Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Tản văn: Tháng 5 về cùng nỗi nhớ dòng sông quê nội
... Nơi xa xôi, một chiều chợt da diết nhớ dòng sông. Nhìn lại đời mình, thấy vơi đầy bao bận. Chợt ngậm ngùi nhớ ông nội, nhớ tuổi thơ… Cũng nơi xa xôi ấy, một chiều tháng 5, nhìn mưa trắng trời phố thị, nỗi nhớ cồn cào về cùng những giọt mưa lạnh buốt…

Những buổi chiều mùa hạ khi tôi còn nhỏ, nắng trải màu cam lấp lánh trên bãi cỏ non ven sông. Nội tựa vào tôi. Hai người, một già một trẻ, nắm tay nhau chầm chậm đi trên triền sông. Nội tôi là một ông cụ cao lớn, quắc thước. Mặc dù đã trên 70 tuổi nhưng nội vẫn còn tráng kiện lắm. Hàm răng nội đều tăm tắp, cứ sáng bóng lên mỗi khi ông dước mía cho tôi ăn. Nội cười nói rổn rảng, cõng tôi trên lưng chạy theo cánh diều mỗi chiều hai ông cháu thả trâu bên bờ sông mượt mà cỏ non. Quê tôi nằm dọc theo triền sông Hồng. Cũng như ông nội, con sông đã trở thành một người bạn tâm giao của tôi suốt cả thời thơ ấu. Nước sông quê tôi trong xanh đến lạ thường. Mùa hè, ông thường đưa tôi ra xem bọn trẻ chăn trâu trong làng tắm sông. Nước sông mát lạnh. Cả bọn cùng với đàn trâu tha hồ bơi lội, tiếng cười đùa lanh lảnh giữa làn nước xanh. Phía bên kia là mấy đứa con gái e dè đứng sát bờ sông té nước lên người cho sạch bùn đất. Xa xa, những chiếc thuyền đánh cá đang buông chài, tung lưới cùng với tiếng hò trống quân trầm ấm của các bác ngư dân. Giữa sông những chiếc xà lan chở đầy cát vàng đang lừ lừ chạy. Tiếng động cơ nổ vang dội cả hai bờ. Tất cả những con người, cảnh vật, âm thanh đó như một bức tranh mộc mạc nhưng đậm chất thơ mà bao nhiêu năm qua không lúc nào tôi quên được.

Năm lên 6 tuổi, nội bắt đầu thả tôi xuống nước tập bơi. Nội mới xốc tôi lên vai bước ra mép nước, tôi đã co rúm người lại và hét toáng lên. Nội cười ha hả, ôm tôi lội xuống dòng nước mát lạnh. Tôi thót lên ôm cứng cổ ông và nhất định không chịu rời ra. Quẫy đạp lung tung, tôi làm nội mất đà ngã nhoài, hai ông cháu chới với. Càng hoảng sợ hơn, tôi túm chặt lấy tóc nội mà chòi đạp liên hồi kỳ trận. Nước ộc vào mắt, vào mũi, cay xè. Bất chợt tôi lạng đi vì một cái tát như trời giáng. Buông tay ra, tôi chẳng còn biết mình đang ở đâu nữa… Rồi thấy mình nằm trên bờ cỏ, nhập nhòa khuôn mặt, ánh mắt nội đang lo lắng nhìn tôi. Tối đó, nội cứ mãi ôm tôi vào lòng. Nội xuýt xoa sờ bên má tôi vẫn còn đỏ vì cái tát ban chiều. Tôi không giận nội bởi nghe mấy bác trong làng bảo lúc đó mà nội không tát cho tôi một cái thì có lẽ cả hai ông cháu đã chìm dưới sông rồi, nhưng nội thì có vẻ ân hận lắm. Từ hôm đó, nội không bắt tôi tập bơi nữa.

Con sông quê tôi rất lạ kỳ. Có đoạn sâu thăm thẳm, có đoạn lại nông choèn. Có một khúc cua đột ngột vào chỏm cỏ nhô ra mặt sông đến hơn 20m, nước sông lắng đọng thành một hồ nước con con. ở đó có nhiều cá và hến lắm. Chính những chỗ này, nội thường dắt tôi ra đãi hến. Nội bảo tôi có tật đổ mồ hôi trộm, ăn cháo hến sẽ hết, sẽ khỏe lên. ở làng này, chẳng có người đàn ông nào lại đi làm cái việc của đàn bà và con trẻ là ngồi chồm hỗm bên sông, xúc cát, đất lên và đãi qua, sàng lại. Nhưng ông nội tôi lại sẵn sàng làm chuyện đó. Bà nội không còn từ lâu, cha tôi nằm ở trại điều dưỡng thương binh còn mẹ phải đi buôn bán nơi xa. Ngày xưa, nội ở vậy nuôi con và giờ nuôi cháu. Nội chẳng nề hà chuyện gì miễn là con, cháu mình khỏe mạnh. Chuyện đó mãi tận sau này, khi đã có một chút hiểu biết, nghe bà cụ Hòa hàng xóm trò chuyện, tôi mới hiểu. Còn lúc đó, tôi chỉ biết cúi đầu thật thấp trên tô cháo hến nóng hổi, thơm lừng mùi rau răm và húp lấy húp để. Thấy nội cười hài lòng, tôi lại càng cố ăn thật nhiều, nhai tóp tép những con hến bé xíu màu trắng xanh. Vô tư nhìn nội dọn cái nồi đất, tôi hỏi: “Sao nội không ăn? Nội không bị đổ mồ hôi hả nội?“. Đưa cho tôi quả chuối mắn chín vàng ươm, nội cười: “ừ! Nội đâu có đổ mồ hôi. Chỉ cần cu Tý ăn cho nhiều là nội khỏe rồi!”. Tôi thích thú đi khoe khắp xóm cái điều ngộ nghĩnh: “Tý ăn nhiều thì ông nội khỏe…”, khiến nhiều người chỉ vừa cười vừa ái ngại nhìn...

Năm tôi 17 tuổi, nội bảo tôi ráng thi vào đại học, nội sẽ lo cố gắng lo được tiền học phí. Tôi cúi đầu vâng dạ mà lòng xót xa. Nội đã gần 90 tuổi rồi, vồng ngực đầy ụ năm nào giờ đã lép, trơ những lóng xương mảnh. Nhiều khi tôi bắt gặp nội lặng lẽ nhìn mình rồi thở dài. Tôi biết nội nhớ cha tôi, trại điều dưỡng thương binh ở xa quá, nội không đi thăm được. Những lúc ấy tôi nắm chặt bàn tay với những ngón cong queo vì bệnh khớp của nội, chợt nhận ra cả tuổi thơ mình nằm gọn trong bàn tay ấy…

Lại một buổi chiều đầu hè, nắng trải màu cam lấp lánh trên bãi cỏ non ven sông. Nội tựa vào tôi, hai chúng tôi, một già một trẻ, nắm tay nhau chầm chậm đi trên triền sông. Gió từ mặt sông thổi bồng bềnh mái tóc bạc phơ của nội. ánh mắt già nua nhưng vẫn còn tinh anh, nội nhìn ra xa phía chân trời, chậm rãi dặn tôi: “Con lên thành phố học nhớ phải lo giữ gìn sức khỏe. Đừng bận tâm về nội, đã có bà con xóm giềng...”. Rồi nội lần tìm trong túi áo nâu. Tay run run, nội đưa cho tôi cái gói nhỏ bọc trong chiếc khăn tay: “Con cầm lấy mà đóng tiền học phí. Nội đã dành dụm và chờ đợi đến ngày này lâu lắm rồi. Ráng học thành người con nhé…!”. Có lẽ gió từ sông quá lạnh nên khiến tôi rùng mình. Không! Chắc là nắng chiều đã loang màu tím trên sông nên tôi thấy lòng mình chùng lại. Phải đâu là cỏ quá xanh hay nước sông trong vắt! Chỉ có bàn tay nội run run vuốt nhẹ lên tóc tôi, khẽ chùi đi giọt nước mắt đang lăn dài trên má đứa cháu giờ đã cao lớn dềnh dàng nhưng mãi mãi vẫn là đứa trẻ 6 tuổi ngày xưa, từng co rúm người ôm chặt cổ nội ngày đầu tiên xuống nước tập bơi…

 Trương Huyền - Photo: Ngoc Diep - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 183, ra tháng 5/2006
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :