Đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >   Đại học
"Tuyển sinh đại học cần chuyển sang đánh giá năng lực người học"
(Thethaovanhoa.vn) - Lộ trình đổi mới giáo dục và đào tạo bắt đầu bằng đổi mới công tác tuyển sinh, thi cử đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực tiến hành.

>>> Đề án thí điểm đổi mới tuyển sinh đại học của ĐHQGHN theo hướng đánh giá năng lực (giai đoạn 2014 - 2016)

>>> (VOV) Tự chủ tuyển sinh: Cần kiểm soát chất lượng đào tạo

Để tìm hiểu việc thực hiện đổi mới ở các trường đại học, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội.

* Thưa ông, năm nay Bộ Giáo dục Đào tạo có chủ trương cho phép một số trường đại học đủ điều kiện được tuyển sinh riêng. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?

-  Việc các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh là hướng đi tất yếu được quy định trong Luật Giáo dục đại học. Vấn đề là các trường thực hiện quyền và trách nhiệm này như thế nào. Có trường sẽ thực hiện không mấy khó khăn nhưng có trường sẽ rất khó khăn từ khâu ra đề, chấm, tuyển chọn... Như vậy việc cần 3 năm duy trì kỳ thi 3 chung do Bộ chỉ đạo là cần thiết để các trường chuẩn bị về nhân lực, kỹ thuật. Nhưng trong thời gian này, các trường cũng cần tích cực chuẩn bị để tiến tới chủ động. Bộ cũng cần có hỗ trợ như thành lập các tổ chức đánh giá chung với kết quả mà nhiều đơn vị có thể cùng chia sẻ để tiết kiệm cho xã hội hơn, giảm bớt công sức thời gian cho các trường hơn.

* Năm 2014, Đại học quốc gia Hà Nội là một trong các cơ sở đại học có đề án tuyển sinh riêng. Vậy Ông có thể cho biết việc tuyển sinh năm 2014 của Đại học Quốc gia Hà Nội có gì mới so với mọi năm?

- Năm nay các thí sinh thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn tham dự kỳ thi 3 chung của Bộ Giáo dục Đào tạo bình thường. Sau khi các thí sinh đã trúng tuyển vào Đại học Quốc gia rồi, các đơn vị đào tạo sẽ dùng hình thức đánh giá năng lực tổng hợp để chọn các sinh viên tham gia các chương trình đặc biệt như chương trình tài năng, chất lượng cao, chương trình tiên tiến, chương trình đạt chuẩn quốc tế… Cái mới ở đây chính là bước thí điểm dùng hình thức thi đánh giá năng lực tổng hợp để chọn người. Đây cũng là bước trường hoàn thiện công cụ, quy trình để tổ chức tuyển sinh bằng hình thức mới. Tuy nhiên khi học sinh chưa có sự chuẩn bị, chưa có sự làm quen với hình thức này thì trường chỉ tổ chức thí điểm trong phạm vi nội bộ. Sau năm 2014, sẽ áp dụng hình thức này để tuyển sinh trực tiếp vào một số chương trình, thông tin sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

* Theo Ông, để chọn được thí sinh có năng lực thực sự phù hợp ngành nghề đào tạo, Đề án tuyển sinh riêng của các cơ sở đại học cần chú trọng vào vấn đề gì?

- Trước khi có thi 3 chung do Bộ chỉ đạo thống nhất thì các trường đã tổ chức thi riêng. Sắp tới các trường cũng sẽ thực hiện trách nhiệm tự tuyển sinh của mình. Tuy nhiên, việc tự tuyển sinh của ĐHQG hiện nay sẽ khác với những lần tự tuyển sinh trước khi có thi 3 chung. Những kỳ tự tuyển sinh trước đây chỉ khác kỳ thi 3 chung ở chỗ các trường tự ra đề, tự chấm và tự dùng kết quả của mình; kỳ thi 3 chung thì dùng chung đề, cùng đợt chung kết quả trên phạm vi rộng. Thực chất đó đều là những kỳ thi theo khối, lấy kiểm tra kiến thức người học là chính. Như vậy về hình thức tổ chức có khác nhưng tính chất thì không khác, vẫn chia khối, vẫn chia 3 môn.

Thời gian tới, khi tuyển sinh riêng, Đại học Quốc gia sẽ tổ chức khác là đánh giá người học theo nhiều chiều, đánh giá tổng hợp, phấn đấu đánh giá mọi kỹ năng, phẩm chất mà người học cần có để theo học chương trình đại học. Trong đó có năng lực logic, năng lực sáng tạo.... Sẽ có bài thi tổng hợp tiến hành trong 3 tiếng. Với hình thức này các ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển sẽ phải qua kỳ thi đánh giá năng lực chung. Điểm dự kiến trong phạm vi 240 điểm tối đa. Sau khi đạt ngưỡng nhất định của kỳ thi đánh giá năng lực chung thì đăng ký vào ngành chuyên biệt nào sẽ có bài thi riêng vào đó. Ví dụ như học sinh thi vào ngành khoa học tự nhiên sẽ phải làm thêm bài thi Toán, Hóa… tùy theo ngành đào tạo. Việc thi tuyển năng lực chuyên biệt là cần thiết và bài thi sẽ được thiết kế theo chương trình tiên tiến. Ngoài ra, còn áp dụng xét hồ sơ để có đánh giá toàn diện, đáp ứng các chương trình chuyên biệt.

 

Sinh viên của ĐHQGHN

* Ông có nhận xét như thế nào về đề xuất của Bộ Giáo dục Đào tạo không sử dụng điểm sàn tuyển sinh đại học từ năm 2014?

- Hiện nay chủ trương bỏ điểm sàn đã thu hút nhiều ý kiến, trong đó có sự lo lắng việc bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Nhưng theo tôi, việc bỏ điểm sàn cũng là cần thiết. Nếu bỏ mà không cần hàng rào kiểm soát nào khác thì vẫn có thể được vì chính các trường phải tự chịu trách nhiệm với chất lượng đào tạo của mình. Quan trọng nhất là phải làm nghiêm đầu ra của chương trình đào tạo. Phải có sàng lọc ngay trong toàn bộ quá trình đào tạo. Nếu làm như vậy thì dù đầu vào có rộng một chút mà đầu ra làm nghiêm thì tự động ai không theo được sẽ phải tự rời bỏ. Đây cũng là thông lệ quốc tế đang làm.

Nếu bỏ điểm sàn mà phải nghĩ ra tiêu chí sàng lọc khác thì sẽ có phức tạp nhất định. Nếu nhất định phải có tiêu chuẩn nào đó để làm điều kiện thì có thể tùy trường chọn môn tương đối quan trọng để đặt ngưỡng cho thí sinh. Ví dụ như khoa học về tính toán thì trong 3 môn khối A, Toán phải vượt qua 1 điểm ngưỡng nhất định; ngành y dược thì có thể đặt ngưỡng về môn sinh, hóa;…. Còn nếu bỏ sàn chung lại cần một sàn khác thì về cơ bản thì không thay đổi.

* Theo lộ trình về đổi mới công tác thi tuyển sinh, có thể tiến tới một kỳ thi quốc gia làm căn cứ xông nhận tốt nghiệp và làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Ý kiến của Ông về vấn đề này như thế nào?

-  Kỳ thi chung để vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp, vừa là căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng thì tính chất của kỳ thi đó phải khác hiện nay. Có thể hướng tới đánh giá năng lực mang tính tổng hợp, không phải 1,2 môn mà là 1 bài thi chung trong đó vừa có kiểm tra kiến thức năng lực về phương diện tính toán, về hiểu biết xã hội… Bên cạnh bài thi tổng hợp là căn cứ để các trường chọn ứng viên có thể có trường cần đánh giá chuyên biệt, có trường sẽ không cần.

Đối với học sinh phổ thông, tôi vẫn nhấn mạnh là “đã có học phải có thi” nhưng phải là thi thường xuyên, đánh giá chất lượng của học sinh khi kết thúc 1 học phần nào đó chứ nếu chỉ dồn vào 1 thời điểm kiểm tra thì học sinh sẽ dồn vào học rồi sẽ quên. Như vậy việc học và thi sẽ không có ý nghĩa.

* Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư !

 

 Hoàng Hoa - Ngọc Anh - Báo Thể thao và Văn hóa
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :