Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Mặc cả và nói thách
Ai vào chợ sắm sửa mà chẳng muốn mua cho nhanh và mua được hàng đẹp, chất lượng tốt? Điều đó thực tình cũng không khó lắm...

Nhưng muốn mua được hàng rẻ cũng chẳng dễ đâu nhé! Vì muốn mua được món hàng vừa ý mà không bị “hớ”, bạn phải có nghệ thuật làm quen với chuyện mặc cả và nói thách.

Hàng dưới đất, giá trên trời

Một tốp “nam thanh, nữ tú” quần bò, áo pul, túi da xịn “toòng teng” trên vai bước vào một quầy tạp hoá ở một chợ khá sầm uất ở trung tâm Cầu Giấy (Hà Nội). Cứ nom điệu bộ mà suy thì đích thị đây là nhóm sinh viên “mới cứng”. Họ cần mua nhiều thứ hoa quả, bánh trái cho buổi liên hoan nhân ngày 20 - 11. Và tiện thể, các cô cậu cũng muốn mua luôn mấy thứ quà lưu niệm để tặng nhau. Chả gì mấy năm nữa họ cũng đường đường mang danh là các thầy giáo, cô giáo thế hệ mới. Chà, một dịp trọng đại như vậy, cũng đáng mua sắm, cũng đáng... tiêu tiền lắm chứ!

Ríu rít, tản mát đi khắp chợ một hồi, lúc gặp lại nhau, mỗi tốp chìa ra khoe bao nhiêu thứ họ vừa dụng công sắm được. Nhưng so lại, họ tròn mắt ngạc nhiên khi thấy rằng mỗi cô cậu “rước” về một giá. Cùng một món đồ y chang, mà giá chả ai giống ai. Và khi nghe mấy bà thạo chợ xung quanh kháo nhau, họ mới tá hoả cả lũ. Không một món hàng nào họ mua lại không đắt hơn so với giá thực vài ba lần.

Tất nhiên, các sinh viên này không phải là những “cậu ấm cô chiêu” lắm tiền nhiều của, sẵn sàng ăn chơi theo kiểu công tử Bạc Liêu. Họ còn khăng khăng là mình đã rất cẩn thận, mặc cả đi mặc cả lại mấy lần. Nhưng hớ vẫn hoàn hớ. Bởi lẽ, các bà chủ sạp trong chợ đã nhìn ra chân tướng của họ: những chàng trai, cô gái ở tỉnh xa vừa đến, chưa nắm được giá các mặt hàng và mặt bằng giá cả ở chợ nơi “sở tại”, vội mua nên hấp tấp... Hàng Tây, hàng Nhật, hàng Hàn, hàng Tàu... nhiều ê chề mà nếu liếc qua, cái nào cũng đẹp, cũng “bắt mắt”. Chất lượng ư? Nếu không có kinh nghiệm, bạn cứ phải dùng cả năm mới nhận chân được giá trị. Một cái đồng hồ, giữa Tàu và Nhật, cũng có thể chênh nhau tới cả trăm ngàn đồng. Ngay cả cân nho Tàu, cô gái nọ cứ chắc mẩm là nho Mỹ nên sẵn sàng trả tới chín chục ngàn một ký, cũng đã “phá giá”, vượt ngưỡng bốn, năm chục ngàn. Học ăn, học nói, học gói, học mở thì các nàng đâu có thua kém? Nhưng học mặc cả (trả giá thêm bớt từng ít một để mong mua được rẻ) sao cho chuẩn thì họ mới chỉ bước vào giai đoạn nhập môn. Chuẩn giá trị ở chợ biến ảo khó lường. Chợ giời thật - giả lại càng không biết đâu mà lần.

Nghệ thuật mặc cả và văn hoá nói thách

Trong cuốn “Đaghestan của tôi” (NXB Tác phẩm mới, 1977), nhà văn Nga R.Gamzatov kể rằng: “... Ở các chợ phương Đông, lần nói giá đầu tiên không có nghĩa lý gì. Người bán có thể đòi 100 rúp cho thứ hàng chỉ đáng giá 5 cô-pếch”.

Có thể nói khắp mọi nơi trên thế giới, từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Kazakhstan, đến Hàn Quốc, Trung Quốc (và cả Việt Nam ta nữa chứ), đâu đâu ngoài chợ người ta cũng có thói quen nói thách (nói giá cao hơn so với giá định bán).

Nhưng nói thách xưa nay cũng có dăm bảy đường. ở nhiều nhà hàng lớn, cố định, bán hàng lâu năm, gây được uy tín và có một số lượng khách hàng cơ bản, thường người ta ít nói thách. Thậm chí họ còn niêm yết giá công khai từng ngày một. Những giá đã “đóng đinh” như vậy bạn có mặc cả “bã bọt mép” cũng vô ích. Khách mua cứ xem giá trả tiền. Nhiều người còn dừng xe ngang đường, gọi với vào. Bận quá thì mở “mô-bai” phôn một cú. Chủ quán cứ theo thực đơn mà cân, đong, đo, đếm rồi tính tiền cho khách. Tiện cả đôi đường.

Khó mua nhất là các sạp hàng tản mát, bán tạp hoá trong chợ. Họ luôn luôn đẩy giá thách lên cao so với giá thực. Bạn cứ vào chợ một lần thử xem. Trăm hàng nói thách giống nhau cả trăm. Nhưng vẫn có những ngoại lệ “chết người”. Nếu họ biết là khách lạ (ở xa mới đến), khách thuộc diện “gà công nghiệp” (không quen đi chợ, không rành hàng hoá) hoặc khách “sộp” (các đại gia lắm tiền, chơi ngông) thì họ sẵn sàng “chém đứt cổ”. Chỉ cái nhìn lơ ngơ như “bò đội nón” của bạn đủ cho họ mặt “lạnh như tiền”, hoặc cười “duyên như mộng”, rồi “hét” một cái giá “giời ơi đất hỡi” ngay. Theo các chuyên gia xã hội học, đa số các đối tượng mua kiểu này trước sau rồi cũng bị “mắc bẫy”. Vì ai cũng nghĩ rằng, nhà hàng nói thách thì cũng chỉ vượt quá một tỉ lệ phần trăm nào đó, chứ mấy ai “giá một nói mười”(!). Họ nói 100.000 đồng, mình giả 70.000 đồng họ bán thì chắc là “đẹp” rồi. Nhưng văn hoá bán mua không phải ai cũng như ai. Nhà hàng cứ hồn nhiên “chặt đẹp” thượng đế. Dù chỉ một lần cũng thẳng tay chặt (mà cũng chỉ một lần thôi, lo gì). Rõ ràng, họ không phải là những thương gia có cái tâm thực sự, nhất là trước những chàng trai, cô gái ngây thơ, chưa làm ra tiền như tốp sinh viên nọ.

Và cũng phải nói một điều này. Nhiều người mua đã vô hình tiếp tay cho việc nói thách có cơ đẩy lên cao chót vót. Trước hết là sự thiếu hiểu biết và thiếu sự cầu thị của họ. Vào chợ, chưa quan sát, chưa nhìn trước nhìn sau để định hướng, chưa chi đã “sáp vô” mua liền. Đã thế, họ còn mặc cả một cách vô tội vạ (cứ mặc cả nhiều lần chắc là được). Hoặc là trả thật rẻ đến độ khó tin. Hoặc là mặc cả ở giá cao đến mức ngay khi chợt biết là hớ vẫn phải tặc lưỡi, bấm bụng mua cho xong. Nhà hàng họ rất tinh. Tai họ vô cùng thính nhạy với cái giá vừa ý họ. Họ “nắn gân” bạn bằng một lời thách nhẹ. Bạn mà tỏ ra “sành điệu” là họ cũng chùn ngay, không tìm cách qua mặt. Đừng nghĩ là ta cứ trả rẻ như bèo trước, rồi nâng lên từ từ. Bạn cứ tưởng làm thế là ăn chắc. Thực ra, bạn chưa làm chủ được tình hình. Khi biết bạn chưa am hiểu, lại cần mua, nhà hàng lập tức khinh khỉnh: “Chị đi hàng khác đi. Cái áo ấy tôi mua vốn cũng 50.000 đồng, vậy mà chị trả có 5000 đồng. Người nom đẹp đẽ mỹ miều thế mà kém...”. Vì chút tự ái, sĩ diện, rồi vì chút yêng hùng, bạn liền trả giá vọt lên liền. Thế là bạn đã mắc bẫy rồi đấy.

Cho nên đi chợ, dù vội mấy bạn cũng phải tự trang bị cho mình một vốn liếng hiểu biết và trạng thái tâm lý cần thiết để nhập cuộc. Biết người, biết ta, bình tĩnh xem hàng và bình tĩnh định giá, bạn sẽ thực hiện được dự định mua bán của mình với giá khả dĩ nhất. Hoặc giả bạn lần đầu mới vào một chợ lạ, mua một món hàng mới, bạn hãy lùi xa, nán lại đôi chút để lắng nghe một vài bà nội chợ sành sỏi đi trước mình xem hàng trả giá. Khi họ bước đi rồi, bạn sẽ nhẹ nhàng dạo qua, đứng vào vị trí của họ mà bình tĩnh đặt giá với nụ cười tự tin và thái độ từ tốn. Thật tuyệt! Lúc đó chuẩn giá trị đã nằm trong tay bạn. “Mua được hàng sang mà về nhà lại được nàng khen rẻ. Cũng đáng “đồng tiền bát gạo” đấy chứ!

 Phạm Văn Tình - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 178, tháng 12/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :