Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Ngày xuân chuyện nhà giáo với ngôi nhà
Mơ ước ngôi nhà là mơ ước của một đời người. An cư thì mới lạc nghiệp. Nghề thầy giáo là nghề trí thức, nhưng thầy giáo lại là trí thức nghèo, xưa nay vốn thanh bạch, mơ ước có ngôi nhà với thầy thật xa vời...

Vào dịp 20 tháng 11 năm ngoái, một nhà báo trong giới kiến trúc có phỏng vấn tôi về chủ đề: “Thầy giáo với ngôi nhà của mình”, tôi có trả lời là khó nói lắm vì hai lẽ, thứ nhất thầy cũng là một thành viên của cộng đồng xã hội như những “bà con” khác; thứ hai là cuộc sống của thầy hiện nay cũng chưa dư giả, nên chuyện nhà cửa cũng vị tất đã có nét gì riêng tư. Nhưng rồi nghĩ lại thì thấy cũng có đấy...

Tôi nhớ lúc nhỏ thấy thầy đồ ngồi dạy học cho lũ trẻ nhỏ trong căn nhà tre đơn sơ đón gió. Có bức tranh dân gian vẽ cảnh thầy dạy học: thầy ngồi trên phản, xung quanh 3 - 4 đưa trẻ tóc trái đào nằm khom lưng tập viết, ngoài hiên nhà có bóng một đứa khác thập thò nhìn vào. Một nét văn hoá Việt Nam rất tiêu biểu. Tôi đã xui một bạn tôi mua bức tranh đó đem qua Pháp tặng cho Khoa Việt Nam học ở Đại học Paris 7. Người ta đem treo ở trước lớp, ai cũng trầm trồ khen hay. Ngôi nhà của ông thầy đồ xưa gắn với phong cảnh thôn quê, mà thôn quê ta thuở ấy thì nghèo lắm, toàn nhà tranh, nhà đất. Mà thầy thì mấy khi được ngồi ở nhà mình. Người khá giả mời thầy về nhà dạy học cho con, nuôi cơm thầy:

“Thầy giáo tôi khi tới buổi đầu,

Một hòm sách cũ tấm màn nâu,

Đôi câu liễn giấy long hồ điệp,

Nhán nhấm dài theo nét mực Tàu.”

(Yến Lan)

Trong cái cảnh nghèo khó ấy, dù ở căn nhà nghèo hay đi “ngồi học” mướn, ông thầy dạy chữ vẫn gắng tìm cho mình một sự thanh thản, ở một góc nhỏ có không gian để đọc sách. Tôi nhớ một nhà nho có câu thơ chữ Hán:

“Dạ đăng ảnh chiếu thanh lê các,

Triêu húc quang lung mục túc bàn”

Đại ý là: ánh đèn đêm (thì) chiếu vào cái gác (của thầy) ngồi đọc sách - ánh sáng ban mai (thì) rọi vào mâm cơm rau ráng (của thầy).

Nhớ đến Bác Hồ, vốn xuất thân trong một gia đình Nho học, lại đã có lúc làm thầy giáo, Người có cái cốt cách giản dị, lão thực trong đời sống. Thơ Tố Hữu đã tả ngôi nhà Bác chọn ở như gợi ra một hình ảnh về kiến trúc nông thôn Việt Nam:

“Nhà gỗ đơn sơ một góc vườn,

Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi hương,

Giường mây, chiếu cói đơn chăn gối,

Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn”.

Xem như thế, phong thái giản dị là đặc trưng văn hoá tinh thần của tầng lớp trí thức bình dân xưa. Giản dị và gần dân, gần đời là một triết lý. Và triết lý ấy đã hiện hữu trong ý niệm về một ngôi nhà trong đó coi tinh thần và trí tuệ sáng hơn cả cái giá trị vật chất. Phải chăng về mặt tâm lý đó cũng là một niềm an ủi đối với người thầy.

Nhà tập thể (ảnh: Bùi Tuấn)

Từ khi có công cuộc đổi mới, đất nước ta đã thay da đổi thịt, mà nhà cửa là một hình ảnh tiêu biểu. Trong vô số những ngôi nhà mới mọc lên từ thành thị đến thôn quê, những miền biên ải…, tôi không biết trong số ấy đã có bao nhiêu những ngôi nhà của ông thầy giáo đời nay. Đã qua rồi cái cảnh nghèo nàn trì trệ:

“Con đường hàng tỉnh tôi đi,

Mấy chục năm ấy có gì đổi thay,

Vẫn nhà mái lá rào vây,

Bên đường vẫn đứng dãy cây xà cừ.

Cái ông lão dưới ruộng bừa,

Là con ông lão ngày xưa đi cày”.

Cuộc sống vật chất của người thầy giáo thực ra chưa phải đã dư giả, có những thay đổi lớn lao, nhưng trong cái mặt bằng chung của xã hội ta hôm nay thì nhà của các thầy đã có bề được cải thiện.

Chỉ nói riêng ở Đại học Quốc gia Hà Nội của ta thôi. Tôi thường đến thăm mấy chốn xưa: Lò Đúc, Mễ Trì, Thanh Xuân, Kim Giang… những khu tập thể nghèo khó, tiêu điều xưa đã dần dần nhường chỗ cho cảnh quan mới. Hoành tráng thì chưa, nhưng đã khởi sắc nhiều lắm. Các bạn tôi, các thầy cô chưa có được những biệt thự như đại gia, nhưng đa phần đã có được căn hộ khang trang hoặc những ngôi nhà tầng xây sáng sủa, cao ráo… lại có người nhà có vườn tược hoặc khuôn viên nhỏ thoáng đãng. Tôi nhận ra ngay cái cốt cách nhà của người thầy giáo, ai cũng khiêm nhường, không có ý phô trương, hình thức để khẳng định. Mỗi ngôi nhà, dù chật, dù nhỏ cũng có một chỗ tiếp khách xinh xắn, giản dị nhưng với tấm lòng rộng mở. Tôi khó tìm thấy những đồ đạc ồn ào khoe mẽ, những vật trang trí “hầm hố”, trái lại thấy cái gì cũng nhỏ, cũng xinh và có chất trí tuệ. Tôi để ý thì thấy trong 10 nhà, thì 8 - 9 nhà thầy giáo đều cố gắng tạo cho mình một không gian làm việc riêng tư. Thư phòng, nơi sách vở của các thầy vẫn là ưu tiên số một, rất đơn giản nhưng có cá tính, mỗi phòng riêng, hay mỗi góc riêng đều có tủ sách, giá sách, nơi thì bề bộn, nơi thì gọn ghẽ, với những chủ điểm khác nhau, dù là thầy dạy Toán, Lý thì trên giá vẫn có những cuốn sách văn chương, văn hoá, đời sống. Nơi thầy ngồi viết, chấm bài, soạn bài bao giờ cũng sạch sẽ, yên ả, hướng tới một cửa sổ, một hành lang sáng sủa hoặc đầy nắng, gần đó có một bàn bé hơn với bình hoa nhỏ hay bộ ấm chén pha trà. Cái không gian này rõ ràng là ít chất hiện đại, nhưng cái hơi cô cổ ấy lại là phù hợp hơn với tính cách trang nghiêm của nghề dạy học. Tất nhiên thời hiện đại nhiều thầy đã có “túi đàn cặp sách”: một chiếc radio hay một máy nghe nhạc, đôi khi là cây ghi-ta treo trên tường. Có thầy để cả một tấm giường đơn ngay trong thư phòng, nhưng tôi gần như không thấy ai để máy thu hình nơi làm việc cả.

Một bạn tôi, cũng là giáo viên, hay xem tạp chí Nhà đẹp đã nhận xét vui với tôi: “Tạp chí này sang trọng quá! Quyền quý quá! Khác với nhà thầy giáo chúng mình. Nó trình diễn kiểu cách nhiều hơn chú ý đến những vẻ đẹp của đời thường. Tôi ít khi thấy số báo nào đăng ảnh những ngôi nhà đẹp trong đó có những căn phòng là thư viện ngổn ngang sách, báo những nơi chủ nhân làm việc văn hoá, khoa học tại gia, với các đồ đạc của thư phòng. Phần lớn ảnh chụp mới chú ý nơi tiếp khách, không gian trang trí, thư giãn và tĩnh lặng, khá vắng bóng con người… Kiến trúc như còn cô đơn!”. Tôi giật mình bởi nhận xét đó nhưng cảm thấy chia sẻ với người bạn.

Sau hơn bốn mươi năm đi dạy học, giờ đây gia đình tôi cũng đã có một chỗ ở khang trang trong một ngôi nhà ưng ý và tôi tự hào vì nó. Cuộc đời tôi, từ khi còn trẻ đến lúc đã hai thứ tóc, trong tâm thức tôi luôn ám ảnh bởi câu Kiều: “Bằng nay bốn biển không nhà” rồi lại đến câu thơ Tản Đà: “Quê hương thời có, cửa nhà thời không”. Bởi vì đời tôi đã có cả một thời đi ở nhờ dài tới... 23 năm trong cái cảnh gọi là “ngục”.

Nhớ một ngày trời mưa, tôi ngồi soạn bài dưới một mái giấy dầu cơi nới con con trước hiên nhà quây bằng cót ép. Mẹ tôi đến đằng sau tôi lúc nào. Bà đứng nhìn mưa rồi bất giác bảo tôi: “Bố cháu nhìn kìa, cảnh nhà mình có khác gì cụ Nguyễn Du viết trong Kiều:

“Nhà tranh vách đất tả tơi,

Lau treo rèm nát trúc cài phên thưa,

Một sân đất cỏ dầm mưa,

Càng ngao ngán nỗi càng ngơ ngẩn lòng”.

Tôi giật mình nhìn ra thì thấy cái cảnh nhà mưa đúng như vậy. Tôi phục lăn cảm nhận của mẹ tôi và tôi thấy xúc động không nói nên lời.

Ao ước có một chỗ ở đã khó như thế huống gì mơ đến một ngôi nhà. Không an cư làm sao nghĩ đến lạc nghiệp.

Rồi thời thế cũng đổi thay. Cái thang giá trị của xã hội nước ta đã có thêm nhiều bậc mới. Luồng gió mới đã thổi cái ước mơ viển vông thuở nào của tôi thành hiện thực. Muốn làm nhà đầu tiên phải có chốn để làm nhà, tức là có đất.

Đầu thập kỷ chín mươi, sau một chuyến đi làm chuyên gia, tôi cũng có được một số tiền. Cũng chưa biết làm gì cụ thể để tiết kiệm hoặc sinh lợi thì một hôm có anh nghiên cứu sinh của tôi bỗng hỏi: “Thầy có còn tiền không? Có muốn mua đất làm nhà không?”. Hai tiếng “làm nhà” thôi thúc khiến tôi hăm hở theo anh đến một mảnh đất ven đô, cuối một con hẻm. Cảnh xóm nghèo thôn quê khiến tôi ái ngại. Nhà cửa thưa thớt bên mấy dãy ao bèo, đường sá lầy lội. Nhưng riêng cái mảnh đất thì có làm tôi chú ý. Nó có cái thế khá đẹp: nhìn về hướng Nam, diện tích khoảng 130 mét vuông, một bề quay ra mặt đường dài đến mười mét, mặt kia sâu 13 mét nằm giữa hai con ngõ nhỏ, tách biệt và vuông vắn và còn... nở hậu. Người học trò động viên tôi: “Mấy năm nữa đô thị hoá đến đây, chắc đất này sẽ đẹp lắm. Hiềm một nỗi, em nghèo không đủ tiền nên giới thiệu và hy vọng thầy có khá hơn sẽ mua được”. Tôi tin anh và nhận lời. Có trong tay mảnh đất tôi bắt đầu mơ đến ngôi nhà. Nhưng tiền thì chưa có và ai đến xem đất cũng chê là xa quá và quê mùa, hiu quạnh. Tôi cũng ngậm ngùi chờ đợi nhưng an ủi là đã có riêng một mảnh đất.

Bảy năm sau, mảnh đất của tôi lọt vào giữa một khu đô thị mới. Dân nhập cư kéo đến làm nhà san sát, đủ kiểu. Con hẻm chạy qua nhà tôi đã trở thành một phố nhỏ với cái tên đáng yêu là Cự Lộc. Tôi nghĩ đến việc làm nhà. Nhiều người khuyên tôi là bây giờ có rất nhiều nhà đẹp nên bắt chước, mang cái máy ảnh đi chụp các nhà mới, cái nào đẹp và ưng thì cứ thế làm theo. Cũng có thể chụp những bộ phận độc đáo của các nhà đẹp rồi đem về chọn ghép mà mô phỏng. Tôi phân vân nhiều. Tôi đã có dịp qua nhiều miền đất lạ, thấy bao nhiêu nhà dân, trang nhã, đơn giản và lịch sự mà không cái nào lặp lại bất cứ cái nào. Ngay ở ta thôi, nhà xinh mỗi cái cũng một vẻ. Cái đẹp phải nằm trong hệ thống và có cá tính. Vậy thì kiến trúc nhà tôi không thể là bắt chước hoặc mô phỏng. Một ngôi nhà nhất thiết phải được thiết kế theo nhu cầu riêng và phải sáng tạo.

Giờ đây gia đình tôi đã có một ngôi nhà ưng ý, ngôi nhà xinh xắn, theo tư duy hiện đại, nghiêm trang, nhưng thích dụng và giá thành xây dựng phải chăng. Tôi có được nơi đọc sách và làm việc như mong muốn. Đó cũng chính là cuộc sống mới đã dành cho tôi, một thầy giáo.

Nhưng cũng chưa hết. Để có ngôi nhà đẹp còn là cả một cuộc “đấu tranh” giữa kiến trúc sư và gia chủ trong suốt quá trình thiết kế và thi công. Tôi đã hiểu và học được nhiều từ điều này. Kiến trúc sư luôn luôn muốn mang lại những điều tốt đẹp cho đối tác, nhưng vị tất các chủ nhà đã hiểu và quý mến được sự tốt bụng ấy. Trong nhiều trường hợp kiến trúc sư đã phải vừa giảng, vừa thuyết phục vừa vận động người ta mới hiểu ra ý đồ, thậm chí khi xong ngôi nhà và phải ở một thời gian rồi mới hiểu hết cái ý. Vì vậy nếu thiếu tinh thần đối thoại từ cả hai phía thì khó lắm. Một điều tôi học được nữa là tính khiêm nhường và nhất quán trong phong cách. Làm xong cái nhà, không phải ta cứ mua và khênh về những thiết bị nhiều tiền là nhà mình tự nhiên thành sang trọng. Làm nhà xong, kiến trúc sư đã tư vấn tôi một số đồ nội thất, riêng bộ ghế mây cho phòng khách cả thảy chỉ hết có... hai triệu đồng, nhưng mấy năm rồi, tôi vẫn cảm thấy nó làm tôi an tâm hơn nhiều so với những bộ “xa-lông” bằng gỗ quý đắt tiền, hàng mấy chục triệu.

Giờ đây, ai đi qua cuối phố tôi để ý sẽ thấy một ngôi nhà hai tầng không lớn, nằm lui sau tường rào trong một khuôn viên nhỏ, xinh xắn, kín đáo và có duyên. Đó chính là ngôi nhà thân thương của tôi, một thành công của kiến trúc sư với sự hợp tác đầy đủ của gia chủ.

Nhà của thầy giáo ta ngày nay, trong muôn mặt đời thường, dù còn bao nhiêu điều trăn trở, bao nhiêu điều chưa ưng ý về thiết kế, về quy hoạch, nhưng mặt bằng chung cũng đã đổi thay và đang hướng theo việc nâng cao chất lượng đời sống. Tôi vui khi nghĩ đến nghề dạy học và cái góc riêng tư của các thầy giáo trong ngôi nhà một ngày mai sẽ khá giả hơn, nhưng vẫn có cái giá trị bất biến của nó, đó là nghiêm trang hơn đời thường một chút, luôn đón gió sáng sủa từ cái hành lang có đứa trẻ tóc trái đào ngày xưa thập thò ngó vào phòng thầy.

 Đinh Văn Đức - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :