Sau đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >   Sau đại học
Trường ĐHKHTN tuyển sinh sau đại học đợt 1 năm 2007
Năm 2007, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN tổ chức hai đợt tuyển sinh sau đại học: Đợt 1: Tuyển sinh cao học, nghiên cứu sinh đào tạo trong nước và đào tạo tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước vào các ngày 4, 5 và 6/5/2007; Đợt 2: Tuyển sinh cao học đào tạo trong nước vào các ngày 14, 15 và 16/9/2007. Dưới đây là kế hoạch tuyển sinh đợt 1:

A. TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC ĐÀO TẠO TRONG NƯỚC

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tổ chức tuyển sinh Sau đại học đào tạo ở trong nước gồm 46 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ (chi tiết) và 55 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ (chi tiết) thuộc các ngành: Toán học, Cơ học, Toán tin ứng dụng, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Địa chính, Địa chất, Khí tượng, Thủy văn, Hải dương học, Môi trường.

1. Điều kiện dự thi đào tạo thạc sĩ

Công dân nước CHXHCN Việt Nam có đủ các điều kiện quy định dưới đây được dự thi vào Đào tạo Thạc sĩ:

1.1. Điều kiện văn bằng

Thí sinh phải có một trong các văn bằng sau:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học ngành đúng hoặc phù hợp với ngành đăng ký dự thi.

b) Có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành gần với ngành đăng ký dự thi, đã học bổ sung kiến thức các môn học để có trình độ tương đương với bằng tốt nghiệp đại học ngành đúng. Nội dung, khối lượng (số tiết) các môn học bổ sung do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) quy định.

1.2. Điều kiện về thâm niên công tác

a) Thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, ngành tốt nghiệp đúng hoặc phù hợp với ngành đăng ký dự thi được dự thi ngay sau khi tốt nghiệp đại học.

b) Những trường hợp còn lại phải có ít nhất hai năm (24 tháng) kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn đăng ký dự thi kể từ khi tốt nghiệp đại học (tính từ ngày Hiệu trưởng ký quyết định công nhận tốt nghiệp) đến ngày đăng ký dự thi.

2. Điều kiện dự thi đào tạo Tiến sĩ

Công dân nước CHXHCN Việt Nam có đủ các điều kiện quy định dưới đây được dự thi vào đào tạo tiến sĩ:

2.1. Điều kiện văn bằng và công trình đã công bố

Thí sinh cần thoả mãn một trong các điều kiện sau: a) Có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành hoặc chuyên ngành phù hợp hoặc chuyên ngành gần chuyên ngành đăng ký dự thi.

b) Có bằng thạc sĩ khác chuyên ngành và có bằng tốt nghiệp đại học chính quy đúng ngành hoặc ngành phù hợp với ngành đăng ký dự thi. Trường hợp này, thí sinh phải dự thi như người chưa có bằng thạc sĩ và phải có ít nhất một bài báo công bố trên tạp chí khoa học hoặc tuyển tập công trình hội nghị khoa học trước khi nộp hồ sơ dự thi và phải dự thi theo chế độ đối với thí sinh chưa có bằng thạc sĩ.

c) Có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy đúng ngành, loại giỏi trở lên và có ít nhất một bài báo đã công bố trên tạp chí khoa học hoặc tuyển tập công trình hội nghị khoa học trước khi nộp hồ sơ dự thi.

d) Có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy đúng ngành, loại khá và có ít nhất hai bài báo đã công bố trên tạp chí khoa học hoặc tuyển tập công trình hội nghị khoa học trước khi nộp hồ sơ dự thi.

Nội dung các bài báo nêu ở các mục b, c, d phải phù hợp với hướng nghiên cứu đăng ký dự thi.

2.2. Điều kiện thâm niên công tác

Thí sinh dự thi vào chương trình đào tạo tiến sĩ cần có ít nhất hai năm (24 tháng) làm việc chuyên môn trong lĩnh vực đăng ký dự thi kể từ khi tốt nghiệp đại học (tính từ ngày Hiệu trưởng ký quyết định công nhận tốt nghiệp) đến ngày đăng ký dự thi, trừ trường hợp được chuyển tiếp sinh.

3. Các điều kiện khác

3.1. Thí sinh phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để học tập và lao động theo quy định tại Thông tư liên Bộ Y tế - Đại học, THCN và DN số 10/TT-LB ngày 18/8/1989 và công văn hướng dẫn số 2445/TS ngày 20/8/1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3.2. Các đối tượng ưu tiên theo khu vực quy định tại mục (4) của văn bản này phải có quyết định tiếp nhận công tác của cấp có thẩm quyền. Nếu đang biệt phái công tác đến các vùng nêu trên thì phải có quyết định biệt phái của cấp có thẩm quyền.

3.3. Thí sinh phải nộp đầy đủ, đúng thủ tục, đúng thời hạn các văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ trong hồ sơ và lệ phí dự thi theo quy định.

3.4. Quân nhân, công an nhân dân tại ngũ, cán bộ công nhân viên đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tập thể hoặc tư nhân, các tổ chức kinh tế-xã hội phải có văn bản của thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép dự thi. Các trường hợp còn lại phải có xác nhận của Uỷ ban Nhân dân phường, xã nơi cư trú vào hồ sơ đăng ký dự thi.

3.5. Các thí sinh thuộc diện cán bộ được hưởng kinh phí hỗ trợ đào tạo từ ngân sách nhà nước cần hoàn tất mọi thủ tục để xác định thuộc diện cán bộ ngay khi nộp hồ sơ dự thi.

4. Đối tượng ưu tiên

4.1. Đối tượng ưu tiên bao gồm những thí sinh là:

- Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động.

- Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh.

- Người thuộc dân tộc thiểu số.

- Người đang công tác liên tục được hai năm (24 tháng) trở lên tại các khu vực vùng cao, miền núi, hải đảo, vùng sâu tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

Danh mục các xã, phường, thị trấn thuộc vùng cao, miền núi do Chủ tịch Uỷ ban Dân tộc và Miền núi xét công nhận.

Danh mục các xã, phường, thị trấn thuộc hải đảo, vùng sâu do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị, căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

4.2. Thí sinh dự thi thuộc đối tượng ưu tiên được cộng thêm 01 điểm (thang điểm 10) cho môn cơ bản và 10 điểm (thang điểm 100) cho môn ngoại ngữ. Thí sinh thuộc nhiều đối tượng ưu tiên chỉ được hưởng một lần ưu tiên. Thí sinh phải nộp các giấy tờ ưu tiên hợp lệ kèm với hồ sơ đăng ký dự thi. Mọi trường hợp nộp bổ sung đều không được chấp nhận.

5. Thời gian và hình thức đào tạo

5.1. Bậc đào tạo thạc sĩ: Tập trung 2 năm.

5.2. Bậc đào tạo tiến sĩ

- Đối với thí sinh có bằng thạc sĩ: Không tập trung 3 năm.

- Đối với thí sinh chỉ có bằng cử nhân: Không tập trung 5 năm.

6. Các môn thi tuyển

6.1. Dự thi đào tạo thạc sĩ

Các thí sinh phải thi 03 môn: Môn cơ bản; Môn cơ sở; Môn ngoại ngữ trình độ B.

6.2. Dự thi đào tạo tiến sĩ

a) Các thí sinh có bằng thạc sĩ phải thi 03 môn: Môn chuyên ngành; Môn ngoại ngữ trình độ C; Bảo vệ đề cương nghiên cứu theo hướng chuyên ngành dự thi.

b) Các thí sinh có bằng đại học nhưng chưa có bằng thạc sĩ phải thi 05 môn: Môn cơ bản; Môn cơ sở; Môn chuyên ngành; Môn ngoại ngữ trình độ C; Bảo vệ đề cương nghiên cứu theo hướng chuyên ngành dự thi.

6.3. Các môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành được quy định tùy theo ngành hoặc chuyên ngành.

Riêng môn ngoại ngữ, thí sinh được quyền lựa chọn thi một trong 5 thứ tiếng: Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung ở các trình độ tương ứng và phải đăng ký ngay khi nộp hồ sơ.

Miễn thi ngoại ngữ cho các thí sinh thuộc một trong các đối tượng sau:

- Đã tốt nghiệp đại học hệ chính quy ngành ngoại ngữ một trong 5 thứ tiếng nêu trên.

- Có chứng chỉ IELTS 6.0, hoặc TOEFL 550 điểm trở lên trong thời hạn 01 năm kể từ ngày dự thi lấy chứng chỉ đến ngày dự thi tuyển sinh sau đại học.

- Đã có bằng đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở nước ngoài mà ngôn ngữ đã sử dụng trong học tập là một trong năm thứ tiếng nói trên.

- Có chứng chỉ công nhận trình độ Ngoại ngữ dự thi tuyển sinh Sau đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời hạn 24 tháng kể ngày cấp.

7. Hồ sơ dự thi

Hồ sơ dự thi do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN phát hành, gồm các mục sau:

7.1. Phiếu đăng ký dự thi Sau đại học (theo mẫu).

7.2. Sơ yếu lý lịch (dán ảnh, đóng dấu giáp lai) có xác nhận của cơ quan công tác (nếu là thí sinh tự do thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương).

7.3. Bản sao có xác nhận của công chứng Nhà nước hoặc nơi có thẩm quyền cấp các văn bằng, chứng chỉ sau:

- Bằng tốt nghiệp Đại học và bảng điểm Đại học toàn khóa có xác nhận xếp loại của nơi có thẩm quyền cấp bằng.

- Bằng tốt nghiệp Thạc sĩ và bảng điểm thạc sĩ (đối với thí sinh là thạc sĩ dự thi đào tạo tiến sĩ).
- Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cấp (nếu thuộc diện phải bổ sung kiến thức).

7.4. Bản kê danh mục các công trình khoa học đã được công bố trên các tạp chí khoa học kèm bản photocopy các công trình đó (gồm toàn bộ bài viết của tác giả, trang bìa, trang mục lục của tạp chí) đối với các thí sinh dự thi đào tạo tiến sĩ.

7.5. Đề cương nghiên cứu khoa học của thí sinh dự thi đào tạo tiến sĩ được đóng thành quyển bìa mềm (5 bản).

7.6. Các giấy tờ có giá trị pháp lý về đối tượng ưu tiên (nếu thuộc diện ưu tiên).

7.7. Bản sao có công chứng các quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động để chứng nhận thời gian thâm niên công tác theo quy định tại mục 1.2. và mục 2.2 của thông báo này.

7.8. Công văn cử đi dự thi của cơ quan quản lý có thẩm quyền quyết định nhân sự (đối với tất cả các đối tượng đang làm việc trong biên chế hoặc hợp đồng ở các cơ quan trong và ngoài Nhà nước).

7.9. Giấy chứng nhận đủ sức khỏe học tập, công tác của một bệnh viện đa khoa.

7.10. ảnh thí sinh 4 x 6cm mới nhất (03 chiếc).

7.11. Phong bì có dán sẵn tem trong nước, ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận và của thí sinh (04 chiếc).

Khi nộp các bản sao trên thí sinh phải đem theo bản gốc để đối chiếu.

8. Nộp hồ sơ dự thi

- Thời gian nhận hồ sơ tuyển sinh: Từ ngày 20/03/2007 đến hết ngày 30/03/2007.

- Địa điểm nhận hồ sơ: Phòng Sau đại học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN.

Muốn biết thông tin chi tiết xin liên hệ với:

Phòng Sau đại học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Địa chỉ: Phòng 406 tầng 4, Nhà T1, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Số 334 - Nguyễn Trãi, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: 04.8582542. Fax:04.8583061.


B. TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC ĐÀO TẠO TẠI CƠ SỞ NƯỚC NGOÀI BẰNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Xem thông tin chi tiết và nộp hồ sơ tại: Khoa Sau đại học - Đại học Quốc gia Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 5 - Nhà G7 -144 Xuân Thuỷ Cầu Giấy, Hà Nội.

Điện thoại: 04.7547615.

=================

Tin liên quan:

- Các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ tại Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN và môn thi.

- Các chuyên ngành đào tạo tiến sĩ tại Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN và môn thi.

 Phòng Sau Đại học Trường ĐHKHTN - ĐHQGHN
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :