Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Những kỷ vật thấm đượm tình yêu thương của Bác
Mỗi lần gặp khó khăn là cảm thấy Bác ở bên cạnh. Tất cả có khoảng 300 hiện vật mới được Bảo tàng Hồ Chí Minh trân trọng đón nhận. Một trong những kỷ niệm có giá trị là chiếc đồng hồ có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bác tặng ông Vũ Đình Hoè - nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục đầu tiên của Chính phủ lâm thời.

Đây là loại đồng hồ kiểu cổ, có nắp mở, được đặt làm ở Thụy Sỹ trong thời gian phái đoàn Hồ Chủ tịch đi dự Hội nghị ở Phôngtennơbơlô năm 1946. Sau này, chiếc đồng hồ đã được một hoạ sĩ khắc lên đó hình ảnh Hồ Chí Minh và Bác dùng nó để tặng những người có thành tích hoặc công trạng. Ông Vũ Đình Hoè thường hay để kỷ vật quý giá này ở túi ngực. Ông nói: “Mỗi lần gặp khó khăn trong công tác, trong cuộc sống tôi thường sờ tay lên nới có chiếc đồng hồ, cảm như thấy có Bác ở bên cạnh chỉ bảo, động viên vượt qua khó khăn”. Cũng tại lễ tiếp nhận này còn có bộ quần áo lụa màu nâu mà Hồ Chủ tịch tặng NGND. Nguyễn Lân do ông đã có đóng góp lớn trong phong trào Bình dân học vụ...

 

“Hôm nay Bác và các chú liên hoan”. Một bức ảnh tư liệu quý được công bố trong dịp này là ảnh Bác đang ngồi trên một chiếc chiếu trải ở ngay sân Bắc Bộ phủ, xung quanh là bà con, nhân sĩ, bô lão và cán bộ chiến sĩ quây quần chúc Tết. Đó là cái Tết độc lập đầu tiên vào năm 1946 của dân tộc. Cụ Phan Xuân Thuý - chủ nhân hiệu ảnh Quốc tế nổi tiếng năm nay 86 tuổi, tác giả của bức ảnh nhớ lại: Lúc đó gia đình cụ mởi hiệu ảnh ở gần Bắc Bộ Phủ, nơi Chính phủ lâm thời đóng. Trong gia đình cụ có một người em trai ruột là Phan Đức Sử - chiến sĩ bảo vệ Bắc Bộ phủ. Vào những  ngày tất niên của Tết Độc lập đầu tiên, Hồ Chủ tịch đã gặp các anh em cán bộ chiến sĩ làm công tác ở đây và nói: “Hôm nay Bác và các chú sẽ liên hoan mừng năm mới, nhà chú nào gần đây thì có thể chạy về nhà mời họ hàng, gia đình cho thêm vui vẻ, đầm ấm”. Sau khi ông Sử chạy về nhà báo, gia đình cụ Thuý gồm ông thân sinh cụ - ông Phan Xuân Trang và một bà chị cùng cụ Thuý vội vàng đi vào Bắc Bộ phủ. Do gia đình làm nghề ảnh nên cụ Thuý mang theo luôn cái máy ảnh RETINA. Khi đến nơi, chỉ ít phút sau, cụ Thuý đã thấy Bác Hồ từ nơi làm việc đến ngay chỗ các vị khách đang chờ đón Người. Vẫn bộ quần áo ka ki giản dị, Người tươi cười đến bên các cụ, đang rộng đôi cánh tay, cất tiếng: “Xin chào các cụ, chúng ta cùng nhau đón tết”. Chiếu được trải ngay ở sân Bắc Bộ phủ. Họ - những người dân bình thường của Thủ đô và Hồ Chủ tịch - đã cùng nhau đón tết trong một cái Tết độc lập đầu tiên tuy còn khó khăn nhưng tràn đầy tình cảm và hạnh phúc của đất nước từ nay có chủ quyền. Và cụ Thuý không bỏ lỡ cơ hội, ghi vào máy khoảnh khắc ấy...

 

Chúng tôi làm được là nhờ nông hội. Tới dự cuộc gặp gỡ lần này, còn có một đại biểu của kiều bào, đó là ông Nguyễn Văn Ngân, thay mặt chi hội những người Việt Nam ở Tân Đảo (Tân Calêđônê) và Tân thế giới (Vanuatu) đến trao những kỷ vật về Bác, trong đó có bản gốc bức điện ngày 13/7/1946. Bác Hồ cảm ơn Việt kiểu ở Tân Đảo đã đóng góp gần 2 triệu frăng giúp nhân dân Việt Nam bảo vệ nền độc lập non trẻ. Trong những ngày đầu tiên của Cách mạng, số tiền này quả là một sự giúp đỡ rất lớn cho đồng bào ta.  Bên cạnh bức chân dung Hồ Chủ tịch được họa sĩ Trịnh Văn Vỹ gửi từ Pháp về (làm từ những mẩu báo ghép lại) toát lên vẻ dung dị của Bác, còn có một bức tranh lưu niệm Bảo tàng nhận được hôm nay với yêu cầu không công bố tên tác giả. Bức tranh vẽ chân dung bác bằng máu, được bảo quản khá cẩn thận, với những lời thơ đề tựa bên cạnh và ghi ngày 9/9/1969, tức là một tuần sau khi Hồ Chủ tịch mất.

Cuối buổi gặp mặt thân tình, nhà thơ Cù Huy Cận đã kể một kỷ niệm về Bác. Sau ngày 9/9/1945, nhà thơ được giao chức trách Bộ trưởng Bộ Canh nông, năm đó ông vừa tròn 26 tuổi. Một bữa Hồ Chủ tịch cho gọi ông lên và nói: “Tôi muốn giao cho chú thêm một việc nữa. Đó là làm trong Ban thanh tra đặc biệt gồm có 2 người: chú và cụ Bùi Bằng Đoàn”. Ông Cù Huy Cận nói: “Cụ Bùi Bằng Đoàn là một vị quan có tiếng thanh liêm trong triệu đình cũ, còn tôi trẻ quá nên một hai từ chối”. Bác ôn tồn giải thích: “Chú sợ trẻ quá không đủ sức để làm thanh tra chứ gì. Vậy thì chiều nay chú mang bút lông và mực tàu đến đây. Chú mài mực và tôi sẽ vẽ râu cho chú. Thế là chú sẽ thành thanh tra thôi!”. Trước những lời chân tình và vui đùa thân mật của Bác như vậy, nhà thơ đã nhận lời với Người. Cho đến hôm nay, ông Cù Huy Cận vẫn nhớ như in: “Tuy chỉ tồn tại có 5 tháng (từ tháng 11/1945 đến tháng 3/1946) nhưng chúng tôi đã làm được nhiều việc xứng đáng với lòng tin của Bác. Ban thanh tra đặc biệt đã cách chức 2 vị Chủ tịch tỉnh tham ô vài nghìn đồng. Vài nghìn đồng thời ấy là rất to. Mà chúng tôi làm được việc đó do hoàn toàn nhờ vào nông hội tức Hội Nông dân, mà ngày đó gọi là Nông hội”.

 

 Nguyễn Thiên Việt (BTV Báo NTNN) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :