Trang chủ   >   >    >  
Lý tưởng tuổi trẻ: Giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên thời tín chỉ - đôi điều suy ngẫm
Năm 2005, lần đầu tiên Bộ giáo dục & Đào tạo chính thức chỉ đạo các trường cao đẳng, đại học chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ.

Đây được coi là một cuộc cách mạng thay đổi “công nghệ đào tạo” tiên tiến. Quý II năm 2005, Bộ Giáo dục & Đào tạo triển khai thí điểm tại 7 trường đại học, đến năm 2010 chuyển đổi sang mô hình đào tạo chế tín chỉ cho các trường đại học, cao đẳng. Khác với đào tạo niên chế, đào tạo chế tín chỉ không giới hạn thời gian học tập, sinh viên phải tích luỹ khối lượng kiến thức định sẵn, khi nào tích luỹ xong thì ra trường. Đây là một quy trình đào tạo mềm dẻo, lấy người học làm trung tâm. Theo đó, chương trình đào tạo chế tín chỉ sẽ tạo cho sinh viên tính chủ động cao trong việc lựa chọn kiến thức để trang bị cho bản thân và lựa chọn chương trình học phù hợp với năng lực của mình. Người học được chủ động về mặt thời gian, nếu học tốt, có thể rút ngắn 1/4 thời gian học, cũng có thể vừa học vừa làm hoặc kéo dài thời gian học.

Về quản lý sinh viên, đào tạo theo tín chỉ không có giáo viên chủ nhiệm, thay vào đó là cố vấn học tập. Không thể phủ nhận ưu điểm của đào tạo chế tín chỉ, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý... Trong đó có vấn đề rèn luyện đạo đức, lối sống, chính trị tư tưởng cho sinh viên. Vì đào tạo chế tín chỉ việc học tập không tập trung nên để tiến hành giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho sinh viên có những khó khăn. Chính vì thế, người viết xin nêu ra một số giải pháp nhằm đánh giá, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho sinh viên để các cơ quan chức năng và nhà trường tham khảo.

Sinh viên khi vào trường phải thuộc 10 bài hát; hiểu và phân tích chủ đề, ý nghĩa giáo dục 10 cuốn tiểu thuyết, 10 bộ phim... Các bài hát, tác phẩm phải có tính giáo dục đạo đức truyền thống, chính trị, tư tưởng cho sinh viên. Các tác phẩm đó phải được Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các trường thẩm định, lựa chọn theo tiêu chí phù hợp. Ví dụ như các bài hát, tác phẩm tiêu biểu như: Quốc ca, lãnh tụ ca, Đất nước, Đoàn ca, Sống như anh, Hòn đất, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, 79 mùa xuân...

Khi đã có chủ trương, kế hoạch, sinh viên bước vào năm thứ nhất thì Phòng Chính trị & Công tác sinh viên phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, các khoa tổ chức học tập và đánh giá kết quả cho sinh viên theo các nội dung: Kết quả học chính trị đầu khoá cho sinh viên (theo nội dung của Bộ giáo dục & Đào tạo chỉ đạo) hiện đã thực hiện; Kết quả nhận thức về các bài hát dưới hình thức thi vấn đáp (sinh viên bốc thăm bài hát và tự hát); Kết quả nhận thức về tiểu thuyết và điện ảnh dưới hình thức thi viết (theo hình thức bốc thăm chọn tác phẩm). Các kết quả trên là tiêu chí để đánh giá chính, đồng thời kết hợp với ý thức chấp hành nội quy, quy chế, pháp luật và tham gia phong trào của sinh viên để đánh giá kết quả cấp chứng chỉ cuối khoá. Trước khi ra trường, những sinh viên nào đủ điều kiện sẽ được cấp một chứng chỉ giống như các chứng chỉ về Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất... Làm được như thế, chắc chắn sinh viên sẽ có ý thức hơn trong việc tìm hiểu, rèn luyện học tập, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, chính trị cho bản thân.

Trên đây là một số suy nghĩ của người viết với mong muốn được chia sẻ và sự tham khảo của các cơ quan chức năng, các trường đại học. Tất cả vì mục tiêu nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị - tư tưởng, đạo đức cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

 Nguyễn Trí Tuệ - Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 208 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: