Trang chủ   >   >    >  
Người lưu giữ những khoảnh khắc Hồ Gươm
Hồ Gươm với Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn... đi vào lòng người xa xứ, vào trái tim du khách, in đậm trong tim những người chưa một lần đến thủ đô như một biểu tượng đẹp nhất chính từ những bức ảnh, những tấm e-card chuyển tay bè bạn, người thân...

Dường như khách thập phương đến Hà Nội đều tìm đến Hồ Gươm như một sự thôi thúc không thể bỏ qua. Hình ảnh trái tim thủ đô với biểu tượng ngàn đời hằn in trong tưởng tượng, lớn dần theo khát vọng một lần đến của họ. Và nếu vô tâm, có thể ta sẽ quên mất những người thợ ảnh bên Hồ Gươm, sẽ nhìn họ bằng con mắt hững hờ của kẻ qua đường. Nhưng có thể nói, họ như những người lưu giữ những khoảnh khắc đẹp về Hồ Gươm, là những người góp phần bắc nhịp cầu để khách du lịch đến với Hà Nội. Họ có thể là những nhiếp ảnh gia chuyên săn lùng những thước phim đẹp, những thợ ảnh nghiệp dư kiếm sống bằng nghề chụp ảnh, những khách du lịch tay kè máy ảnh hay những cô cậu sinh viên đi thực tế, hy vọng “chớp” được vào phim một vài hình ảnh đẹp theo lời giảng viên hướng dẫn.

Hồ Gươm, Tháp Rùa và tháp...
Ảnh: Bùi Tuấn

Nếu bạn gặp ai đó với những bộ quần áo trông rất “chất nghệ”, vai đeo những túi nhà nghề đủ loại, trước ngực đủ kiểu máy cơ hay máy ảnh số; máy ảnh cỡ phim 6 x 7cm với giàn ống kính phong phú thay được lưng phim và có thể thay được cả lưng ảnh polaroid và lưng ảnh số (MAMIYA, RB67, RZ-67....). Đấy thường là những nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Họ đến với Hồ Gươm để cố gắng “săn” những khuôn hình đẹp ở nhiều góc cạnh bất cứ mọi thời điểm. Anh Đồng Đăng - nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên cười khi thấy tôi nhận xét: "Trông anh giống phong cách những người chụp ảnh để chơi thôi ”. Anh bảo: “Người chụp ảnh không phải cứ: “Nhìn đây này!", "Cười lên đi!" Người chụp ảnh phải là những người nhìn thấy nét duyên, nét đẹp ở mỗi người và nắm bắt được nó, tái hiện nó qua thước phim của mình. Lần nào xuống Hà Nội tôi cũng tìm đến Hồ Gươm mong thể hiện được một cái gì đó nhưng vẫn chưa thỏa mãn, chưa truyền tải hết ý tưởng muốn nói. Vì thế, tôi cảm thấy mình vẫn "mắc nợ" với Hồ Gươm"... Xem những bức ảnh chụp ở những thời điểm khác nhau về Hồ Gươm trong một thời gian dài với các phương pháp thể hiện khác nhau, nội dung khác nhau... tôi vẫn chưa hình dung nổi "giấc mộng" về một bức ảnh hoàn thiện trong ảnh nó sẽ ẩn chứa điều gì độc đáo, mới mẻ hơn thế...

Những tấm ảnh rực rỡ pháo hoa, hình ảnh Tháp Rùa ẩn hiện sau cành cây là là trên mặt nước hay một cụ rùa nhô đầu lên tròn xoe mắt ngắm trời mây... Tất cả đều được họ thể hiện sinh động, có hồn, ký thác những rung cảm của người cầm máy trước cái đẹp.

Đặc biệt, xoay quanh cầu Thê
Húc, trước cổng Bút Tháp, đền Ngọc Sơn và trước tượng đài Lý Thái Tổ là những địa điểm được gọi là "chốn làm ăn" của dân thợ ảnh. Họ có già trẻ, nam nữ với những Nikon, Canon và các phụ kiện được đầu tư khá đầy đủ. Tại đây, nhiều lúc số lượng thợ ảnh bên Hồ nhiều gần bằng khách tham quan. Họ là những người thợ đã qua trường lớp, cuối tuần làm thêm hoặc những người "học mót" được truyền đạt hay tự mày mò... Họ xem chụp ảnh là một nghề để kiếm sống. Và vì thế, họ tự tạo cho chính mình một "thương hiệu", một niềm tin với khách hàng bằng tấm thẻ ghi tên tuổi, địa chỉ... đeo trước ngực. Có thể mối quan tâm hàng đầu của họ là một ngày chụp được mấy cuộn phim, mời chào được bao nhiêu khách hàng. Họ rửa ảnh đã đáp ứng yêu cầu của mọi người chưa? Thế nhưng, thực sự, vô hình chung họ cũng trở thành những người lưu giữ bao ấn tượng đẹp về Hồ Gươm mà họ không để ý hoặc ít quan tâm tới. Nó hình thành dần như một điều tất yếu bởi mọi người đều muốn tạo một ấn tượng đẹp trong khách hàng, ganh đua với đồng nghiệp về lòng tự trọng nghề nghiệp, trách nhiệm trước một tấm hình. Vì thế, ai cũng ý thức tự hoàn thiện dần trong những bức ảnh, nâng cao tay nghề, cố gắng thể hiện tài năng. Anh Thành - thợ ảnh đã hơn 5 năm ở bờ Hồ vừa lau máy vừa bảo: "Thực sự nếu chúng tôi kèo néo khách chụp nhanh một vài kiểu dễ hy vọng tăng năng suất trong ngày cũng được thôi. ít người khách quan tâm đến các yếu tố của một bức ảnh đẹp. Họ chỉ cần nó sáng sủa, rõ ràng, bố cục đừng lệch quá... Nhưng như thế chúng tôi sẽ không có đất ở đây lâu. Làm nghề nào cũng cần có tâm. Những người có thái độ nghiêm túc với nghề sẽ đẩy chúng tôi ra bằng những bức hình của họ". Còn chị Tâm - một gương mặt khá quen thuộc tại khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ lại bảo: "Có lẽ quen mất chỗ này rồi. Chúng tôi có thể biết được chỗ nào thì cho khuôn hình đẹp; thời tiết này thì ánh sáng bao nhiêu sẽ vừa, cần loại phim nào...".

Và cách đấy không xa, dưới một góc cây cổ thụ là một tấm bảng trưng bày mấy bức ảnh màu của anh Thắng (33 Hàng Dầu). Chỉ cần thế và anh cứ ngồi vào hàng quà vặt bên cạnh rít thuốc lào. Nhìn đôi mắt lim dim tưởng mơ màng nhưng chỉ cần vài người khách ghé mắt vào tấm bảng, anh bật dậy ríu rít mời gọi, níu chân họ bằng những tấm ảnh đẹp nhất. Anh bảo: “Thực chất đã cầm tới máy ảnh dù người nghệ sĩ hay những thợ kiếm sống như chúng tôi ai chả khát khao có một bức ảnh đẹp của chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà có 36 kiểu trong một cuộn phim. Đấy là 36 mà cũng có thể hơn những cách nhìn, cách nắm bắt cái "thần" của một đối tượng. Tôi vẫn muốn một lúc nào đấy thâu tóm được nét đẹp Hà Nội trên nền cảnh Hồ Gươm. Nhưng dường như tôi chỉ cảm nhận được, nghe được mà chưa vẽ ra được bằng ánh sáng để chia sẻ với người khác...”. Có lẽ, ít ai ngờ được trong sâu thẳm nghĩ suy của những người thợ bình thường, ấy là một nỗi trở trăn với nghề. Trước khi có những bức ảnh tâm đắc, họ phải lo cuộc sống của chính họ để có điều kiện nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo. Khó tin được nghệ thuật và cơm áo cùng song hành một lúc. Thế nhưng, đấy mới là cuộc sống. Những bức ảnh cổ điển hay kỹ thuật số hiện đại đều được họ tái hiện qua lăng kính đời thực, là lát cắt hiện tại, hơi thở cuộc sống. Những tấm ảnh dù chưa thỏa mãn với chính họ thì nó vẫn theo mỗi hành khách ở mọi miền đất nước, lưu giữ những kỷ niệm về những chuyến đi. Nghệ thuật chính là ở đó. Hồ Gươm đi vào tâm trí mỗi người và sống mãi trong họ. Nghệ thuật là cuộc sống. Sức mạnh của nghệ thuật mà những người thợ ảnh Hồ Gươm có được chính là lưu giữ trong mọi người những khoảnh khắc đẹp về một Hồ Gươm lộng gió, lung linh mây trời. Có lẽ sẽ không quá khi gọi họ là những người "giữ hồn Hồ Gươm". Họ có thể những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hoặc không, là những người khách du lịch với chiếc máy số, máy điện tử tiện lợi... Tất cả đều cố thu vào khuôn hình những hình ảnh đẹp, lưu giữ nó cùng thời gian.

Hồ Gươm sẽ mãi là biểu tượng thiêng liêng của thủ đô. Nó đã, đang và sẽ mãi là nguồn sáng tác vô tận với mỗi người tái tạo cuộc sống bằng chất liệu ánh sáng. Không có những cuộc triển lãm để đánh giá vai trò của họ nhưng hơn hết, họ được chính những khách hàng đó đây thẩm định và công nhận: họ là những nghệ sĩ không tên tuổi - nghệ sĩ của đời thường.

 Nguyễn Thuận Huế - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 171, tháng 5/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: