Trang chủ   >   >    >  
Phê bình tác phẩm văn học - nghệ thuật trên báo chí
Công chúng yêu văn học nghệ thuật và ham thích tìm hiểu về văn học - nghệ thuật đã từng được “gặp gỡ” với nhà phê bình nghệ thuật TS. Nguyễn Thị Minh Thái - một trong những cây bút phê bình nghệ thuật ấn tượng nhất ở nước ta hiện nay - qua các tác phẩm như “Con mắt xanh”, “Đối thoại mới với văn chương”, “Sân khấu và tôi".

Lần này độc giả lại gặp chị ở tác phẩm "Phê bình văn học - nghệ thuật trên báo chí". Tác phẩm này không phải là tập hợp những bài phê bình tốt nhất của chị để in thành sách mà là kết quả nghiên cứu của chị sau nhiều năm làm cán bộ giảng dạy ở Khoa Báo chí, ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN. Đây là cuốn giáo trình chính thức của môn học Phê bình văn học của sinh viên ngành Báo chí mà chị đang đảm nhiệm.

Khi là một nhà phê bình, Minh Thái đã thuyết phục được hàng triệu độc giả bằng những cái viết của mình vừa thấm đẫm tính học thuật vừa giàu chất văn chương. Bây giờ, khi chuyển sang làm công tác nghiên cứu và giảng dạy, chị vẫn không ngừng tay bút trong lĩnh vực phê bình, mà còn gặt hái thêm nhiều thành công trong lĩnh vực khoa học. Cuốn sách mới này do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành quý IV năm 2005 là một bằng chứng rất thuyết phục.

Với hơn 500 trang sách, nhà giáo Minh Thái đã thực hiện những thao tác khoa học về phương pháp phê bình tác phẩm nghệ thuật nói chung và đặc biệt là viết bài phê bình văn học cho báo chí.

Cuốn sách được thực hiện trong 3 phần của nội dung chính như:

Phần 1: Lý luận chung về tác phẩm văn học nghệ thuật. Những thuật ngữ như nghệ thuật, văn học, tác phẩm văn học được giải thích kỹ lưỡng và có có sở khoa học. Đó chính là tiêu chuẩn đầu tiên của một cuốn giáo trình. Nếu chúng ta chú ý, sẽ thấy nhiều cuốn giáo trình đang lưu hành hiện nay, tác giả của chúng đôi khi cứ bỏ qua việc định nghĩa khái niệm, cho nên khi vừa học xong môn học mà nhiều sinh viên vẫn lúng túng khi không biết được cặn kẽ các khái niệm như chức năng, nhiệm vụ, mục đích, yêu cầu v.v... thì mới thấy rằng TS. Minh Thái rất có trách nhiệm trong công tác biên soạn giáo trình.

Phần 2: Thực hành bài viết phê bình tác phẩm văn học trên báo chí. ở đây, những vấn đề về nguyên lý tiếp nhận thẩm mỹ được lý giải rõ ràng và cặn kẽ để đi đến những kết luận khái quát: “Tiếp nhận thẩm mỹ không bao giờ có dạng khai triển; nó có thể dừng lại ở cảm xúc sơ bộ hoặc ở mức nhận ra những hình tượng quen thuộc, nhưng có thể đạt tới độ căng cao (chấn động), khi chủ thể cảm nhận niềm vui chẳng những do anh ta khám phá, mà còn do bản thân hành vi khám phá ấy". Để rồi dẫn dắt người học tìm hiểu về phương pháp tiếp nhận văn học và phê bình văn học. Theo tác giả thì những thao tác đó đều mang tính chất của hoạt động văn hóa.

Tác giả giáo trình đã chỉ ra rằng: một bài phê bình hay một bài giới thiệu tác phẩm dùng để đăng báo, trước hết đó là một văn bản truyền thông, cho nên nhà phê bình cần quan tâm trước tiên đến việc tổ chức văn bản truyền thông. Mà một văn bản truyền thông thì phải đạt được các yêu cầu như: sự trong sáng của những thông báo, sự trong sáng của ngôn ngữ. Khi đã nắm được yêu cầu quan trọng đó của tác phẩm báo chí, thì công việc tiếp theo mới là "Cách thức tổ chức bài phê bình văn học" (tr. 68). Giáo trình còn chỉ ra vị trí đặc biệt của nhà phê bình văn học hay nhà báo viết bài phê bình văn học: "Họ ở giữa nhà văn và độc giả văn chương, tạo thành một mối quan hệ tay ba mà có lẽ chỉ có văn học... nhà phê bình phải thực hiện trong tác phẩm phê bình của mình, đó là nghệ thuật đọc tác phẩm văn chương của nhà văn và nghệ thuật bình giá về những cái đã đọc ấy cho đông đảo người đọc, làm cho người đọc thấm sâu tác phẩm văn học... ”. Sau những phân tích cặn kẽ và có tính hướng dẫn cao là việc rút ra những yêu cầu cần đạt tới của một người muốn viết bài phê bình văn học (tr.120).

Phần 3: Thực hành bài viết phê bình nghệ thuật trên báo chí (báo viết).

Toàn bộ phần 3 của giáo trình, TS. Minh Thái đã dùng để lý giải những vấn đề có tính chất giáo khoa như lý thuyết chung về tác phẩm sân khấu và tác phẩm điện ảnh để sau đó dành phần lớn chương trình cho những hướng dẫn thực hành viết bài phê bình sân khấu và điện ảnh cho báo chí.

Đã từng là một nhà phê bình văn học được nhiều người hâm mộ, đặc biệt là giới sinh viên. Khi làm nghề dạy học, TS. Nguyễn Thị Minh Thái, với lòng nhiệt tình và sự đam mê, đã để lại không ít ấn tượng tốt đẹp cho sinh viên báo chí. Ngay cả những tuyên bố của cô giáo Nguyễn Thị Minh Thái cũng tạo nên không ít sự thích thú và ngạc nhiên vì ngỡ ngàng: "Nghề báo có thể học được, nhưng không thể dạy", "Học báo là tự học", "Dạy báo là sự truyền nghề".... ở ý sau cùng của "tuyên bố" này có thể làm cho không ít người băn khoăn: truyền nghề là sự bắt chước, mà bắt chước thì không thể có cơ sở khoa học và phương pháp luận, chẳng lẽ có người hành động mà lại không lý giải được hành động của mình, vì thấy người ta làm thế nên tôi cũng làm thế?

Tuy nhiên, băn khoăn này sẽ mất đi và sẽ được thay thế bằng sự thuyết phục, khi đọc kỹ giáo trình của cô, và trao đổi kỹ với cô trên tinh thần đồng nghiệp, và được thực chứng bằng các bài viết sinh động, tài hoa của tác giả Nguyễn Thị Minh Thái, mới hiểu rằng, truyền nghề, theo cách dạy môn này của cô Thái có nghĩa là yêu cầu sinh viên học cách viết bài phê bình văn học nghệ thuật trên cơ sở đọc và học cách viết từ những bài báo phê bình xuất sắc nhất, để rút ra nhũng bài học kinh nghiệm viết bài của chính mình. Hiểu như thế, có lẽ mọi người sẽ thán phục tính khoa học vừa sâu sắc, vừa nghiêm túc của một công trình khoa học vốn trước đây chưa có người viết.

Chắc chắn cuốn giáo trình này sẽ giúp cho sinh viên có cơ sở khoa học và phương pháp luận vững chắc trong tư duy phê bình nghệ thuật chứ không phải "bắt chước" một cách máy móc, vô phương hướng.

Có lẽ đối tượng đáng được chúc mừng đầu tiên là sinh viên ngành Báo chí và những ai đang muốn tham gia vào lĩnh vực phê bình nghệ thuật. Từ nay họ có thêm một tài liệu có giá trị khoa học cao để vững bước tiến vào nghề báo khi đã có sẵn niềm say mê nghề nghiệp, chút năng khiếu bẩm sinh và đương nhiên là phải có thêm cả sự siêng năng trong học tập và nghiên cứu. Tiếp đến là chúc mừng cô giáo Nguyễn Thị Minh Thái có thêm một công trình khoa học được ra mắt độc giả.

 Trần Quang - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 175, tháng 9/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: