Báo cáo sơ kết của Khoa cho biết, ngay từ khi nhận được chủ trương của ĐHQGHN, Khoa Luật đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai phương thức đào tạo theo tín chỉ đối với các hệ đào tạo, trong đó chia làm 3 công đoạn chính: chuyển đổi khung chương trình đào tạo, xây dựng đề cương môn học và xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập.
GS.TSKH Phạm Hồng Thái – Chủ nhiệm Khoa Luật, cho biết , việc chuyển đổi khung chương trình đào tạo đại học và sau đại học, về cơ bản không những phù hợp với yêu cầu phương pháp đào tạo theo tín chỉ mà còn phù hợp với chủ trương đổi mới nội dung chương trình đào tạo giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, khung chương trình đào tạo sau đại học đã được đổi mới cơ bản về mặt nội dung kiến thức. Cho đến nay, trong tổng số 168 đề cương cần xây dựng có119 đề cương đã được nghiệm thu, 13 đề cương đã được nghiệm thu nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung để ban hành chính thức. Việc triển khai xây dựng đề cương môn học và quy trình kiểm tra - đánh giá đã thực hiện theo đúng quy định của ĐHQGHN hướng dẫn, nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu.
Còn theo PGS.TS. Hoàng Thị Kim Quế - Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai đào tạo theo phương thức tín chỉ ở Khoa Luật gặp phải một số khó khăn, đặc biệt là đội ngũ giảng viên còn quá mỏng nên phải “tải” một công việc quá lớn; cơ sở vật chất chưa đảm bảo: số lượng giảng đường ít, hệ thống giáo trình, học liệu liên quan chưa đầy đủ, hệ thống thông tin thư viện điện tử chưa được phổ biến rộng rãi. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, cán bộ phục vụ còn có những cách hiểu khác nhau về phương thức đào tạo tín chỉ. Một bộ phận cán bộ sinh viên chưa thực sự thay đổ phương pháp dạy và học.
|
|
Phát biểu tại buổi sơ kết, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Trưởng Ban đào tạo ĐHQGHN - cho rằng, việc đào tạo tín chỉ đối với giáo dục đại học Việt Nam không phải là mới. Việc triển khai phương thức đào tạo này là một cách hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế. Để áp dụng hiệu quả phương thức đào tạo theo tín chỉ trong các đơn vị đào tạo trực thuộc, ĐHQGHN đã triển khai theo một lộ trình từng bước, với giai đoạn 1 bắt đầu từ 2006 – 2010, trong đó áp dụng và phát huy các yếu tố tích cực của phương thức đào tạo này. ĐHQGHN sẽ tạo ra một “hành lang” chung, các đơn vị, tùy theo đặc trưng ngành học cụ thể tiến hành áp dụng triển khai.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cũng nhấn mạnh, vai trò của trường đại học là phải biến quy trình đào tạo thành quy trình tự đào tạo. Với phương thức đào tạo tín chỉ, người học phải sáng tạo, có tinh thần làm việc độc lập, làm việc nhóm, bên cạnh đó là tạo nên sự linh động, chủ động và mềm dẻo cho người học. Một yếu tố quan trọng để triển khai thành công phương thức đào tạo tín chỉ, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, đó là ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và sử dụng thành thạo các chương trình phần mềm liên quan.
|