Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Nhớ Hà Nội
Tôi đang sống tại Hà Nội mà lúc nào cũng nao nao nhớ Hà Nội, nghe có vẻ thật phi lý nhưng quả đúng thế thực. Có lẽ tại tôi yêu Hà Nội bằng một tình yêu vô cùng “bệnh hoạn” như lũ bạn thời sinh viên vẫn thường trêu tôi.

Và chắc cũng chẳng phải riêng mình tôi có kiểu yêu Hà Nội như thế, có địa danh nào trên đất nước Việt Nam có nhiều bài hát hay và da diết như Hà Nội? Những người nhạc sĩ tài hoa phải yêu Hà Nội đến độ nào mới gọi được cảm hứng về mà dệt nên những bài ca sống mãi cùng thời gian đó chứ?.

Ai đó đã nói Hà Nội là chiếc nôi văn hóa dân tộc, kinh thành Thăng Long là nơi hội tụ “khí thiêng” càng ngẫm càng thấy đúng. Mỗi khi có việc phải đi xa Hà Nội tôi cứ ngờ ngợ như đã từng quên cái gì nơi ấy. Cái gì nhỉ? Một buổi chiều sương giăng lãng đãng trên Hồ Tây; một thảm hoa sưa trắng tinh khiết trong công viên Bách Thảo; một thảm lá đỏ rực ven Hồ Hoàn Kiếm; những quán nước chè đạm bạc có bà cụ già tóc bạc trắng ngồi khoan thai bán hàng mà như thể không chỉ bán mà chỉ là ngồi đó để chiêm nghiệm; những quán cà phê xinh xinh lịch lãm và hình như cả những khoảng nắng lổ đổ trên những con phố vắng hay những ngày cả Hà Nội trùm trong một màn mưa bụi giăng giăng?...

Sớm mai, bà lão bán cháo hoa tóc bạc như cước, chiếc áo cánh trắng bên trong, chiếc áo len màu nâu cụt cánh khoác bên ngoài, bà gánh gánh cháo đặt cạnh gốc cây sấu. Người đến ăn cháo ngồi trên những chiếc ghế con con xung quanh gánh hàng, có cả những người mang cặp lồng để mua mang về. Nồi cháo nấu bằng thứ gạo tám xoan, những hạt gạo nở bung như những chiếc bỏng gạo trắng muốt sóng sánh nổi chìm trong thứ nước hồ đặc sánh. Bên quang gánh kia là đậu phụ kho. Thứ đậu Mơ vàng ruộm được lọc kỹ mịn mướt thả vào chảo mỡ nóng già phồng giòn lên rồi được kho với nước mắm ngon. Bát cháo múc ra, cắt những lát đậu kho thả lên trên…vậy là được một bát cháo hoa, thứ quà sáng rẻ tiền, đạm bạc, thanh tao của người Hà Nội.

Bước chân trên những con phố và bắt gặp những cửa hàng bán sách cũ khiêm nhường. Tôi, cậu bé “nhí nhố” đứng trước quầy sách cũ của ông cụ “Ông ơi, có cuốn Đông ki sốt không ạ”, ông lão chậm rãi bỏ cặp kính và ngước lên khỏi trang sách trên bàn sau quầy, nhẹ nhàng “Phải gọi là Đông ki hô tê cháu Ạ”. Tôi đỏ bừng mặt vì ngượng, tôi chỉ buột miệng thôi mà (vì có thể cũng nghĩ có quan trọng gì lắm đâu, chỉ là một cửa hàng sách cũ). Ông cụ tìm trên giá và lấy ra quyển truyện gáy đã sờn và đưa cho tôi sau khi mỉm cười độ lượng. Con người Hà Nội có một cốt cách rất riêng, ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người là sự tinh tế. Sự tinh tế này thể hiện qua lời nói, nếp nghĩ, cái hào hoa phong nhã toát lên trong văn hóa, trong lối sống của Người Hà Nội rất rõ nét. Tiếp xúc với người Hà Nội thấy thoải mái, dễ chịu không phải chỉ vì ở người Hà Nội có kiến thức sâu rộng mà còn thấy chất dí dỏm, hài hước nhẹ nhàng, thâm thúy. Người Hà Nội không lấy tiền, lấy hư danh làm trọng. Ông cụ chỉ là một trong triệu triệu người Hà Nội gốc thanh lịch. Người Hà Nội không thể lẫn với bất cứ ai, cái thanh tao, lịch lãm toát ra từ phong thái, lời nói, ẩm thực…vô cùng tinh tế. Hãy đến với bữa ăn của Người Hà Nội. Đặc biệt ở chỗ không phải cao lương mỹ vị ngồn ngộn. Ngày Tết là mấy bát, mấy đĩa quy củ nhưng luôn là nghệ thuật bày đặt, có đủ màu, đủ mùi, đủ vị. Ngày thường, vào những ngày hè là rau muống luộc xanh mướt, thứ rau xơ mới chỉ Hà Nội mới có được luộc bởi bàn tay khéo léo của người vợ đảm, chút chua thanh nhẹ của bát nước rau muống luộc dầm sấu, bát nước mắm xinh xinh nổi những nhánh tỏi trắng ngần đập dập thoang thoảng mùi chanh cốm, đĩa thịt ba chỉ rim cháy cạnh, những miếng đậu phụ rán vàng bày trên đĩa xen lẫn những cọng kinh giới, một bát con con đựng những quả cà pháo giòn tan và âu cơm bốc khói thơm phức, những người đang ngồi ăn nói năng nhỏ nhẹ, vừa ăn vừa nhấm nháp thưởng thức tuyệt không một chút xô bồ… Còn điều này nữa không thể không nói đến đó là con gái Hà Nội đẹp nhất cả nước. Tôi nhớ một buổi chiều Sài Gòn, giữa phố phường sôi động dòng người xe ngược xuôi hối hả, một cô gái mặc một chiếc đầm kiêu sa hở một khoảng vai nõn nà, cô thong thả tản bộ trên vỉa hè, dáng vẻ nhẹ nhõm, thanh khiết, gương mặt ngời ngợi sáng và dường nhu cái ồn ã, bụi bặm kinh người của một chiều Sài Gòn oi nồng không mảy may ảnh hưởng tới cô. Rồi cô rẽ vào một hiệu sách lặng lẽ giở những trang sách, đầu nghiêng nghiêng trong một dáng điệu vô cùng đáng yêu và kiêu sa, không hiểu sao tôi cứ một mực khẳng định cô là người Hà Nội. “Thưa chị, tôi có cảm giác chị là người Hà Nội?”. Cô gái ngạc nghiên ngước nhìn tôi bằng ánh mắt lấp lánh thông minh “Vâng, em mới ở Hà Nội vào đây anh ạ”. Đây là tôi muốn nói đến cái duyên, cái riêng của con gái Hà Nội không lẫn vào đâu được, vẻ đẹp trong nội dung, trong hình thức, đẹp ở cái sự ăn, sự mặc, trong cách cư xử,trong giọng nói đầy âm sắc, trong trí tuệ đã được đúc kết, sàng lọc qua nhiều thế hệ mới có được. Mà cũng phải thôi, khí hậu, địa thế, cái nôi văn hóa sông Hồng đã tạo nên sức mạnh, sự hấp dẫn của người Hà Nội.

Đêm, tôi vô cùng thích thú khi thả bước trên những con phố nhỏ của Hà Nội vào những đêm khẽ khàng…Đêm nghe tiếng lá rơi, tiếng mái rêu thì thầm. Trong những căn nhà cổ đang thiêm thiếp kia ai còn thức chong đèn đọc sách, ai đã ấm giấc nồng sau một ngày làm việc? có tiếng đàn piano sang trọng thoảng nhẹ trong không gian và hình như có cả tiếng vỡ giòn tan của một quả xà cừ vừa rơi xuống mặt đường và nở bung những cánh cứng cáp? Tôi thầm ước có vài họa sĩ cỡ Bùi Xuân Phái để vẽ hồn phố Hà Nội, làm sao lưu giữ được những khoảng khắc rất riêng của Hà Nội bây giờ? Những ngõ nhỏ, phố nhỏ rêu phong luôn mê hoặc lòng người bởi cái thần thái bình yên, thư thái. Để mỗi khi cảm thấy ngộp thở trong vòng quay quyết liệt của cuộc sống hiện đại, tìm về ngồi lên một bậc thềm rêu phong của ngôi nhà cổ, một niềm bình yên, thanh thản tràn ngập lòng, soi mình trong tĩnh lặng để qua những cơn chòng chành của cuộc sống thời hiện đại…

Tôi nhớ Hà Nội dù tôi đang có may mắn vô cùng là được sống tại Hà Nội. Nhớ quay quắt, yêu Hà Nội bằng tình yêu máu thịt. Lạ thế.

 Trần Thu Hương - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 220, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :