Trang chủ   >   >    >  
Chuyện dựng nhà ở ấp S’Tiêng xưa
“Lập làng, mở rẫy, dựng nhà/ Chọn nơi đắc dụng lựa phương an bình” - ngay từ khi bước vào tuổi trưởng thành, những chàng trai dân tộc S’Tiêng đã được các bậc cao niên trong ấp, trong buôn truyền cho kinh nghiệm ấy. Bằng vốn sống, kinh nghiệm hơn 85 năm tuổi đời của mình, già Điểu Lê ở ấp 2, xã Minh Lập (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cho rằng, tập tục lựa đất dựng nhà đã có từ thuở tổ tiên của người S’Tiêng khi đi tìm nơi định cư, lập ấp...

>>>> Bản tin số 254 (pdf)

>>>> Chuyện dựng nhà ở ấp S’Tiêng xưa (pdf)

Theo huyền tích thì quá trình chọn đất lập ấp mà người S’Tiêng xưa đã trải qua rất gian nan, vất vả, kéo dài từ ngày này qua tuần khác, tháng nọ tới năm kia, băng qua biết bao rừng cao, suối rộng mới tìm được nơi ưng ý. Nơi đây có nguồn nước dồi dào phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, đủ rộng để tất cả các gia đình cùng dựng được nhà sàn, có vị trí thích hợp để làm nghĩa trang chung và đặc biệt có một cánh rừng rộng lớn để cả ấp có thể tìm kiếm nguồn thức ăn, khai phá nương rẫy. Bà con quan niệm rằng, một khi ấp đã được lập thì phải gắn bó ổn định, lâu dài và điều minh chứng rõ ràng nhất đó là trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bà con vẫn bám trụ ở nơi đây. Chính sự cầu kỳ, cẩn thận của tổ tiên xưa đã chi phối rất lớn đến tập tục tìm đất dựng nhà của các thế hệ đồng bào S’Tiêng sau này. Khi cần chọn một mảnh đất để xây nhà mới, lựa được ngày tốt, người chủ gia đình sẽ mời 3 vị cao niên uy tín nhất trong ấp đến làm lễ khấn thần linh vào đúng thời khắc mặt trời lên rồi cùng nhau xuất hành. Khi đã chọn được khu đất ưng ý, biết rằng đất ấy chưa có ai nhận, chủ gia đình sẽ lấy một quả trứng gà chuẩn bị sẵn rồi vái bốn phương, tám hướng cầu khấn xin thần rừng, thần đất, tổ tiên linh ứng cho mình được thử đất. Khấn xong, chủ gia đình sẽ bóp quả trứng trên tay. Nếu trứng vỡ tức là đất ấy tốt, hợp tuổi và các đấng bề trên đã đồng ý, cũng có những trường hợp trứng không vỡ, khi ấy người chủ gia đình sẽ phải tiếp tục đi tìm chỗ khác.

Đất đã chọn xong được bà con trong ấp từ già đến trẻ đồng ý, ủng hộ, gia đình sẽ bắt tay vào khâu chuẩn bị vật liệu, xem thời gian để làm nhà từ bước vào rừng tìm gỗ, chặt lồ ô, cắt cỏ tranh... đến chọn ngày lành tháng tốt để đào móng, dựng nhà. Đồng bào S’Tiêng rất kiêng kị làm nhà vào tháng 3 âm lịch và những tín hiệu tốt hay xấu cho việc dựng nhà được bà con phỏng đoán bằng kinh nghiệm thông qua điềm báo mộng hoặc tiếng chim kêu. Nhà ở truyền thống của người S’Tiêng là nhà dài nên cần nhiều nhân lực, một gia đình khó có thể tự làm mà phải nhờ đến sức mạnh tập thể của bà con trong ấp thông qua hình thức đổi công hay “mời cơm nhờ việc”. Với những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như neo đơn, già yếu, tàn tật... thì các thủ tục làm nhà do anh em họ hàng giúp đỡ, ngoài ra bà con trong ấp cũng chung tay mỗi người hỗ trợ một việc.

Theo phong tục, trước khi dựng nhà mới, người S’Tiêng chỉ cần làm lễ đơn giản bằng cách cúng sống một con gà trống tơ rồi cắt tiết đổ xuống chân cột, nhất là chân cột chính giữa để khấn thần linh cầu mong mọi điều tốt lành. Đến khi nhà được dựng xong, gia đình mới thịt lợn, mổ gà, đồ xôi cùng vài ché rượu cần để cúng các thần linh, tổ tiên và khao bà con trong ấp. Điều đặc biệt đó là tại buổi khánh thành nhà mới, bao giờ những người già tham gia lễ cúng cũng nhắc gia chủ lấy máu của các con vật hiến sinh để họ tự tay bôi lên miệng ché rượu, các cột nhà, mái nhà, sàn nhà với ý nghĩa chia phần cho mọi thứ đều được ăn để khi gia đình dọn đến ở nhà mới được ủng hộ và gặp nhiều may mắn...

Ngày trước, người Stiêng có tục cấm cửa khi vừa mới dựng nhà xong. Trong thời gian 7 ngày kể từ ngày dựng xong ngôi nhà mới thì những người lạ không được phép vào nhà. Dấu hiệu cấm nhà là một nhánh lá xanh được cắm hoặc treo đầu cổng, cũng có thể là một dây thừng căng ngang lối vào. Trong thời gian này việc ai đó đem vào ngôi nhà mới các ché đầy rượu, các cối và chày giã gạo, các nia, mẹt… đều bị cấm. Đồng thời, mọi thành viên trong gia đình không được nấu nướng trên nhà mà phải tạm thời  làm bếp nấu ở dưới sàn. Già Điểu Lê giải thích rằng, sở dĩ ngày xưa người S’Tiêng có quan niệm như vậy bởi theo họ thì việc giữ cho ngôi nhà càng im lặng trong thời gian này càng tốt, có như vậy về sau gia đình mới được ấm no, khoẻ mạnh và hạnh phúc.

 

 Hà Phúc - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :