Giải thưởng ĐHQGHN
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >   Giải thưởng Khoa học - Công nghệ  >   Giải thưởng ĐHQGHN
Giải thường 2012: Trung Quốc - Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949 – 2009)

1. Tên công trình: “Trung Quốc: Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949 – 2009)”
2. Tên tác giả: Phạm Sỹ Thành
3. Giới thiệu tóm tắt công trình
Mục đích
Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Thu nhập bình quân theo đầu người 5800 (năm 2011) USD đưa Trung Quốc vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình của thế giới. Nhưng đó không phải là thành quả sau một đêm. Đó là kết quả của một chặng đường hơn 30 năm, nếu tính từ ngày nước CHND Trung Hoa được thành lập. Trong hơn 30 năm đó, Trung Quốc đã đi từ mày mò đường đi, với nhiều ảo vọng, vấp váp, tổn thất sang chủ động, thực dụng, sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu. Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế, vẫn còn đó những rào cản để Trung Quốc thực sự trở thành một cường quốc kinh tế: năng lực R&D của doanh nghiệp, rào cản đối với kinh tế tư nhân, thiếu hụt năng lượng và tài nguyên, chuyển dịch mô hình tăng trưởng v.v… Vì Trung Quốc là một nước lớn, nên thành tựu phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ đem lại cho thế giới những cơ hội lớn, nhưng vấn đề nó đem lại cho thế giới – một khi xảy ra – cũng sẽ không nhỏ.
Những kết quả chính và ý nghĩa khoa học, công nghệ
Việc nghiên cứu về kinh tế nói riêng cũng như nghiên cứu Trung Quốc nói chung có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam. Các công trình nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc ở Việt Nam do các tổ chức nghiên cứu trong nước xuất bản đa phần xuất phát từ góc độ kinh tế chính trị, lịch sử kinh tế mà chưa giới thiệu và ứng dụng các lí thuyết kinh tế học hiện đại và nghiên cứu định lượng vào trong công trình của mình. Vì thế, sức thuyết phục và sự hấp dẫn đối với người đọc bị ảnh hưởng nhất định.
Nội dung của công trình nghiên cứu “Trung Quốc: Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949 – 2009)” gồm 3 phần, với 14 chương và 496 tài liệu tham khảo (tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh):
-                 Phần 1. Mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển của Trung Quốc (1949 – 1978)
-                 Phần 2. Tăng trưởng kinh tế và đóng góp của các yếu tố vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc (1978 – 2008)
-                 Phần 3. Chuyển đổi kinh tế - Từ lí thuyết kinh tế học phương Tây đến thực tiễn chuyển đổi Trung Quốc
Công trình nghiên cứu “Trung Quốc: Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949 – 2009)” có một số ưu điểm nổi bật về mặt giá trị khoa học sau:
Công trình đã khái quát và trình bày một cách có hệ thống tại từng phần, từng chương về các lí thuyết kinh tế học hiện đại: lí thuyết thể chế nhị nguyên; Các lí thuyết tăng trưởng kinh tế; lí thuyết về tác động của ngoại thương đến tăng trưởng kinh tế; lí thuyết về tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế; lí thuyết về chuyển đổi kinh tế
Công trình chú trọng đưa nghiên cứu định lượng, sử dụng các mô hình phân tích kinh tế hiện đại vào trong từng nghiên cứu trường hợp ở từng chương, phần.
Công trình đã nghiên cứu về sự phát triển của kinh tế Trung Quốc dưới tác động của các yếu tố ngoại biên như: quan hệ quốc tế, các thể chế v.v.
Công trình dành một phần quan trọng dung lượng để nghiên cứu về cách thức, đặc trưng của quá trình chuyển đổi ở Trung Quốc từ góc độ Kinh tế học thể chế mới (New Institutional Economics). Đây là một hướng nghiên cứu mới ở Việt Nam và chưa từng được các nhà nghiên cứu Việt Nam đưa vào các công trình nghiên cứu của mình về kinh tế Trung Quốc.  
Công trình là một nghiên cứu có quy mô và đầy đủ về tiến trình phát triển liên tục của Trung Quốc kể từ năm 1949 khi nước CHND Trung Hoa được thành lập.

 Ban KHCN
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :