Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
75 năm chặng đường vẻ vang của Đảng
Xuân 2005 - Xuân Ất Dậu, Đảng ta tròn 75 tuổi. Ôn lại lịch sử của Đảng, chúng ta thấy được chặng đường đầy gian nan, thử thách nhưng cũng đầy vinh quang, chúng ta thấy được tầm vóc vĩ đại cũng như bản lĩnh của Đảng ta trong việc lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi thác gềnh, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có được những thắng lợi vẻ vang đó là nhờ Đảng ta đã không ngừng đổi mới và sáng tạo, đề ra được đường lối đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước qua từng giai đoạn cách mạng cụ thể.

Năm 1930, Đảng ta ra đời. Đó là sản phẩm, là sự kết tinh của ba nhân tố: Chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước; đó cũng chính là sự sáng tạo khoa học của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí minh, người sáng lập ra Đảng ta. Sau khi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Đảng của Liên Xô, Người nhận thấy rằng Đảng Cộng sản ra đời là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Tuy nhiên, xuất phát từ hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam, Người đã không rập khuôn máy móc, mà tìm cách vận dụng sáng tạo nguyên lý đó vào thực tiễn Việt Nam để thành lập chính đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Vì vậy, Người đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào cho cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước, kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để tạo nên tổ chức cách mạng vừa trung thành với lý tưởng cộng sản, vừa thiết tha với độc lập dân tộc, kết hợp cứu nước với cứu dân, gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, đưa cách mạng Việt Nam hội nhập với trào lưu chung của cách mạng thế giới. Sự sáng tạo đó đảm bảo cho Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức của những người cộng sản phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, vừa là đại biểu trung thành cho lợi ích của cả dân tộc Việt Nam.

Ngay sau khi ra đời, Đảng ta đã vạch ra đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của đất nước, đáp ứng được những đòi hỏi cũng như nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở tuân theo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta đã đề ra đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với hai nhiệm vụ chiến lược là chống đế quốc và chống phong kiến, nhằm thực hiện hai mục tiêu cơ bản, trực tiếp của cách mạng là “Độc lập dân tộc” và “Người cày có ruộng”. Để thực hiện hai mục tiêu cách mạng này, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có sáng tạo lớn qua từng thời kỳ cách mạng, nhất là đã nêu cao mục tiêu “Độc lập dân tộc” lên hàng đầu, tập trung mọi nỗ lực vào việc thực hiện mục tiêu đó trong phạm vi mỗi nước ở Đông Dương thời kỳ 1939-1945. Sự nhạy bén chuyển hướng chỉ đạo chiến lược này của Đảng ta và Hồ Chí Minh đã đưa cách mạng Việt Nam chuyển biến về chất, trở thành cuộc vận động giải phóng dân tộc một cách sâu rộng, tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Việt Minh, tạo nên lực lượng cách mạng to lớn, chớp thời cơ cách mạng, phát động Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, đem lại độc lập cho dân tộc, đưa nhân dân lên địa vị làm chủ xã hội, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam á; đưa Đảng ta là đảng cộng sản đầu tiên trên thế giới mới 15 tuổi lên nắm chính quyền. Điều đó chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin có thể áp dụng thành công vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa và nông nghiệp lạc hậu.

Ngay sau khi giành được chính quyền, cách mạng nước ta lại ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nạn đói, nạn dốt, giặc ngoại xâm cùng các tệ nạn của chế độ cũ hàng ngày, hàng giờ đe dọa đến sự tồn vong của nhà nước cộng hoà non trẻ. Trước nguy cơ còn mất của nền độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã sáng suốt, kịp thời đề ra những chủ trương đúng đắn, kịp thời, kết hợp kháng chiến với kiến quốc, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, từng bước phân hóa, cô lập và tiêu diệt chúng. Chính nhờ có sự sáng tạo đó mà con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua những thác gềnh hiểm nguy, bảo vệ thành công những thành quả của Cách mạng tháng Tám, bảo vệ chính quyền non trẻ, đặt nền móng vững chắc cho chế độ dân chủ cộng hoà.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong bối cảnh so sánh lực lượng giữa ta và địch chênh lệch không có lợi cho ta, Đảng đã vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm của tổ tiên và những nguyên lý về chiến tranh của chủ nghĩa Mác - Lênin để đề ra đường lối cho cuộc kháng chiến là tiến hành chiến tranh nhân dân, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc là đường lối đúng đắn trong hoàn của nước nhỏ, trang bị vũ khí lạc hậu, chống lại đội quân xâm lược nhà nghề được trang bị hiện đại. Đường lối đó hoàn toàn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp với cuộc chiến tranh chính nghĩa, phát huy được những lợi thế, khoét sâu vào những chỗ yếu của kẻ thù. Vì thế, ta càng đánh càng mạnh, ngược lại địch càng đánh càng yếu. Đường lối chiến tranh đó là cơ sở để tạo nên sức mạnh tinh thần, sức mạnh vật chất để quân, dân ta tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, tạo nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hoà bình ở ba nước Đông Dương, giải phóng một nửa nước Việt Nam. Thắng lợi đó còn là nguồn cổ vũ, động viên với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Như vậy, tư tưởng chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân là sáng tạo lớn của Đảng ta và Hồ Chí Minh, có ý nghĩa cả trong đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Khi đất nước ta bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc (1954-1975), Đảng ta đã đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai chiến lược cách mạng này kết hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau và đều nhằm vào mục đích chung là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chính nhờ có sự sáng tạo đó, Đảng đã tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, bảo đảm cho quan dân ta đánh bại giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, giành lại độc lập và thống nhất đất nước, đánh bại âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta của đế quốc Mỹ và tay sai.

Sau khi đất nước được thống nhất, Đảng ta lãnh đạo toàn đất nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với xuất phát điểm của một nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, trình độ khoa học và công nghệ còn thấp kém. Bên cạnh đó, những biến động của tình hình thế giới như hệ thống XHCN đi vào thời kỳ thoái trào, chủ nghĩa xã hội lần lượt sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư duy truyền thống gần như bế tắc… Trong bối cảnh đó, sau một quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đảng đã sáng suốt quyết định đổi mới tư duy trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo đó, Đảng chủ trương xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN, thực hiện kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN. Chủ trương đó đã huy động được các tiềm năng của đất nước, giải phóng được năng lực của nền kinh tế, của xã hội để phát triển sản xuất. Đồng thời thực hiện việc đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, hội nhập một cách chủ động với khu vực và thế giới, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển đất nước. Đường lối đổi mới của Đảng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn, đưa đất nước ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tóm lại, trải qua 75 năm qua, Đảng ta đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện thành công sứ mệnh là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Suốt trong chặng đường vẻ vang 75 năm qua, Đảng ta đã không ngừng sáng tạo, đổi mới để lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước tiến lên, giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và mang tầm thời đại. Trước mắt chúng ta  những thuận lợi và thời cơ cũng như những thách thức và nguy cơ đều rất lớn. Để tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta phải tiếp tục sáng tạo và đổi mới, phải nâng cao tầm trí tuệ để đáp ứng những đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng, của nhân dân trong thời kỳ mới. Với những gì đã có được trong suốt chặng đường 75 năm của Đảng, chúng ta tin tưởng rằng, Đảng ta sẽ lãnh đạo đất nước ta tiến lên những tầm cao mới trong thiên niên kỷ mới - thiên niên kỷ của văn minh trí tuệ./.

 NGUYỄN VĂN
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :