Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Hệ lụy từ việc "nhái" âm nước ngoài
Xì-tai, đì-dai là cách phát âm và cách viết khá quen thuộc trong sách báo tiếng Việt hai từ tiếng Anh (style [stail]: phong cách, thời trang, “sành điệu”,...; design [di’zain]: trình bày, phác hoạ, thiết kế,...). Kho từ vựng tiếng Việt gần đây đã thu nạp không ít các từ ngoại lai (chủ yếu từ tiếng Anh).

Vay mượn từ ngữ cũng là chuyện bình thường trong mọi ngôn ngữ, nhất là vào bối cảnh hội nhập. Điều quan tâm ở đây là chúng ta sẽ tiếp nhận và Việt hoá chúng để làm giàu cho vốn từ của mình như thế nào. Và có một điều không bình thường hiện nay là: Đang có sự phân hoá về thái độ ứng xử đối với “dân nhập cư” này.

Có lẽ trong chúng ta, khá nhiều người nhận ra là trong giao tiếp (thường ở giới trẻ) hay trên báo chí ta thường thấy xuất hiện các từ Anh “lạ tai” như: pờ-rồ (professional), xì-trét (stress), năm-bờ oan (number one), rồ-măng-tít (romantic), ì-meo, i-meo (e-mail), mếch-cắp (make up), sộp-binh (shopping), ân-đu (undo)... Những từ như vậy nếu chỉ dùng cho vui hoặc có tính chất khẩu ngữ, tếu táo trong chốc lát thì ta không bàn nhiều. Nhưng có vẻ nhiều người cho rằng nên “nhập tịch” vào kho từ ngữ tiếng Việt cho thêm phần nhuận sắc, vừa phù hợp với giải pháp “phiên âm” (không nguyên dạng), vừa giữ được sự trong sáng cần thiết (dễ đọc, dễ nhớ, dễ viết và rất... Việt Nam). Lí lẽ của họ cũng có vẻ hợp thực tế lắm. Bởi nếu lùi lại lịch sử gần đây, có bao nhiêu từ Pháp đã Việt hoá cách đọc và biến thành từ Việt gần như “trăm phần trăm” đó thôi? Chẳng hạn, ba láp (parable: cuộc cãi vã dài dòng, không nghĩa lí gì, lếu láo), soóc (short: (quần) ngắn), (cây) lanh (lin: cây thân cỏ, trồng lấy sợi dệt vải), ma lanh (malin: người khôn ranh, có nhiều mánh khoé, mưu mẹo), phăng te di (fantaise: khác thường, khác biệt, phóng khoáng), xì căng đan (scandale - gốc Hy Lạp: cạm bẫy, trở ngại - tiếng Pháp: điều gây tai tiếng, xấu hổ, ô nhục), sen đầm (gendarme: cảnh sát trưởng, sở cảnh sát), v.v..

Đúng là tiếng Việt đã có tới gần 3 ngàn từ gốc Pháp kiểu đó. Nhưng ngẫm lại, có nhiều lí do để ta không chấp nhận cách nói kiểu xì-taiđì-dai vừa dẫn ở trên.

Thứ nhất, các từ này hoàn toàn có nghĩa tương đương trong tiếng Việt. Style trong tiếng Anh - Pháp có nhiều nghĩa, ở đây là phong cách, thời trang, mốt...; design là trình bày, thiết kế, phác hoạ (trong báo chí, hội hoạ, thời trang...). Cũng như vậy pờ-rồ (chuyên nghiệp, có nghề), rồ-măng-tít, rồ-măng-tịt (lãng mạn, phóng túng), mếch-cắp (trang điểm, chỉnh trang)... hoàn toàn có thể dịch nghĩa một cách ngắn gọn (từ thành từ) mà không có sự sai lệch lớn. Nếu so sánh, ta thấy các từ gốc Pháp kiểu như sên (chaine: xích), tôn (tole: thép tấm), xô (seau: thùng đựng nước miệng rộng, đáy nhỏ, có quai), xu chiêng (soutien-gorge: đồ lót phụ nữ để che ngực, còn gọi là coóc xê (corset))... Đấy là chưa nói có từ, tổ hợp từ được đơn giản hoá cho dễ đọc, dễ nhớ, ví dụ: măng cụt (mangouste: cây ăn quả cùng họ bứa, cùi trắng và ngọt), cẩm, cớm” (commissaire de police: viên cảnh sát trưởng, sở cảnh sát), xốt vang (sauce au vin: món ăn nấu bằng thịt bò với rượu vang), bát phố (battre le pavé: rong chơi không có mục đích, bát phố là sự kết hợp giữa cách đọc và ngữ nghĩa (bát = battre: lùng sục, sục sạo; le pavé: đường hay vỉa hè ở phố có lát gạch)...

Thứ hai, trong trường hợp một số từ tiếng Anh đã được quốc tế hoá, rất quen thuộc (hoặc chưa tìm được từ tương đương thích ứng) thì xu hướng chung là để nguyên dạng (logo, slogan, marketing, olympic, hat-trick, penalty, top ten, SEA Games, internet, quota,...). Bởi có từ, nếu phiên cách đọc sẽ lộn xộn, khó thống nhất, khó nhận dạng ra mặt chữ. Trình độ ngoại ngữ và mặt bằng dân trí hiện tại đã khác. Người ta hoàn toàn tiếp nhận được mà không có trở ngại gì lớn. Nếu có sự khác biệt cũng có thể chấp nhận trong phạm vi nào đó (các hoặc cạc (vi- dít), cóp-pi hoặc cọp-pi, ì-meo hoặc meo, hoặc i-mêu, đi-dai hoặc đì-dai, in-te-nét, anh-tơ-nét hoặc in-tẹc- nét, v.v.). Trừ một vài từ đã quá quen thuộc, chẳng hạn: phôn (phone: điện thoại), cát xê (cachet: tiền thù lao cho một lần trình diễn), (chạy) (show: suất diễn), ca ve (cavalière: gái nhảy, có khi kiêm nghề mại dâm)...

Dĩ nhiên, chuyện phiên âm, chuyển tự từ ngữ nước ngoài không đơn giản như mấy ví dụ vừa dẫn. Tôi chỉ nêu lên vài thực trạng để đề cập tới vấn đề “nhái âm tạo từ” của một số người, đang rộ lên như một “phát hiện” vậy. Theo tôi, việc lạm dụng trong giao tiếp một số hiện tượng nhái âm quá mức các từ ngoại như vài trường hợp trên là nên tránh. Nhái âm (phát âm gần giống với âm gốc) là một thủ pháp tạo từ mới. Nó cũng thường được sử dụng như một lối nói vui nhộn, đùa cợt. Nếu dùng trong một nhóm bạn bè, giới trẻ mang tính giải trí chốc lát thì còn khả dĩ, chứ mang lên báo và tiếp tục “quảng bá” dài dài như một vài tờ báo hiện nay (thậm chí còn cố tình trương to trên tít bài) thì rất không nên.

 Phạm Văn Tình - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 220, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :