Trang chủ   >   >    >  
Bà mẹ xứ Nghệ của tôi
Khi tuổi cao, người ta thường hay nghĩ về quá khứ, về quê hương, về những vùng đất mình đã đi qua, đã có những kỷ niệm đáng nhớ. Đúng như nhà thơ thời Đường Hạ Tri Chương từng cảm khái:

>>>> Bản tin số 255 (pdf)

>>>> Bà mẹ xứ Nghệ của tôi (pdf)

“Khi đi trẻ, lúc về già,

Giọng quê vẫn rứa, tóc đà khác bao,

Trẻ em nhìn lạ, quên chào,

Hỏi rằng người ở chốn nào lại chơi?”.

Về quê gặp lại dấu ấn tuổi ấu thơ, còn có địa danh chẳng phải quê nhưng làm ta xốn xang biết bao hoài niệm…Khi già tôi có về quê, nhưng không đến nỗi bị trẻ nhỏ hỏi bà “ở chốn nào lại chơi?", nhưng nếu có trở lại Nam Đàn (Nghệ An) chắc tôi cũng lạ lẫm và con người cảnh vật cũng đã khác nhiều so với hơn nửa thế kỷ xưa, khi tôi từng ở đó với một con người đặc biệt.

Tôi tham gia các hoạt động yêu nước từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945 (khi đang học tại Trường nữ sinh Đồng Khánh Huế) rồi đi bộ đội. Năm 1949, tôi là nữ chiến sĩ của Đại đội quân y dã chiến thuộc Trung đoàn 9, sư đoàn 304, tham gia các chiến dịch phục vụ kháng chiến chống Pháp tại Liên khu 4. Tôi mới 21 tuổi, khá xốc vác, hăng hái và trung bình 7-8 ngày lại hành quân chuyển địa điểm đóng quân để tránh máy bay địch, bảo toàn cán binh cùng phương tiện quân y, thuốc men…

Đại đội tôi toàn là nam, chỉ có vài y sĩ, y tá, số còn lại gồm những người mới học cấp tốc nghiệp vụ y tế phục vụ chiến trường và tôi - nữ  quân y duy nhất. Một lần, đơn vị hành quân suốt đêm gần 2 giờ sáng thì tới địa phận thuộc làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đơn vị quyết định trú quân lại và tôi được xếp ở nhà bà Nguyễn Thị Thanh, hội viên Hội Mẹ chiến sĩ ở vùng này. Đại diện địa phương cho biết đó là nhà chị ruột Hồ Chủ tịch, thấy tôi còn trẻ nên dặn thêm vài câu rồi chào bà Thanh, tạm biệt tôi, quầy quả đi nhanh để tiếp tục công việc sắp xếp chỗ ở cho các chiến sĩ.

Đặt ba lô xuống cạnh cột nhà, tôi hỏi thăm sức khỏe bà Thanh, thấy bà chừng hơn 60 tuổi, mắt sáng, người hơi gầy, giọng nói ấm, thân tình, dễ mến. Nhà bà Thanh chỉ là một ngôi nhà nhỏ, lợp tranh đơn sơ, mộc mạc như bao ngôi nhà của đồng bào miền Trung lúc đó. Ngôi nhà này do bộ đội Quân khu 4 dựng giúp để bà Thanh trông coi đất đai bên nội- họ Nguyễn Sinh. Bao quanh vườn rộng là hàng rào bằng cây dâm bụt. Trong nhà, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, đồ đạc rất ít, ngoài cái rương nhỏ, có kim, chỉ khâu để trong cái đĩa cũ xếp trên rương. Quần áo mặc hàng ngày mắc trên đinh đóng vào chiếc cột nhà. Chỗ ngủ chỉ có 1 cái chõng tre đã lên nước màu vàng bóng nên tối đến, hai bác cháu phải ngủ chung. Mùa đông năm 1949 rét lạ thường, như cắt da thịt. Hai bác cháu bàn nhau dùng rơm đánh thành 2 chiếc nệm rơm ghép với nhau trải lên chõng. Nằm trên nệm rơm tự tạo, bà còn đắp thêm chiếc chăn dạ cũ đã sờn, còn tôi đắp chiếc chăn trấn thủ của bộ đội và mặc tất cả áo quần vào cho ấm.

Buổi tối, sau một ngày ra Trạm xá quân y chăm sóc thương bệnh binh, sinh hoạt như người lính, ăn cơm độn khoai sắn và có khi còn tập văn nghệ đến khản cổ… tôi về nhà thì bà Thanh đã ăn tối xong, ngồi trên võng chờ tôi như chờ đón người thân ruột thịt.

Chiếc bếp nối với nếp nhà gianh cũng được bà Thanh dọn dẹp tinh tươm: 3 ông đầu rau sạch sẽ, cạnh là 2 chiếc nồi nhỏ, xa một chút có 2 cái bát, 2 thìa, bó đũa con, đôi đũa cả, con dao cau xếp vào cái rổ vừa, trên úp một cái sàng cũ. Đằng sau bếp có bồ cào, cuốc, lưỡi hái, dây thừng… móc lên tường bếp. Ngoài bếp có chiếc vại làm bể cạn đựng nước mưa trong vắt.

Buổi tối bà Thanh thường thắp đèn dầu đến chừng 7 giờ rồi tắt đèn. Nằm trên chõng bà hay kể cho tôi nghe chuyện đời một cách giản dị, dí dỏm chứ không theo kiểu răn dạy. Nhờ bà Thanh, tôi biết khá nhiều về phong tục, tập quán, danh lam, thắng cảnh xứ Nghệ; hiểu được cách sống đậm nghĩa tình, đùm bọc nhau của người dân quê bà. Tôi được nghe các làn điệu ví dặm đặc sắc như: “Mùa đông tháng giá. Sang mùa hạ nắng nồng. Em đắp chiếu nằm không…Mùa nào cũng buồn tênh. Bốn mùa cứ buồn tênh. Bao giờ hết buồn tênh?”

Cuối các câu chuyện bà hay nhấn mạnh một điều gì đó. Ví dụ: Ở đời quý nhất là thiện lương, thương người. Làm gì cũng phải nghĩ đến điều đó. Chắc do vậy, bà học hỏi, làm thêm việc bốc thuốc Nam để giúp đỡ người nghèo khi bị ốm. Bà hay ôn lại cuộc đời hào hùng của cụ Phan Bội Châu và nhắc câu châm ngôn cụ Phan tâm niệm: Lòng thành thật có thể xẻ đôi được vàng đá. Và tôi cứ nghĩ mãi về những câu chuyện như thế của bà…

Có lần, tôi mạnh dạn hỏi về Bác Hồ, bà Thanh hay gọi bằng cái tên gần gũi ở nhà là cậu Thành, bà chỉ trả lời rất gọn: Cậu nớ suốt đời vì việc nước, việc công, xa quê hương, chòm xóm, người thân…rồi bà nhìn ra phía chân trời xa như mong ngóng ai đó. Bà còn cho biết là tháng 10/1946 bà có ra Hà Nội thăm Hồ Chủ tịch. Cuộc gặp đó thấm đẫm tình chị em lâu ngày không gặp mặt, từ khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (1911) đến thời điểm đó là 34 năm đằng đẵng. (Đến năm 1973, nhà thơ Huy Cận làm bài thơ Hai chị em để “nói” về câu chuyện cảm động này như sau: Chị đến thăm em là Chủ Tịch/ Cho em thân thiết một bu gà./ Chị em băm bốn năm xa cách/ Chuyện nước, tình quê: "Chị đó a?").

Bà Thanh còn ôn lại những kỷ niệm thân thương, sâu lắng thuở nhỏ, bà là người chị cả hay bế cậu Thành ru để em ngủ yên giấc. Bà nói sau này trưởng thành, cậu Thành vẫn yêu da diết những lời ru tâm tình, những làn điệu dân ca quê hương như hát ví, hát phường vải…

Biết cha tôi mới mất (Cha tôi là cụ Nguyễn Văn Lanh, một trong những thẩm phán đầu tiên của chính quyền cách mạng, được bổ nhiệm nhận công việc tại châu Văn Chấn - Phú Thọ và ốm, mất trên đường công tác năm 1948), các chị em tôi đều tham gia kháng chiến, mẹ tôi ở xa… nên bà thương tôi lắm.

Hàng ngày tôi ngủ rất say, vì đang tuổi ăn ngủ và thức dậy khoảng 5h 30 sáng, còn bà Thanh thường dậy sớm hơn. Bà thức dậy thật nhẹ, rón rén xuống bếp chế biến một trong mấy món: luộc ngô, rang nóng cơm (không có mỡ), luộc khoai. Bà ăn xong thì phần tôi để trong đĩa, đậy bát lên cho nóng rồi đi làm đồng, hoàn toàn giống như các bà con nông dân khác. Tôi thích nhất là mấy củ khoai kèm cà pháo muối vừa chín, giòn tan.

Sau này có dịp tìm hiểu, tôi mới biết bà Nguyễn Thị Thanh (1884-1954) có hiệu là Bạch Liên nữ sĩ, từng tham gia phong trào chống Pháp trong mạng lưới “Việt Nam Duy tân Hội” của chí sĩ Phan Bội Châu, bà từng bị địch giam cầm tại nhà lao Quảng Ngãi (1918)… Tôi càng thấm thía rằng: bà có cách ứng xử nhân văn, đầy tình người, lại khiêm tốn, giản dị, thân tình, bởi bà am hiểu sử sách, truyền thống quê hương; truyền thống gia đình, sớm dấn thân vào con đường đấu tranh vì nghĩa lớn của dân tộc, đi nhiều, tiếp xúc nhiều với thực tiễn, với đồng bào.

 Tôi ở nhà bà Thanh khoảng hơn chục hôm rồi lại hành quân đi tiếp. Hôm chia tay thật bịn rịn, ngày thường bà nói năng rành rẽ, có lúc nghiêm trang, nhưng hôm ấy bà ăn trầu nhiều hơn, ân cần hơn, nói ít hơn…Khi tôi chào tạm biệt, bà ôm lấy tôi thật chặt, nước mắt bà chảy ướt cả má tôi, bà âu yếm nói đứt quãng: Gắng lên con nhé. Nhớ giữ ấm, mùa đông khi tắm giặt, nhớ ngậm củ gừng trong miệng để tránh rét, tránh cảm. Hơn sáu mươi năm trôi qua, nhưng tôi còn nhớ mãi bà Thanh, người mẹ xứ Nghệ yêu thương của tôi.

 Nguyễn Thị Thùy Loan (cựu nữ sinh Trường Đồng Khánh (Huế), Bác sĩ Khoa mắt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông về hưu) - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :