Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Đạo cờ và đạo làm người
Xa Hà Nội mới mấy tháng mà đã da diết nhớ! Ai đó đã bảo rằng, Hà Nội vừa đằm thắm, dịu dàng như nàng thiếu nữ dậy thì vừa mãnh liệt, nóng bỏng như ngọn lửa “có thể nấu chín hạt gạo dẻo thơm nhưng cũng có thể đốt cháy cả rừng”.

Với tôi, Hà Nội hiện hữu trong nỗi nhớ là những khi đi dạo trên con đường quanh Hồ Gươm, một bên tấp nập dòng người xe và một bên là hàng cây xanh tỏa bóng trên mặt hồ phẳng lặng, bình yên để cảm nhận hai mặt của cuộc sống, một mặt hướng ngoại ồn ã, hối hả, năng động, mặt khác hướng nội, trầm lắng, yên bình. Một chiều nào, dừng chân lâu hơn, kĩ hơn một chút bên bờ Hồ, ta chợt nhận ra bên cạnh tháp Rùa, tháp Bút,... cổ kính, rêu phong là những nét rất đời thường nhưng độc đáo, cuốn hút: mấy cụ già tóc bạc phơ phơ cùng những chàng thanh niên “mặt búng ra sữa” đăm chiêu, ngẫm ngợi bên những bàn cờ tướng ven hồ. Ta cảm thấy như mình lạc vào một thế trận cờ kì vĩ với san sát các cuộc chơi.

Chẳng biết từ bao giờ, Hồ Gươm đã trở thành trung tâm của sinh hoạt văn hoá cờ tướng, một môn thể thao trí tuệ thu hút người chơi mọi lứa tuổi. Người ta quy tụ về quanh bàn cờ đâu chỉ để thi thố tài năng, trao đổi học hỏi lẫn nhau mà quan trọng hơn là để có những phút giây thảnh thơi, thư giãn, cùng ngẫm ngợi về thế sự, cuộc đời. Ðiểm tập trung các bàn cờ nhiều nhất là bờ hồ phía tây, đối diện với khu tượng đài vua Lê Thái Tổ và phía sân bên trong đền Ngọc Sơn. Trung bình có khoảng 25 - 30 bàn cờ nằm rải rác dọc bờ hồ, đôi khi tràn sang cả góc hồ phía phố Hàng Khay, còn trong đền Ngọc Sơn, số lượng có ít hơn nhưng cũng phải đến cả chục bàn. Mỗi bàn chỉ có 2 người chơi nhưng có đến 5 - 6 người xem và bình luận, chính điều này đã tạo nên sức hút và sự rộn rã của những bàn cờ tướng. Những người già chơi cờ lâu năm ở bờ hồ kể rằng, từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, người ta đã thấy xuất hiện bàn cờ tướng trên phố Lê Thái Tổ, dần dần người chơi ngày càng đông nên các bàn cờ đã mở rộng ra phía bờ hồ đối diện...

Trước đây, phần lớn người chơi cờ ở bờ hồ là các cụ cao niên đã về hưu an nhàn, thanh thản việc đời. Ngoài thư dãn, hóng mát, bàn cờ còn là nơi để các cụ gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ nỗi niềm. Cụ Lê Văn Tân cho biết, con người ta muốn thành công dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, điều đầu tiên cần phải có là tính cẩn thận. Chơi cờ tướng không chỉ là một cách thư giãn mà còn là cách để rèn luyện con người bởi khi chơi, người cầm quân không thể vội vàng, qua quýt trong mỗi nước đi. Bây giờ thì chẳng những các bậc cao niên mà ngay cả những người trẻ cũng mê chơi cờ tướng. Thế mới có chuyện, nhiều du khách nước ngoài đã rất ngạc nhiên khi chúng kiến những “hội” cờ tướng bên bờ hồ Gươm, thấy cả tóc bạc, tóc xanh xen lẫn, hòa đồng. Bên cạnh những lời bình chậm rãi, khoan thai của các cụ là những tiếng cười, tiếng xuýt xoa trước thế cờ hiểm của lớp thanh niên. Môn cờ tướng đã gắn kết được các thế hệ với nhau, không còn sự phân biệt tuổi tác. Khi được hỏi, rất nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng, sở dĩ mê cờ tướng ven hồ một phần do không gian cộng đồng đẹp, yên bình và thoáng đãng nhưng quan trọng hơn, đây là một môn thể thao trí tuệ, thể hiện tính cách, khả năng tư duy, tầm nhìn và trình độ của mỗi người, nó còn rèn luyện cho con người khả năng nhìn xa trông rộng, tính cẩn thận và kiên trì...

Cờ tướng Hồ Gươm dân dã với mọi người và chẳng hề từ chối một ai, dù là anh thi đấu hay chỉ chầu rìa. Ta sẽ gặp bên bàn cờ cả những cán bộ còn giữ nguyên cả trang phục công sở, lúc tan tầm tranh thủ sà xuống làm vài ván cho tâm hồn thư thái. Ta cũng sẽ gặp cả những cụ ông râu tóc bạc phơ mê đến độ tịnh tâm và siêu thoát, tự chế ra thế cờ lặng lẽ tìm tri âm suốt bao nhiêu năm nay... Ta mới vỡ lẽ ra rằng, đừng tưởng những chiếu cờ dân dã chỉ là một thú chơi giết thời gian của những người nhàn rỗi. Ðừng tưởng cái vẻ tầm thường của một ván cờ đường phố lại không mang bao điều cao siêu của đạo cờ và đạo làm người. Có biết bao hảo thủ cờ tướng đất Hà thành đã trưởng thành từ những chiếu cờ như thế. Các danh cờ Ðặng Hồng Việt, Ðào Cao Khoa là những người được ghi danh trong bia đá chùa Vua khi ba năm liền dự hội không có đối thủ từng một thời thơ ấu xem các cụ chơi cờ trên phố, đẹp như những tiên ông thoát tục trong bao câu chuyện cổ...

Chiều từ từ đi sâu vào trong lòng hồ Hoàn Kiếm, ánh đèn đường nối tiếp nhau bừng lên sáng rực từng con phố, đám đông quây quanh những bàn cờ vãn dần nhưng nhiều khi bên những bàn cờ, các đối thủ vẫn đăm chiêu như nhập đồng. Khi một nước cờ hay được phối triển, đối thủ cả hai bên đều “vỗ đùi đánh đét”, trầm trồ khen ngợi. Dù chẳng mê chơi cờ vậy mà chính tôi đã không ít lần quên mất sự vận động của thời gian khi đứng xem một trận cờ chiều bên hồ, ai đó bảo chẳng mấy khi tồn tại cái định lượng thời gian trong một chiếu cờ, quả là không sai. Thế mới có chuyện, tàn một cuộc cờ chiều, ngẩng lên đã thấy phố xá vào đêm tự bao giờ...

 Nguyễn Kim Vinh - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   |