Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Học để sáng tạo
Tôi vừa được hầu chuyện mấy cụ túc nho. Thú vị biết bao, khi tôi hỏi điều gì, các cụ đều dùng cụm từ Hán ngữ hoặc chữ Nôm để giải thích, mang tính hướng dẫn rất cao. Ví như: “Nhất tự vị sư, bán tự vi sư”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Hữu phúc khán tử tôn”... Chiêm ngưỡng học vấn uyên thâm của các cụ, tôi cứ mong mình có được điều ầy dù đã khẳng định chẳng bao giờ có được.

Một cụ nói: “Chúng tôi chỉ là học thụ động, lại nặng về giao tiếp, ứng xử, nhẹ về khoa học, công nghệ, nên kém sáng tạo. Cuộc sống có tiến lên được là nhờ sáng tạo. Nhìn lịch sử thì rõ, từ khi người Anh phát minh ra máy hơi nước tới nay, mới ba bốn thế kỉ mà cuộc sống tiến gấp hàng vạn lần so với trước đó. Tuổi trẻ bây giờ đừng có học theo kiểu chúng tôi đã học, đừng có mơ những điều chúng tôi đã có. Cần phải sáng tạo”.
Một cụ tiếp lời: “Phải đấy. Ngay ở bên Tàu, cái gốc tạo nên sự thâm nho, nhưng người ta vẫn coi đó chưa phải là điều cần. Điều họ cần là sự sáng tạo”. Cụ minh họa bằng chính lời của nhà văn Trung Quốc Khương Khâm Phong: “Xưa nay, Trung Quốc xuất hiện khá nhiều thần đồng, kiểu 4 tuổi đã đọc được 350 số lẻ của số pi, 5 tuổi đã nhớ hàng nghìn bài thơ Đường, 11 tuổi đã thuộc “Tân Hoa từ điển”...Song, tất cả chỉ là chút hư vinh đáng thương hại của các vị gia trưởng. Nên nhớ, sức cạnh tranh của nhân tài là ở năng lực sáng tạo, chứ không ở tài học thuộc lòng. Dù ai đó có thuộc cả “Đại Anh bách khoa từ điển”, cũng không thể nghĩ ra được“Thuyết tương đối” như Albert Einstein. Nhà văn Khương Khâm Phong kể thêm: “Trong thế chiến thứ hai, Einstein bị Đức quốc xã bức hại, buộc phải di cư sang Mỹ. Một nhà báo có mặt trong số đông người đón Einstein tại sân bay hỏi vui ông về một con số của một công thức vật lí. Ông đáp gọn: “Tôi không nhớ”. Khó tin quá, bởi con số ấy không ít người ngoài ngành vật lí cũng biết. Phải chăng, do nó quá đơn giản, nên không đáng trả lời? Về sau, có người nhắc lại câu hỏi, Einstein nói: “Quả thực tôi không nhớ con số cũ, đầu óc cứ dõi tìm con số mới”.
“Rõ là người tài giỏi nhất là người sáng tạo nhất” - một cụ tổng kết. Một cụ nữa gật đầu, thêm lời bàn: “Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc giỏi nho học lắm, đã truyền lại chữ nghĩa cho Bác Hồ. Hẳn Bác quý vốn học vấn ấy lắm, nhưng xét ra vẫn chưa đủ, phải được bồi bổ thêm Tây học nữa, có vậy mới đủ sức sáng tạo. Quả đúng thế, Bác đã học ở Cách mạng Pháp về “Công bằng, Bình đẳng, Tự do, Bác ái”, học ở Cách mạng Mỹ coi “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc” nên mới tạo nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và thành công trong cả ba việc lớn “Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.
Nghe các cụ chuyện trò, tôi cứ nghĩ mình đang được dự một cuộc thuyết trình về lịch sử và triết học. Nhân có cụ hỏi: “Anh nhất trí với chúng tôi sáng tạo là số một chứ, hãy minh họa vài điều?”. May sao, tôi vừa đọc tài liệu của Liên Hợp quốc nêu mục tiêu học tập ở thế kỉ XXI: “Học để biết cách học. Học để làm. Học để sáng tạo. Học để cùng chung sống”. Cũng may sao, tôi được biết, khi sang Pháp làm luận án tiến sĩ, anh Ngô Bảo Châu được giáo sư hướng dẫn nêu cho một đề tài, anh lại nêu thêm một đề tài nữa rộng lớn hơn và đã thành công. Tôi thưa lại với các cụ những điều ấy, được các cụ gật đầu và bảo: “Vô sư tri” (tri thức không có thầy).

 Dương Văn Minh - Bản tin số 260 - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   |