Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
“Kafka bên bờ biển”, những dấu hiệu của tiểu thuyết hậu hiện đại
Năm 1960, thuật ngữ “tiểu thuyết hậu hiện đại” lần đầu tiên xuất hiện trong lĩnh vực lý luận và phê bình ở phương Tây. Tiểu thuyết hậu hiện đại ra đời giữa bối cảnh trong lòng xã hội hậu công nghiệp phương Tây diễn ra cuộc khủng hoảng sâu sắc, cuộc khủng hoảng của những nguyên lý lớn từng khuấy động và điều hành sự ổn định của nền văn hóa, của tất cả những gì được gọi là hiện đại, đã để lại nhiều dư vị mới mẻ cho độc giả về những ám ảnh của con người trong cuộc đời.

Những yếu tố ngẫu nhiên hay định mệnh là sự kiến giải duy nhất cho các mối liên hệ của con người. Sự tồn tại của bản thân con người cũng rất đáng nghi ngờ, những giá trị đã định hình trong tiềm thức của cộng đồng được đem ra định giá lại. Thế giới và diện mạo tinh thần của con người trước những sự kiện diễn ra trong thế giới ấy đều là những yếu tố bất toàn, phi chuẩn, phi lý.

“Kafka bên bờ biển” của tác giả Nhật Bản Haruki Murakami cũng thuộc kiểu tiểu thuyết này. “Kafka bên bờ biển” là tên ca khúc do một nhân vật sáng tác, khắc họa diện mạo một tâm hồn cô đơn lạc đến một bến bờ phi lý. Cả cuốn tiểu thuyết tràn đầy những điều phi lý cũng như những tâm hồn cô đơn. Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng một lời nguyền dành cho nhân vật có tên Kafka: Giết chết cha và ngủ với mẹ, với chị gái mình. Lời nguyền mang tính dự báo về một thứ định mệnh quái gở, lạ lùng đeo đuổi Kafka dù cậu bé có trốn chạy đến bất kì chân trời nào! Và nhân vật bị ám ảnh. Nhưng cùng với sự phát triển của câu chuyện, những ám ảnh đó dần dần trở thành hiện thực một cách đầy phi lý, bất thường. Cha Kafka thực sự bị giết khi cậu ở cách xa nơi xảy ra án mạng hàng trăm cây số, cùng thời điểm đó, Kafka tỉnh dậy sau một cơn ngất xỉu không rõ nguyên nhân với chiếc áo đẫm máu. Kafka làm tình với cô Saeki, người phụ nữ mà Kafka tin và mong muốn chính là mẹ đẻ của mình. Cậu chấp nhận sự phi lý của định mệnh và đối mặt với nó một cách bản năng, đầy khao khát dục vọng, không dằn vặt, không do dự. Kafka còn chui vào giấc mơ của Sakura, người bạn đồng hành, người ân nhân, biết đâu cũng là người chị gái lưu lạc của cậu để làm tình với chị, mặc lòng Sakura bằng lòng hay phản đối. Câu chuyện thấm đẫm màu sắc huyền thoại, một kiểu huyền thoại “hậu hiện đại” về thế giới nhìn qua con mắt bình thường khi niềm tin của con người về những bảng giá trị truyền thống bị lay động. Những hành động của Kafka vượt ra khỏi cách đánh giá dựa trên chuẩn mực đạo đức luân lý thông thường: tốt hay xấu, nhân bản hay loạn luân, đáng lên án hay đáng ca ngợi… Cái còn lại chỉ là những ám ảnh, những dằn vặt của cá nhân trước sự mong manh của bản thể tự phân rã.

Do tập trung vào những ám ảnh của nhân vật nên Murakami đã lựa chọn kiểu trần thuật tẩy trắng hoàn toàn tâm lý nhân vật trên bề mặt câu chữ và độc thoại phân thân thành đối thoại, làm nên ngôn ngữ đa thanh, phức hợp. Cuộc đối thoại giữa cậu bé Kafka và nhân vật Quạ xuyên suốt cuốn tiểu thuyết thực chất là cuộc đối thoại, tranh luận giữa lý trí hiện hữu và con người bên trong nhân vật. Sự phân mảnh của bản thể, đặc biệt là sự phân mảnh ở địa hạt tâm lý với những giằng co, day dứt quyết liệt đã phá vỡ tính thống nhất, nguyên phiến, một chiều của nhân vật. Những cuộc đối thoại khác giữa các nhân vật dường như chỉ có chức năng trao đổi thông tin, nhà văn không trực tiếp miêu tả hay phân tích tâm lý nhân vật. Ðôi khi, trong đối thoại tồn tại những khoảng lặng giữa lời, các nhân vật đều giấu đi cảm xúc thật của nhau, họ vừa hướng vào người đối thoại vừa hướng vào nội tâm của chính mình. Ðây không thể là một cuộc đối thoại cởi mở, thay vào đó là sự dò xét tâm lý lẫn nhau với những ẩn ý riêng tư. Dường như có gì đó day dứt, ăn năn với cảm giác về những điều bất toàn trong tương lai trong lời thoại của cô Seaki còn Kafka lại khao khát khám phá cho được vùng tâm lý được giấu kín đó. Người đọc mất hết sự chỉ dẫn về tâm lý của nhân vật bởi tâm lý thực sự nằm sau những khoảng trắng không lời.

Gấp cuốn sách lại, người đọc không khỏi bị ám ảnh bởi những cuộc phiêu lưu điên rồ và bất ổn theo lối biểu tượng của nhân vật cũng như những điều hoang đường, siêu thực đưa con người vào cõi hư vô, về phía những khoảng trống đầy khao khát và hoan lạc. “Kafka bên bờ biển” là cuốn sách đáng đọc cho mọi thời đại.

 Nguyễn Ngọc Hà - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 218, năm 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :