Đào tạo
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >  
82 nghiên cứu sinh nhận bằng Tiến sĩ năm 2013
Ngày 29/11/2013, ĐHQGHN đã long trọng tổ chức lễ trao bằng Tiến sĩ cho 82 NCS thuộc nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau.

Tham dự buổi lễ có PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN cùng đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, Văn phòng ĐHQGHN và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN.
Năm nay, 82 NCS nhận bằng Tiến sĩ thuộc 9 đơn vị đào tạo của ĐHQGHN, đó là: Trường ĐHKHTN, Trường ĐHKHXH&NV, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Ngoại ngữ, Khoa Luật, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị ( nay thuộc Trường ĐHKHXH&NV) và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên & Môi trường.
Tại buổi lễ, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã trình bày báo cáo tổng kết tình hình đào tạo Tiến sĩ của ĐHQGHN năm 2013: Từ năm 2002 đến nay, ĐHQGHN đã cấp 662 bằng Tiến sĩ. Trong năm 2013, số NCS được cấp bằng Tiến sĩ là 82 người thuộc 23 ngành, 42 chuyên ngành đào tạo. Độ tuổi trung bình của các NCS là 38 và đang có xu hướng trẻ hóa (27% NCS sinh từ năm 1980-1985). Để được nhận bằng tiến sĩ, các NCS đều phải trải qua một quá trình học tập dài, nghiêm túc, nhiều thử thách và vượt qua các vòng đánh giá khắt khe, từ cấp bộ môn đến cấp cơ sở, phản biện độc lập và cuối cùng là cấp ĐHQGHN. Các luận án đều được đánh giá là có chất lượng, có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn và tính thời sự, không ít các luận án được đánh giá xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt, 12 NCS đã có các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Phó Giám đốc ĐHQGHN      

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn

 
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các tân Tiến sĩ trong hành trình rèn luyện và sáng tạo của mình. Phó Giám đốc khẳng định: quá trình đào tạo Tiến sĩ là quá trình giúp học viên tự chuyển hóa về chất, chuyển hóa thành một người có đủ kiến thức, tư duy để có thể chủ động nghiên cứu, sáng tạo với tư cách một trí thức bậc cao. Đó là kết quả của sự học tập và rèn luyện, vượt qua nhiều khó khăn và vượt lên chính mình. Phó Giám đốc cũng đề nghị các tân Tiến sĩ: để trở thành nhà trí thức thực thụ, nhà khoa học có trình độ cao, các tân Tiến sĩ cần phấn đấu nhiều hơn nữa, rèn luyện nhân cách và đạo đức cho tương xứng với học vị của mình.

 

 Hương Giang - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :