Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Hương Tết thủa nào
Thuở ấy, Tết đến với tôi từ hăm ba tháng chạp, từ bữa cơm tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời. Dịp ấy, mẹ thường mua một con cá chép vài lạng cùng với mũ hoa lóng lánh trang kim rất đẹp của ông bà Táo.

Sau khi làm lễ cúng tiễn bộ ba vợ chồng ông Táo lên trời, hia mũ hoá xong, tôi thường theo mẹ ra sông thả cá, phóng sinh để cá làm phương tiện chở ông bà Táo lên với Ngọc Hoàng, mẹ bảo vậy. Tôi cứ thắc mắc không biết con cá chép có lên trời thật không mà khi thả ra nó quẫy một cái để vuột khỏi tay tôi rồi lặn mất tăm giữa dòng nước thẳm. Dù là bay lên hay lặn xuống thì có lẽ nó cũng sung sướng lắm, tôi miên man nghĩ trong khi mẹ đốt thêm mấy xấp vàng tiền, quần áo hàng mã bên bờ sông. Mẹ gửi những thứ đó cho những vong chết đuối, chết vạ vật bụi cây, bờ cỏ để an ủi họ và giúp họ có thêm chút ít tiền bạc, quần áo chia nhau ăn Tết. “Dương sao thì âm vậy”, lời mẹ nói cứ ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ...

Sau ngày hăm ba, cả làng tôi mới thực sự bước vào thời kỳ tất bật chuẩn bị cho Tết. Nào gạo nếp cái, nào đỗ xanh vàng ruột, nào lá dong bánh tẻ, lá chít bánh chưng, măng lưỡi lợn... Ngày hăm sáu, mẹ dắt tôi đi chợ huyện. Đó có lẽ là dịp duy nhất trong năm tôi được ăn quà chợ, thường là bát phở béo ngậy ở hàng bà Tư mập. Lý do vì mẹ phải bán mua nhiều thứ, hai mẹ con không kịp về nhà buổi trưa. Tuổi mười lăm, tôi e thẹn ngồi nép bên mẹ vì lo nhỡ có ai trông thấy mình ăn quà chợ. Cái cảm giác của tuổi đang lớn ấy thật lạ kỳ. Tôi nhớ, trong cái ồn ào như ngày hội ấy, người người náo nức sắm sanh, mùi chả nướng thơm lừng khắp chợ. Trong hai thúng hàng Tết chất ngất măng, miến, gia vị trên vai mẹ thể nào cũng phải có mấy mớ mùi già, một nửa để nấu nước cho cả nhà tắm gội tất niên, một nửa để dùng trong mấy ngày Tết. Những nồi nước đun hạt mùi đã thơm ngát kỷ niệm tuổi thơ tôi. Đó là thứ hương thơm thanh khiết của thiên nhiên, không nồng nàn, chỉ phảng phất vừa đủ cho tâm hồn sảng khoái, nhẹ nhõm để cảm thấy mình thơm thơm, tinh khôi khi bước vào mùa xuân.

Ngày hăm chín Tết, chẳng hẹn nhau mà cả làng cùng gói bánh chưng. Từ sớm tinh sương, chị cả, chị hai tôi đã thức giấc, chong đèn để cọ lá dong, lá chít, ngâm gạo nếp, đồ đỗ. Riêng tôi và cậu em trai út thì thấp thỏm cả đêm không ngủ được vì sớm hôm sau sẽ được theo bố lên nhà bà ngoại trên làng Thượng để mổ lợn Tết, mấy nhà cùng ăn đụng. Ôi, cái phần đuôi lợn cả năm chúng tôi đã nhắc nhỏm bao lần, nay được chia làm nhiều khúc còn nóng hôi hổi trong lòng bàn tay. Dù ngày thường có được ăn như thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể ngon như khi mấy đứa nhỏ chúng tôi nhấm nháp từng tí một khúc đuôi lợn trong buổi sáng hăm chín Tết. Thường thì các cậu sẽ giúp bố dùng xe kéo cả chị em tôi với những thúng thịt, rá lòng rong ruổi về nhà. Mẹ và các chị đã gói bánh gần xong. Tôi ngồi cạnh chị cả, hồi hộp đợi xem những chiếc “bánh chưng con”. Đó là những chiếc bánh xinh xắn gói thật nhỏ nhắn để có thể đeo ở cổ được, gói sau cùng cho các em bé trong gia đình. Bao giờ tôi và em út cũng đánh dấu cái bánh của mình trước khi mẹ đưa vào nồi luộc. Rồi suốt cả ngày, cái nồi gang chuyên dùng luộc bánh Tết sôi sùng sục trên bếp lửa, chúng tôi ngồi xung quanh nướng khoai, nướng mía và nóng ruột chờ cho bằng được khi bánh đã dền và được vớt ra. Hương vị của những miếng bánh chưng đầu tiên trong ngày Tết năm đó sẽ tồn tại lâu bền lắm.

Ba mươi Tết, bố sắm hai cành đào phai thật đẹp để cắm vào hai lọ lộc bình đặt ở hai bên bàn thờ. Mâm ngũ quả bề thế đã được bố sắp đặt cầu kỳ, bày chính giữa bàn thờ tổ tiên, bên cạnh là những lư đồng chân nến sáng choang. Mấy lọ hoa hồng nhung, hồng bạch trên bàn tiếp khách cũng đua nhau khoe sắc. Đó cũng là lúc ông nội sửa soạn giấy hồng điều, bút lông, mực tàu để viết câu đối Tết treo tường. Với chén trà ướp hoa mộc trên tay, ông gật gù ngâm nga ra chiều đắc ý. Dưới bếp, hai chị gái tôi đang tíu tít giúp mẹ chuẩn bị bữa cơm cúng tất niên, mâm lễ cúng trung thiên đón năm mới. Tôi và em út loay hoay sửa soạn quần áo mới để đi lễ chùa cùng mẹ trước giao thừa. Mười lăm tuổi, tôi đã biết làm dáng, nhăm nhe mượn chị gái thỏi son để tô đẹp đôi môi khi bước ra khỏi nhà...

Khoảng mười một giờ đêm, mẹ sắp lễ và hương hoa đầy đủ vào cái làn cói, người vấn khăn nhung, áo kép nền nã tề chỉnh, dắt chị em tôi đi chùa. Hai chúng tôi xúng xính trong bộ áo dài mới, hớn hở bước bên cạnh mẹ. Đêm khuya se lạnh, những tốp người đi đón giao thừa ai cũng áo quần là lượt, cười nói râm ran với hương son phấn thơm nức. Tôi ngỡ như cả đất trời cũng nín thở để chờ đón giờ phút thiêng liêng chuyển giao giữa hai năm cũ mới. Tiếng pháo nổ sớm vang đì đẹt cho này, chỗ kia.

Chúng tôi đến chùa thì người đã chen chúc nhau, khắp nơi khói hương mờ mịt. Trong khuôn viên sân chùa, hàng bán chong đèn sáng choang, vài thầy đồ ngồi viết câu đối thuê, có cả mấy ông thầy tướng số đọc xem quẻ thẻ, xem chân gà cúng tất niên để đoán hung cát gia sự... Ba mẹ con tôi len lách để vào bên trong điện chính làm lễ. Đồ thờ vàng son lộng lẫy, chất ngất. Mẹ tôi rì rầm khấn lạy rất lâu bằng tất cả sự tâm thành tấu trình nguyện vọng, tâm tư sâu kín suốt một năm ròng với trời phật. Hai chị em tôi chắp tay đứng bên mẹ, như bị thôi miên, mê mẩn bởi không khí trang nghiêm, huyền bí...

Năm nào cũng vậy, khi lễ xong ra về, thể nào mẹ tôi cũng mua vài gói muối trắng, một vài bao diêm, tất cả đều phong bao giấy đỏ được bày bán ở trong không gian chùa. Những thứ đó để lấy khước cho gia đình được sung túc, dồi dào trong năm mới. Mẹ cũng không quên mua một cành lộc nhỏ, thường là cành hoa hải đường. Năm nào chọn được cành lộc ưng ý, nhiều hoa lắm nụ, mẹ sẽ vui lắm vì mẹ tin rằng trong năm ấy cả nhà sẽ gặp may mắn, phồn vinh. Sắp đến giao thừa, mẹ giục chúng tôi rảo chân bước. Đây đó, trước cửa các ngôi nhà, nhưng mâm lễ đã được bày ra, đèn nến sáng choang. Chắc giờ này ở nhà tôi cũng vậy. Đường qua lối lại thưa vắng người hơn vì ai cũng muốn về đến nhà trước giờ pháo nổ.

Chúng tôi đặt chân lên thềm nhà chưa được bao lâu thì pháo đã râm ran nổ khắp nơi. Giao thừa! Và như chỉ chờ giây phút ấy, bố tôi xuất hiện trước cửa. Tự tay người châm lửa đốt bánh pháo Tết dài treo trước sân. Đã thành lệ, đêm ba mươi bố tôi và các bạn của ông thường tụ họp tại nhà một ai đó để gặp mặt, trò chuyện. Cuộc họ mặt của họ tan trước giao thừa ít phút để các ông chủ gia đình kịp về xông đất. Bố tôi lớn tiếng vui vẻ gọi con cái tới để mừng tuổi. Những món tiền nhỏ cho con tiêu Tết bao giờ cha tôi cũng gói trong giấy đỏ. Ngoài trời tiếng pháo tưng bừng khắp nơi, trong nhà ông thắp cây hương đại lên bàn thờ tổ. Và với món tiền bố mừng tuổi trong túi, tôi bước vào năm dậy thì thiếu nữ ngát hương.

 Đoàn Thị - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 191, ra tháng 1/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :