Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Du xuân: Đầu xuân ngược núi tập thiền...
Tết Dương lịch năm nay đúng vào ngày nghỉ, vậy là ta có hơn một ngày tự do, đủ để tận hưởng những thời khắc đầu năm mát mẻ và thanh bình tại Trúc Lâm Tây Thiên...

Thiền viện nằm trên đỉnh Ngọa Vân Am, diện tích gần 3 hecta được chia thành 3 khu chính. Khu vực ngoại viện để tiếp đón khách tham quan cùng hai khu nội viện chuyên tu nằm sâu trong các sườn đồi, ẩn khuất giữa những tán thông xanh rợn ngợp. Nằm đối diện với Chính điện là dốc Cổng trời đưa lối xuống hồ Thủy Tiên trong xanh, một thắng cảnh tựa thiên nhiên sắp đặt. Vẻ đẹp lộng lẫy, hoang sơ của Thủy Tiên hồ cũng chính là một yếu tố để biết bao du khách đến thăm, dừng chân và “sắc phong” nơi đây là đệ nhất thắng cảnh chốn Tây Thiên Tự.

Dừng chân ở lối cổng vào, đăng ký và trả lời một vài câu hỏi “trắc nghiệm” mang đậm màu sắc nhà Phật, cuối cùng ta đã có thể đàng hoàng bước trên lối mòn quanh co dẫn vào nội viện ni, nơi khách tham quan không được đặt chân, thậm chí cũng không thể nhìn thấy từ khu ngoại viện. Không khí lạnh se se, âm âm một cảm giác lạ lùng, hoa nở dịu dàng hai bên lối đi, chỉ nghe thấy tiếng thông reo và thanh âm ríu rít của bầy chim “cúng trái” xa xa, dường như tất cả những âm thanh hối hả của cuộc sống đều dừng lại dưới chân đèo, tâm hồn con người trở nên thanh thản, tĩnh tại như vừa mới bước ra từ cõi bồng lai tiên cảnh.

Lần này ngược núi Tây Thiên, ta nhằm đúng dịp Thiền viện Trúc Lâm vừa mới khánh thành. Không tiêu những giờ nghỉ quý giá vào việc đuổi bướm, ngắt hoa, sáng ngắm bình minh, chiều thưởng nguyệt bên ấm trà sen, ta muốn thử nhập thiền để tự tìm lại bản ngã của chính mình. 2 giờ 45 phút sáng, ta bật dậy khi nghe tiếng đại hồng chung (chuông lớn ở chùa) rung một hồi dài báo thức. Chẳng thể nấn ná ngủ thêm dù chỉ là một phút, thật giống với quy tắc của con nhà lính. Ngày nhỏ, mỗi khi theo ông nội lên chùa, ta đều bị dọa rằng nếu đang nằm mà nghe tiếng đại hồng chung thì phải lập tức ngồi dậy ngay, nếu không kiếp sau sẽ hóa thằn lằn và phải nằm bờ bụi cả đời. Câu chuyện đậm màu sắc hoang đường của nội không hiểu sao cứ ám ảnh ta đến tận bây giờ. Điều dễ nhận thấy nhất là ta đặc biệt thính ngủ mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, dù đó là ngôi chùa ở quê hay ở phố. 3 giờ 15 phút, tất cả các thiền sinh phải có mặt ở thiền đường, dù vội mấy cũng không được chạy. Thời gian biểu đã được lập một cách chặt chẽ, giờ nào việc ấy. Hòa thượng Viện chủ đã bảo rằng đây là một trong những cách đơn giản nhất để mang lại hiệu quả trong phương pháp dạy tu thiền. Mọi học viên, ai cũng khẩn trương, nhanh nhẹn, nhưng mọi thao tác đều phải nhẹ nhàng và ý tứ.

Hít vào thở ra đếm 1, hít vào thở ra đếm 2,…, đếm đúng thứ tự đến 10 lại quay về đếm 1, nếu chưa đủ đến 10 mà đã quên hay bị suy nghĩ khác dẫn ta đi một vòng qua tận bên Tây Trúc thì bắt đầu đếm lại 1. Phương pháp ấy nghe chừng đơn giản mà lại là phương pháp cơ bản nhất để tập ngồi thiền. Nghe thì dễ vậy chứ thực sự không đơn giản chút nào. Bạn thử một lần đếm từ 1 đến 8 mà không bị một suy nghĩ nào khác len lỏi vào. Cứ như vậy, chỉ mình ta với ta, những số đếm thì ít mà tạp niệm thì nhiều hòa quyện vào cái tịch mịch của màn đêm, của núi rừng và của cả tâm tưởng. Ta từ từ nhắm mắt, những tạp niệm lắng dần, chỉ còn những số đếm cứ êm đềm hiển hiện, rồi ta chuyển dần sang trạng thái “ngủ thiền”, có đồng ý với ai đâu mà gật đầu lia lịa. Một vật gì đó chạm vào vai thật nhẹ. Thôi chết, chuẩn bị ăn Thiền bãng rồi, ta tự biết luật mà nghiêng đầu về bên trái, chìa chiếc vai phải đáng thương ra. Chát…! Không đau điếng nhưng cũng đủ khiến ta tỉnh như sáo cho đến hết buổi tọa thiền. Các cô Giám thiền không cần biết xuất gia hay tại gia, người mới hay người cũ, đã đặt chân vào thiền đường của nội viện mà cứ ngủ gục thì đều phải nếm mùi Thiền bãng. Ngay từ khi đăng ký để được tập thiền, thiền sinh đã được phổ biến một cách rõ ràng những quy định trong nội viện vì vậy không bao giờ xảy ra cảnh vì bị Thiền bãng mà thiền sinh bật dậy giao đấu với Giám thiền. Ta vừa hít thở vừa đếm, hình như một trong hai vai bị lệch mất rồi… thế mới biết để thiền được đâu phải chuyện đơn giản…

Sư thầy Từ Không, vẻ mặt quắc thước, đưa đôi mắt hiền từ nhìn khắp lượt thiền sinh, chẳng một đồ đệ nào “xuống tóc”, họ đều là những chàng trai, cô gái, những vị khách du lịch đến từ phương xa, chỉ tạm chán ngán với cái ồn ào nơi phố thị, muốn tìm lại chính mình trong cái tĩnh tịch, hư không chốn cửa thiền. Thiền không nhất thiết cứ phải ngồi một chỗ, ta cứ nghiễm nhiên mà đi, đứng, nằm, ngồi miễn là trong đầu lúc nào cũng phải tâm niệm là ta đang thiền, làm việc gì biết việc ấy, chỉ có việc ấy, đó là thiền. Sư bác Giác Nguyên đã có lần giải thích về cái lẽ người ta hay ngồi thiền. Thế ngồi là thế vừa vững vàng, tạo cho con người cảm giác tỉnh táo nhất nên dễ dàng để quan sát và rèn luyện tâm ý. Cảnh giới mà thiền sinh nào cũng muốn đạt tới đó là: đi nhẹ như gió thoảng, ngồi vững tựa chuông đồng, đứng thẳng như thân bách, nằm gọn như cánh cung… Nói đơn giản đi, thiền chính là sống trong hiện tại, phải chiêm nghiệm và sống có ích với từng phút giây đang trôi qua. Ta chợt nhớ đến câu nói của Bill Gate: “Có người sống trên đời như ngọn cỏ trên sông, họ không đi mà bị cuốn đi”. Xét về tổng quan thì giữa câu nói ấy và những gì đang diễn ra với ta có một điểm tương đồng nào đó, bởi thiền là sống đầy đủ và chủ động giữa phút giây ta đang trải qua trong đời. Hãy để quá khứ ngủ yên, bởi có những kỷ niệm vui trong quá khứ nhưng giờ nghĩ lại nó không còn vui nữa, và những hồi ức buồn sẽ khuấy động lại tâm tư vốn dĩ đang bình lặng của ta. Dù vô tình hay hữu ý, những vết thương mà người khác tạo ra cho ta đôi khi họ không còn nhớ, vậy thì ta cũng chỉ để đau có một lần, đừng day dứt để tự làm thương tổn ta thêm vài lần nữa. Quá khứ và tương lai đều là trong tâm tưởng, nói có, nói không cũng chỉ vì ta dùng suy nghĩ mà mang nó về. Chỉ có hiện tại mới tồn tại thực, ta hãy biết trân trọng và sống hết mình vì nó… Đạo thiền bảo thế, ta hãy thử nhắm mắt mà suy ngẫm…

Kẻng xã thiền điểm thảnh thơi 6 tiếng, những ngọn thông còn mờ mờ, trầm mặc trong màn sương sớm chờn vờn. Có tiếng chim ríu rít đâu đó từ vườn cây, không khí trong lành tạo cho ta cảm giác sảng khoái kỳ lạ. Được nửa tiếng tập thể dục buổi sáng trước bữa chay điểm tâm, ta thả bước tản bộ theo những bậc thang đá dọc xuống chân đồi, men theo những khoảng rừng thông được quy hoạch rất đẹp. Nếu chẳng vô tình đặt tay vào chiếc điện thoại di động đã tắt nguồn, có lẽ ta sẽ nghĩ mình đang chu du trong cảnh giới niết bàn…

Bữa sáng xong xuôi, đến giờ lao động của các thiền sinh. Ta được sư thầy giao cho một cây chổi rong để quét, gom lá thông trên lối vào nội viện trong khi những thành viên khác đi gánh nước tưới vườn cảnh hoặc vào kho chẻ củi, nhóm lò. Thời gian cứ san sát kế nhau: học thiền, ăn trưa, dọn bát đũa, nghỉ trưa, ngồi thiền, làm việc… Chỉ gần 2 ngày thôi mà ta đã trải qua tới 6 thời ngồi Thiền, mỗi thời 2 tiếng. Chân ta có cảm giác tê râm ran bởi “nội công chưa đủ thâm hậu” nhưng trong lòng lại thảnh thơi vô cùng. Hít vào thật sâu, thở ra thật nhẹ, cảm giác như tâm hồn ta đang nổi cùng mây, bay cùng gió, mang một niềm khoái lạc, lâng lâng, lan rộng khắp đỉnh Ngoạ Vân.

Gần hai ngày sống ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nhanh như một chớp mắt. Ta đã có thêm cho mình một chút hành trang để mang vào cuộc sống vốn tất bật và đa đoan chốn thị thành. Chắp tay cúi lạy sư thầy, quay đầu chào nội viện, ta thanh thản xuống núi, hoa cỏ bên lối đi vươn mơn mởn trong nắng chiều, cánh rừng thông vẫn vi vu hòa nhịp cùng gió núi. Trong lòng ta chợt ngân nga âm hưởng những câu thơ của một nhà thơ nào đó: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn, người đến chốn lao xao. Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao...”.

Tạm biệt Trúc Lâm Tây Thiên, ta nhằm hướng Hà Nội mà đi nhưng hình như tâm hồn lại ngược về phía núi…

 Minh Hòa Thượng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 179, tháng 1/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :