đôn hậu: “Phòng thì nhỏ mà các cháu nữ sinh lại nhiều đồ nên tôi để vậy cho thoáng, mát...”. Nhưng theo các bạn sinh viên trọ ở đây thì đó chỉ là cái cớ thiếu thuyết phục. Hà Liên (sinh viên Trường ĐHKHTN) đã trọ ở đây hơn 1 năm kể: “Những ô cửa chớp kiểu đó rất tiện để ông chủ nhà phát huy sở trường Jave, mỗi ngày đi thị sát vài lần nhất là lúc sáng sớm và đêm khuya khi các bạn nữ tắm hoặc thay quần áo. Nếu chẳng may có người phát giác, ông ấy sẽ lấy lý do là đi kiểm tra an ninh khu trọ. Đã có lần mình nghe thấy ông ta khoe với mấy ông bạn già rằng đi kiểm tra kiểu ấy giúp mắt như sáng ra và có cảm giác được hồi xuân...”.

Còn với Hải Lý (sinh viên Trường ĐHSP Hà Nôi) thì cảm giác bàng hoàng của hơn 1 tháng trước dường như vẫn còn hiển hiện khi cô kể chuyện với chúng tôi: “Từ xóm trọ cũ em vừa chuyển đến đây được 2 hôm thì buổi sáng ấy đang thay đồ chuẩn bị đi học, vô tình nhìn ra cửa sổ và thất kinh khi bắt gặp đôi mắt trợn tròn của ông chủ nhà đang soi vào. Em sợ quá hét lên thì lại bị ông ấy mắng là vô ý vô tứ. Phải đến lúc nghe các chị cùng khu trọ bảo rằng ở đây ai mới đến thiếu cảnh giác đều bị thế cả, em mới hoàn hồn đi xin giấy báo dán kín vào mặt trong của chớp kính...”.

Không giống ở Mễ Trì Thượng, các khu trọ ở làng Phùng Khoang (Trung Văn) đa phần được bài trí theo kiểu dãy phòng, mái lợp ploximang và vẫn hay được cánh sinh viên gọi là “khu ổ chuột”. Dãy trọ của Thanh Vi (sinh viên Trường ĐHKHXH&NV) có 12 phòng trong đó 10 phòng là do nữ thuê. Hiềm nỗi, cả dãy mấy chục con người phải chung nhau 2 nhà vệ sinh và 2 phòng tắm ở 2 đầu trong khi đó cánh cửa của 2 nhà tắm đều đã hỏng từ lâu, phải gác tạm bằng cánh cửa gỗ thấp tè. Chủ khu dãy trọ là một người đàn ông đã bỏ vợ, con bỏ đi nên sống một mình. Cả xóm đã đề nghị thay cửa phòng tắm nhiều lần nhưng ông ta cứ ậm ừ cho qua. Đa phần sinh viên thuê trọ ở đây đều có đi làm thêm nên ai cũng về khuya và tắm rất muộn. Đến hôm vừa rồi, sau khi đi thực tập về, Vi mới giật mình vì 2 cô bạn ở phòng ngay cạnh đã chuyển đi mất rồi mà không biết lý do tại sao? Hỏi mấy anh cùng xóm, cô mới biết rằng hóa ra đêm trước khi một trong hai cô bạn đang tắm thì đột ngột tấm cửa gỗ che phòng tắm đổ rầm, ông chủ ngã nhào vào trong. Sợ quá nên ngay hôm sau phòng đó đã chuyển gấp, còn chị em nữ ở các phòng khác đành phải dặn nhau cảnh giác, cứ hễ đi tắm là tốt nhất nên có 2 người để vừa canh, vừa tiện hỗ trợ khi cần thiết. Biết chuyện đó, Vi đỏ mặt, cô đã lên phương án để tìm khu trọ khác trong hè này...

Chuyện của những người trong cuộc

20 tuổi, da trắng, tóc mun dài ngang lưng, gương mặt xinh như búp bê, cô bạn Hải Lăng (sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ) luôn khiến trái tim các chàng trai xung quanh lạc nhịp chứ chưa nói gì đến những ông chủ nhà cả năm chỉ quanh quẩn sau cánh cổng săt. Hải Lăng thuê phòng tại một khu trọ ở Đồng Xa và chính vẻ dễ thương của cô đã làm cho “bác chủ nhà” mất ăn mất ngủ. Lăng kể: “Ông ấy đã gần 50 tuổi, đã có 1 đời vợ nhưng không hiểu sao giờ sống 1 mình với một dinh cơ thuộc vào hàng đại gia. Ngày từ khi mình chuyển đến thuê trọ được gần 1 tuần, ông ấy đã lân la trò chuyện, buông lời bóng gió, xa gần. Dần dần cứ 1 tháng 6 lần ông ta ăn mặc chải chuốt, ôm hoa hồng đến trước cửa phòng mình tán tỉnh, ngỏ lời rồi hứa hẹn. Ban đầu do không thể tập trung học được nên mình rất khó chịu, hơn nữa ông ấy lại bằng tuổi bố mình nên chẳng biết nói gì. Về sau mình nghĩ ra giải pháp, tìm lấy 1 anh người yêu rồi phớt lờ ông ta đi. Giờ đây tình hình cũng đã khá hơn nhưng ông ấy tuyên bố rằng sẽ vẫn chinh phục mình bằng được...”. Hải Lăng ngừng lời cười khúc khích. Không “lãng mạn” như trường hợp ông chủ trọ của Hải Lăng, Thảo Miên (sinh viên Trường ĐH Giáo dục) lại gặp phải một gã Chí Phèo thời hiện đại. Miên nhớ lại: “Nhiều hôm nửa đêm, ông ấy uống rượu say rồi lên đập cửa phòng mình uỳnh uỳnh và đưa ra cả một xấp tiền, thẳng thừng trả giá, mặc cả. Mình hoảng quá nên hét lên, cả xóm thức giấc, ông ấy mới chịu đi. Sau vài lần như thế, dù rất ngại chuyển đồ nhưng mình cũng đành phải tìm một khu trọ mới...”.

Trước những cách bày tỏ tình cảm mãnh liệt và sức cám dỗ về vật chất do các ông chủ nhà trọ đưa ra, đã có một số bạn nữ sinh “xiêu lòng”. Nếu ngồi lân la ở một số khu trọ, thể nào ta cũng nghe được những câu chuyện dở khóc, dở cười về sự “tòm tem” của chủ nhà với nữ sinh. Chủ một khu trọ ở làng Phùng Khoang, anh Phan Thừa Thắng bật mí rằng, vợ anh không thích sinh viên nam sợ quậy phá nên chỉ cho nữ sinh thuê. Trong số những nữ sinh ấy, anh cũng đã từng quan tâm đặc biệt đến một em và tình cảm đã được đáp lại, tuy nhiên trong một lần hai người đang đi chơi siêu thị thì bị vợ anh bắt được. Kết quả, cô nữ sinh phải dọn đồ đi ngay trong đêm còn anh Thắng thì bị cấm không bao giờ được đi thu tiền phòng trọ nữa...

Với một số nữ sinh vốn có quan niệm “thoáng” trong việc ban phát tình cảm thì chuyện chấp nhận lời tỏ tình của các ông chủ nhà trọ được xem là bình thường. Thu Hà (sinh viên Trường ĐHKHTN) khi được hỏi về điều này đã trả lời rất hồn nhiên: “Khi hai người có tình cảm với nhau thì vấn đề tuổi tác và công việc sẽ không còn quá quan trọng nữa. Đặc biệt, nếu chủ nhà đang sống độc thân mà có tình cảm với mình thì càng hay, miễn họ là người đàng hoàng...”. Hà còn khoe rằng, từ ngày nhận lời tỏ tình của “bác chủ nhà”, cô đã không còn phải lo lắng gì về vấn đề nhà trọ nữa thành ra có điều kiện để tập trung vào việc học. Qua thăm dò của chúng tôi thì tại nhiều khu trọ hiện nay cũng không hiếm trường hợp sinh viên nữ ngày đi học, tối đi “làm thêm”. Chính bởi vậy, khi chủ nhà trọ có ngỏ ý cũng được các bạn coi như một trong muôn vàn “khách hàng” vả lại đỡ lo hẳn khoản tiền thuê phòng. “Họ cần tình, mình cần tiền. Tất cả chỉ là trao đổi. Khi nào cảm thấy chán thì thôi, không có gì là ràng buộc cả...” - Hải Yến, cô sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện đang thuê trọ tại khu Mỹ Đình đã chia sẻ rất thẳng thắn với chúng tôi như vậy...

 Văn Trương - Ngôn Phi - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 220, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :