Trang chủ   >   >    >  
Võ Thị Hảo: Nghề cầm bút không phải để kiếm tiền
Nhà văn Võ Thị Hảo vẫn đang theo đuổi dòng tiểu thuyết lịch sử đầy bí ẩn và mê hoặc. Với chị viết về lịch sử một mặt là để chính mình khám phá lịch sử, và mặt kia là truyền cảm hứng lịch sử đến cho người đọc – cảm hứng hóa thân, chứ không phải làm đao phủ hay nô lệ của lịch sử.

Những bi kịch lớn
Chị bắt đầu thai nghén tiểu thuyết Giàn thiêu từ khi nào?
Tôi bắt đầu ý tưởng viết Giàn thiêu từ nhân vật dã sử có được nhắc đến trong chính sử. Nhân vật Từ Lộ là một cảm hứng rất quan trọng - một chàng trai mang mối oan khuất của người cha và phải dành cả đời mình để báo thù. Khi báo thù xong, tu luyện để trở nên đạo cao đức trọng thì Từ Lộ chống chếnh, nhận ra mình chưa kịp sống và hối hả “truy lĩnh” bằng cách đầu thai sang kiếp khác ... Cuối cùng, Từ Lộ nhận ra sự phù du, và đất nước mà ông ta cai trị nhận hậu quả...
Chắc chắn chị đã nghiên cứu rất nhiều để viết Giàn thiêu, điều gì chị tâm đắc nhất trong quá trình đó?
đúng là không khác gì làm một luận án lịch sử - chính trị, liên quan đến cả phong tục và Phật giáo. điều tôi tâm đắc nhất là tìm được cội nguồn của tư tưởng Phật khai mở ban đầu - đó là tinh thần tự do, là không bao giờ muốn người ta chỉ ca tụng mình và giáo lý của mình là duy nhất đúng. Phật là tự do nhận thức, chứ không phải sự thần thánh hóa và nô lệ.
Sau Giàn thiêu đã gây được tiếng vang trong xã hội, hình như chị có ý định ra tiếp những tiểu thuyết lịch sử khác?
Tôi đã viết xong Dạ tiệc quỷ từ lâu nhưng chưa xuất bản. Cuốn đang viết là Rừng đoạn đầu, tiểu thuyết dã sử - lịch sử về Cao Bá Quát, một nhân vật tài cao học rộng, đầy khí phách kẻ sĩ, đầy tinh thần cải cách nhưng đã bị triều đình nhà Nguyễn chém đầu và tru di tam tộc. Mặc dù vậy, ông và văn thơ của ông đã được ghi tạc trong lòng nhân dân.
Vì sao chị chọn theo đuổi thể loại tiểu thuyết lịch sử?
Vì lịch sử là kho chứa những câu chuyện lớn - những bi kịch lớn của mọi thời đại. Nó mang tính điển hình rất cao cho số phận của nhân dân và cung đình quốc gia ấy, dân tộc ấy. Nhưng lịch sử cũng luôn bị uốn vặn bởi những bàn tay quyền lực. Vì vậy, ngoài việc viết văn, tôi muốn khám phá sự thực lịch sử chứa đựng trong những linh cảm và tâm hồn người dân, song song với dòng chính sử - dòng dã sử và dòng tâm cảm. Tôi mong muốn máu và nước mắt cùng những cố gắng nhân tính hóa loài người trong lịch sử, đến hôm nay và cả tương lai không bị uổng phí.
Bởi thế, với tôi, viết tiểu thuyết lịch sử là công việc khó khăn nhưng đầy cảm khái.
Đừng làm đao phủ của lịch sử
Theo chị, viết tiểu thuyết lịch sử như thế nào mới hấp dẫn người đọc?
Trước hết phải không nhai lại chính sử nhàm chán thì người đọc mới thích thú. Viết về lịch sử, hoặc dạy các bài lịch sử chỉ để nhăm nhăm làm vừa lòng một ai đó thì là đao phủ của lịch sử và khiến mọi người xa lánh.
Theo chị, điều quan trọng nhất trong dạy và học lịch sử là gì?
Dạy và học sử không phải là nô lệ lịch sử, mà để hóa thân, để trải qua những cảm xúc của các nhân vật lớn của thời đại và để lớn lên, để nhân văn hơn, để đừng lặp lại bi kịch. Học sử là để bồi dưỡng con người công dân sáng tạo và đầy trách nhiệm, trong mỗi công dân nhỏ bé cũng có hùng khí của một con người chân chính để sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Sự đầu tư rủi ro
Giàn thiêu có tiếng vang về mặt xã hội, nhưng về mặt kinh tế thì sao, có đủ…bù lại “vốn” đã bỏ ra không?
Viết ra nó không lâu, nhưng để nghiên cứu những vấn đề liên quan thì rất lâu. Giàn thiêu là một cuốn bán chạy, được tái bản nhiều lần, nhưng khó mà nói là… đạt hiệu quả kinh tế! Ở Việt Nam ai sống được bằng văn chương? Có người đọc với tôi là hạnh phúc rồi. Tôi thờ chữ. Tôi coi cầm bút là nghề mang tính khai sáng, chứ không phải chỗ để kiếm tiền.
Tức là viết văn nói chung, và viết tiểu thuyết lịch sử nói riêng không phải là một cuộc đầu tư đáng giá về mặt kinh tế? Thế nhà văn phải làm gì khác để nuôi sức viết?
Về kinh tế thì có khi chẳng mang lại được gì. Mỗi tác phẩm in ra chỉ vài ngàn cuốn, sách lậu thì tràn lan, và Việt Nam hiện đang là thị trường của sách rác rưởi nhảm nhí hơn là sách văn học nghiêm túc…
Nhưng vẫn rất đáng để đầu tư vì ý nghĩa tinh thần và trách nhiệm cộng đồng thể hiện trong công việc này. Có khi sự đầu tư này còn nguy hiểm, nhiều rủi ro nữa.
Tóm lại là làm nghề khác để nuôi văn. Hoặc “đói nằm co” cũng vẫn phải nuôi văn, vì đó là sở thích và là nghiệp rồi.
 
 

 Diệu Thủy (thực hiện) - Bản tin ĐHQGHN số 246 tháng 8/2011
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :