Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
360 độ lễ hội
“Rủ nhau đi trảy hội xuân. Chốn linh thiêng, chuyện vui buồn đan xen”, câu than thở của một thi sĩ cao niên cứ líu ríu theo bước chúng tôi trên đường đến hội. Cái chốn tâm linh mà biết bao người đang nô nức tìm về ở một số nơi đã không còn giữ được vẻ tôn nghiêm vốn có...

 

 

 

Lên chùa mua lộc ký

Chúng tôi háo hức nhập vào dòng người trẩy hội Lim (làng Lim, Tiên Du, Bắc Ninh) để mong kiếm một chút khước may mắn đầu năm. Đến hội Lim với người ta bây giờ ngoài mục đích nghe hát quan họ còn để lễ chùa “mua lộc” và vui chơi. Đường lên chùa, người đội lễ như nêm. Tôi nhìn thấy một bà ước chừng 50 tuổi đang nhích từng chút một lên hướng chính điện. Hai tay ôm mâm lễ đưa lên cao, vừa đi bà ta vừa la: “Nước sôi! Nước bỏng!” với hy vọng mọi người sợ hãi mà tránh đường nhưng vô hiệu. Bỗng mâm lễ trên tay bà ta bị nghiêng, gà, xôi, vàng, nhang rơi lả tả rồi mất hút dưới một rừng chân người...

Tôi để ý mấy chị phụ nữ đang cất tiền. Một chị cho tiền xuống lót giày. Chị khác vừa dúi sấp bạc vào áo ngực vừa chữa ngượng: “Cách này là tốt nhất. Ông bà bọn ăn cắp sống dậy cũng phải chịu!”. Vừa vào gần tới cổng trong, bỗng có tiếng hét thất thanh: “Thôi chết rồi, tôi bị mất điện thoại di động rồi! Mẹ kiếp! Bắt lấy nó hộ tôi! Thằng khốn ấy kia kìa!...”. Tiếng la hét thất thanh bị rơi chìm đi trong tiếng trẻ con gọi mẹ, tiếng rú lên văng tục bởi có ai đó dẫm lên chân nhau mà chẳng thèm xin lỗi. Tại chiếc bàn con ở mé trái sảnh chùa nơi các con nhang thường bày lễ, có một chiếc ví, kẻ gian đã móc lấy tiền, rồi “nhân ái” để lại giấy tờ. Một chú tiểu nhận chiếc ví và hứa sẽ thông báo trên loa để nạn nhân đến nhận...

Sau gần một tiếng bị xô sang phải, đẩy sang trái, ngã dúi vào lưng người trước mặt, tôi mới chen được vào khu đặt lễ. Loay hoay mãi mới thắp được nén nhang, chắp tay vái chưa đủ 3 lần thì có tiếng một người nói sát tai: “Lễ của cậu giản đơn quá, xin lộc không linh nghiệm đâu!”, tôi chỉ biết lắc đầu.

Đường ra khỏi chùa cũng trầy trật không khác gì lúc chen vào. Những khoảng trống ở dưới đồi Lim, người và xe đã đông nghẹt. Ngoài sự đông đúc, nhốn nháo, tôi còn đặc biệt ấn tượng với những người ăn mày đang đứng, ngồi, nằm la liệt khắp nơi. Đội quân “cái bang” có lẽ phải đến con số mấy chục đủ cả già, trẻ, trai, gái. Chiêu thức “xin lộc” của họ cũng thật đa dạng: khóc lóc ỉ ôi, ngồi ủ rũ đưa chiếc bát ra trước mặt, nằm lăn ra đường vật vã... Tôi rời chùa Lim khi dòng người vẫn nối dài chen lấn. Anh chàng trông xe bình thản nhận 20.000 đồng tiền công, thu vé rồi nhẹ nhàng: “Thank you, goodbye!”...

Mùa lễ hội “sạch”, bao giờ?

Chưa thỏa cái thú du xuân, chúng tôi lại xuôi hướng chùa Trầm (Hà Tây) trong một ngày nắng đẹp. Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng trở nên chật chội, bức bối bởi những đoàn người. Những dịch vụ quen thuộc như hàng ăn, đồ uống, hàng bán sính lễ cho khách thập phương đã san sát, mọc lên như nấm sau mưa. Quán dựng vội vã, tạm bợ nhưng hàng thì lại bán với cái giá “cắt cổ”: một bát phở lèo tèo thịt thái mỏng và vài cọng hành héo mang giá trị 25.000 đồng, một cân táo xanh có giá 14.000 đồng, một chai nước lọc cũng không dưới 10.000 đồng... Đặc biệt là dịch vụ gửi xe, gửi ngoài 15.000 đồng/1 xe máy, gửi trong khu vực của chùa cũng tới 10.000 đồng/1 xe máy/1 lần gửi. Câu đúc kết “làm chăm cả năm không bằng nằm thu một ngày chính hội” của bà con trong vùng quả không sai...

Nói như vậy nhưng hiện tượng “trăm người đua giá, nhà nhà dịch vụ” ở khu vực chùa Trầm còn kém phần rầm rộ so với khu vực chùa Trăm gian. Đường đến hội chùa Trăm gian đông nghìn nghịt, cả 1 đoạn dài gần 1,5 km tắc nghẽn. Hầu như tất cả những ngôi nhà ven đường đều treo bảng “Nhận trông xe giá mềm”. Đường đất bụi mù mịt, oi bức vì nắng chang chang. Đường đến chùa chính không ít gian nan dù khách đi lễ đã trông thấy nó ở trong tầm mắt. Muốn đến chùa phải leo ngược theo các bậc dốc, dân ở đây đã nghĩ ra một cách kinh doanh độc đáo là tận dụng không để sót một khoảng đất trống nào trên lối đi. Hàng đồ lễ, hàng ăn, đồ lưu niệm xuất hiện ngổn ngang đã đành nhưng điều khiến ai cũng bàng hoàng là dịch vụ đỏ đen có ở khắp nơi quanh chùa. Từ cổng vào lên tới cửa vào điện thờ, không thể tính hết được có bao nhiêu chiếu bạc. Tôi đã nghe thấy một phụ nữ thất thần rú lên bên một chiếu bạc: “Ôi trời ơi! Thế là hết sạch sành sanh rồi! Chúng nó lừa hết của tôi rồi, chẳng còn xu nào nữa!...”. Trên tay người đàn bà ấy, những cành lộc lá vàng, lá bạc lóng lánh vừa mang từ chùa xuống rơi lả tả. Sắc mặt chị ta tái xám, dáng vẻ thất thần tột độ. Đầu năm gõ cửa chùa cầu lộc, muốn thử chút vận may ai dè lại gặp điều xui xẻo sớm thế!

 Trương Minh - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 216, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :