Trang chủ   >   >    >  
Chênh chao Đất Mũi
“Đất nước tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”. Hẳn mỗi người chúng ta, khi đặt chân đến mảnh đất cực nam này của Tổ quốc đều chộn rộn một cảm xúc riêng, khó tả. Cái chộn rộn ấy là sự ngỡ ngàng đứng trước bờ sóng, nơi vừa có thể đón mặt trời mọc khi hướng sang Đông, lại vừa tiễn mặt trời lặn khi ngoảnh về Tây. Cái chộn rộn của lòng tự hào dân tộc khi đứng trước cương thổ quốc gia, đón nhận vị nồng nàn phả vào từ biển.

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Đất Mũi, rất nhiều xúc cảm khác nhau, rõ nhất là cảm giác buồn, buồn và đẹp như một câu chuyện cổ tích. Trước khi tới xóm Mũi, tôi phải ngồi ca-nô hơn chục cây số đường sông chằng chịt. Toàn kênh, rạch, đầm lầy, nước lợ và rừng, cây đước và cây mắm. Mũi Cà Mau thuộc huyện Ngọc Hiển, là một huyện nghèo của tỉnh cực nam này. Cả huyện hầu như chưa có đường đất chứ chưa mong bê-tông. Tuy cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều cam khó, nhưng chan hoà và nhân hậu vô cùng. Ngồi trên ca-nô hướng về xóm Mũi, thỉnh thoảng bắt gặp một chiếc ghe nhỏ chở tôm cá đi qua. Mỗi lần ca-nô của chúng tôi vụt tới, nhiều người lại hốt hoảng hô to về phía người lái ghe: “cẩn thận”. Luồng sóng mạnh dập vào mạn ghe mỏng manh giữa mênh mông là nước, người trên ghe gồng lên, lòng khách chênh chao.
Đất Mũi, nếu chỉ tính từ khi có con người sinh sống thì niên đại cũng phải tính bằng ngàn năm. Xa hơn, nếu tính tuổi địa chất địa mạo thì phải lấy con số hàng trăm triệu năm và lâu hơn nữa. Cứ như thế, người đời sau, bằng tấm lòng thành kính biết ơn thiên nhiên, biết ơn tiên tổ để tìm về nguồn cội, càng thấm thía và tự hào. Điều kì diệu nào đã tạo tác nên hình hài đất nước? Câu hỏi có vẻ xa xôi, nhưng câu trả lời lại vô cùng bình dị: chính sự hòa thuận của thiên nhiên và con người đã cùng làm nên giang sơn gấm vóc này. Sự giản dị nhưng vĩ đại ấy là có thật, vẫn hiện diện cho đến hôm nay. Đó là hình ảnh cây đước, cây mắm ngày đêm cần mẫn cắm dễ vào nước lợ, vào muối và cát. Cây già chưa kịp ngã xuống, thì cây non đã bừng nở, tràn trề nhựa sống.
Dù con người có làm kè bê tông hay bằng chất liệu nhân tạo tuyệt vời nào khác để bảo vệ mũi Cà Mau thì cũng không bền chắc hơn cách của tự nhiên. Cây mắm đã sống hàng triệu năm ở đất này, dễ dàng nảy mầm trổ lá, rồi cũng dễ dàng chết đi, ngả thân về đất, tạo môi sinh cho cây đước đâm chồi, làm nên thảm rừng ngập mặn ven biển bảo vệ đê. Cây đước vượt lên khi cây mắm nằm xuống, tiếp tục sứ mệnh cao cả giữ đất và lấn biển. Có đến tận nơi chứng kiến rừng đước ngút ngàn, hàng vạn bộ dễ xù xì mạnh mẽ găm vào cát và nước lợ, bám thật chắc, sinh trưởng kiên cường để tạo môi sinh cho con người. Niềm hạnh phúc ấy chỉ dành cho những ai tin yêu cuộc sống, những người cần lao nhân hậu, biết hòa thuận với thiên nhiên.

 Khúc Hồng Thiện - Bản tin số 258
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :