Đào tạo
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >  
VNU-ULIS tích cực trong phối hợp triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020
Sáng 10/10/2013, Trường ĐHNN- ĐHQGHN đã phối hợp với Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tổ chức hội thảo bàn về định hướng chiến lược công tác khảo thí của Đề án.

GS. Nguyễn Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHNN, ĐHQGHN cùng TS. Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Trưởng bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ 2020 đồng chủ trì hội thảo.

Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo một số vụ chức năng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học tham gia Đề án.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban quản lí Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 Nguyễn Vinh Hiển đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. Ông cho rằng, linh hồn của Đề án là việc xây dựng và ban hành khung trình độ năng lực ngoại ngữ thống nhất, chi tiết, gồm 6 bậc, tương thích với các bậc trình độ ngoại ngữ quốc tế thông dụng để làm căn cứ biên soạn chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy và xây dựng tiêu chí đánh giá ở từng cấp học, trình độ đào tạo, bảo đảm sự liên thông trong đào tạo ngoại ngữ giữa các cấp học.

Thứ trưởng cho rằng, nhiều năm vừa qua chúng ta dạy và học ngoại ngữ nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra và khung trình độ năng lực ngoại ngữ 6 bậc lần này như là một cam kết của người dạy và người học, cam kết về chương trình và sách giáo khoa.

Một trong các mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, ngoại ngữ là thế mạnh cuả người Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, muốn xác nhận đúng trình độ của người học thì phải xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, thi chung theo đề thi của Bộ, các trung tâm kiểm tra đánh giá theo định dạng 6 bậc chung. Từ đó sẽ hình thành các trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ, tổ chức các hội đồng trong các cơ sở đào tạo để tổ chức thi theo khung chung, theo qui chế và qui trình tổ chức thi chặt chẽ, nghiêm ngặt chung. Mục tiêu đặt ra là kết quả kiểm tra đánh giá thống nhất, công nhận chung,…

Học sinh phổ thông sẽ học ngoại ngữ trên lớp nhưng sẽ tiến tới nếu học sinh nào đạt yêu cầu thì không cần phải tham gia học tập mà chỉ nộp chứng chỉ cho cơ sở đào tạo. Trong thi tốt nghiệp THPT sắp tới sẽ tiến tới bỏ thi ngoại ngữ mà thay bằng thi – kiểm tra – đánh giá thường xuyên. Học sinh nào tham gia học tập, tham gia các kì kiểm tra đánh giá thường xuyên đó và đạt yêu cầu sẽ là điều kiện để tốt nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, muốn làm như vậy phải khẩn trương làm một số việc như sau: công nhận chuẩn khung năng lực 6 bậc ngoại ngữ dùng cho các ngoại ngữ; định dạng đề thi theo từng mức trình độ; xây dựng ngân hàng câu hỏi và ngày càng hoàn thiện dần ngân hàng này; xây dựng và ban hành các văn bản liên quan và hoàn thiện các công tác để thực hiện thành công Đề án.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu, các cơ sở giáo dục tham gia Đề án phải thực hiện trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm. Thứ trưởng nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta thực hiện giảng dạy ngoại ngữ trong đó có tiếng Anh, chất lượng thì chưa cao, lực lượng thì mỏng, kinh nghiệm thì chưa nhiều nên phải học hỏi kinh nghiệm thế giới và rút ra bài học cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam đồng thời tăng tính chủ động cho việc xây dựng và thực hiện các chương trình. Cùng với đó phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhất là trong việc xây dựng đề thi, tổ chức thi. Tuy nhiên, cần phải có những đơn vị tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ tiên phong do chính uy tín của đơn vị gây dựng lên, có sự thanh tra, kiểm tra đánh giá, phối hợp giữa quản lí nhà nước và quản lí chuyên môn.

Trong khuôn khổ của hội thảo, TS. Đỗ Tuấn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNN, ĐHQGHN trình bày tham luận “Hướng tới một định dạng đề thi tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam ”.

Phó Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho rằng, để xây dựng được định dạng đề thi tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc thì phải xác định đối tượng kiểm tra, công cụ đánh giá cần phải được thừa nhận trong nước và có lộ trình để được chấp nhận trong khu vực và thế giới. Trong đó, có 6 nội dung cần làm: Đánh giá hiện trạng kiểm tra và đánh giá năng lực tiếng Anh tại khu vực hậu trung học phổ thông; nghiên cứu khả năng áp dụng Khung tham chiếu Châu Âu vào bối cảnh Việt Nam; Xây dựng bảng đặc tính kĩ thuật và thang chấm điểm cho 6 bậc năng lực; Xây dựng định dạng bài thi chuẩn B1-C2 cho 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và khả năng sử dụng từ vừng – ngữ pháp; Xây dựng, áp dụng thử nghiệm để thi mẫu và xác trị các nội dung trên và hoàn chỉnh tài liệu hướng dẫn viết đề thi.

Phó Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh nêu đề xuất: thời gian tới cần sớm khắc phục những tồn tại đã đề cập để công tác khảo thí của các đơn vị được giao nhiệm vụ có tính thống nhất cao. Từ năm 2014 trở đi, nhanh chóng bắt tay vào các nội dung công việc, hoàn chỉnh công cụ đánh giá tiếng Anh, trước mắt là dành cho đối tượng giáo dục hậu phổ thông trung học.

GS. Nguyễn Hòa – Hiệu trưởng Trường ĐHNN, ĐHQGHN chia sẻ, Nhà trường đã tham gia thực hiện một số hoạt động trong khuôn khổ của Đề án ngay từ những năm đầu tiên như biên soạn khung chương trình đào tạo Sư phạm tiếng Anh cho các bậc THPT, THCS và Tiểu học, biên soạn chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS. Trường ĐHNN là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là các Trung tâm Ngoại ngữ khu vực, phát triển theo hướng trung tâm xuất sắc.

Về sự liên quan giữa kiểm tra, đánh giá và bồi dưỡng tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên các cấp, trên cơ sở các khóa học do Trường ĐHNN, ĐHQGHN tổ chức, GS. Nguyễn Hoà nhận định, đây là các khâu của một qui trình khép kín. Thông qua kiểm tra, đánh giá xác định được chính xác trình độ hiện tại của đối tượng giáo viên tiếng Anh được bồi dưỡng, từ đó người dạy phải lựa chọn phương pháp, thiết kế nội dung phù hợp để nâng trình độ của người học lên, đáp ứng được chuẩn đầu ra theo mục tiêu mà mỗi chương trình bồi dưỡng đã xác định trước đó.

Trong khuôn khổ của hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều nội dung cụ thể về định hướng công tác thi, kiểm tra, đánh giá tiếng Anh và các ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2013 – 2020 theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020; định dạng đề thi, ngân hàng đề thi, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ; các văn bản pháp qui sẽ phải ban hành liên quan đến nội dung trên…

 Đỗ Ngọc Diệp - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :