Xác định đổi mới tuyển sinh là một khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) xây dựng đề án tự chủ công tác tuyển sinh.
Để triển khai các chủ trương nói trên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chọn việc đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho cả bậc ĐH và sau ĐH, làm một trong các điểm đột phá. Chính vì vậy, ngay từ năm 2013 ĐHQGHN đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo Đổi mới tuyển sinh do Giám đốc làm Trưởng Ban (Phụ lục M). Đồng thời, để nghiên cứu và chuẩn bị tốt những luận cứ khoa học và thực tiễn, xây dựng nội dung và lộ trình đổi mới tuyển sinh, ĐHQGHN cũng đã thành lập Tổ công tác xây dựng “Đề án thí điểm đổi mới tuyển sinh đại học tại ĐHQGHN theo hướng đánh giá năng lực” triển khai trong giai đoạn 2014-2016. Dự thảo đề án này đã được gửi đi lấy ý kiến của nhiều bên liên quan như: Ban Chỉ đạo đổi mới tuyển sinh, Hội đồng ĐHQGHN, các nhà quản lý và hoạch định chính sách, các chuyên gia giáo dục và khảo thí trong nước và quốc tế, đại diện giáo viên, phụ huynh và học sinh phổ thông. Các ý kiến đóng góp đều được nghiên cứu kỹ lưỡng và tích hợp vào Đề án.
Để tiếp tục hoàn thiện Đề án, ĐHQGHN xin ghi nhận và cảm ơn các ý kiến đóng góp, xây dựng của các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục và những người quan tâm. Các ý kiến đóng góp xin gửi về ĐHQGHN qua địa chỉ: Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN, tầng 6, nhà C1T 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội; Email: kdcl@vnu.edu.vn
Lộ trình thực hiện
Phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực là hoàn toàn mới ở Việt Nam và thực hiện song song với quá trình chuyển đổi chương trình phổ thông theo hướng đào tạo phát triển năng lực, phẩm chất. Đặc biệt, đây là một đề án lớn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách hoạch định phát triển của ĐHQGHN và cần tập trung nhiều nguồn lực cho hoạt động này. Vì vậy, ĐHQGHN tổ chức thực hiện đề án theo lộ trình được phân kỳ cụ thể như sau:
Năm 2014: Áp dụng phương thức tuyển chọn theo hướng đánh giá năng lực để tuyển sinh cho các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, sau khi ứng viên đã trúng tuyển vào ĐHQGHN qua kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung do Bộ GD&ĐT tổ chức.
- Đối với chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến: ứng viên sẽ tham dự bài thi đánh giá năng lực chung[1] và xét hồ sơ (kết quả học tập, rèn luyện cấp THPT, kết quả kỳ thi tuyển sinh theo 3 chung của Bộ GD&ĐT).
- Đối với chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế: thí sinh sẽ tham dự bài thi đánh giá năng lực chung, ngoại ngữ và xét hồ sơ (kết quả học tập, rèn luyện cấp THPT, kết quả kỳ thi tuyển sinh theo 3 chung của Bộ GD&ĐT).
- Tùy thuộc vào điều kiện và yêu cầu của chương trình đào tạo có thể quy định thêm việc kiểm tra ngoại ngữ đối với ứng viên dự thi vào chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến. Tuy nhiên, quy định này sẽ được thông báo trước khi ứng viên nộp hồ sơ (nếu có).
- Cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN và các trang thông tin điện tử của các đơn vị đào tạo công bố các qui định và hướng dẫn tổ chức thí điểm đánh giá năng lực để tuyển chọn các ứng viên vào các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.
- ĐHQGHN và các đơn vị đào tạo, tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho các ứng viên có nguyện vọng dự tuyển vào ĐHQGHN hiểu rõ các qui định về dự tuyển đối với các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế theo đánh giá năng lực thông qua các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau.
- Ứng viên sau khi trúng tuyển vào ĐHQGHN có nguyện vọng dự tuyển vào các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế sẽ được hướng dẫn làm quen với hình thức bài thi đánh giá toàn diện năng lực.
Năm 2015: Áp dụng phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực đối với các ngành đào tạo có chương trình đào tạo cử nhân cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế[2]; bài thi đánh giá năng lực chung sẽ được tổ chức trước kỳ thi tuyển sinh ĐH theo 3 chung của Bộ GD&ĐT; các ngành còn lại được tuyển sinh theo kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung của Bộ GD&ĐT.
- Các ngành đào tạo có chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế được tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực thông qua qui trình để tuyển chọn theo năng lực (mục 3.3); sau khi các ứng viên trúng tuyển vào các ngành đào tạo này sẽ được phân loại để tuyển chọn vào các lớp học theo chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế và các chương trình đào tạo cử nhân hệ chuẩn tương ứng. Tuỳ theo chương trình đào tạo, việc phân loại được thông qua đánh giá năng lực tiếng Anh và/hoặc phỏng vấn và/hoặc hồ sơ. Bài thi đánh giá năng lực chung và chuyên biệt sẽ được tổ chức trước kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung. Vì vậy, các ứng viên dự tuyển vào các ngành đào tạo này, sau khi dự thi bài thi đánh giá năng lực, vẫn có cơ hội tham gia kỳ thi 3 chung để vào các ngành hoặc các đơn vị đào tạo khác.
- Các ngành đào tạo còn lại tuyển chọn các ứng viên theo đúng qui định kỳ thi 3 chung do Bộ GD&ĐT tổ chức.
- Cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN và các trang thông tin điện tử của các đơn vị đào tạo công bố các qui định và hướng dẫn tổ chức đánh giá năng lực để tuyển chọn các ứng viên vào các ngành đào tạo có các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.
- ĐHQGHN và các đơn vị đào tạo, tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho các ứng viên có nguyện vọng dự tuyển vào ĐHQGHN hiểu rõ các qui định về dự tuyển vào các ngành đào tạo có các chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế theo phương thức đánh giá năng lực thông qua các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau.
Năm 2016: Áp dụng đại trà tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho tất cả các ngành đào tạo ĐH trước thời điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hình thức 3 chung của Bộ GD & ĐT.
- Tất cả các ngành đào tạo được tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực thông qua qui trình để tuyển chọn theo năng lực (mục 3.3).
- Cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN và các trang thông tin điện tử của các đơn vị đào tạo công bố các qui định và hướng dẫn tổ chức đánh giá năng lực để tuyển chọn các ứng viên vào tất cả các ngành đào tạo của ĐHQGHN.
- ĐHQGHN và các đơn vị đào tạo, tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho các ứng viên có nguyện vọng dự tuyển vào ĐHQGHN hiểu rõ các qui định về dự tuyển vào tất cả các ngành đào tạo của ĐHQGHN theo phương thức đánh giá năng lực thông qua các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau.
Mô tả chung về phương án tuyển sinh
Phương án tuyển sinh này tiếp cận theo hướng đánh giá toàn diện năng lực bằng cách kết hợp giữa thi và tuyển chọn, căn cứ trên kết quả đo lường và đánh giá những năng lực và phẩm chất cốt lõi của ứng viên cần có để học ở bậc ĐH. Đánh giá toàn diện năng lực tức là đánh giá năng lực của ứng viên qua nhiều căn cứ, nhiều nguồn thông tin, từ nhiều chiều cạnh và bằng nhiều phương pháp, nhằm đánh giá chính xác và tin cậy nhất năng lực mà ứng viên có để có thể học tốt ở bậc ĐH.
Trên cơ sở các nghiên cứu khoa học đã tiến hành, ĐHQGHN đã xác định được 7 nhóm năng lực và 3 phẩm chất cơ bản cần thiết để người học có thể học tập tốt ở bậc ĐH. Tuy nhiên, trong các năm đầu áp dụng phương thức tuyển sinh mới, ĐHQGHN sẽ tập trung đánh giá năng lực tư duy logic, năng lực tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề thông qua các cấp độ nhận thức của Bloom, trong đó tập trung vào các mức độ năng lực áp dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo. Các năng lực này được đánh giá toàn diện qua toàn bộ quá trình học tập và rèn luyện ở phổ thông như kết quả học tập cấp THPT; hạnh kiểm; kết quả bài thi chuẩn hoá đánh giá năng lực chung và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Về phẩm chất và sự đam mê bước đầu được đánh giá thông qua kết quả tu dưỡng đạo đức ở cấp THPT. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện các năng lực và phẩm chất khác như năng lực làm việc nhóm, năng lực làm việc độc lập, ý thức cộng đồng, ý thức bản thân, sự đam mê trong học tập và nghiên cứu của ứng viên cần có thêm các hình thức đánh giá khác, điều này sẽ được ĐHQGHN triển khai theo một lộ trình thích hợp với sự đổi mới của giáo dục phổ thông.
Phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực gồm các hợp phần đánh giá chính là: (i) 01 bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung; (ii) các kết quả học tập và rèn luyện ở cấp THPT bao gồm: (a) điểm trung bình cộng của 3 năm học cấp THPT (đối với ứng viên tự do) hoặc điểm trung bình cộng của lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 của cấp THPT (đối với ứng viên đang học lớp 12 ở năm dự tuyển)[2], (b) hạnh kiểm của của các ứng viên (tính theo thời gian tương ứng học tập ở cấp THPT) và; (iii) 01 bài bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt đối với các ngành và lĩnh vực đào tạo cụ thể.
Phương án tuyển sinh mới của ĐHQGHN với trọng tâm là bài thi chuẩn hoá, đánh giá năng lực thông qua các lĩnh vực kiến thức cơ bản của các môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và toán học, với trọng tâm là ngữ văn và toán học của bậc phổ thông. Do đó, bài thi đánh giá năng lực chung hoàn toàn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Ngoài ra, bài thi đánh giá năng lực tích hợp các nội dung từ nhiều chủ đề, nhiều lĩnh vực, không tập trung vào nội dung của một môn học hay một nhóm môn học (khối) cụ thể (như khối A, B, C, D…).
Phương án tuyển sinh của ĐHQGHN được lựa chọn theo những nguyên tắc cơ bản sau:
- Đánh giá toàn diện năng lực thể hiện qua việc đánh giá toàn diện quá trình học tập và rèn luyện đạo đức, phẩm chất của ứng viên;
- Kết quả tuyển sinh đảm bảo sự khách quan, công bằng;
- Giảm áp lực thi cho thí sinh và xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy, độ chính xác;
- Liên thông trong hoạt động tuyển sinh giữa các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước (các cơ sở giáo dục ĐH có thể sử dụng kết quả của bài thi đánh giá năng lực chung và đánh giá năng lực chuyên biệt do ĐHQGHN tổ chức để tuyển chọn các ứng viên);
- Thực hiện theo lộ trình từng bước chuyên nghiệp hóa và chuẩn hóa việc đánh giá năng lực, tiến dần tới việc tách "đánh giá năng lực" ra khỏi "tuyển chọn người có năng lực (tách "thi" khỏi "tuyển"); phù hợp với xu thế quốc tế và đặc điểm hệ thống giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Phương án tuyển sinh mới áp dụng chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo đúng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.
Việc tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc này sẽ giúp phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá toàn diện năng lực thể hiện rõ những ưu điểm cơ bản như giảm áp lực xã hội (do có thể lựa chọn được thời điểm thi năng lực chung, thi không chỉ một lần/ năm; kết quả có giá trị sử dụng nhiều lần, cả trong và ngoài ĐHQGHN); đánh giá được toàn diện, v.v. Tuy nhiên, việc triển khai phương thức tuyển sinh mới cũng tiềm chứa những rủi ro, do đó, đề án cũng tính tới các rủi ro này và có biện pháp ứng phó, khắc phục (xem phần Quản trị rủi ro).
Các hợp phần bài thi đánh giá năng lực
Bài thi chuẩn hoá đánh giá năng lực chung
Cấu trúc
Bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung dùng cho tuyển sinh ĐH gồm: 1 bài luận và 112 tiểu mục trắc nghiệm được chia thành 6 phần, các ứng viên làm từng phần với tổng thời gian là 195 phút (không kể thời gian thu bài luận và chuyển phần thi 20 phút). Trong số các câu hỏi này sẽ có một số câu hỏi không tính điểm để dùng làm cơ sở so bằng độ khó (equating) và làm neo đề (anchor test) giữa các bài thi. Đây là một điều kiện quan trọng để kết quả giữa các bài thi khác nhau có chung thang đo tương đương về độ khó, trên cơ sở đó, kết quả của bài thi có thể so sánh và sử dụng lại nhiều lần. Để đảm bảo độ chính xác và độ tin cậy của việc này, các đề thi sẽ được bảo mật cho tới khi sử dụng hết vòng đời của nó và ứng viên không biết các câu hỏi nào được dùng để làm so bằng và neo đề.
Phạm vi kiến thức được sử dụng làm nền tảng cho bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung thuộc phạm vi chuẩn kiến thức, kỹ năng của bậc phổ thông.
Kết quả bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung sẽ được báo cáo qua 3 đầu điểm cho 3 phần: (i) Viết luận; (ii) Ngôn ngữ và (iii) Lập luận định lượng (Toán học).
Điều kiện dự thi và hình thức đăng ký thi
Bài thi chuẩn hoá đánh giá năng lực chung áp dụng cho tất cả các đối tượng có nhu cầu và cam kết chấp hành quy định của kỳ thi chuẩn hoá.
Các ứng viên đăng ký thi đánh giá năng lực chung qua cổng thông tin tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của ĐHQGHN hoặc trực tiếp tại Viện ĐBCLD – ĐHQGHN.
Thời gian và địa điểm thi
Các ứng viên có thể đăng ký thi đánh giá năng lực chung để lấy điểm vào bất kể đợt nào trong các đợt thi tại các tháng 2, 3, 11, 12 hàng năm tại một trong các điểm thi tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh, Huế, Đà Nẵng (số điểm thi có thể gia tăng tại các địa phương, tùy thuộc điều kiện và nhu cầu thực tế). Thời gian chi tiết và địa điểm cụ thể sẽ được thông báo trên cổng thông tin tuyển sinh trước ngày thi ít nhất là 3 tháng.
Hình thức thi
Bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung được tổ chức thi viết trên giấy. Tuy nhiên, ĐHQGHN xây dựng lộ trình để áp dụng tổ chức thi trên máy tính trong tương lai.
Thời hiệu của Phiếu kết quả bài thi đánh giá năng lực chung
Phiếu kết quả sẽ có 3 đầu điểm tương ứng với 3 phần của bài thi với khoảng điểm là 20-80 điểm cho mỗi phần. Tổng điểm tối đa của 3 phần là 240 điểm.
Các ứng viên có thể đăng ký làm bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung nhiều lần và lấy kết quả cao nhất của các lần thi để ứng tuyển. Kết quả thi có thể sử dụng nhiều lần cho tuyển sinh ĐH trong vòng 2 năm[4] vào ĐHQGHN, cũng như dùng để tuyển sinh vào các trường công nhận và có sử dụng chung kết quả này với ĐHQGHN.
Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt
Cấu trúc
Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN thiết kế với sự trợ giúp về kỹ thuật xây dựng đề thi theo hướng đánh giá năng lực của Viện ĐBCLGD.
Trong giai đoạn đầu, bài thi sẽ là bài kiểm tra năng lực thông qua nội dung kiến thức chuyên biệt của một trong các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử và Ngoại ngữ. Trong đó các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử được thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài thi là 120 phút; các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài thi là 90 phút. Nội dung đánh giá của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt không nằm ngoài chuẩn kiến thức kỹ năng của cấp THPT của môn học tương ứng, nhưng tập trung đánh giá các năng lực bậc cao như tổng hợp, phân tích, sáng tạo.
Hội đồng Khoa học và Đào tạo của các đơn vị sẽ quyết định bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt cho từng ngành/nhóm ngành/lĩnh vực theo hướng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt phù hợp nhất với ngành/nhóm ngành/lĩnh vực đào tạo và thông báo cho các ứng viên trước thời gian tuyển sinh ít nhất 6 tháng. Các ứng viên chỉ thi 1 bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo qui định.
Việc chuẩn hoá bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt là công việc đòi hỏi thời gian. Vì vậy, ĐHQGHN đã xây dựng lộ trình để chuẩn hoá đề thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo mô hình lý thuyết khảo thí hiện đại kể từ năm 2016. Khi tính cạnh tranh cũng như tâm lý đòi hỏi công bằng (hình thức) trong tuyển sinh ĐH giảm thấp thì kết quả bài thi này cũng sẽ được sử dụng nhiều lần như kết quả bài thi chuẩn hoá đánh giá năng lực chung.
Thời gian và địa điểm thi
Các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt được tổ chức đồng thời trong cùng thời điểm vào tháng 7 hàng năm, tại Hà Nội. Thông tin cụ thể sẽ được thông báo trên cổng thông tin tuyển sinh của ĐHQGHN trước 30 tháng 1 hàng năm.
Điều kiện dự thi và hình thức đăng ký thi
Những ứng viên đáp ứng được điều kiện sàng lọc của ĐHQGHN (xem phần 3.2.4) sẽ dự thi bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt để ứng tuyển vào ngành/nhóm ngành đào tạo đăng ký. Danh sách thi sẽ do các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN lập trên cơ sở hồ sơ đăng ký vào các ngành của ứng viên.
Hình thức thi
Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt được tổ chức thi viết trên giấy. Tuy nhiên, ĐHQGHN xây dựng lộ trình để áp dụng tổ chức thi trên máy tính trong tương lai.
Thời hiệu của Phiếu kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt
Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt có 1 đầu điểm với khoảng chạy từ 20-80 điểm.
Kết quả của bài thi này có giá trị để tuyển chọn 1 lần vào các ngành đăng ký dự tuyển ở ĐHQGHN vào năm ứng viên dự thi hoặc có thể sử dụng để tuyển sinh vào các trường sử dụng chung kết quả này với ĐHQGHN. Sau khi được chuẩn hoá, kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ được sử dụng nhiều lần trong thời gian 2 năm, tương tự như kết quả bài thi đánh giá năng lực chung.
Hợp phần hồ sơ tuyển sinh
Hồ sơ tham gia dự tuyển bao gồm:
- Kết quả bài thi chuẩn hoá đánh giá năng lực chung;
- Học bạ có ghi hạnh kiểm và kết quả học tập trung bình chung của lớp 10, 11, học kỳ 1 lớp 12 (đối với ứng viên chưa thi tốt nghiệp trung học nói chung theo quy định của Bộ GD & ĐT)[6]), học bạ có ghi hạnh kiểm và kết quả học tập trung bình chung của hệ trung học, kết quả thi tốt nghiệp trung học (ứng viên tự do)[7];
Hồ sơ tham gia xét tuyển: là toàn bộ hồ sơ tham gia dự tuyển đã nộp và bổ sung thêm:
Bằng tốt nghiệp TH (bản sao có công chứng) và điểm thi tốt nghiệp TH (có xác nhận của trường TH nơi ứng viên học) hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp TH (các ứng viên nộp khi thi bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt tại các hội đồng thi của ĐHQGHN);
Quy trình tuyển chọn theo năng lực
Qui trình tuyển chọn các ứng viên theo phương thức đánh giá năng lực được thực hiện theo 3 bước: (i) Sàng lọc ứng viên thông qua các điều kiện dự tuyển; (ii) Phân loại và xếp hạng ứng viên thông qua tổng điểm đánh giá; (iii) Tuyển chọn ứng viên. Qui trình này được thực hiện cụ thể như sau:
Điều kiện sàng lọc
Các ứng viên đăng ký dự tuyển vào ĐHQGHN phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
- Có hạnh kiểm khá trở lên ở các lớp 10, 11, học kỳ 1 lớp 12 (đối với ứng viên đang học lớp 12 ở năm dự tuyển) hoặc 3 năm học THPT (đối với ứng viên tự do);
- Có điểm trung bình chung tính đến học kỳ 1 của năm lớp 12 (đối với ứng viên đang học lớp 12 ở năm dự tuyển) hoặc điểm trung bình chung cho cả 3 năm học đối với những ứng viên đã tốt nghiệp THPT từ những năm học trước từ 6,5/10[9] (hoặc tương đương) trở lên, trong đó điểm môn Toán và Ngữ văn đạt từ 6,5 điểm trở lên;
- Tốt nghiệp THPT xếp loại Khá trở lên (đối với ứng viên tự do);
- Điểm bài thi đánh giá năng lực chung đạt một ngưỡng tối thiểu theo qui định của Hội đồng Tuyển sinh; Thông tin chi tiết sẽ công bố trước kỳ tuyển sinh 3 tháng.
