Trang chủ   >   >    >  
Nơi hoa nở trên đá
Hà Giang là nơi dường như ai đã đến một lần rồi đều muốn quay trở lại. Đôi khi quay lại chỉ để hưởng cái thú chạy xe lòng vòng khắp các nẻo đường hay ngắm một mùa hoa tam giác mạch. Đơn giản mà “xa xỉ” thế.

Hoa nở trên đá…
Tôi nhớ cách đây 5 năm, tôi lên Hà Giang vào dịp sát tết Nguyên Đán. Chuyến xe khách từ bến xe Hà Giang lên Đồng Văn đưa chúng tôi đi qua những ngôi chợ ngay bên đường. Hôm đó, chiếc xe dừng lại đón một loạt các cô gái người Mông đi chơi chợ về, trang phục sặc sỡ. Họ chỉ tầm 15, 16 tuổi, ríu rít như chim, cười rinh rích và tìm lấy một chỗ ngồi.
Một cô gái lên sau cùng loay hoay không tìm được chỗ nào trên chiếc xe đã chật như nêm bèn ngồi lên đùi anh bạn đi cùng tôi. Anh ấy ngỡ ngàng và bất ngờ đến độ không dám động đậy, cứ để yên cho cô bé ngồi. Tôi bụm miệng cười. Anh ấy cười. Cô bé cười. Và sau đó là cả xe cười. Vậy đấy, chuyến xe đưa chúng tôi đi qua những cánh đồng, những cao nguyên đá, những con đường quanh co và hùng vĩ. Tôi mơ hồ nhớ cảm giác khi ấy rất bình yên và trong trẻo. Mọi thứ trôi qua bên ngoài cửa sổ tựa như những thước phim quay chậm.
5 năm sau tôi quay lại Hà Giang. Người đi xe khách, xe máy thì gửi theo một chiếc xe tải. Từ thành phố, chúng tôi lái xe đi qua Du Già, Mậu Duệ. Rồi từ Mậu Duệ lên Mèo Vạc, Đồng Văn. Lại từ Đồng Văn đi Yên Minh, Quản Bạ. Trong trí nhớ của tôi, các cung đường Hà Giang nhiều cua tay áo và mật độ các khúc cua rất dày.
Nhưng phải đến lần này, đi bằng xe máy, tôi mới thực sự có cảm giác choáng ngợp trước Hà Giang, nhất là khi chúng tôi đi giữa hai dãy núi vời vợi, bên cạnh một dòng sông xanh biếc như ngọc. Hay như khi đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế uốn lượn giữa hai dãy núi, có cảm giác mình nhỏ nhoi ghê gớm.
Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao người ta cứ đua nhau lên Hà Giang? Tại sao cứ nhắc đến Hà Giang là người ta xốn xang? Bạn tôi, một nhà báo đã đến Hà Giang rất nhiều lần vào tất cả các mùa trong năm, mùa hoa đào, hoa cải nở, mùa trồng ngô rồi lại đến mùa thu hoạch ngô, mùa tam giác mạch vào tháng 10, đã gặp cả mưa đã gặp cả hạn.
Anh bảo, mình ở thành phố lâu cảm thấy khổ quá. Ăn no, mặc ấm rồi mà sao lúc nào cũng thấy thiếu thốn, thấy khao khát cái gì đó.
Lên Hà Giang, nhìn bà con sống thiếu thốn vẫn tươi vui, trong trẻo bỗng thấy mình sao hạnh phúc, cuộc sống của mình sao may mắn. Anh thích bờ rào đá, thích mái nhà bằng ngói âm dương, thích nhà trình tường, thích dòng sông Miện nằm giữa hai dãy núi hình như V- rằng đó là con đường đẹp nhất Việt Nam mà anh đã từng đi. Những thứ đó làm cho Hà Giang có một vẻ riêng có, vừa hoang sơ vừa đầy ám ảnh.
Tôi cũng rất thích ngắm nhìn những bờ rào đá. Những viên đá xếp chồng lên nhau ngay ngắn tựa hồ như một trò chơi tỉ mỉ lúc rảnh rỗi, trông có vẻ chắc chắn lắm mà lại rất chênh vênh.
Chẳng có gì sẵn như đá ở đây, đi qua những cao nguyên trập trùng những đá và đá, ấy vậy mà thật ngạc nhiên, khi từ đó những đào, mận, mơ, cải, tam giác mạch cứ theo mùa đua nhau nở như sự bứt phá từ sức sống của thiên nhiên và con người.
Men say không chỉ có trong rượu
Anh bạn tôi kể, anh có một kỷ niệm, ấy là vào tháng 5/2007 trên đường đi từ Lũng Cú xuống Đồng Văn chứng kiến một vụ va chạm giữa một chiếc Minks và một chiếc Dream. 2 chiếc xe vỡ tan, xung quanh 15, 20 người cứ đứng ngẩn ra xem. Tò mò anh dừng lại nhìn thì thấy bên vệ đường, 2 anh thanh niên người Mông mặt mũi lấm lem sưng vù, rầu rĩ ngồi sát cạnh nhau.
Không tiếng cãi vã, không đánh nhau, không người phân xử. Anh chợt nghĩ, nếu là ở miền xuôi chắc chẳng có chuyện như vậy đâu. Chỉ có ở đây, con người ta mới sống hiền hòa thế.
Nhắc đến cái sự hiền hòa của người vùng cao, sáng hôm từ thành phố đi Du Già, chúng tôi ghé qua nhà anh Giàng A Thắng. Một anh lớn tuổi trong nhóm bảo lần nào lên đây anh cũng ghé qua thăm, cũng chẳng phải vì lý do gì đặc biệt, tự nhiên quý, tự nhiên đến. Thế thôi.
Nhà anh Thắng có bờ rào đá rất đẹp có vẻ đã lâu lắm rồi vì rêu phong và các thứ cỏ đã bám trên đó để sống. Qua cánh cổng hẹp bằng gỗ, then chẳng buồn cài là sân có cây mận, hồng. Kế đến là chuồng bò, chuồng lợn ngay trước cửa nhà, một lứa lợn con mới sinh lon ton chạy quanh sân. Căn nhà của anh làm bằng gỗ, bên trong chẳng có gì đáng kể ngoài cái bàn với dăm cái ghế gỗ. Có khách đến, anh mang mẻ ngô nếp nhà trồng được đổ vào chảo bắc lên bếp củi đang đỏ lửa đảo đều tay. Rồi sau đó mang ra chai rượu mật ong rót cho mỗi người một chén, ai cũng phải uống, không được từ chối, uống xong mới được đi.
Người Mông quý mới mời rượu, đã mời mà từ chối họ sẽ không vui, thế nên tôi cũng làm một chén nhỏ. Rượu mật ong uống đến đâu biết đến đó. Uống lâu rồi mà vẫn thấy bụng nóng ran. Chẳng biết có phải vì lạnh mà người ta hay uống rượu cho ấm người hay không chỉ biết, tôi nhìn thấy rượu có ở khắp mọi nhà và đàn ông Mông ai cũng uống rượu, ít nhất là những người tôi đã gặp.
Tôi cứ nhớ mãi buổi sáng ở chợ Mèo Vạc. Từ sớm, những người đàn ông mặc độc một manh áo mỏng đã ngồi co ro khề khà uống rượu suông và sòng sọc hút thuốc lào. Họ chẳng có vẻ gì khó chịu hay lạ lẫm khi thấy đám người Kinh ngồi xuống cạnh họ làm quen, cũng rót rượu cụng chén và chụp ảnh cùng. Tôi nhớ mình đã ngạc nhiên thế nào thì thấy ở bên phải ngôi chợ, cả một dãy dài chỉ toàn những người đàn bà ngồi bán rượu và phía bên trái lại độc đám đàn ông bán gạo.
Anh bạn đồng hành của tôi bảo: “Nếu cho đàn ông bán rượu thì sẽ chẳng còn rượu để bán”. Phải, họ sẽ uống hết mất. Ngộ nghĩnh nhất là trên đường đi chứng kiến nhiều cảnh hài hước mà chắc chỉ có ở người Mông: Một người đàn ông đi chăn bò say rượu bị bò lôi xềnh xệch trên cỏ; một anh khác cứ đi được vài bước lại ngã dúi dụi; lại có anh nằm ngủ còng queo bên vệ đường, cạnh anh ta là cô vợ trẻ kiên nhẫn chờ đợi…
Ở Hà Giang, tôi có cảm giác như không có thời gian. Không gian ngưng đọng lại trên những khuôn mặt bình thản của người đàn bà chờ chồng tỉnh cơn say. Tiếc rằng, vài dòng này không đủ để người khác có thể “cảm”, có thể “say” Hà Giang, bởi vì đúng như anh bạn tôi nói: “Hà Giang hay lắm. Nhưng vì hay quá mà mọi ngôn từ đều trở nên thừa thãi”. Có rất nhiều người “nghiện” Hà Giang, cứ dăm bữa nửa tháng lại đi Hà Giang chỉ để độc hành trên con đường Hạnh Phúc dài 200km, đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng, hít một hơi thật sâu rồi lại trở về phố thị. Thế mới biết, đôi khi có những miền đất tự cái hồn của nó đã đủ để mê hoặc người khác, tựa như đôi mắt của một cô gái tự nó đã có sức quyến rũ những chàng trai. Lạ thế đấy.

 Hà Trang - Bản tin số 264 – VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :