Trang chủ   >   >    >  
Thần tốc – Sáng tạo – Mưu trí
Mùa xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy long trời lở đất, quét sạch chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Các trận quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Tây Nguyên
Ngày 6/1/1975, tin chiến thắng Phước Long làm nức lòng quân và dân cả nước ta. Lúc này, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng bắt đầu từ ngày 18/ 12/ 1974 cũng đến thời điểm kết thúc. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975. Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng, vì vậy Mỹ ngụy đã biến nơi đây thành một căn cứ chiến lược lớn hòng đè bẹp phong trào cách mạng của ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào và từ rừng núi xuống đồng bằng. Sở chỉ huy quân đoàn 2, quân khu 2 quân đội Sài Gòn được đặt ở Pleiku. Dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia là các trại biệt kích, dọc theo đường 14 là hệ thống các căn cứ quân sự dày đặc, trong đó có các căn cứ cấp sư đoàn và quân đoàn được tổ chức vững chắc thành tuyến phòng ngự cơ bản làm nòng cốt cho hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên.
Sau khi hạ quyết tâm mở chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên do đồng chí Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm các sư đoàn bộ binh 10, 320, 316, 3 và 968; bốn trung đoàn bộ binh (25, 29B, 271, 95A), Trung đoàn đặc công 198, hai tiểu đoàn đặc công 14, 27, hai trung đoàn pháo binh 40, 675, ba trung đoàn phòng không 232, 234, 593, Trung đoàn xe tăng thiết giáp 273, hai trung đoàn công binh 7, 575, Trung đoàn thông tin 29, trung đoàn ô tô vận tải và lực lượng vũ trang các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.
Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên xác định quyết tâm và kế hoạch chiến dịch như sau: hướng và khu vực tác chiến chủ yếu là Buôn Ma Thuột – Đức Lập, mục tiêu chủ yếu quyết định là thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 4/ 3/1975, chiến dịch Tây Nguyên chính thức bắt đầu. Từ ngày 4 đến 9/ 3, ta tổ chức nghi binh, tạo thế, triển khai lực lượng, chia cắt chiến dịch, tạo điều kiện đánh Buôn Ma Thuột. Ngày 10 và 11/3, ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, thực hiện thắng lợi trận then chốt thứ nhất, bắt sống toàn bộ chỉ huy của địch. Từ 14 đến18/3: đánh bại đợt phản kích của Sư đoàn 23 ngụy, thực hiện thành công trận then chốt thứ hai. Từ ngày 17 đến 24/3, ta đánh trận then chốt thứ ba, tiêu diệt quân địch rút chạy trên đường. Ngày 24/3, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch mở đầu cuộc tiến công chiến lược năm 1975 giành thắng lợi rực rỡ, tạo ra một bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.
Chiến dịch Trị Thiên - Huế và Đà Nẵng
Chiến dịch Trị Thiên - Huế (từ 5 đến 26/3/1975): Trước cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975 của ta, quân khu 1 của địch bao gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi được coi là chiến trường trọng điểm, một hướng phòng thủ chủ yếu, ngăn chặn trực tiếp tiến công của ta từ miền Bắc vào. Chúng bố trí ở đây 5 sư đoàn bộ binh (1, 2, 3, sư dù và sư thủy quân lục chiến), 4 liên đoàn biệt động quân, 5 thiết đoàn và 13 chi đội xe tăng, xe thiết giáp, 21 tiểu đoàn pháo mặt đất (418 khẩu từ 105 -175mm, 1 Sư đoàn không quân (96 chiếc máy bay), 3 duyên đoàn và giang đoàn, nhiều tiểu đoàn bảo an…
Về phía ta, trong lúc chiến dịch Tây Nguyên tập trung đánh địch, thì Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2 và Quân khu 5 mở chiến dịch, đánh địch ở đầu phía bắc thuộc quân đoàn 1, quân khu 1 ngụy. Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp chỉ đạo Quân đoàn 2 trong quá trình thực hiện chiến dịch. Từ ngày 5/ 3, chiến dịch Trị Thiên - Huế bắt đầu. Các lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên và một số bộ phận của Quân đoàn 2 hoạt động mạnh ở vùng Phú Lộc, Phú Thứ, giải phóng trên 30.000 dân thuộc các vùng Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà; vây địch ở cao điểm 367, đánh địch ở động Ông Do, An Lỗ, Lăng Cô; chiếm cứ điểm Chúc Mao, La Sơn. Ngày 19, bộ binh và xe tăng ta vượt sông Thạch Hãn, giải phóng thị xã và phần còn lại của tỉnh Quảng Trị, uy hiếp trực tiếp thành phố Huế. Trên hướng tây nam Đà Nẵng và đồng bằng Trung Bộ, Quân khu 5 đẩy mạnh tấn công và nổi dậy, giải phóng các huyện Tiên Phước, Phước Lâm, Sơn Hà, Trà Bồng cùng nhiều xã ở vùng giáp ranh, uy hiếp Đà Nẵng từ phía nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân khu Trị - Thiên, Quân đoàn 2, Quân khu 5 đã nhanh chóng tranh thủ thời cơ, dốc toàn lực giải phóng Thừa Thiên - Huế bằng cuộc tiến công tổng hợp, toàn diện. Đến ngày 26/ 3, ta đã giải phóng toàn bộ Thừa Thiên - Huế. Thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên - Huế đẩy quân ngụy suy sụp nhanh về tinh thần và tổ chức, tạo thế cho ta phát triển tiến công giải phóng Đà Nẵng.
Từ đầu tháng 3, Quân khu 5 mở Chiến dịch Nam – Ngãi. Đến ngày 26/ 3, ta đã tiêu diệt và đánh tan Sư đoàn 2, hai liên đoàn biệt động quân, các đơn vị thiết giáp, pháo binh, cùng lực lượng địa phương quân của địch, giải phóng tỉnh Quảng Ngãi và phần lớn tỉnh Quảng Nam.
Bị mất Trị Thiên - Huế, Quảng Ngãi và phần lớn tỉnh Quảng Nam, căn cứ quân sự liên hợp hiện đại và mạnh vào bậc nhất của địch hoàn toàn bị cô lập. Lúc này, lực lượng địch ở Đà Nẵng khoảng hơn 7 vạn tên, vũ khí trang bị còn mạnh, nòng cốt là Sư đoàn 3 và Sư đoàn lính thủy đánh bộ, do trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh quân đoàn 1 ngụy chỉ huy.
Ngày 25/ 3, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch Đà Nẵng, lấy tên là Mặt trận 475, do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy và quyết định đánh Đà Nẵng theo phương án địch rút chạy. Sáng ngày 28/ 3, pháo lớn của Quân đoàn 2 ở đèo Mũi Trâu bắn vào sân bay Nước Mặn và bán đảo Sơn Trà. Pháo của Quân khu 5 bắn vào Hòn Bằng, Trà Kiệu, Vĩnh Điện. Bộ binh, xe tăng ta từ ba hướng bắc, tây nam và nam tiến công mạnh mẽ quân địch trên đường, thần tốc tiến về hướng Đà Nẵng. Hướng tây bắc, nam và đông nam, hướng đông, quân ta đều anh dũng chiến đấu, đánh chiếm các mục tiêu và căn cứ của địch. Kết quả chiến dịch, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 90000 tên địch; tiêu diệt ba sư đoàn bộ binh; sư đoàn thủy quân lục chiến, bốn liên đoàn biệt động quân, đập tan hệ thống phòng thủ của quân đoàn 1, quân khu 1 ngụy…
Chiến dịch Trị Thiên - Huế và chiến dịch Đà Nẵng đại thắng có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng cùng với thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, góp phần làm thay đổi thế và lực trên chiến trường, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến trường hoàn toàn có lợi cho ta, trực tiếp đập tan ý định co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi để ta đẩy mạnh cuộc tổng tiến công chiến lược, tập trung lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tại sào huyệt địch ở Sài Gòn.
Mở “cánh cửa sắt” cho cánh quân phía đông
Đà Nẵng thất thủ, Mỹ ngụy vội vã tổ chức tuyến phòng thủ mới, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc, một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 60km về phía đông bắc là điểm trọng tâm, nhằm ngăn chặn quân ta tiến theo đường số 1 và đường 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn. Tướng Mỹ Uây-oen nói với Nguyễn Văn Thiệu và các tướng ngụy “phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Do vậy, địch đã tập trung một lực lượng lớn phòng thủ. Ngày 2/4, Bộ Tư lệnh Miền Nam đã quyết định mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc. Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4, được phối thuộc Sư đoàn bộ binh số 6, hai tiểu đoàn xe tăng và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương. Đồng chí Hoàng Cầm được giao làm tư lệnh chiến dịch, đồng chí Bí thư khu ủy Khu 7 làm Chính ủy. Tham gia Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch còn có các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, Tư lệnh, Chính ủy Quân khu 7. Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công thị xã Xuân Lộc theo phương án: Tập trung hai sư đoàn tiêu diệt Sư đoàn 18 ngụy, giải phóng chi khu Xuân Lộc và từ ngã ba Dầu Giây đến núi Chứa Chan; một Sư đoàn bao vây chia cắt địch ở Gia Kiệm, Túc Trưng tạo điều kiện diệt quân ứng cứu của địch, nắm thời cơ tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm, Dầu Giây, lộ 20. Chiến dich diễn ra vô cùng ác liệt. Kết quả, ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, lữ đoàn dù 1, tiêu diệt chiến đoàn 52 (Sư đoàn 18), đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 5 và lữ đoàn 3 thiết giáp, diệt hàng nghìn tên, bắt 2 785 tên địch, thu 48 ô tô, 1 499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 ô tô. Ngày 21/ 4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào Sài Gòn từ hướng đông, một thế trận mới rất có lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh.

 Đặng Việt Thủy - Bản tin số 266 – VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :