Văn bản liên quan
Trang chủ   >  HỢP TÁC & PHÁT TRIỂN  >   Văn bản liên quan  >  
Các giá trị Đông Á và việc thiết kế chương trình, nội dung giảng dạy Đông phương học

CÁC GIÁ TRỊ ĐÔNG Á VÀ VIỆC THIẾT KẾ

CHƯƠNG TRÌNH, NỘI DUNG GIẢNG DẠY ĐÔNG PHƯƠNG HỌC

                                                                       

(PGS.TS Mai Ngọc Chừ - ĐHQGHN)

 

            I. Vài nét về các giá trị Đông Á

 

            Các giá trị Đông Á nằm trong các giá trị phương Đông nói chung, được đặt ra trong sự phân biệt với các giá trị phương Tây. Đây là một phạm trù đã được nhiều học giả đề cập đến từ lâu. Và trong tương lai, chắc chắn, vấn đề này sẽ còn được nói đến nhiều hơn nữa bởi lẽ xã hội càng phát triển hiện đại thì càng cần đến những giá trị đích thực của truyền thống. Ngày nay người ta càng ý thức rõ rằng phát triển phải đi đôi với văn hoá và phát triển có văn hoá mới là phát triển bền vững.

          Các giá trị Đông Á bao hàm rất nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề có thể nói đến. Các giá trị Đông Á có thể tìm thấy hoặc biểu hiện ở tổ chức làng xã, ở Nho giáo, Phật giáo, ở chữ Hán và vai trò, ảnh hưởng của nó, ở các phẩm chất thuộc về tính cách của con người, ở những đặc điểm văn hóa phổ quát, tiêu biểu của Đông Á v.v…

Làng xã phương Đông nói chung và Đông Á nói riêng được đặc trưng bởi tính cộng đồngtính tự trị là một tổ chức xã hội đặc trưng, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá truyền thống.

          Trong các hệ tư tưởng thì hệ tư tưởng Nho giáo có ảnh hưởng lớn đến các xã hội Đông Á. Đó là một học thuyết đạo đức, chính trị của các nhà Nho chủ trương con người sống có trách nhiệm, vì đời, vì người, cứu người. Mục đích của Nho giáo là xây dựng một chính quyền tập trung, một xã hội hoà bình, ổn định, nề nếp, có trật tự trên dưới thuận hoà - tức là có Đạo và Lí. Mẫu hình lí tưởng của Nho giáo là con người Quân tử, đó là người đạt được cả Đạo (đạo vua tôi, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em, đạo bè bạn) lẫn Đức (bao gồm Nhân, Trí, Dũng). Ngoài ra, Quân tử còn phải biết tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Như vậy Nho giáo đề cao văn hiến, lễ nhạc và việc học hành. Tư tưởng Nho giáo như vừa trình bày từ lâu đã ăn sâu vào xã hội Đông Á, trở thành một giá trị truyền thống quý báu và ngày nay vẫn có tác dụng giáo dục đáng kể.

          Nói đến các tôn giáo tồn tại ở các quốc gia Đông Á thì không thể không nhắc đến Phật giáo - một tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của nhiều cộng đồng. Phật giáo tuyên truyền cho thuyết nhân – quả. Nhân được tạo nên bởi các hành động cụ thể hàng ngày. Nhân nào quả ấy: Nhân tốt thì quả tốt và ngược lại. Để có được nhân tốt, con người phải có các hành động sống tốt. Như vậy, học thuyết nhân - quả của Phật giáo, trên một ý nghĩa nào đấy, là có tính giáo dục và tính nhân văn cao cả. Quan điểm luân lí - đạo đức này đã góp phần tích cực vào việc khích lệ đông đảo nhân dân “tu thân tích đức”, làm hạn chế những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Và do vậy, Phật giáo cũng tạo ra một “giá trị Đông Á” nhất định.

          Giá trị Đông Á còn được thể hiện ở chữ Hán. Với tư cách là hệ thống chữ viết ghi ý, chữ Hán trở thành công cụ siêu phương ngữ, biểu hiện tính thống nhất văn hoá không chỉ của Trung Hoa mà trên một ý nghĩa nào đó, còn của cả khu vực. Chữ Hán cố định hoá giá trị văn hoá cổ Đông Á ở trong nó. Trong thời cổ đại và trung đại, chữ Hán là một phương tiện quan trọng để tiếp thu những giá trị văn hoá khu vực và thế giới lúc bấy giờ. Giá trị văn hoá được biểu hiện trong chữ Hán trở thành “bệ tì” cho các nước Đông Á tiến vào cuộc hội nhập thế giới. Có thể nói, văn hoá chữ Hán, đã tạo ra một sự khác biệt nhất định của khu vực Đông Á so với phần còn lại của thế giới. Văn hoá chữ Hán, do vậy, được một số học giả cho là “văn hoá siêu văn hoá” hay “văn hoá trí tính” (tức văn hoá mang tính trí tuệ cao).

          Nói về các giá trị Đông Á, người ta thường nhắc đến một số phẩm chất đặc trưng trong tính cách con người khu vực này. Những phẩm chất của các dân tộc Đông Á được biểu hiện trước hêt ở tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức cộng đồng cao. Nhiều người cho rằng đây chính là một nét tâm lí mạnh của các dân tộc Đông Á, là động lực thúc đẩy tiến trình hành động vì đất nước, vì cộng đồng của mọi cư dân trong xã hội. Họ không chi phối nhiều bởi nhiều bởi chủ nghĩa sở hữu cá nhân như Phương Tây nên dễ hoà mình vào tập thể. Phẩm chất thứ hai là cần cù lao động và tiết kiệm trong tiêu dùng. Do sống trong xã hội nông nghiệp lạc hậu, nghèo khổ, họ làm cật lực mới có cái ăn, mới nuôi nổi gia đình và mới xây dựng được cộng đồng vững mạnh. Hoàn cảnh ấy buộc họ không thể không cần mẫn lao động và tiết kiệm trong tiêu dùng. Phẩm chất thứ ba là hiếu học, ham hiểu biết, tiếp thu nhanh những cái mới của các nước khác, khu vực khác. Điều này được thể hiện rất rõ ở tất cả các quốc gia Đông Á. Và một phẩm chất nữa là phương thức chỉ đạo tập trung có hiệu lực, đảm bảo được mọi hành động thống nhất, hạn chế được sự phân tán vô chính phủ, tránh được những thái độ, những việc làm theo kiểu tự do, cực đoan. Chính đặc điểm này đã làm cho các xã hội Đông Á tương đối ổn định, tạo thuận lợi cho sự tập trung phát triển kinh tế và văn hoá.

          Với một cách nhìn tổng thể, văn hoá truyền thống của khu vực Đông Á mang một số đặc điểm phổ quát sau:

          - Khác với văn hoá phương Tây vốn hầu như chỉ mang tính chất thành thị, văn hoá truyền thống Đông Á còn lưu giữ rất nhiều nét gắn liền với nông thôn, nói cách khác, văn hoá truyền thống Đông Á mang đậm bản sắc nông nghiệp – nông thôn. Tính chất nông nghiệp – nông thôn của văn hóa Đông Á đựoc biểu hiện ở: Nghề làm nông nghiệp lúa nước và tổ chức làng xã có tính tự quản thích hợp với nền nông nghiệp này; Vai trò quan trọng của gia đình và giáo dục gia đình; Những nghi lễ nông nghiệp diễn ra hàng năm; Sự phát triển của văn hoá dân gian; Ý thức coi trọng cộng đồng, nặng nghĩa tình cảm v.v...

            - Văn hoá Đông Á là một nền văn hoá mở, sẵn sàng tiếp thu có chọn lọc những yếu tố tích cực từ bên ngoài, nhất là những yếu tố tiến bộ về khoa học kĩ thuật hiện đại của phương Tây. Có thể nói, sự kết hợp giữa các yếu tố văn hoá truyền thống với kĩ thuật hiện đại phương Tây đã tạo nên sự phát triển nhanh chóng cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

          II. Giá trị Đông Á và chương trình giảng dạy Đông Phương học

1.      Mục tiêu và yêu cầu

Trong chương trình giảng dạy của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, các giá trị Đông Á chiếm một vị trí quan trọng, nhất là những khoa, những ngành học có liên quan đến kiến thức Đông Phương học như khoa Lịch sử, khoa Văn học, khoa Quốc tế học, khoa Ngôn ngữ học, khoa Đông Phương học, khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam dành cho người nước ngoài, v.v...

Tuỳ theo mục tiêu đào tạo cụ thể của từng khoa, từng ngành học mà các giá trị Đông Á được khai thác từ các khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn, Khoa Lịch sử chú trọng nhiều đến sự phát triển lịch sử và những đóng góp của các Đông Á vào lịch sử phát triển của nhân loại; khoa Văn đi sâu vào giá trị văn học – nhân văn của các nền văn học Đông Á với những tác gia, tác phẩm nổi tiếng; khoa Quốc tế tập trung vào các quan hệ quốc tế của Đông Á, nhất là những bài học có giá trị về mặt ngoại giao; khoa Ngôn ngữ hướng sự chú ý vào đặc trưng của các ngôn ngữ trong khu vực Đông Á mà tiêu biểu là tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn; khoa Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài đi sâu vào tiếng Việt và đặc trưng của văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Á. Tập trung nghiên cứu và giảng dạy một cách có hệ thống và toàn diện nhất các giá trị Đông Á là khoa Đông Phương học, một khoa mà trong số bốn bộ môn hiện có đã có tới ba bộ môn lấy đối tượng nghiên cứu là các quốc gia Đông Á, đó là Trung Quốc học, Nhật Bản học và Korea học.

Ở Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN, chương trình giảng dạy những chuyên đề có quan hệ với Đông Phương học luôn hướng trước hết vào các giá trị Đông Á.

 

Mục tiêu của chương trình là:

- Cung cấp kiến thức về lịch sử - văn hoá – văn minh Phương Đông nói chung, Đông Á nói riêng, cho sinh viên.

- Làm sáng tỏ những nét đặc trưng và sự khác biệt giữa văn hoá Đông Á với văn hoá Phương Tây.

- Nêu rõ giá trị của văn hoá truyền thống Phương Đông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm từ những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

- Chỉ rõ những hạn chế của văn hoá Phương Đông để có biện pháp ngăn ngừa, phòng chống. Chẳng hạn, đối với Việt Nam, một nước vẫn đang ở trong tình trạng kém phát triển. một số hạn chế thường là:

+ Thói gia trưởng, óc bè phái địa phương, thói ích kỉ, lối sống dựa dẫm, thói đố kị cào bằng.

+ Hiện tượng quản lí và điều hành công việc theo kiểu gia đình chủ nghĩa.

+ Thói tuỳ tiện biểu hiện ở tật co giãn giờ giấc, chưa có thói quen đầy đủ sống và hoạt động theo pháp luật như làm kinh tế mà tài chính không công khai, việc thu chi không rõ ràng; tính tổ chức kém, v.v...

+ Sự phổ biến của nạn tham nhũng, v.v...

Như vậy là các phẩm chất Phương Đông nói chung và Đông Á nói riêng đều được xem xét từ cả hai mặt: tích cực, tiến bộ và tiêu cực, hạn chế.

2. Những môn học trực tiếp biểu hiện giá trị văn hoá phương Đông nói chung và Đông Á nói riêng

 

2.1. Các ngôn ngữ phương Đông

 

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất, là phương tiện chuyển tải thông tin trong xã hội, vì vậy, ngôn ngữ là một thành tố không thể thiếu được của văn hoá. Muốn nắm được văn hoá của một quốc gia, một khu vực, không thể không biết đến ngôn ngữ của quốc gia ấy, Ngôn ngữ được xác định là chìa khóa để mở kho báu văn hoá của nhân loại. Theo tinh thần ấy, ngoài tiếng Anh, ngành Đông Phương học Việt Nam, ưu tiên trước hết cho việc dạy các ngôn ngữ khu vực. Với tiểu khu vực Đông Á, các ngôn ngữ Hán, Nhật và Hàn được đặc biệt coi trọng. Ở các bộ môn Trung Quốc học, Nhật Bản học và Korea học, số tiết giành cho  mỗi ngoại ngữ trên là 1050 tiết. Với thời lượng như trên, việc học ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở việc học ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp mà còn lồng vào đó cả những nội dung về văn hóa và đất nước học.

Trong các ngôn ngữ Phương Đông, tiếng Hán và chữ Hán chiếm một vị trí quan trọng. Do vậy, ngoài tiếng Hán hiện đại được giảng dạy ở khoa Đông Phương học, sinh viên một số khoa khác thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn như khoa Văn học, khoa Lịch Sử còn được học chữ Hán và chữ Nôm. Công việc này do Bộ môn Hán Nôm đảm nhiệm.

Tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ được giảng dạy tại khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài.

 

2.2. Hệ thống chuyên đề cơ sở mang tính phổ quảt

 

Các chuyên đề này được quy thành mấy loại chính như sau:

 

2.2.1. Các chuyên đề về văn hoá

Đây được coi là hệ thống chuyên đề nòng cốt, mang tính chất “xương sống”, cần trang bị cho sinh viên. Các chuyên đề này tập trung vào việc làm rõ bản sắc của văn hoá Đông Á nói chung và từng quốc gia Đông Á nói riêng.

Mỗi chuyên đề về văn hoá thường được trình bày trong 45 tiết. Thuộc loại này có:

- “Văn hoá văn minh Phương Đông” cho tất cả các sinh viên khoa Đông Phương học.

- “Cơ sở văn hoá Việt Nam” cho sinh viên các khoa Đông Phương học, Quốc tế học, Du lịch học, v.v...

- “Văn hoá Hàn” cho sinh viên ngành Hàn Quốc học.

- “Văn hoá Trung Hoa” cho sinh viên ngành Trung Quốc học.

- “Văn hoá Nhật” cho sinh viên ngành Nhật Bản học.

- “Cơ sở văn hoá Việt Nam cho người ngoài” cho sinh viên khoa Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài.

 

2.2.2 Các chuyên đề về lịch sử

Thực ra giữa lịch sử và văn hoá khó có một nhát cắt rạch ròi. Nói cách khác, quan hệ giữa chúng rất khăng khít. Do vậy, ngoài tri thức về văn hoá thì tri thức về lịch sử luôn luôn được chú trọng.

Các chuyên đề về lịch sử hướng nội dung vào quá trình phát triển lịch sử, các sự kiện lịch sử chính diễn ra trong khu vực và ý nghĩa của chúng. Ngoài ra còn chỉ ra ảnh hưởng và ý nghĩa của các sự kiện lịch sử ấy đối với Việt Nam.

Hệ chuyên đề lịch sử bao gồm:

- “Lịch sử thế giới” (tất nhiên trong đó có lịch sử Phương Đông) cho sinh viên khoa Sử, khoa Quốc tế học.

- “Các thời kì phát triển chính của lịch sử Phương Đông” cho sinh viên khoa Đông Phương học.

- “Lịch sử Trung Quốc” cho sinh viên ngành Trung Quốc học.

- “Lịch sử Nhật Bản” cho sinh viên ngành Nhật Bản học.

- “Lịch sử Hàn Quốc” cho sinh viên ngành Korea học.

- “Lịch sử Việt Nam” cho sinh viên các khoa Đông Phương, Lịch sử, Du lịch, Quốc tế, v.v...

Lịch sử từng quốc gia Đông Á bao giờ cũng được đặt trong lịch sử toàn khu vực nói chung để khảo sát, xem xét.

 

2.2.3. Các chuyên đề Văn học

Văn học cũng là một mảng lớn của văn hoá. Văn học là tấm gương phản ánh xã hội dưới góc độ nhân văn. Bởi vậy, qua văn học, người ta có thể biêt được xã hội và con người Đông Á.

Nội dung của các chuyên đề văn học là hướng vào tiến trình lịch sử văn học, các trào lưu, khuynh hướng văn học, các tác gia và tác phẩm văn học tiêu biểu. Chẳng hạn, về văn học Trung Quốc, không thể không đề cập tới những tác giả nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ, La Quán Trung, Tào Tuyết Cần, Lỗ Tấn, v.v...

Các chuyên đề văn học được giảng dạy ở khoa Văn học, khoa Ngôn ngữ học, khoa Đông Phương học và khoa Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài. Trong số các chuyên đề văn học, đáng chú ý là Văn học Trung Quốc, Văn học Việt Nam và, gần đây, cả văn học Nhật Bản, Văn học Hàn Quốc.

2.2.4. Các chuyên đề Triết học

Triết học Phương Đông xuất hiện từ rất lâu. Tiêu biểu là triết học cổ đại Ấn Độ và Trung Quốc.

Nội dung của các chuyên đề thuộc về triết học Phương Đông bao hàm nhiều lĩnh vực: lịch sử triết học Phương Đông qua các thời kì, các học thuyết triết học chủ yếu, đặc điểm của triết học Phương Đông, ý nghĩa của vấn đề, v.v... Ngoài ra còn đề cập đến mối quan hệ giữa tôn giáo và triết học.

Các chuyên đề triết họ Phương Đông được giảng dạy ở khoa Triết học, khoa Lịch sử, khoa Đông Phương, v.v... Với khu vực Đông Á, triết học Trung Hoa cổ đại được chú ý trước tiên.

2.3. Hệ thống chuyên đề hẹp, mang tính chuyên ngành

Ngoài hệ thống chuyên đề cơ sở, mang tính phổ quát còn có một số chuyên đề hẹp, mang tính chuyên ngành, đi sâu vào một vấn đề cụ thể. Ví dụ:

- “Nho giáo và vai trò của Nho giáo ở Đông Á”.

- “Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội Phương Đông”.

- “Quan hệ quốc tế ở Phương Đông”.

- “Nghệ thuật (tạo hình và biểu diễn) Phương Đông”

- “Làng xã truyền thống Phương Đông”.

- “Văn hoá tín ngưỡng – dân gian Phương Đông”, v.v...

Những chuyên đề này đều đề cập đến các mặt khác nhau của giá trị Đông Á nói riêng và Phương Đông nói chung.

2.4. Hệ thống chuyên đề về các con đườmg phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia Đông Á

Các giá trị Đông Á truyền thống không bị mất đi mà, trái lại, đã và đang được nhân lên trong hiện tại. Sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản, Hàn Quốc trong mấy chục năm qua và của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã thúc đẩy giới nghiên cứu thế giới đi tìm nguyên nhân từ cội nguồn giá trị Đông Á. Ngày nay người ta biết rất rõ rằng các con đường phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia Đông Á là điển hình của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa văn hoá Phương Đông với kĩ thuật hiện đại Phương Tây.

Bài học về con đường phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia Đông Á đang được Việt Nam tìm hiểu, học tập. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn ấy, một số chuyên đề mới đã được đưa vào chương trình giảng dạy cao học Đông Phương học. Ví dụ:

- “Con đường phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản”

- “Con đường phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc”

- “Sự chuyển mình và hội nhập của Trung Hoa” v.v...

 

Những điều vừa trình bày trên đây cho thấy các giá trị Đông Á được đặc biệt coi trọng chương trình giảng dạy Đông Phương học.

Giá trị Đông Á là một kho báu do các thế hệ ông cha tạo nên qua hàng nghìn năm lịch sử mà chúng ta chưa biết hết. Khai thác kho báu ấy vẫn là công việc của tương lai, và của chính các trường đại học chúng ta.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :