Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Nước non Cao Bằng - Đường lên Việt Bắc
Chúng tôi đi trong niềm vui đồng đội. Đây là lần thứ ba, trường ĐHKHXH&NV tổ chức cho Hội cựu chiến binh của Trường đi tìm… lịch sử.

Đoàn xe chúng tôi - Hội cựu chiến binh ĐHKHXH&NV tạm biệt an toàn khu Định Hoá, chuyển bánh lên đường đi Pắc Bó. Cái nắng đầu thu không quá nóng. Đường phẳng, xe êm, chúng tụi ngồi như ru mình trong câu ca dao một thời xa ngái:

"Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo theo chồng tiếng khóc nỉ non

Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.

Hoá ra từ "trẩy" trong tiếng Việt có hai nghĩa: trẩy hội và trẩy quân. Ngày xưa, anh lính đồn thú ngậm ngùi chia tay vợ, trẩy quân lên Cao Bằng. Còn hôm nay đoàn cựu chiến binh của chúng tôi cũng trẩy Cao Bằng, nhưng sau hàng trăm năm lịch sử, đoàn quân này lên Cao Bằng với niềm vui của người trẩy hội. Đoàn quân đi không có tiếng khóc nỉ non mà ngược lại, rộn rã tiếng cười con trẻ. Thầy Nguyễn Thanh Tĩnh, Khoa Lịch sử trong đoàn chúng tôi không phải chia tay vợ, mà còn cùng vợ, cùng con "trẩy Cao Bằng". Đứa con trai 4 tuổi, thông minh, lém lỉnh của anh, suốt dọc đường đi cứ đứng trên ghế mà líu lô, trêu chọc cả các bác tóc bạc muối tiêu ở hàng ghế sau. Bên cạnh anh Tĩnh, người vợ trẻ của anh lúc nào cũng bận bịu canh chừng thằng bé và hoàn toàn thờ ơ trước những câu chuyện tiếu lâm hài hước của chồng và đồng đội đang chĩa vào mình. Có lẽ chị đã quá quen với lối nói cà chớn và khiếu khôi hài của chồng. Ngay hàng ghế phía trước, thầy Lê Văn Sinh ngồi kèm hai cô con gái xinh xinh của mình. Ba bố con đều đẹp và giống nhau như ba giọt sương sớm. Con đã lớn, không phải canh chừng gì nhiều, anh Sinh quay sang anh Tĩnh móc máy nhau để pha trò. Nhờ các mẩu chuyện dí dỏm của hai thầy Khoa Lịch sử này, con đường xa như ngắn lại.

Chúng tôi đi trong niềm vui đồng đội. Đây là lần thứ ba, trường ĐHKHXH&NV tổ chức cho Hội cựu chiến binh của Trường đi tìm… lịch sử. Năm đầu tiên là tìm lịch sử của chính mình, vì đó là chuyến trở lại chiến trường Quảng Trị và viếng thăm các đồng đội đã nằm yên nghỉ trên các nghĩa trang Đồng Lộc, Đường 9, Trường Sơn. Năm tiếp theo, chúng tôi lên Tây Bắc, đến Điện Biên - chiến trường của các bậc cha anh. Còn năm nay, chúng tôi lên Việt Bắc, đến thăm đại bản doanh Định Hoá, nơi Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định đánh Điện Biên... Ba lần đi với nhau, tưởng chừng các câu chuyện tiếu lâm của Hội này trùng lặp, không còn gì để kể nhau nghe. Vậy mà mỗi ngày một chuyện, mỗi năm một mới. Từ các chiến trường khác nhau, chúng tôi mỗi người một chuyện góp vui. Chuyện các bọ, mạ Quảng Bình phê bình bộ đội khu Ba; chuyện các chính trị viên nông dân chất phác, thật thà động viên đại đội; Chuyện bộ đội tình nguyện Việt Nam đói quá, lấy cả ảnh người yêu ra đổi lấy gà của đồng bào vùng cao. Từ chuyện đời lính năm xưa, chúng tôi trở về với chuyện nhà trường hiện tại.

Nhân tiện lúc mọi người đem những câu văn ngô nghê của thí sinh thi đại học năm nay ra giải trí, anh Vũ Thanh Tùng, trưởng đoàn, ngồi cuối xe nói vọng lên: "Môn Sử thấp điểm, chả phải lỗi chương trình, cũng chẳng phải lỗi người ra đề, cũng chẳng phải lỗi các em thí sinh, chẳng qua là mấy thầy Khoa Sử chấm… kém!". Không biết anh Tùng chủ ý trêu chọc, từ phía đầu xe, TS. Nguyễn Đình Lê đứng bật dậy như bị xe vấp ổ gà: "Này này, không nói thế được. Thể nào về họp tôi cũng có ý kiến, không để yên đâu!". Nhìn khuôn mặt phẫn nộ của thầy Lê, cả xe bật cười. Nếu cố tìm trong xe xem ai không cười, thì sẽ thấy nín cười và cười to nhất lại chính là mấy thầy Khoa Lịch sử.

Cứ thế chúng tôi cười vui, tiếng cười to, nhỏ. Quả là cuộc sống muôn màu, đất nước mênh mông. Hàng ngày có trăm mối lo toan, có đủ cả vui buồn cáu giận. Chỉ tới lúc này, sau một năm công tác, giảng dạy mệt mỏi, lớp lính cũ chúng tôi mới có dịp ngồi chung xe với nhau mà cười cợt, giải toả. Anh Tùng trưởng đoàn thì thầm vào tai PGS. Lâm Bá Nam: "Sáng sớm nay, vội thế mà tôi vẫn kịp thủ trên bàn thờ một chai giôn, đem theo đây. Tối nhé!” Nghe lỏm được câu ấy, tự nhiên trong tai tôi vang lên đoạn nhạc phim phổ lời thơ Tào Tháo: "Rượu đây ta ca hát, Đời người được mấy mươi...”.

Cú xốc dọc đường

Từ câu chuyện chấm thi với chủ đề tuyển sinh đại học “ba chung”, chúng tôi chuyển sang chủ đề bia rượu lúc nào không hay. Rượu là phát minh vĩ đại nhất cho hạnh phúc loài người, hay là một sự trừng phạt, thảm hoạ rơi xuống từ sự bực bội của Chúa Trời? Tửu lượng của thầy nào, khoa nào cao nhất? Câu chuyện đang sôi nổi, bất chợt anh Tùng thông báo: "... Không phải Hội Văn nghệ dân gian, cũng không phải ĐHQGHN, mà Trường ta chủ trì, lo tất cả".Tôi giật mình hỏi anh: " Chủ trì cái gì ?". "Chủ trì tang lễ thầy Trần Quốc Vượng". "Giáo sư Vượng mất rồi?". "Ông không nghe tôi thông báo lúc nãy à? Hiệu trưởng Phạm Xuân Hằng gọi di động báo cho tôi biết từ nãy".

Đến lúc này, cái tin buồn về thầy Vượng mới lan hết trong xe. Thì ra khi nhận được điện, anh Tùng không thông báo rộng rãi, sợ dập tắt tiếng cười vui. Nhiều người biết tin đã định quay về, nhưng nghe khuyên giải, báo tin “thứ sáu đưa tang”, mới yên lòng và chắp tay hướng về phương Nam bái vọng. Tôi nghĩ thế là phải. Số thầy đã được an bài, học trò có hiếu cũng chẳng còn làm gì được hơn.

Mặc dù trong hai tháng qua, tin tức về sức khoẻ Giáo sư Vượng mỗi ngày một xấu, mọi người đã được chuẩn bị trước về mặt tinh thần, nhưng cái tin ông mất vẫn làm cho cả đoàn xe cựu chiến binh chúng tôi bàng hoàng. Riêng tôi, sự ra đi của ông đã dấy lên trong lòng tôi nỗi xót thương, ân hận. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ ông là nhà sử học của nhân dân bất diệt, một nhà khoa học có cá tính nghệ sĩ và thứ tiết tháo Nho gia mạnh mẽ. Có một lần tôi đã làm ông không vui, nếu không nói là bực mình, vì vậy mà bây giờ tôi ân hận.

Số là, có lần nhân dịp ra mắt Nhà xuất bản ĐHQGHN, tôi được giao nhiệm vụ tìm kiếm một cuốn sách nào đó in gấp làm quà tặng đại biểu trong lễ ra mắt. Công việc rất gấp, tôi truy tìm bản thảo mới suốt một tuần chưa ra. Một buổi tối, tôi nghe nói GS. Trần Quốc Vượng đang có bản thảo “Văn hoá Việt Nam” chưa in. Tôi mò số điện thoại, hăm hở bấm máy hỏi GS. Đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện trực tiếp với ông qua điện thoại. Tôi hào hứng mời ông cho Nhà xuất bản được hân hạnh xuất bản cuốn sách ông viết để làm ấn phẩm đầu tiên ra mắt Nhà xuất bản. Trình bày, mời mọc một hồi, tôi chờ mãi vẫn không thấy ông nói gì. Năm giây rồi mười giây trôi qua, tôi vẫn kiên nhẫn chờ ông nhận lời. Tôi đoán hay là ông xúc động nên kiên trì chờ đợi. ống nghe điện thoại vẫn kêu rọt rẹt. Rõ ràng ông còn đang cầm máy. Cuối cùng thì giọng ông đã vang lên: "Anh có biết bây giờ là mấy giờ rồi không. Sức làm việc của người ta có hạn. Tôi làm việc nổi tiếng chuyên cần đấy nhưng 10 giờ đêm là phải được nghỉ ngơi. Từ nãy đến giờ anh nói, tôi chẳng nghe thấy gì hết, chả biết anh nói gì. Sách sách, vở vở gì…" Nghe lâu, tôi thấy giọng ông đã có vẻ hơi líu lưỡi: "Cơ thể con người ta, về mặt sinh học…". Tôi nóng hết cả tai, vội chen ngang lời ông: "Thôi em xin lỗi, mời thầy nghỉ cho khoẻ". Tôi dập ống nghe ngồi thừ ra, không biết nên giận ông hay phải tự giận mình.

Mấy năm sau, tôi được dự Hội nghị cán bộ chủ chốt ở Trường ĐHKHXH&NV. Sự tham dự của các giáo sư nổi tiếng như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Minh Đức v.v. thường đem lại cho các hội nghị không khí vui vẻ, hấp dẫn. Năm ấy, GS. Vượng nhiệt tình tham gia chủ chốt. Tàu đêm chạy vào Cửa Lò, dọc đường, toa ông ngồi đã biến thành một tửu quán lắc lư, một câu lạc bộ di động. Ông thức thâu đêm, uống rượu, trò chuyện, trả lời hàng chục câu hỏi của các đồng nghiệp trẻ. Anh Phạm Quang Long cũng hầu chuyện ông tới quá canh ba. Thấy cảnh ông ngồi với Hiệu trưởng đàm đạo vui vẻ là mọi người mừng: Lãnh đạo kíp này có dấu hiệu thuận lợi rồi đấy. Nhưng ngay buổi chiều thảo luận hôm sau thì xảy ra "một sự khó" cho các vị chủ trì hội nghị.

Chả là sau bữa tiệc trưa, Giáo sư Vượng lên phát biểu và chất vấn Chủ tịch đoàn. Ông nói như hút hồn cử tọa. Vẫn giọng điệu thường ngày: bông lơn, tự trào, pha trộn rất khéo léo ngôn ngữ hàn lâm với ngôn từ dân dã, ông "Chỉ xin ban tổ chức trả lời cho một câu, một câu thôi...". Mọi người dự đoán ông muốn hỏi về thù lao khoa học, hoặc hướng phát triển của ngành Văn hoá học Việt Nam, ai dè ông hỏi : "...Một câu là, vì sao buổi sáng họp đông đủ, bây giờ chỉ thấy quá nửa thế này?".

Thế mới oái oăm, mọi người chả hiểu thâm ý của cụ ra sao. Tôi đoán cụ say rồi, chi bằng lợi dụng cơ hội này tôi chọc cụ mấy câu, "trả thù" lần cụ mắng tôi mấy năm trước. Mà trong tình huống này, tốt nhất là đẩy trái bóng lại cho cụ tự đá lấy. Hoặc là chọc vào cái thú bia rượu của cụ. Tôi đăng ký phát biểu ý kiến. Sau khi đứng lên bục, trình bày hai vấn đề bức xúc để ngụy trang, tôi giả vờ tiện mồm nói thêm: “Đi họp hội nghị cán bộ chủ chốt lâu nay, tôi trộm nghĩ, nó còn là một dịp tranh thủ gặp gỡ, hội hè tí chút. Câu hỏi của GS.Trần Quốc Vượng rất hay. Nhưng tôi thiển nghĩ thế này. Ban tổ chức Hội trưa nay không giám sát, đã để cho chúng tôi uống bia trộm. Uống vào buồn ngủ, không đến dự họp đúng giờ buổi chiều. Mà có đến đúng giờ thì cũng dễ thắc mắc nhiều chuyện lung tung. Còn Giáo sư Vượng đã đặt câu hỏi như thế, hẳn là đã chuẩn bị sẵn đáp án. Anh em đang mong nghe đáp án. Xin hết”. Hội trường cười rộ. Tôi về chỗ của mình, sau lưng ông 4 - 5 hàng ghế. Ông ngoái lại nhìn tôi lom lom. Nhìn như nhìn một tên nịnh thần đáng ghét. Đoàn chủ tịch vui vẻ mời ông lên "trình bày đáp án”. Ông bảo: “Chẳng có đáp án nào cả". Hội trường lại cười ầm. Tôi biết ông lên bục lúc này là rất dở. Tôi đã nói vừa trúng ý ông, lại vừa chọc ông. Ông dại gì sa vào cuộc đối thoại với hạng trẻ con như tôi.

Mọi chuyện tưởng qua đi. Tưởng rằng ông chẳng thèm nhớ mặt tôi. Ai dè một năm sau, nhân một lần trêu chọc cấp trên, thấy tôi đi ngang qua, ông nói to : "...Nếu không rồi có người lại máy móc tôi, ông Hưng nhỉ?". Tôi giật mình, nghĩ bụng, hoá ra cụ biết tên mình, không quên chuyện cũ.

Còn lúc này, khi đoàn xe cựu chiến binh chúng tôi biết tin ông mất, tất cả mọi người đều nín lặng. Một cảm giác trống vắng xâm chiếm lòng tôi. Hình như đó là sự trống vắng của một cây đại thụ trong vườn văn hoá và khoa học xã hội nước nhà. Nếu chúng tôi may mắn có ông trong đoàn lên Pắc Bó, chúng tôi chắc chắn sẽ được ông mở mang, khai trí nhiều điều. Cao Bằng như pho sử nghìn năm khép kín, mà chỉ những người như ông mới giúp chúng tôi lật giở những chương đầu.

Hang rồng Cốc Pó

Từ khách sạn Bằng Giang, thị xã Cao Bằng, chúng tôi lên xe hành quân tới Pắc Bó.Trên suốt chặng đường đi, những câu chuyện về Bác Hồ kéo dài không ngớt. Càng đi sâu vào những khía cạnh đời thường của vĩ nhân, ta càng cảm thấy gần Bác. "Ta bên Người, Người toả sáng trong ta" chính là như vậy. Trong đoàn chỉ có anh Tùng là người duy nhất đã lên Pắc Bó. Anh kể rằng gần hang Pắc Bó cái nền nhà của ông Lý Quốc Súng, người bản địa, trước kia bảo vệ Bác, vẫn còn giữ nguyên, mà cái hang thì ẩm lắm. Nghe nói vậy, tôi chợt nảy mối nghi ngờ: Có nhà gần đó, tội gì Bác ngủ hang cho hại sức khoẻ. Vậy thì chữ "hang" trong câu thơ "Sớm ra bờ suối, tối vào hang" chỉ có ý nghĩa hiệp vần với những từ "sẵn sàng", "thật là sang" trong các câu sau. Nó không có chức năng tả thực mà chủ yếu là giữ chức năng thi pháp...

Những ý nghĩ vụng trộm, hư đốn của tôi tắt lặng khi hai chiếc xe đổ chúng tôi xuống bờ suối Lênin. Tất cả chúng tôi đều sững sờ trước cảnh tượng sơn thuỷ hữu tình, náo nức tiếng ve kêu, nước chảy. Núi Các Mác chót vót soi mình bên suối Lênin. Theo bước chân cô gái thuyết minh bảo tàng, chúng tôi dần dần ngược dòng suối, tìm đến hang. Mấy cơn mưa đêm hôm trước đã làm suối Lênin no nước, vang động trong tiếng hát réo rắt của thác trắng. Ngược lên đầu nguồn, chúng tôi mới biết rằng tên riêng của hang Bác dùng là Cốc Bó.

Cốc Bó là chiếc hang đá vôi rất hẹp, chỉ đủ cho 1 -2 người lánh nạn khi cần thiết. Đến nay cửa hang đã rộng và bị biến dạng đi nhiều do mấy tấn thuốc nổ của một nhóm tội đồ vô học năm 1979. Cách đó không đầy trăm mét, bên kia dãy núi đã là đất Trung Quốc. Năm 1941, sau 20 năm lặn lội bốn phương trời tìm đường đi cho dân tộc, Bác đã vượt qua chính dãy núi này, về đây gieo lửa. Một phần của lịch sử Việt Nam hiện đại được bắt đầu từ những đêm thâu giá lạnh trong lòng hang Cốc Bó này. Vậy thì kẻ nào có thể phá được hang Cốc Bó. Bộc phá có thể làm vỡ đá, nhưng làm sao phá vỡ được lòng người! Mỗi người Việt Nam đã có một Cốc Bó riêng trong tâm hồn, trong tình yêu đất nước.

Tôi chợt nhớ tới túp lều cỏ của Lênin bên hồ Ra-dơ-lip. Tố Hữu làm thơ đã ví nó "như chiếc tổ chon von của con chim phượng hoàng trên đại ngàn hùng vĩ". Lênin lánh mình trong lều cỏ, Hồ Chí Minh lánh mình trong hang đá. Cách mạng mỗi nước đều có đặc trưng châu lục và màu sắc địa văn hoá của mình. Vậy thì khi có dịp làm thơ về Bác, tôi sẽ cố chen vào bài thơ tương lai hình ảnh ví von này: Cốc Bó là chiếc hang rồng, điểm dừng hồi hương đầu tiên, để rồi bốn năm sau Người đọc lời Tuyên ngôn độc lập đúng đất Thăng Long.

Bồi hồi bên chiếc bàn đá năm xưa Bác ngồi “dịch sử đảng”, có người trong đoàn chúng tôi múc đầy chai lavie nước suối. Tôi tò mò hỏi. Anh thì thầm vào tai tôi: "Vợ dặn múc về đặt bàn thờ". Nghe anh nói, tôi phải nén tiếng thở dài xúc động. Thật là đôi vợ chồng cựu chiến binh lý tưởng. Và anh thực sự là một ông chồng hạnh phúc. Trừ anh ra, có lẽ không có bà vợ cựu chiến binh nào trong đoàn đi này khi thấy chồng lên Cao Bằng biết dặn chồng đem nước suối về. Anh bạn cùng phòng ở với tôi còn được vợ chỉ thị: Hoặc là mua khoai môn hoặc là chiếu tre Tàu nhập đường tiểu ngạch. Anh đã khuân đủ cả hai thứ về phòng rồi, nhưng mặt nhăn như bị. Tôi không noi gương anh, tôi noi theo người múc nước suối nguồn Pắc Bó. Nếu ngày mai được sang Tuyên Quang, tôi chỉ đem về cho vợ chiếc lá đa Tân Trào. Quà mà - như thế, vừa nhẹ, vừa thơ.

Những tấc đất địa đầu

Có ai đó nói rằng, người ta chỉ thấy ý thức dân tộc hiện ra rõ nhất khi đứng trên biên giới. Điều đó tôi đã cảm nhận được đôi lần. Đúng là tôi đang sống lại cảm giác đó cho tới tận làn da thớ thịt khi nhảy xuống làn nước của thác Bản Giốc. Tôi mừng là có nhiều cựu chiến binh sau một chặng đường vất vả, dù tuổi cao sức kém, vẫn còn đủ can đảm ngâm mình trong nước thác. Hai vị chủ nhiệm Khoa Tâm Lý và Khoa Xã hội học tranh thủ ngồi thiền bên bờ thác. Nhóm bơi lội chúng tôi, dẫn đầu là TS. Nguyễn Hữu Thụ, thì cứ ngồi há mồm trên các mô đá, mặc cho nước thác xối vào da thịt. Chẳng rõ là những làn nước chúng tôi đang hứng sẽ chảy về đâu. Sang Trung Quốc hay về Biển Đông? Người dân nơi đây kể rằng, trước khi có hiệp định đường biên, tức là trước khi thoả thuận lấy dòng nước Bản Giốc làm biên giới tự nhiên, toàn bộ thác này là của Việt Nam. Ruộng nương của bà con chúng ta chạy dài suốt lên đến đỉnh núi bên kia dòng suối. Còn hôm nay, thác đã thành thác chung hai nước. Ruộng nương của bà con Cao Bằng năm trước đã biến thành khu du lịch có quy hoạch chiến lược với cả một hệ thống đường xá, lầu cao, cây xanh, ngựa xe, ô dù sặc sỡ. Một người thợ nề kể cho tôi hay rằng, năm xưa nhân vật Triển Chiêu trong phim Bao Công đã nhào lộn ở chiếc lầu xa xa đằng kia. Đó là trường quay, bây giờ là lầu vọng cảnh. Nghe xong, đột nhiên tôi day dứt một ý nghĩ: Các nhà làm phim nước ta đã khi nào nghĩ tới chuyện quay những thước phim về thuộc hạ Thoát Hoan tuỳ nghi hồi hương qua đường Bản Giốc này chưa? “Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông mối tình hữu nghị...". Bài hát năm xưa vẫn âm vang trong lòng chúng tôi, những kẻ lữ hành. Chao ôi, những lời ca ấy đã từng vang lên, sưởi ấm lòng cả mấy thế hệ người Việt Nam yên tâm đi về phương Nam, ra trận. Còn bây giờ...

Công cuộc đổi mới của phía bạn đang trên đà thiên lý. Dòng người du lịch bên đất bạn đông đảo hơn bên mình bội phần. Một sự đông đảo đáng ngờ. Có lẽ đó là kết quả của một sự đầu tư du lịch nhằm vào mục tiêu văn hoá - chính trị nhiều hơn là kinh tế.

Chúng tôi ghé vào một chiếc lán dã chiến của bộ đội biên phòng nghỉ chân. Bộ đội ta đang ngồi uống rượu chờ cơm. Rất giống cảnh chúng tôi năm nào: "Những chàng lính trẻ măng tơ, Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi". Bây giờ bộ đội ta không gõ bát suông nữa. Nước nhà đã "có bát ăn bát để”. Bộ đội ta đã có rượu khai vị trước bữa ăn. Tuy vậy tôi vẫn lên giọng cha chú, suồng sã quát: "Cứ la đà cả ngày thế này, nếu có động rạng gì thì các chú xoay sở ra sao?". "Các bác cựu chiến binh ơi, các bác cứ yên tâm đi, - một anh lính cởi trần thay mặt mâm rượu đáp lời - Càng uống chúng con càng tỉnh, bọn xấu bụng nào mà quấy phá, chúng con bóp liền. Chúng con quê đây cả, đất đai biên giới nhưng là ruộng vườn ông bà chúng con cả ấy mà".

Đúng là giọng lính thời bình. Tôi chợt nhớ lời thơ Nguyễn Duy viết về biên giới năm nào:

"AQ cùng với Chí Phèo,

Rượu ngang hai bác lính nghèo đung đưa”.

Câu thơ không hài hước chút nào. Trong chén rượu ngang của hai vị cố nông này có giọt nước mắt nóng rớt xuống. Cái nóng của nỗi khát khao: Đến bao giờ tất cả các biên giới trên trái đất này, từ dải Gada miền Trung Đông tới Saraievô, mới trở thành biên giới hoà bình, biên giới của tình hữu ái giai cấp.

Kết

Tôi viết những dòng ký sự này khi chuyến đi đã qua một tuần lễ. Bạn bè trong đoàn đã gửi cho tôi những chiếc ảnh chụp kỷ niệm. ảnh thì chiếc tỏ chiếc mờ. Những ông phó nháy nghiệp dư chụp cho nhau những chiếc ảnh rất … đáng phạt bia. Nhưng dù ảnh chụp chưa được “chuẩn”, tất cả đều làm bừng lên kỷ niệm của một chuyến hành hương còn tươi rói. Trong số ảnh đó, chiếc lộng nắng lộng gió nhất là ảnh đoàn tôi chụp bên mộ Kim Đồng. Nếu Kim Đồng không hy sinh, năm nay ông có thể là một cán bộ lão thành hưu trí, đang độ tuổi “cổ lai hy”. Nhưng lịch sử đất nước cần Kim Đồng ở tầm tuổi trăng tròn bất tử. Tuổi 15 đã sống gấp, sống dồn nén lại cả một kiếp người. Không rõ nhà điêu khắc nào tạc tượng Kim Đồng quá đẹp. Đó là hình tượng một trang thiếu niên ngẩng mặt ngắm con chim trên bàn tay mình cất cánh. Chuyện xưa kể Kim Đồng nuôi sáo. Còn trong tượng đài này rõ ràng là con bồ câu trắng đang thèm bầu trời tự do. Ngắm tượng Kim Đồng, tôi cầu mong cho tuổi thơ Việt Nam từ nay không phải làm dũng sĩ, không phải hoá thân thành những tượng đài. Những việc hệ trọng của đất nước thì… người lớn, dù mệt mỏi như đoàn cựu binh chúng tôi, sẽ gắng sức lo toan, gánh vác. Bài toán nan giải này vẫn còn đang được đặt ra cho tất cả. Giải được rồi, tức là chúng ta đẩy lùi được tiếng khóc trong câu ca dao cũ, để đổi lấy tiếng cười. Cười rằng:

"Con cò tất tả sang sông

Bón cháo cho chồng dã rượu làng Vân

Nàng về thay áo tứ thân

Cùng anh trẩy hội nước non Cao Bằng".

LG tháng 8/ 2005

 Phạm Thành Hưng - Ảnh: Vũ Thanh Tùng - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 176, tháng 10/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :