Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Những chiêu bài biện minh cho sự phát triển
Các đô thị vùng ven xây dựng những siêu không gian rộng lớn được thể hiện một cách nhất quán trong kiến trúc, trên các bảng hiệu, và trong các tuyên ngôn của công ty. Toàn cầu, văn hóa đô thị mới, riêng tư, biệt lập, an ninh, và tự cung tự cấp, đây là những chiêu bài mà các đô thị vùng ven sử dụng để biện minh cho sự phát triển nhắm đến những kẻ lắm tiền nhiều của và tự cách ly khỏi toàn vùng đô thị của mình.

Toàn cầu

Các đô thị vùng ven sử dụng chiêu bài “toàn cầu” để cho thấy mình không có tính địa phương, nhưng mang bản sắc và định hướng toàn cầu. Một trong những dự án quảng cáo thái quá về vấn đề này là khu đô thị mới Camko (ghép hai chữ Cambodia và Korea, Campuchia và Hàn Quốc) được các nhà đầu tư gọi là “Đô thị toàn cầu đầu tiên” của Phnom Penh. Với khẩu hiệu “Một lịch sử mới đang đến gần” các nhà đầu tư Hàn Quốc của Camko, công ty World City Co., Ltd., tuyên bố rằng đô thị này sẽ “biến đổi phong cách sống Cam-pu-chia,” thành “một đô thị đạt tiêu chuẩn toàn cầu”. Dự án 2 tỷ đôla này nằm cách trung tâm Phnom Penh 3 cây số trên một diện tích 120 ha. Sau khi xây dựng xong vào năm 2018, đô thị này sẽ gồm có các villa, nhà chọc trời, bệnh viện. một đại học và một số trung tâm mua sắm.

Trong các dự án ở nơi khác, chiêu bài “toàn cầu” cũng được sử dụng bằng những cách khác nhau. Ở Manila công ty Megaworld Corporation (2007a, 2007b) xây dựng Eastwood, một Đô thị toàn cầu ở Fort Bonifacio. Ở ngoại thành Hà Nội, đô thị vùng ven Ciputra được chính thức gọi là “Thành phố quốc tế”. Khi được gọi là toàn cầu, các đô thị vùng ven này hợp lệ hóa việc xây dựng và kiểm soát của các công ty toàn cầu trước khi, trong khi và sau khi các dự án được hoàn thành.

Toàn cầu cũng có nghĩa là tiêu thụ toàn cầu và mối quan hệ giữa các đô thị toàn cầu vùng ven và việc chỉ bán duy nhất các hàng hóa toàn cầu là một mối quan hệ có qua có lại. Thường các dự án này bao gồm các trung tâm mua sắm chất đầy các hàng hóa franchise, các chuỗi cửa hàng, và hàng hóa có thương hiệu. Đâu đâu cũng thấy những bảng quảng cáo với hình ảnh các siêu người mẫu thời trang đang ngạo nghễ nhìn xuống những người đi mua sắm, hoặc đang ngước nhìn lên bầu khí quyển toàn cầu. Trong siêu thị, các sản phẩm thực phẩm địa phương phải tránh chỗ cho các hàng đóng hộp hoặc hàng giữ lâu có nguồn gốc toàn cầu.

Các dự án này dựa vào sự có mặt của các mặt hàng thức ăn nhanh và thời trang may mặc, mỹ phẩm, và các phụ kiện cao cấp để làm tăng tính toàn cầu của mình. Cùng lúc, các cửa hàng cần có những khách hàng giàu có, tiện nghi máy lạnh, và liên kết với các cửa hàng cùng loại để trở thành nhưng điểm hành hương mua sắm cho số dân trung lưu đô thị mới nổi. Đô thị vùng ven và ngành bán lẻ toàn cầu cần lẫn nhau, hoặc ít ra là họ quảng cáo như thế trên các biểu ngữ và các phương tiện quảng cáo khác, để cùng tạo nên một hình ảnh về phong cách sống sang trọng.

Để khỏa lấp cảm giác lạc lõng của dân cư trong các đô thị vùng ven vì không tìm thấy được cái gì là của địa phương cả, người ta đã rêu rao vẽ vời về sự thân thiện, thậm chí là sự ấm cúng của các khu nhà ở và các trung tâm mua sắm mới. Chẳn hạn, ở khu đô thị Eastwood, tại trung tâm mua sắm City Walk với những của hàng franchise và chuỗi cửa hàng toàn cầu, có thể thấy những tuyên bố trên vô số các bảng quảng cáo như đây là “đô thị của bạn”, ở đó bạn sẽ có “những kỷ niệm không quên” khi “đi tản bộ cùng với gia đình” (Megaworld 2007b:1).

Văn hóa đô thị mới

Các dự án tuyên bố rất rõ là chúng có nhiệm vụ tạo nên một văn hóa đô thị mới, mà một yếu tố chính là “tính hiện đại”, một từ ngữ lắt léo được sử dụng để nói về công nghệ hiện đại và kiến trúc mới nhất nhưng đồng thời cũng ám chỉ cách người ta sẽ cư xử với nhau. Các nhà đầu tư của Phú Mỹ Hưng (Nam Sài gòn) tuyên bố rằng đô thị này sẽ “mang lại cho người dân Việt Nam một phong cách hiện đại hoàn toàn mới mẻ (CT&D Group 2007). Không chịu thua, các nhà đầu tư Hàn quốc của Khu đô thị mới Nhà Bè nói rằng họ sẽ “mang đến một nền văn hóa dân cư mới.” Nhà đầu tư của Ciputra nói về cổng vào của khu đô thị này là “Cánh cổng mở ra một phong cách sống mới” và “16 bức tượng ngựa đang cất cánh có thể coi là thể hiện sự chuyển tiếp của cộng đồng sang một lối sống đô thị hiện đại”.

Hình thức kiến trúc được sử dụng để hiện thực hóa việc chuyển đổi văn hóa này hầu như chẳng có chút gì là tính địa phương. Ngoài ra, khi phá vỡ các ranh giới của cảnh quan, các dự án này đã khéo léo làm cho tính thẩm mỹ phải tùy thuộc vào hàng hóa, cộng đồng tùy thuộc vào toàn cầu và tự do chọn lựa tùy thuộc vào sự kiểm soát của công ty bằng cách đưa ra những bản sắc làm người ta rối trí và mất phương hướng. Tất cả các dự án đều rất tự hào sử dụng các mô-típ, các phong cách cảnh quan và kiến trúc của những nơi khác trên thế giới. Thí dụ, “Những ngôi nhà hoành tráng” của khu đô thị Eastwood ở Manila nằm trên ngọn đồi Olympic Heights “gợi nhớ lại những nhà ở ngập tràn ánh nắng trên các hòn đảo Hy Lạp” – một sự pha trộn các cấu trúc bán hiện đại được đặt trên một cái bệ vĩ đại theo phong cách Hy Lạp cổ điển, đã cho thấy một sự pha trộn bản sắc quá đáng (EPH 2005:1).

Thể hiện rõ nét nhất của sự loại bỏ văn hóa địa phương là khu Star World (An Khánh) ở ngoại thành Hà Nội, một nơi đề cao “nguyên tắc “không giống với bất kỳ khu vực nào hiện nay ở Hà Nội” (Phong 2006). Khu đô thị mới Nhà Bè, TPHCM thì được quảng cáo là “một đô thị hướng về tương lai theo phong cách Hàn Quốc” (GS E&C 2007). Dự án Ciputra trị giá 2,1 tỷ đôla, hiện đang xây dựng trên 368 ha, bao gồm 2.000 căn nhà cao cấp và 50 tòa nhà căn hộ cao tầng được thiết kế theo phong cách kiến trúc “Las Vegas” (PKG 2007). Ở ngoại thành Jakarta, đô thị du lịch Kota Wisata, được xây dựng bởi một liên doanh gồm các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, và In-đô-nê-xi-a, chứa những khu nhà ở “năm châu” trong “Đô thị triệu điều kỳ thú”. Mỗi châu gồm 6 cụm nhà, mang những chủ đề được lấy từ các thành phố lớn như Kyoto, Marseilles, Orlando, Montreal, và Beverly Hills (Kota Wisata 2007). Thí dụ, cổng vào của khu Châu Mỹ với tượng cao bồi và người da đỏ đằng trước tượng Nữ thần tự do.

Các quy cách siêu thực tế được phóng đại đến mức làm người ta cảm thấy mình nhỏ bé vô nghĩa. Thường dự án nào cũng có những tòa nhà rộng nhất và cao nhất. Nhà cửa không có phong cách riêng mà chỉ được xây dựng rập khuôn hàng loạt chen chúc nhau chỉ chừa rất ít khoảng trống lộ thiên. Sự tương tác giữa con người với nhau trở nên nhỏ bé và bị che khuất bởi cảnh quan, các tòa nhà và các khu thương mại đồ sộ. Chẳng hạn, Star World tuyên bố sẽ tạo nên một cảnh quan mà trọng tâm là hai tòa tháp 70 tầng chứa “hàng ngàn mét vuông văn phòng, trung tâm thương mại, và căn hộ cao cấp”. Trên 100 tòa nhà khác cao từ 15 - 25 tầng sẽ bao quanh 2 tháp đôi này - tất cả những điều này diễn ra ngay cạnh Hà Nội, một thành phố mà mới đây tòa nhà cao nhất không quá 4 - 5 tầng. Xây dựng hoành tráng như thế thực ra cũng chỉ để gây ấn tượng cho cư dân và các nhà đầu tư toàn cầu, nhưng lại dường như để ngấm ngầm biện minh rằng chỉ có công ty mới có đủ kiến thức chuyên môn để kiểm soát và quản lý những tòa nhà quy mô lớn như thế trong xây dựng cũng như trong việc xây dựng cũng như bảo dưỡng.

Riêng tư

Sự “riêng tư” mà các dự án đô thị vùng ven rất tự hào được thể hiện ít nhất bằng ba cách: quyền sở hữu, biến không gian thành hàng hóa, và quản lý. Quyền sở hữu tư nhân thể hiện trong tất cả mọi phương diện của các dự án này. Những khu vực được tạo cảnh quan cho giống với các không gian công cộng, thí dụ các khoảng lộ thiên trong các trung tâm mua sắm, thực ra đều có quy định ra vào và sử dụng được ghi trong hợp đồng giữa ban quản lý và cư dân. Dự án Ciputra (PKG 2007:1) cho thấy họ chủ động đi tiên phong trong việc loại bỏ các không gian công cộng ra khỏi các công trình khi “đi ngược lại cách quy hoạch đô thị truyền thống bằng cách xây dựng trung tâm mua sắm với thiết kế “Island Concept” (biệt lập như một hòn đảo) đầu tiên ở In-đô-nê-xi-a, trong đó khu bán lẻ quay mặt vào phía trong trông ra một quảng trường trung tâm xinh đẹp chứ không quay ra đường phố xung quanh”.

Hầu hết các dự án này không có không gian theo nghĩa không gian công cộng trong đó người ta có thể tự do đi lại gặp gỡ nhau. Thậm chí trong các khu nhà riêng cũng kín hầu như không chừa một khoảng trống nào. Đường sá thường không có vỉa hè, còn xe cộ thì đậu trong các hẻm nhỏ xíu chỉ chừa một khoảng trống nhỏ đến mức 2 người đi bộ song song cũng không lọt (Douglass, et al. 2007). Việc tạo cảnh quan cho các không gian trống thực ra cũng chỉ để trang trí và kiểm soát dễ hơn chứ không phải để mọi người thoải mái sử dụng.

Riêng tư cũng có nghĩa là mọi phương diện sinh hoạt của đô thị vùng ven đều là hàng hóa có giá riêng. Cổng trong cổng ngoài nhằm mục đích chỉ cho phép những ai đã trả tiền rồi thì mới được sử dụng. Muốn sử dụng một phòng tập thể dục hay hồ bơi cũng phải trả tiền thêm theo đầu người, chứ không phải chỉ theo hộ gia đình. Đậu xe có thể cũng phải trả tiền thêm. Các cơ sở tôn giáo và văn hóa đều không có, hoặc nếu có thì chỉ ở những nơi định trước, mà số lượng cũng chẳng bõ bèn gì đối với nhu cầu tại chỗ. Thí dụ Kota Wisata, “thành phố 1 triệu dân, chỉ có một thành đường hồi giáo và một nhà thờ công giáo” (Kota Wisata 2007).

Các đại dự án đều nhất loạt khoe rằng các đô thị vùng ven do tư nhân sở hữu và quản lý không “hỗn tạp” như cuộc sống đô thị ở khu trung tâm. Nhà đầu tư của đô thị Muang Thong Thani ở Bangkok tuyên bố: “Chủ đích của chúng tôi là phát triển Muang Thong Thani thành một đô thị hoàn chỉnh do tư nhân quản lý” (Kristof and Sanger 1999:1).

Nhưng thay đổi sâu xa nhất mà các dự án này nhắm đến là tư hữu hóa toàn bộ các thành phố. Chúng không hề có các cơ chế nào để người dân tham gia quản lý, ngoại trừ việc họ được khiếu nại với ban quản lý về chất lượng kém của nhà cửa, việc bảo trì và chi phí bảo trì... Như Dear (2000) đã nhận xét về một trường hợp xảy ra ở Mỹ, các dự án này tạo nên một loại “chính phủ ma” được thu tiền, được quản lý, được kiểm soát, mà không hề chịu trách nhiệm thông qua một cơ chế quản lý dân chủ” và “thường chỉ quan tâm đến những biến động liên quan đến việc làm giàu ở cấp toàn cầu mà thôi”. (MacLeod and Ward 2002:166).

Biệt lập và An ninh

Một đặc điểm quan trọng mà dự án nào cũng dùng để câu khách là sự biệt lập, bắt đầu bằng những lớp cổng trong cổng ngoài, chốt kiểm soát, để chia nhỏ các không gian dịch vụ và tiện nghi (Hogan and Houston 2002; Waibel 2006). Theo định nghĩa, biệt lập có nghĩa là ngăn không cho người ngoài vào, vì sợ và muốn xa lánh môi trường hỗn độn và đầy các yếu tố tội phạm của môi trường xung quanh (Hogan and Houston 2002). Thái độ của lớp người trung lưu mới nổi coi rẻ những cư dân đô thị khác đã góp phần làm cho an ninh thắt chặt hơn và tăng thêm được một điểm câu khách nữa.

Trong các đô thị vùng ven, cổng cũng dùng để tách riêng các khu nhà có mức giá khác nhau. Trong một số dự án, thí dụ Camko, dân cư ở những nhà cấp thấp hơn không thể lái xe hoặc thậm chí đi bộ vào các khu nhà cao cấp hơn và ngược lại. Trái với hình ảnh của một đô thị cởi mở, các đô thị vùng ven còn hạn chế ai được vào ở và được phép làm điều gì trong những không gian được kiểm soát chặt chẽ. Lực lượng bảo vệ trong các đô thị này thường đông hơn so với các khu lân cận có cùng diện tích.

Tự cung tự cấp

Các đô thị vùng ven tự hào là mình tự cung tự cấp, có đầy đủ chức năng cho cuộc sống đô thị. Dường như các dự án rất thi đua với nhau về điểm này. Ở vùng ven Hà Nội, POSCO (Hàn Quốc), đầu tư vào khu đô thị An Khánh với 10.000 căn hộ cùng với các trung tâm mua sắm, các cơ sở dịch vụ công cộng, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các cơ sở giải trí, đã mạnh dạn cho mình là “khu đô thị tự cung tự cấp đầu tiên của Việt Nam” (POSCO E&C 2007:1; Phong 2006). Cũng tại Hà Nội, Ciputra, được bắt đầu xây dựng trước An Khánh rất lâu, tuyên bố rằng mình là “một đô thị tự túc” (PKG 2007:1). Muang Thong Thani, Bangkok, cũng tuyên bố như vậy về mình (MTT 2007), còn nhà đầu tư của Kota Wisata ở Jakarta lại nói rằng “một thành phố sống động tự cung tự cấp” là “mục tiêu cuối cùng” (Kota Wisata 2007:1). Megaworld (2007a) tuyên bố rằng khu nhà ở “Laguna Bel Air IV” của mình ở vùng ven Manila là “một cộng đồng tự túc, được quy hoạch tổng thể, đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt, giải trí, và học tập”. Thậm chí khu đô thị mới Nhà Bè tương đối nhỏ cũng được thiết kế để trở thành một “đô thị tự cung tự cấp”.

Tất cả các đặc điểm rập khuôn được các đô thị vùng ven quảng cáo này - toàn cầu, có quy mô lớn hơn thật, văn hóa đô thị mới, an ninh, và tự cung tự cấp, kết hợp lại để tạo nên một hình ảnh hoàn toàn mới về đô thị. Không phải là một hình ảnh lý tưởng của Jane Jacob về cuộc sống cộng đồng địa phương diễn ra trong những khu phố có những cửa hiệu nhỏ nằm dọc theo các vỉa hè công cộng (Jacobs 1961). Cũng không phải hình ảnh của một đô thị đông vui với những không gian trong đó tình cảm cộng đồng toát ra từ những cuộc gặp mặt giản dị và người ta tụ họp lại cũng chỉ để “trò chuyện cho vui” (Peattie, 1998:248).

Về phương diện này, một yếu tố quan trọng bị thiếu trong các đô thị được kiểm soát kể trên là các không gian công cộng, là “sân khấu trên đó vở kịch đời sống cộng đồng diễn ra… cần thiết để cân bằng những đều đều buồn tẻ của công việc và cuộc sống gia đình.” (Carr, et al. 1992:3). Một thiếu sót nữa, ở một cấp độ cao hơn, là không có sự tham gia của dân cư. Dân cư không thể đàm phán về các chính sách quản lý cũng không thể chủ động thay đổi các chi tiết thiết kế và không gian để đưa vào các hoạt động xã hội, văn hóa và tôn giáo nếu không tạo ra lợi nhuận cho công ty. Cuối cùng, ở một cấp độ còn cao hơn nữa, là vấn đề vai trò của những dự án này trong cả vùng đô thị lớn. Thông qua cách thiết kế và cách quản lý của mình, các dự án này phủi trách nhiệm đối với việc cung cấp những nhu cầu như nhà ở, tiện nghi vừa túi tiền cho người dân bên ngoài khu đô thị, hoặc cho người dân địa phương cơ hội mở quán. Những dự án này hầu như chẳng làm gì nhiều để đền đáp lại việc được sử dụng đất ở địa phương và vì vậy đã làm cho bao nhiêu người bị buộc phải ra đi nơi khác.

 MIKE DOUGLASS - Đỗ Dũng (dịch) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 221, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan