Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Những nỗi niềm đón Tết
Trong tâm thức của người Việt Nam, Tết không đơn giản chỉ là điểm khởi đầu cho một năm mới, nó là một khái niệm truyền thống vừa cảm tính, vừa nhân văn.

Tết là một lễ hội, là cái mốc để người Việt dù ở phương trời nào cũng tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, là dịp sum họp, đoàn viên để giảo nghiệm lại những nỗi buồn vui, những bước đi của 365 ngày đã qua từ đó mà đốt lên ánh lửa nhận đường cho một cuộc khởi hành hy vọng là may mắn và tốt đẹp trong 365 ngày sắp tới...

* Lê Nguyên Vân (tiến sĩ ở Bruhsen - Bỉ, cựu sinh viên Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN):

Đã 7 năm tôi phải đón Tết xa quê. Nhớ Tết Việt lúc mùa màng xong xuôi, khí trời sáng sủa, thời tiết dịu đi cùng những làn gió bấc se se đủ khiến lũ trẻ chúng tôi trước khi đến lớp phải lồng thêm áo len ấm. Tết ở quê người tôi thiếu những giọt nắng hanh vàng, những hạt mưa bất thình lình trong suốt, những làn gió thoảng bay qua vườn; thiếu cái lư hương, nồi bánh chưng; thiếu bà con chòm xóm; thiếu cái không khí xông nhà đầu năm và mừng tuổi cho trẻ nhỏ... Những ngày cuối năm ở một nơi rất xa quê, trong cái thời tiết không có gió bấc mà chỉ “chợt mưa chợt nắng”, tôi bỗng thấy lòng xao xuyến nghĩ về một cái gì từng là nỗi băn khoăn nghìn đời của một kiếp người - quê hương. Nhìn vào cuốn lịch đang mỏng dần trên tường, tôi nhận ra hôm nay là ngày tiễn đưa ông Táo về trời. Tôi hình dung ra bên nhà lúc này chắc mọi người đang bày mâm mứt, mâm trái cây, đốt bộ cúng bên cái cà ràng và lâm râm nhờ ông Táo tường trình cho Ngọc Hoàng những việc làm tốt trong năm của cả nhà. Nơi tôi ở không có Tết nhưng tôi vẫn nghĩ đến Tết, đến ngày xuân, vẫn băn khoăn trước cái hiển nhiên mà vô hình của bước đi ngày tháng. Trong cái tuần hoàn của thời gian có tôi đang ngồi đây rung cảm trước buổi giao mùa của cái Tết ở bên nhà và cũng là buổi giao mùa của chính đời tôi: lên tuổi 30. Trong những tháng năm xa xứ, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, có một câu hỏi mà tôi thường nghe được từ những người quen là: “Tết có về không?”. “Về” ở đây chính là về nhà, về Việt Nam, về để được chung vui, đoàn tụ... và “không về” đồng nghĩa với việc phải đón một cái Tết xa quê trong mùa đông giá lạnh của Châu Âu cùng với ngổn ngang nhớ, thương, buồn, tủi. Hình ảnh đọng lại trong tôi đặc biệt nhất trong những lần đón Tết xa nhà đó là bóng dáng một quê nhà cùng người con gái tôi yêu xa tít tận chân mây, quê nhà của những người ở lại, quê nhà của những người vì nhiều lý do khác nhau đã không kịp hay không thể trở về Việt Nam đón Tết. Hình ảnh đó mờ ảo mà rất thật, nó thường hiện ra bàng bạc, lung linh qua men rượu và nước mắt làm cháy lòng, cháy dạ giữa giá rét mùa đông... Bạn biết không, chẳng riêng tôi mà cả bạn bè tôi nữa, cứ hễ nhắc đến câu hỏi: “Tết này liệu về quê được không nhỉ?” thì ai cũng rưng rưng một nỗi niềm...

* Trần Minh (Cựu sinh viên khóa 33 Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐHKHXH&NV) đang công tác tại thành phố Giơnever, Thụy Sĩ):

Tôi cũng giống như những người Việt thuộc thế hệ thứ nhất đang sống xa quê hương khắp năm châu, vẫn thường mang cảm giác “trộn lẫn bản sắc” trong thời điểm cuối năm như thế này. Cùng với những người bản địa, người Việt cũng mở rộng tâm hồn và cửa nhà để đón lễ Giáng sinh; cũng hoa đèn, quà cáp, họp mặt chung vui với những người hàng xóm, với thế hệ con cháu (thế hệ thứ hai, thứ ba). Nhưng tự trong sâu thẳm của lòng mình vẫn còn vương mang bên cạnh cái hương vị, cái không khí, cái cung cách, cái tâm linh thiêng liêng, cái hồn phách độc đáo... của ngày Tết cổ truyền ở quê nhà. Tôi nhớ nhất mùa đông đầu tiên được đón giao thừa xa nhà tại gia đình của một người bạn cũ giữa lòng Budapest. Anh chị cùng 2 cháu nhỏ sang đây đã vài năm nhưng vì kinh tế khó khăn nên vẫn chưa một lần về Việt Nam ăn Tết. Căn hộ thuê có cửa sổ nhìn ra dòng Danube, con sông xanh với nhịp sóng Strauss đã bao lần xuất hiện trong những giấc mơ của tôi. Sau khi thắp hương cúng giao thừa theo giờ Việt Nam (bên ấy là 6 giờ chiều), chúng tôi ngồi quây quần bên ly rượu Tokaj - một loại rượu vang thượng hạng của xứ Hung để cùng nhắc lại những kỷ niệm xưa, cái hồi mà chúng tôi vẫn còn là sinh viên nội trú ở KTX Mễ Trì, được đón những cái Tết tập thể “vui nhất trong đời”. Cái thời sinh viên thật đáng nhớ, học tập vất vả nhưng chúng tôi cũng chơi và yêu hết mình. Cứ những ngày giáp Tết, trước khi bắt tàu về quê, bao giờ tôi cũng rong ruổi khắp các con phố Hà Nội để tìm cho bằng được món quà ưng ý tặng cho người con gái tôi yêu... Chúng tôi say sưa kể chuyện và cùng tưởng tượng về thời khắc năm mới ở quê nhà. Không biết có phải vì men rượu quá đậm đà hay vì nỗi nhớ quê nhà bỗng ập về da diết mà đêm hôm đó tôi có cảm giác sương mù trên dòng Danube bỗng nhiên dày hơn, đẹp hơn và thật buồn. Anh bạn tôi bảo: “Giờ này, chỉ tụi mình là có Tết, quanh đây thiên hạ có biết gì đâu!”...

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Việt xa xứ được tạo điều kiện để về Việt Nam ăn Tết và câu hỏi: “Tết có về không?” đang dần trở thành lời hẹn ước sẽ gặp lại tại quê nhà. Riêng tôi luôn cầu mong một ngày nào đó, tất cả bạn bè tôi, những người đã, đang hoặc sẽ phải đón Tết xa nhà sẽ có một mùa xuân đoàn tụ. Khi đó, quê nhà và niềm hạnh phúc của ngày trở lại sẽ không chỉ tồn tại trong lung linh sương khói mà sẽ là một quê nhà rất thực với những niềm vui trông thấy được như sắc hoa đào, hoa mai đang nở rộ giữa sắc nắng xuân Việt Nam những ngày đầu xuân Đinh Hợi này...

 Sơn Vân (ghi) - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :