Trang chủ   >   >    >  
Công cốc bao năm ăn học
Trong khi không ít người chạy đôn, chạy đáo tìm việc phù hợp thì có không ít sinh viên ra trường lại “yên vị” với những công việc trái ngành và lãng quên tấm bằng “cử nhân” mà họ đã từng tốn biết bao thời gian và tiền của.

Yên vị với việc trái ngành
Hiện nay, không ít sinh viên ra trường, cầm bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong tay nhưng vì không xin được việc làm đã chấp nhận chọn “ngã rẽ mới” là những công việc không cần đến bằng cấp như bồi bàn, làm tóc, chạy xe ôm, phụ hồ…
Tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Lao động xã hội đã hai năm nhưng Nguyễn Thị Hoa, quê Lương Sơn, Hòa Bình, sau nửa năm trời chạy tới, chạy lui xin việc mà không nơi nào nhận do thiếu kinh nghiệm. Đang lúc buồn chán, gia đình lại gặp khó khăn thì có chị cùng quê mở tiệm làm tóc thời trang trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội nên Hoa đã quyết định vào vừa giúp việc vừa học nghề để đỡ đần cho bố mẹ. Làm được một thời gian, Hoa thấy ngày càng gắn bó với công việc không đúng ngành học của mình. “Thôi thì nghề nào cũng được, miễn là mình có tiền để gửi về quê giúp bố mẹ nuôi em ăn học là được rồi. Mình cũng đang cố gắng vừa làm, vừa tích lũy rồi về quê mở tiệm làm tóc chứ không thiết tha gì đến chuyện cầm tấm bằng đại học đi xin việc nữa!”, Hoa vừa gội đầu cho khách, vừa nói.
Với Phan Văn Thắng, sinh năm 1988 (quê ở Thanh Liêm, Hà Nam), học Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ, ngành CNTT cũng chung số phận tương tự. Nhìn dáng ngồi vắt vẻo trên “xe ôm” chờ khách không ai nghĩ rằng Thắng đang cầm trong tay bằng cử nhân CNTT. Thắng tâm sự: “Tốt nghiệp đại học, mình cũng xin được việc làm trong một công ty tư nhân về thiết bị mạng. Nhưng làm được một thời gian vì lương lậu chẵng được là bao, lại bị quản lý giờ giấc nên mình quyết định nghỉ ra làm ngoài. Nghề xe ôm mới được mấy tháng dù thu nhập không cao nhưng được cái thoải mái, không bị gò bó thời gian, ưng thì làm, không thích thì nghỉ”. Hỏi về tấm bằng tốt nghiệp, Thắng phân trần: “Có bằng mà không có chỗ làm vừa ý thì đi làm ngoài như thế này sướng hơn”.
Tại một số cửa hàng bán quần áo thời trang trên phố Chùa Bộc, quận Đống Đa hay những quán cà phê bên bờ hồ Văn Quán, Hà Đông, chúng tôi không khỏi giật mình khi nghe những người quen cho biết trong số những nhân viên phục vụ ở đây thì có một nửa là sinh viên ra trường mà chưa có việc làm. Sau một thoáng dè dặt, một sinh đã viên tốt nghiệp vì không xin được việc nên an phận làm nhân viên bán hàng quần áo trên phố Chùa Bộc cho biết, làm ở đây tuy không đúng ngành nhưng vẫn còn hơn những người khác phải về quê vì không sống nổi ở thành phố. Những chàng trai, cô gái 4-5 năm chinh chiến giảng đường đành phải mang tấm bằng cử nhân về xếp xó trong tủ quần áo và chưa biết đến lúc nào mới cầm tấm bằng đó đi xin việc.
Những hệ lụy
Qua mấy năm học đại học, những cử nhân được đào tạo bài bản đành phải tìm “bến đỗ việc làm” chẳng liên quan đến ngành học. Bao nhiêu thời gian, công sức và tiền của của gia đình, người học để mong có một tấm bằng nhằm hi vọng có một công việc tốt hơn nhưng không ít người đã phải thất vọng. Không đành về quê chịu cảnh lam lũ, những tân cử nhân không kiếm được việc làm đành “lỡ bước sang ngang” chọn cho mình một việc làm nhằm có tiền trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, không phải cử nhân nào làm trái nghề cũng an phận. Hoa cho biết: “Làm nghề thợ cắt tóc cũng nhiều cám dỗ, rủi ro lắm. Nhiều khi họ nghĩ mình thế này, thế kia nhưng vì đồng tiền nên phải làm chứ nghỉ việc thì cũng chẳng biết làm gì!”. Còn với Thắng, tưởng hành nghề xe ôm thì an nhàn nhưng cũng không ít lần chở khách “nghiện ngập” không những bị quỵt tiền mà có khi còn bị trấn lột.
Cử nhân ra trường làm trái nghề là thực trạng đáng báo động. Đây không những là sự tổn thất lớn về nhân lực có chất lượng cao mà còn là một câu hỏi lớn cho chất lượng giáo dục và đào tạo cũng như việc sử dụng lao động của các cơ quan, doanh nghiệp.

 Duy Ngợi - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :