Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Lê Văn Một và những con đường thần thánh
Cậu bé Abel René từ nhỏ đã tỏ ra là một người thông minh, sáng dạ, chăm chỉ học hành. Đến tuổi trưởng thành, Abel René vào lính Hải quân Pháp. Ông đã từng làm hoa tiêu trên tàu Lamotte Picquet, một tuần dương hạm lớn nhất Đông Dương của Pháp thời bấy giờ với quân hàm thiếu úy.

Ra nước ngoài mua vũ khí về đánh Pháp
Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cuộc đời chàng trai mang hai dòng máu Pháp - Việt Abel René chuyển sang một trang mới. Không khí cách mạng đã khiến Abel René bừng tỉnh và từ đấy ông đổi tên thành Lê Văn Một (còn gọi là Út Một).
Thuyền trưởng Lê Văn MộtAnh hùng lực lượng vũ trang Lê Văn Một là người thuyền trưởng đầu tiên của con tàu “không số” trên Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển năm xưa. Ông có tên Pháp là Abel René, là con thứ 11 trong một gia đình trí thức dòng dõi Pháp. Thân phụ ông là cụ Auguste Lê Văn Giỏi, từng là Đốc học Mỹ Tho, Tiền Giang và thân mẫu là bà Trần Thị Lang. Thưở thiếu thời, ông được gia đình cho học tại Trường tiểu học Mỹ Tho, Trường Lê Bá Cang - Sài Gòn, sau đó ra học trường Quốc học Huế rồi ra Hà Nội học ở Trường Thăng Long. Được sinh trưởng trong gia đình có Pháp tịch giàu có và khi lớn lên ông được hấp thu một nền giáo dục Tây học hoàn chỉnh.
Hơn một năm, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 12/1946, cả dân tộc ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh. Trong khi lực lượng vũ trang Nam Bộ “thuốc súng kém, chân đi không” làm sao có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ở hoàn cảnh ấy, cấp trên đành phải chấp nhận để họ lùi dần về Đồng Tháp Mười và rừng U Minh, chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ.
Xứ ủy Nam Kỳ đã nhận định, phải có súng mới đánh Pháp được. Thời kỳ tầm vông, giáo mác trên vai giờ đã qua. Không thể lấy khí thế, lòng nhiệt tình ra mà đánh Pháp. Đấy cũng là lúc cấp trên chỉ đạo thành lập “Ban sưu tầm vũ khí” từ nước ngoài gửi về. Lê Văn Một và 12 người nữa được vị lão thành cách mạng Dương Quang Đông chọn vào lực lượng vận tải vũ khí, lên đường sang Băng Cốc (Thái Lan) để tìm mua vũ khí và tổ chức vận chuyển về theo con đường xuyên Tây từ Thái Lan về Nam Việt Nam bằng ghe, thuyền.
Khi ấy, Lê Văn Một được cấp trên giao trọng trách mang theo 25 kg vàng, kỳ tích “Tuần lễ vàng” của nhân dân ta quyên góp để mua vũ khí chống lại giặc Pháp. Số vàng ấy, được bỏ trong ruột tượng và coi như là “vật bất ly thân” để đem sang Thái Lan đổi lấy vũ khí. Rất may, lúc này ở Thái Lan có nhiều Việt kiều, dù phải sống xa Tổ quốc nhưng họ luôn hướng về quê hương và sẵn sàng phục vụ sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Bà con Việt Kiều đã giúp đỡ Lê Văn Một trong việc mua bán và cất giấu vũ khí để chờ ngày chuyển về nước. Ông đã tìm cách tổ chức “con đường xuyên Tây” để đưa vũ khí về. Đến biên giới Kô Kông, một tỉnh miền núi Campuchia, giáp Thái Lan, có nhiều người dân Thái sinh sống, Lê Văn Một đã ở nhờ nhà một gia đình người Thái tốt bụng là ông bà Bượn Khiểu Cachi. Gia đình người Việt kiều này rất quý mến chàng thanh niên Lê Văn Một vì: “thương Út Một còn hơn con trong nhà. Nó xa cha mẹ, rời quê hương lo việc nước”. Cũng từ đây Út Một đem lòng yêu mến cô con gái tuổi đôi mươi của ông bà, cô La O Khiểu Cachi, rồi sau đấy kết hôn với người con gái Thái vào năm 1950,...
Vậy là, nhà của Út Một và La O Khiểu Cachi mặc nhiên trở thành trạm liên lạc quan trọng của “con đường xuyên Tây”. Tiếp đến một trạm liên lạc khác được đặt ở Mai Ruột, tỉnh cực Nam Thái Lan, do một người quê ở Cà Mau phụ trách.
Với 10 chiếc xe bò kéo, 10 con voi và 70 người, vận chuyển bằng đường bộ từ Thái Lan qua Campuchia về nước. Voi mang 200 kg, bò và người 50 kg, cứ men theo chân núi Tà Lơn trên đất Campuchia mà tiến. Súng theo voi, đạn đeo lưng người cưỡi bò, cứ thế sau 16 ngày đêm vượt núi, băng sông, luôn bị quân địch rình rập, nhưng cuối cùng chuyến hàng vũ khí đầu tiên do Lê Văn Một tổ chức cũng đã về đến đích vào tháng 1/1948, mặc dù trong chuyến đi này có 11 người đã hi sinh và mất tích...
Và tiếp tục đánh Mỹ
Chuyến đi đầu tiên, dù có phải hi sinh về người, nhưng vẫn được cấp trên đánh giá là thắng lợi. Điều chủ yếu là vừa thiệt hại về người, con đường trên bộ mang lại hiệu quả chưa thật cao, nên Lê Văn Một đã nghĩ ra cách vận chuyển bằng đường biển. Khi ấy, Lê Văn Một được cử làm thuyền trưởng và Bông Văn Dĩa làm chính trị viên trên các con tàu “Độc Lập”, “Toàn Thắng”, “Sông Lô” với trọng tải lớn hơn hẳn so với việc vận chuyển bằng bò và voi trên bộ. Tuy nhiên, vận chuyển đường biển dù mang được nhiều hàng hơn, nhưng cũng gian nan không kém. Khi thì địch đánh phá ngăn chặn, lúc lại gặp sóng to, gió lớn, rồi bị mắc cạn, bị bọn địch bắt, và nhiều đồng chí đã phải hi sinh.
Có lần đoàn vận tải gặp gió lớn trên Vịnh Thái Lan, cả đoàn phải ghé vào đảo Phú Quốc và phải mất gần một tháng trời nằm tại đây. Đói. Mọi người phải đào củ mài, chuối rừng ăn trừ bữa. Cứ như vậy, suốt nhiều năm liền, từ Vịnh Thái Lan về Việt Nam, trên “con đường xuyên Tây” này, đoàn đã vận chuyển được hàng trăm tấn vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam chiến đấu chống thực dân Pháp. Những chiến công thầm lặng đó đã góp không chỉ có ý nghĩa trước mắt, mà nó đã mở ra ý tưởng vĩ đại con đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này.
Từ đầu những năm 60 thế kỉ trước, với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam từ sau cuộc Đồng khởi Bến Tre, nhu cầu tiếp viện vũ khí cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn. Cùng với con đường Trường Sơn đang hình thành, thì con đường vận chuyển chiến lược trên biển cũng bắt đầu được quan tâm, triển khai từng bước. Bắt đầu từ cuối năm 1961- 1962, những chiếc ghe thuyền bằng gỗ của các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa, Trà Vinh,... trong đó thuyền gỗ Cà Mau do Bông Văn Dĩa phụ trách, đã lần đầu tiên cặp cảng Hải Phòng an toàn. Vậy là con đường vận chuyển trên biển Đông hoàn toàn có thế “đưa được vũ khí vào miền Nam”.
Người thuyền trưởng năm xưa Lê Văn Một khi ấy đang tập kết ngoài Bắc, làm Cảng trưởng cảng Cẩm Phả, được điều chuyển về Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125, quân chủng Hải quân để sẵn sàng làm nhiệm vụ đặc biệt này. “Con tàu không số” bắt đầu được hình thành từ đây.
Một sự trùng lặp ngẫu nhiên thật sự thú vị là “cặp bài trùng”, Lê Văn Một, Thuyền trưởng và Bông Văn Dĩa, Chính trị viên, là những đồng chí và người bạn tâm giao thưở nào, giờ lại cùng chung nhiệm vụ mới chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Đã từng sống với nhau nhiều năm tháng gian lao lênh đênh trên “con đường xuyên Tây” thời chống Pháp, mọi tính nết, tài năng và đức độ, hai người quá hiểu nhau, nên bây giờ cùng chung tay chèo lái “con tàu không số” đầu tiên vượt biển Đông mở đường Nam tiến tiếp viện vũ khí vào miền Nam đánh Mỹ là điều kiện vô cùng thuận lợi.
Trong nhật ký của mình, Thuyền trưởng Lê Văn Một viết: “...Chính mình cùng đồng chí Dĩa công tác với nhau lâu nhất từ năm 1947 trong Bộ đội Hải ngoại Cửu Long. Chính đồng chí là người giới thiệu mình vào Đảng đầu năm 1948 và mấy năm sau cùng làm chung công tác vận tải Thái Lan về Nam Bộ, chỉ trừ thời gian hòa bình, đồng chí ở lại trong ấy, mình tập kết ra Bắc mới xa nhau...” .
Vậy là vào đúng ngày 11/10/1961, tại Bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng, con tàu gỗ mang tên “Phương Đông I” lặng lẽ nhổ neo hướng về miền Nam ruột thịt mang theo 30 tấn vũ khí. Và có lẽ quan trọng hơn là mang theo cả tình thương, niềm tin của Đảng, Bác Hồ và của nhân dân miền Bắc tới đồng bào miền Nam. Sự thành công của chuyến đi, một lần nữa hai người chỉ huy Lê Văn Một - Bông Văn Dĩa lại ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.

 Anh Minh - Bản tin số 258
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   |