Các thông tin về yêu cầu sàng lọc được thông báo chính thức để các ứng viên có thể tự cân nhắc trước khi nộp hồ sơ dự tuyển vào ĐHQGHN. Đồng thời các bộ phận tuyển sinh của ĐHQGHN cũng sẽ sàng lọc theo các tiêu chí này.
Các ứng viên đáp ứng điều kiện sàng lọc mới được nộp hồ sơ dự tuyển vào ĐHQGHN.
Phân loại và xếp hạng ứng viên thông qua tổng điểm đánh giá
Các ứng viên dự tuyển vào ĐHQGHN sau khi đạt yêu cầu về điểm bài thi đánh giá năng lực chung và yêu cầu điểm học ở cấp THPT sẽ phải thực hiện 1 bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Sau khi ứng viên có kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, các bộ phận tuyển sinh của các đơn vị đào tạo sẽ dùng kết quả của các ứng viên để tính tổng điểm và phân hạng các ứng viên theo tổng điểm đánh giá. Cách tính tổng điểm đánh giá như sau:
∑TĐ = k*NLC + (1-k)*NLR + 1/3 C
Trong đó:
∑ TĐ = tổng điểm đánh giá
k: là trọng số trong đó 0 ≤ k ≤ 1
NLC: điểm bài thi đánh giá năng lực chung (theo thang điểm 20 – 80/đầu điểm và 60-240 cho 3 đầu điểm)
NLR: điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (theo thang điểm 20 - 80)
C: điểm ưu tiên đối với đối tượng chính sách sẽ được áp dụng theo đúng tỉ lệ do Bộ GD&ĐT quy định áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung và được qui đổi tương ứng theo thang điểm 20-80.
Năm 2015, áp dụng trọng số k = 0; năm 2016 áp dụng trọng số k = 0,2. Từ năm 2017 trọng số k có thể tăng lên 0,5.
Đối với những ứng viên có tổng điểm đánh giá bằng nhau, bộ phận tuyển sinh sẽ xếp hạng các ứng viên dựa trên đánh giá hồ sơ tuyển sinh của các ứng viên (thứ tự ưu tiên căn cứ xếp hạng lần lượt: điểm thi đánh giá năng lực chung (chỉ áp dụng riêng cho năm 2015); các thành tích học tập nổi bật như học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh, kết quả học tập trung bình chung 3 năm cấp THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT, v.v) để xếp hạng.
Tuyển chọn ứng viên
Điểm chuẩn được xác định căn cứ theo bảng tổng sắp tổng điểm đánh giá ứng viên và chỉ tiêu tuyển sinh vào từng ngành/nhóm ngành. Những ứng viên có tổng điểm đánh giá bằng hoặc cao hơn trên điểm chuẩn sẽ được trúng tuyển.
Việc tuyển thẳng áp dụng theo quy định chung của Bộ GD&ĐT.
|