Video
Trang chủ   >  Video  >    >  
Bê bối ở Viện hàn lâm khoa học Châu Âu
Các chuyên viên chống gian lận của Ủy ban Châu Âu (EC) ở Brussels đang tiến hành điều tra nhà địa vật lý Philip Carrion, một trong số sáng lập viên của “Viện Khoa học đầy tranh cãi” này, về các vi phạm tài chính trong một số dự án khoa học của Châu Âu.

Chi tiết còn chưa được công bố, nhưng Nature được biết 3 dự án liên quan tới Carrion tài trợ bởi EC qua chương trình khung cho nghiên cứu, với những khiếu kiện đối với vấn đề tài chính. Carrion bác bỏ mọi cáo buộc và hoan nghênh cuộc điều tra.

Carrion lần đầu tiên được chú ý tới trong giới khoa học vào năm 2002, sau khi Nature tiến hành điều tra về “Viện Hàn lâm Khoa học Châu Âu” (EAS – European Academy of Sciences). “Viện Khoa học mới” này được Carrion thành lập vào năm 2002, nói là được tài trợ để liên kết các nhà khoa học Châu Âu và các nơi khác, nhưng vào thời gian đó không hề có một xuất bản, chương trình, hay hội họp nào, mặc dù đưa ra danh sách 600 thành viên (một số chức trách khoa học của Việt Nam cũng được “mời” và ghi tên trong danh sách EAS - ND). Một số nhà khoa học, trong đó có một số giải thưởng Nobel, được liệt kê trong danh sách thành viên của Viện thời điểm đó đã nói rằng họ không hay biết gì về tổ chức này.

Tuy vậy Carrion và các cộng sự vẫn tiếp tục dựng lên EAS, được đặt trụ sở ở Liege, Bỉ - quê nhà của Carrion. Theo Helene de Rode, Chủ tịch đương nhiệm của EAS đồng thời là một luật sư ở Liege, thì hiện EAS có 650 thành viên. EAS có công bố một bản tin và có một tạp chí có tên là Annals. Tuy nhiên Carrion đã từ chức khỏi ban điều hành EAS ngày 16/2. Ông ta nói rằng đã mất nhiều năm làm việc không công cho EAS, và nay không muốn tiếp tục mất thêm thì giờ mà không nhận được gì cả. De Rode từ chối bình luận về lý do từ chức của Carrion.

Trước khi Carrion từ chức thì Website của EAS nêu danh ông là giáo sư ở Ðại học Udine, Italy. Gaetano Russo – Trưởng khoa kỹ sư xây dựng của trường này cho biết, Carrion được đảm nhiệm chức danh giáo sư mời từ năm 2001 - 2004 để tiến hành nghiên cứu theo một đề tài về hợp kim nhôm cao cấp. Russo nói rằng Carrion đã đồng ý làm các thí nghiệm cơ học ở Udine, nhưng đã không thực hiện, mà sau đó lại đề nghị Russo ký vào văn bản nói rằng công việc đã được hòan thành, để có thể lấy được từ EC khoản tiền 100.000 Euro (~130.000 USD) để chia nhau. Russo từ chối ký vào văn bản, và vào tháng 6/2005 đã viết thư phản ánh với EC là nghiên cứu này chưa hề được thực hiện. Về phần mình, Carrion nói rằng ông ta chưa bao giờ đòi tiền và rằng phòng thí nghiệm ở Udine đã không được sử dụng trong đề tài hợp kim nhôm vì không có thiết bị thích hợp.

Gần đây hơn, các tranh cãi đã diễn ra giữa Carrion và Andre Leclercq – người phụ trách quản lý nhân lực của hãng thép Arcelor ở Liege. Leclercq nói rằng ông đã thuê Carrion vào năm 2005 làm giám đốc kỹ thuật cho một dự án được EC tài trợ về công nghệ phim mỏng. Ông đã được giới thiệu tới Carrion qua EAS.

Carrion nói rằng phần của ông ta trong dự án là nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch kinh doanh cho Api – một cơ quan phát triển kinh doanh ở Ancona, Italy, và là một thành viên của dự án. Ông ta cũng nói rằng đã nhận làm chủ một tài khoản để nhận tiền cho phần việc của Api.

Leclercq nói rằng số tiền trả trước 497.000 Euro đã được gửi từ tháng 7/2005 vào tài khoản đứng tên Carrion, cho các kế hoạch kinh doanh và nghiên cứu thị trường. Carrion nói rằng đã hoàn thành các tài liệu tháng 11 năm ngoái, nhưng Leclercq không nhận được các tài liệu đó cho tới tận tháng 3 năm nay. Tới thời điểm này thì đã có khiếu nại gửi tới EC và khoản tiền trả tiếp theo đã bị đình lại. Carion nói rằng không nhận được tiền từ tài khoản Api (đứng tên ông ta), và vẫn chưa được trả tiền cho công việc của mình. Api đã không thể liên hệ được để cho bình luận.

Khiếu nại thứ 3 là đối với một dự án liên quan tới Carrion tháng 7/2006. Stan Veprek – một nhà khoa học vật liệu ở Ðại học Kỹ thuật Munich đã phản ánh tới EC các quan ngại về cách điều hành tài chính của Carrion đối với một dự án phát triển máy công cụ. Trong quá trình thực hiện, một phần tiền đã được chuyển vào một tài khoản gọi là của EAS, nhưng Carion nói rằng phần tiền này nay đã được trả lại. Carrion nói thêm là có bất đồng về chuyện tiền nong vì Veprek không thực hiện công việc theo yêu cầu. Veprek phủ định điều này.

Tuy các thành viên khác của EAS không bị liên đới tới những cáo buộc gian lận liên quan tới Carrion, nhưng bản thân tổ chức này đã phải chịu những chỉ trích nặng nề từ chính các thành viên của EAS. Tờ tạp chí duy nhất Annals của Viện không được liệt kê trong PubMed và Viện rất ít khi tổ chức các cuộc hội họp. Boris Verkhovsky – nhà khoa học máy tính của Viện Công nghệ New Jersey ở Newark, người đã xung đột công khai với de Rode trong quá khứ, đại diện cho nhiều thành viên đã khiếu nại về sự thiếu minh bạch trong các quyết định của ban điều hành EAS.

De Rode nói là bà chưa nhận được văn bản chính thức từ EC và không thể bình luận gì về quá trình điều tra cũng như việc từ chức của Carrion. Bà cũng nói là EAS không bị phụ thuộc những người sáng lập như Carrion và Verkhovsky, mọi công việc hiện tại vẫn diễn ra bình thường và tương lai của EAS là “sáng sủa”.

Ảnh:

- Ở thời điểm tạp chí Science đăng bài báo về câu chuyện ẩn phía sau của Viện Hàn lâm Khoa học Châu Âu thì trên website của EAS vẫn chưa có danh sách đầy đủ các thành viên.

- GS.Helene de Rode

 TS. Phạm Đức Chính (Theo Nature) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 215, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :