Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Người lái đò lặng lẽ
GS. Hà Minh Đức, đây là lần đầu tiên tôi được gặp. Dáng người tầm thước, mái tóc mềm ôm lấy khuôn mặt đầy. Diện mạo của một con người phúc hậu...

Một ngày đầu thu năm 1990, tôi cầm quyết định chuyển ngành vào nộp cho phòng Tổ chức cán bộ - Trường ĐHTHHN. Lúc ra về, tại cổng trường, tôi được GS. Lê Quang Thiêm giới thiệu hai người đang đứng nói chuyện với nhau, đó là hai giáo sư văn học: GS. Phan Cự Đệ và GS. Hà Minh Đức và được hay nhà trường bổ nhiệm GS. Hà Minh Đức làm chủ nhiệm Khoa Báo chí, nơi tôi sẽ về công tác…

GS. Phan Cự Đệ thì tôi đã gặp một đôi lần, từ những năm 1975, 1976. Đã hơn hai mươi năm gặp lại, vóc hạc của ông vẫn thế, giọng nói nhỏ nhẹ, điềm tĩnh và cuốn hút người nghe. Còn GS. Hà Minh Đức, đây là lần đầu tiên tôi được gặp. Dáng người tầm thước, mái tóc mềm ôm lấy khuôn mặt đầy. Diện mạo của một con người phúc hậu.

Thực ra, thời còn là học sinh cấp ba, thỉnh thoảng thầy giáo dạy môn Văn lại dẫn chứng một vài luận điểm lý luận văn học hoặc Văn học Việt Nam hiện đại, nào là vấn đề này GS. Hà Minh Đức nói rằng, nào là GS. Phan Cự Đệ khẳng định v.v. Một đứa học trò như tôi, sinh ra và lớn lên ở một mảnh đất tận cùng miền Tây Nghệ An, nơi mà người ta ví rằng, hễ gặp trời mưa, xoạc chân một cái thì chân này ở đất ta, chân kia ở đất Lào, làm sao có cuốn sách văn học “quý như vàng” để đọc. Chỉ sau này, khi được đọc các tập “Nhà văn Việt Nam hiện đại” do hai giáo sư cùng viết, mỗi tập dày cộp như chiếc gối bằng gỗ mà ông nội tôi vẫn thường kê đầu, thì trong tâm tưởng tôi lại càng nể trọng, kính phục.

Ấy vậy mà, sau khi đã bôn ba một vài chiến trường trong nước cũng như ở nước bạn Lào, nay tôi lại được về công tác tại một môi trường mới, nơi có hai giáo sư, hai cây đại thụ của ngành Văn học, Trường ĐHTHHN, đặc biệt lại được làm việc, sinh hoạt hàng ngày cùng GS. Hà Minh Đức.

Tôi còn nhớ như in, tài sản lớn nhất của Khoa Báo chí lúc mới thành lập đó là tờ giấy khai sinh và một phòng 24m2 trống hoác trên tầng 4 nhà A khu Thượng Đình. Ban Chủ nhiệm Khoa, ngoài GS. Hà Minh Đức, có TS. Dương Xuân Sơn, được cử làm Phó chủ nhiệm khoa, phải căng óc suy nghĩ để từng bước xây dựng, bàn thảo kế hoạch phát triển Khoa trước mắt cũng như lâu dài. Trong hoàn cảnh đất nước vừa mới chuyển mình đổi mới, mặc dù Đảng uỷ và Ban giám hiệu Nhà trường có sự quan tâm chú ý nhất định nhưng lấy đâu ra tiền, cơ sở vật chất để trang bị cùng một lúc cho Khoa? “Phải từng bước thôi, không có con đường nào hơn” - Giáo sư chủ nhiệm Khoa nói như vậy.

Cuộc họp Khoa Báo chí đầu tiên cũng là kỷ niệm khó quên. Chúng tôi ngồi xung quanh chiếc bàn gỗ dài đã quá hạn sử dụng, mặt bàn võng xuống thô ráp bởi lớp vécni đã bị bong hết. Ngoài GS. Hà Minh Đức, TS. Dương Xuân Sơn, thầy Trần Quang, có tôi, thầy Đỗ Chỉnh (từ Phòng Hành chính chuyển về), cô Hoa (Phòng Chính trị và Công tác sinh viên chuyển sang) v.v. Cuộc họp ngắn gọn nhưng thật quan trọng. Mọi người thống nhất trước mắt phải gấp rút xây dựng chương trình đào tạo để kịp năm tới mở mã ngành tuyển sinh. Công việc này giao cho TS. Dương Xuân Sơn đảm nhiệm. Thực ra chương trình đào tạo đã được anh Dương Xuân Sơn và thầy Trần Quang bàn thảo với nhau từ trước, nay tham khảo thêm một số chương trình khác để hoàn thiện, phù hợp với điều kiện ban đầu của Khoa.

Công việc quan trọng thứ hai mà GS. Hà Minh Đức quan tâm là phải có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy. Trước mắt, để đặt nền móng có tính chất quyết định cho sự phát triển lâu dài, ông chủ trương mời một số chuyên gia về các ngành gần với Báo chí như GS. Nguyễn Thiện Giáp, làm kiêm nhiệm Chủ nhiệm bộ môn Biên tập - Xuất bản, chịu trách nhiệm về nhân lực giảng dạy các môn ngôn ngữ, tiếng Việt v.v., GS. Đỗ Quang Hưng đang công tác ở Khoa Lịch sử làm chủ nhiệm kiêm nhiệm bộ môn Lịch sử Báo chí. Ông cũng yêu cầu mọi người phải tiếp tục giới thiệu những chuyên gia giỏi về lĩnh vực khoa học - nhân văn, nhưng cán bộ báo chí được đào tạo cơ bản ở nước ngoài. Chỉ vài năm sau đó, TS. Đinh Hường, TSKH. Đoàn Hương, TS. Vũ Quang Hào, PGS.TSKH Đỗ Xuân Hà hội tụ về Khoa, và ai cũng hết mình tận tụy vì sự phát triển ban đầu của một ngành học mới.

GS. Hà Minh Đức (đeo kính, ngồi giữa) với các cán bộ của Viện Văn học

GS. Hà Minh Đức cũng có mối quan tâm đặc biệt đến đội ngũ các nhà quản lý báo chí, các nhà báo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam. Giáo sư cho rằng họ chính là những người va đập nhiều với cuộc sống, tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong hoạt động báo chí. Nếu họ cộng tác với Khoa thì sẽ có nguồn nhân lực dồi dào. Hàng loạt nhà báo đã trở thành cộng tác viên tích cực, tham gia đào tạo, nói chuyện thời sự, các vấn đề về báo chí cho sinh viên như: nhà báo Đỗ Phượng, Trương Đức Anh (Thông tấn xã); Lê Thị Quý (Báo Phụ nữ Thủ đô), Trần Công Mân (Báo Quân đội Nhân dân); Hồ Xuân Sơn (Báo Hà Nội mới); Đào Quang Thép (Đài truyền hình Hà Nội); Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh (Báo Văn nghệ); Nguyễn Đình Lương, Hoàng Trọng Đan (Đài Tiếng nói Việt Nam); Quang Đạm, Hoàng Tùng, Lê Bá Thuyên, Đỗ Quảng (Báo Nhân dân) v.v...

Như có mối nhân duyên, tôi và GS. Hà Minh Đức, hai thế hệ, hai môi trường công tác khác nhau nay gặp nhau, có nhiều dịp gần nhau. Nhớ mãi những ngày đầu xây dựng Khoa, hai thầy trò cũng đi xe đạp trên con đường Nguyễn Trãi - Tây Sơn. Tôi gập mình trên chiếc xe Thống nhất màu đỏ đã cũ kỹ. Thầy đi chiếc xe đạp Phượng hoàng xích hộp màu đen, đầu đội chiếc mũ cối sản xuất trong nước, trông giống thủ trưởng chính trị sư đoàn hơn là một giáo sư khoa học. Sau này nhắc lại, thầy thành thật: “Thế mà tôi đi tã tới hai cái xe Phượng hoàng đấy anh ạ!”. Thời gian sau, tôi may mắn có chiếc xe máy đời 81, kim vàng giọt lệ, giảm xóc ba tầng. Thế là hai thầy trò lại rong ruổi trên đường. Bao chuyện cuộc đời, hoài niệm về quá khứ đã qua, hay hiện tại theo dòng chảy thông tin thời hiện đại, thầy kể cho tôi nghe như một lời nhắc lại cho chính mình và cũng như nhắc nhẹ cho thế hệ sau để hiểu, để biết ơn hơn, hợp với lẽ đời, với tâm linh người Việt. Tuy nhiên, thầy cũng luôn trăn trở, tìm mọi điều kiện cho sự phát triển Khoa. Tôi còn nhớ, lần nhà báo Hồ Tiến Nghị, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam vào thăm và tặng Khoa chiếc máy chữ đã cũ. Nó như một thiết bị khoa học công nghệ nổi bật giữa những thứ khác còn rất thô sơ và giản dị. Rồi những chiếc máy ảnh đầu tiên, máy quay truyền hình đời M3000, M9000 lộ rõ hình hài của một phòng máy quay và sau này phát triển thành Trung tâm Nghiệp vụ Truyền hình. Thầy kiên trì đặt mối quan hệ với các tổ chức trong nước và nước ngoài để tìm kiếm tài trợ nghiên cứu khoa học. Đề tài “Nghiên cứu lịch sử báo chí TOYOTA” (Nhật Bản) tiếp sau là đề tài “Báo chí với vấn đề Dân số Kế hoạch hoá gia đình” của Uỷ ban Dân số Kế hoạch hoá gia đình, và ngay sau đó một thời gian ngắn, các công trình nghiên cứu tập thể của Khoa như “Báo chí - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” (tập 1), “Hồi ký báo chí”, “Báo chí với vấn đề dân số kế hoạch hoá gia đình” ra đời, đã bắt đầu đặt một dấu ấn, một địa chỉ đào tạo báo chí tin cậy trong đời sống xã hội, hay nói một cách khác “một thương hiệu đào tạo báo chí” đang dần dần lộ rõ.

Có lẽ, những kỷ niệm sâu sắc của tôi đối với GS. Hà Minh Đức là những lần cùng ông đến thăm và làm việc với các nhà thơ, nhà văn và các nhà báo. Những lần gặp gỡ, được nghe, được thấy, tôi càng hiểu thêm cuộc sống của họ. Một lần tôi cùng ông đến thăm nhà thơ Tố Hữu, mời nhà thơ đến nói chuyện thời sự cho sinh viên. Tôi lên đường với tâm trạng háo hức pha một chút tò mò. Khi còn là học sinh, tôi rất thích thơ Tố Hữu, bởi những câu thơ của ông thật hào sảng, tự tin. Đặc biệt, thơ ông biểu hiện một tinh thần yêu nước, yêu đến da diết cháy bỏng. Thứ nữa, chuyện cây táo ông Lành đã qua, nhưng trong tâm tưởng tôi vẫn chưa hình dung nổi thực tế là nó như thế nào. Các ý nghĩ bột phát, nông nổi của một anh công chức nhỏ đã khuấy động tôi.

Con đường trải sỏi dẫn vào căn nhà Tố Hữu đi qua một mảnh vườn nhỏ. Cây cỏ lơ thơ. Một cây táo cao tầm tầm, cành xuôi lá trong gió mùa thu lao xao. Một cây táo cho quả ngọt, thanh chua, thanh chát như biết bao cây táo khác, thế mà có một thời làm xôn xao dư luận. Tôi ngước nhìn đến ngỡ ngàng trong sự tự nhiên khó tả. Bước vào phòng khách, bộ salon bằng gỗ đã ngả màu vécni, vài con muỗi vo ve quanh bộ ấm trà bằng sứ giản dị. Vài phút sau, nhà thơ xuất hiện trong bộ quần áo pizama kẻ sọc xanh. Chúng tôi đứng lên chào nhà thơ. Sau lời giới thiệu của giáo sư, nhà thơ vồn vã: “Nghe nói anh bây giờ làm Chủ nhiệm Khoa Báo chí phải không? Thế là tốt rồi. Báo chí là một ngành mới, đang phát triển, anh cố gắng để có một thế hệ làm báo hoà nhập với báo chí thế giới!…”. Câu chuyện trở nên thân mật làm cho không khí trong phòng ấm lên. Cô Thanh, vợ nhà thơ, thỉnh thoảng lại chiêu nước mời chúng tôi.

Tôi gần như không chú ý gì về nội dung cuộc trao đổi giữa giáo sư và nhà thơ Tố Hữu. Tôi ngồi ngắm đến say mê diện mạo nhà thơ và mơ màng theo những câu thơ được viết nên từ trái tim, bàn tay và trí tuệ của con người giản dị, dễ gần này. Không lâu sau, nhà thơ đã đến giảng đường 19 Lê Thánh Tông nói chuyện với tư cách là một nhà thơ, nhà báo. Giọng nhà thơ ấm, vang trong không khí tươi trẻ của hàng trăm sinh viên Khoa Báo chí tới dự. Nói chuyện làm báo, đọc thơ, trả lời các câu hỏi mà thế hệ trẻ đặt ra, nhà thơ đã truyền cho các em lòng tin yêu cuộc đời, niềm đam mê hoạt động văn hoá, báo chí của mình, của thế hệ những người đi trước đã xây dựng nền móng và sự phát triển văn hoá, báo chí nước nhà.

Lần khác, vào một buổi sáng, một ngày cuối năm, giáo sư gọi điện cho tôi để cùng với giáo sư đến thăm nhà thơ Tế Hanh. Tôi nhận lời ngay bởi lại có một cơ hội nữa được gặp một nhà thơ lớn từ thời phong trào Thơ Mới. Đã có lần, trong câu chuyện cuộc đời, ông cho tôi biết là nhà thơ Tế Hanh có đôi mắt xanh đẹp lắm, đôi mắt đã hút hồn bao nhiêu giai nhân. Tính tò mò trong tôi lại trỗi dậy, lần này đến được ngắm cửa sổ tâm hồn của ông già thơ làm ngẩn ngơ bao người yêu thơ. Nhưng điều đó đã không đến, trên đường đi, GS. Hà Minh Đức cho biết nhà thơ Tế Hanh lâm bệnh, mù cả hai mắt, hiện chỉ nằm một chỗ.

Giáo sư cẩn thận rẽ vào cửa hàng, mua mấy loại bánh ngon làm quà, rồi chúng tôi từng bước lên cầu thang nhà số 2 phố Nguyễn Thượng Hiền. Cô Yến, vợ nhà thơ ra đón chúng tôi vào nhà và ngồi cạnh giường nhà thơ đang nằm. Ông nằm ngửa, mái tóc bạc trắng chải ngược vẫn suôn đều từng sợi. Hai má tóp đi càng làm cho sống mũi như cao và gầy thêm. Riêng đôi mắt thì bị bịt kín. Nhà thơ không nói được nhiều, chỉ vài từ đứt quãng nhưng ông còn nghe được. Giáo sư ngồi cạnh, ân tình hỏi thăm sức khoẻ, nói chuyện về bạn bè của nhà thơ, về những người làm văn hoá nghệ thuật cùng thời, về phong trào sáng tác văn học trong thời đổi mới v.v. Tôi thấy hai cánh mũi nhà thơ rung rung, chắc ông cảm động lắm trước sự chu đáo của giáo sư. Chúng tôi ra về, mong nhà thơ khỏi bệnh. Trong lòng tôi trào lên một ước vọng, giá như có một phép nhiệm màu nào để tác giả “Nhớ con sông quê hương” vượt qua trọng bệnh.

Không chỉ đến với nhà thơ Tố Hữu, Tế Hanh, tôi còn vinh hạnh được GS. Hà Minh Đức dẫn đến gặp nhà thơ Huy Cận, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Trần Công Mân, nhà báo Đỗ Phượng, nhà báo Phạm Khắc Lâm v.v. Bây giờ, người còn, người đã đi xa nhưng kỷ niệm về họ vẫn luôn hiển hiện trong tôi. Các nhà văn, nhà báo này phần lớn đã đến giảng đường ĐHTHHN, nói chuyện với sinh viên Khoa Báo chí. Theo chỉ dẫn của GS. Hà Minh Đức, tôi đã ghi lại các buổi nói chuyện đó và in trong tập 1 “Báo chí - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” làm tư liệu tham khảo cho sinh viên.

GS. Hà Minh Đức đảm nhiệm công việc Chủ nhiệm Khoa Báo chí từ năm 1990 đến năm 1998 thì chuyển sang công tác quản lý ở một cơ quan nghiên cứu với một cương vị mới. Dù bận rộn nhưng thầy vẫn thường xuyên vào Khoa dự họp, thăm hỏi mọi người, lên giảng đường dạy học. Thầy tâm sự: “Trường ĐHTH là nơi tôi đã công tác gần nửa thế kỷ, nhất là Khoa Văn học rồi đến Khoa Báo chí. Cho nên, dẫu đi đâu, đến tuổi nghỉ ngơi tôi lại trở về Trường. Đó là nơi tôi xuất phát, là cội nguồn sự nghiệp”. Thầy vẫn lên lớp đều, giọng trầm ấm, vang vang và luôn cuốn hút bởi cách thể hiện nhẹ nhàng, khúc chiết. Nay thầy đã bước sang tuổi 70 nhưng vẫn lên lớp đều.

Nhưng năm gần đây, thầy đi nhiều hơn, viết nhiều hơn. Lên Lào Cai, thăm Sa Pa, vào miền Trung rồi đến với Tây Nguyên tràn nắng gió, xuôi dòng khoả chân trên sông Tiền, sông Hậu. Đôi chân chưa mỏi và bút lực dồi dào. Không chỉ viết sách chuyên đề, nghiên cứu phục vụ đào tạo mà thầy còn cho xuất bản 4 tập thơ, 4 tập ký. Những kỷ niệm, hoài niệm về cuộc đời, những cảm nhận về cuộc sống hiện tại được thầy ghi lại, thể hiện bằng những chi tiết cụ thể, sống động đầy tính nhân văn qua cách nhìn của một người trải nghiệm hoạt động xã hội. Có những câu chuyện nhỏ cách đây ba, bốn chục năm thầy vẫn còn nhớ như in, hoặc những chi tiết trong cuộc sống đời thường, thầy chú ý và khái quát hoá thành câu chuyện sống động, có ý nghĩa. Có lần tôi thốt lên: “Thầy có trí nhớ tuyệt vời!”, Thầy trả lời: “Không, phải chịu khó quan sát, chịu khó nghĩ, anh ạ! Không ai nhớ được hết, có cái nghe qua, xem qua tưởng rằng mình sẽ nhớ, nhưng qua một ngày là quên”. Thầy đưa cho tôi xem những quyển vở chi chít chữ, không theo hàng lối nào. Phải là một người chịu khó, cần mẫn mới làm được như thế.

Năm nay, thầy đã 70 xuân, một giáo sư khả kính, thầy vẫn phong độ như ngày nào. Mấy năm nay, tôi cảm thấy như thầy không già đi theo tuổi tác. Có lẽ, thầy có niềm tin vào cuộc sống, tự tin vào chính mình, tiếp tục đi, tiếp tục viết và không ngừng “nhả tơ”…!

 Phạm Đình Lân - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, tháng 12/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :