Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Ấn tượng dòng tranh tre
Làng Xuân Lai (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) được xem là cái nôi của nghề tre trúc. Từ lâu, người Việt đã quen sử dụng các vật dụng bằng tre trúc như: Bàn ghế, sa lông, xích đu, giá sách, tủ, mắc áo, lọ hoa, ốp tường nhà… Ngày nay, người dân làng nghề truyền thống Xuân Lai còn nổi tiếng với các sản phẩm làm bằng tre trúc như: Tranh trang trí; khắc tranh trên tre… được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, tre trúc được xem như biểu tượng khí phách của người quân tử, tượng trưng cho ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt. Cây tre là biểu tượng đặc trưng cho văn hoá nông thôn, văn hoá làng xã, là nguồn cảm hứng bất tận không chỉ cho giới văn nghệ sĩ mà còn có sức lôi cuốn kỳ diệu đối với du khách trong và ngoài nước. Làng Xuân Lai hiện có hơn 600 hộ (chiếm hơn 50% số hộ trong làng) chuyên sản xuất các vật dụng làm bằng tre trúc cung cấp cho thị trường trong - ngoài tỉnh và xuất khẩu ra các nước.
Dòng tranh dân gian này có từ hàng trăm năm nay đã và đang tiếp tục phát triển dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân tâm huyết với nghề truyền thống của ông cha. Những nghệ nhân và con cháu họ ở đây đã biết thổi hồn vào tre trúc tạo dấu ấn trong lòng du khách gần xa. Theo cụ Thiệp - nghệ nhân làng Xuân Lai: “Khoảng cuối thế kỷ XVIII, từ làng “róc mấu tre” Xuân Lai, đã chuyển sang nghề làm “tre hun khói” và tự mày mò sáng chế ra các vật dụng dùng trong sinh hoạt như: chõng tre, tràng kỷ, dát giường, nong nia, rổ, rá…”.
Sau một thời gian tự mày mò, những nghệ nhân của làng Xuân Lai đã “sáng chế” ra phương pháp để sản phẩm có nhiều màu sắc, hoa văn mới lạ. Chẳng hạn, cạo lớp vỏ xanh của thân cây tre rồi dùng rơm rạ để hun cho thân tre chuyển sang màu nâu, màu đen, sau đó chẻ ra chế biến thành các sản phẩm tuỳ theo yêu cầu của các loại đồ dùng. Với công nghệ “tre hun khói” độc nhất vô nhị này người dân Xuân Lai đã tạo ra nhiều sản phẩm mới từ cây tre mang phong cách nghệ thuật độc đáo. Để tạo được dấu ấn riêng trên mỗi sản phẩm, người dân Xuân Lai đã rất sáng tạo khi tô điểm lên đó chữ song hỷ, đôi chim bồ câu, cảnh vật thiên nhiên hay những bông hoa bằng công nghệ cạo vỏ tre, trúc rất điêu luyện. Không chỉ sáng tạo trong cách làm tranh, mọi người dân ở đây, từ già trẻ, thanh niên, phụ nữ và cả trẻ em đều được truyền dạy bí quyết nghề tre hun khói.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài tưởng chừng bị mai một, đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX làng nghề tre hun khói Xuân Lai được “đánh thức” với sản phẩm nghệ thuật độc đáo. Người được xem là đi tiên phong trong sự cách tân là nghệ nhân Lê Điệp. Với sự kết hợp tinh tế, táo bạo những hình ảnh từ tranh Đông Hồ như: Đánh ghen, Đấu vật, Đám cưới chuột, Hứng dừa, Tùng, Cúc, Trúc, Mai… đã được thể hiện trên chất liệu tự nhiên là cây tre truyền thống. Theo ông Lê Văn Xuyên, chủ cơ sở sản xuất tranh cho biết: Để hoàn thiện một bức tranh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ từ khâu chọn tre đến xử lý bằng phương pháp ngâm truyền thống mất từ 3 - 4 tháng để chống mốc, mọt và giữ được độ dẻo. Sau đó cạo vỏ cho vào lò hun để có màu nâu đen. Bước tiếp theo là pha cây, đánh bóng, ghép thành từng loại tranh theo từng loại kích cỡ, in hình lên mảnh tre rồi mới đến khắc tranh theo các mảng hình khối dựa vào độ đậm - nhạt, sáng - tối…Cuối cùng là đóng khung và hoàn thiện bức tranh.
Với hai màu đen, trắng trên chất liệu tự nhiên, những bức tranh tre mang một vẻ đẹp hoài cổ, bí ẩn thể hiện đậm nét văn hoá truyền thống của dân tộc. Hiện nay, tranh tre đã trở thành một loại sản phẩm cao cấp, có giá trị trên thị trường được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Các sản phẩm tranh tre liên tục được người dân Xuân Lai tìm tòi, sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh những dòng dân gian Đông Hồ, các bức tranh phong cảnh trữ tình, tranh thuỷ mặc (Trung Quốc), chân dung các vị lãnh tụ…cũng được các nghệ nhân khắc hoạ lên các bức tranh tre rất sinh động và ấn tượng. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các mẫu mã sản phẩm mới chỉ là yếu tố cần, muốn đủ, người Xuân Lai cần tạo dựng nên thương hiệu sản phẩm độc quyền để vươn ra thế giới. Đây cũng là uớc muốn chung của các nghệ nhân và người dân Xuân Lai.
Hiện tranh tre Xuân Lai đã và đang vươn ra thị trường các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu, các nước trong khu vực Đông Nam Á…. Sản phẩm tranh tre mỹ thuật Xuân Lai ngày càng được hoàn thiện, tinh xảo gây được ấn tượng với du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Kỷ, chủ cơ sở sản xuất tranh tha thiết đề nghị nhà nước hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ để ứng dụng trong sản xuất. Đặc biệt, các ngành hữu quan tỉnh Bắc Ninh cần xây dựng trang web giới thiệu sản phẩm bằng ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt; mở nhiều lớp tập huấn, nâng cao trình độ và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất…Đặc biệt, cần mở lớp nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp và thương mại điện tử giúp các chủ doanh nghiệp hiểu được quy trình thúc đẩy phát triển sản xuất... nhằm vươn ra thị trường thế giới.
Theo ông Hoàng Huy Tập, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh: Hiện chính quyền địa phương đang tập trung việc quy hoạch lại làng nghề cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Phấn đấu từ nay đến năm 2015, Bắc Ninh quyết tâm xóa trắng làng nghề truyền thống. Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các làng nghề; đào tạo nghề cho nông dân và phát triển nghề mới. Mặt khác, chú trọng quảng bá sản phẩm của các làng nghề truyền thống trong tỉnh, trong và ngoài nước; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm làng nghề truyền thống.

 Đài Sơn - Bản tin số 262-263 – VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   |