Sau đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >   Sau đại học
Tỉ trọng giữa học viên và sinh viên chính quy Trường ĐHKHXH&NV là 25,38%
Là con số được đưa ra tại hội nghị đào tạo sau đại học năm 2009 của Trường ĐHKHXH&NV ngày 28/3/2009 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo, trợ lý đào tạo sau đại học các khoa.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được trong công tác đào tạo sau đại học (ĐTSĐH) từ năm 2004 đến nay, tìm ra những hạn chế và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Thực hiện chủ trương xây dựng Trường ĐHKHXH&NV theo định hướng đại học nghiên cứu, công tác ĐTSĐH những năm qua đã có bước phát triển quan trọng cả về quy mô, chất lượng, phương thức và cơ cấu chuyên ngành. Về đội ngũ cán bộ, Nhà trường hiện có lực lượng cán bộ cơ hữu và kiêm nhiệm khá hùng hậu với 133 giảng viên/533 cán bộ có học vị tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, trong đó có 7 giáo sư và 55 phó giáo sư. Ngoài ra, Trường hiện có 176 cán bộ kiêm nhiệm có học vị tiến sĩ, trong đó có 95 giáo sư và phó giáo sư. Về cơ sở vật chất và tư liệu, các khoa, bộ môn đều có các phòng tư liệu chuyên ngành phục vụ đào tạo sau đại học. Nhiều khoa có phòng tư liệu với số tư liệu tham khảo lớn và quý như khoa Lịch sử, khoa Ngôn ngữ học, khoa Văn học... Bên cạnh đó, tuy mới thành lập và đi vào hoạt động song Bảo tàng Nhân học nhanh chóng trở thành một trong những cơ sở dữ liệu liên ngành có thể phục vụ tốt công tác ĐTSĐH.

Trên cơ sở các nguồn lực của nhà trường, những năm qua, quy mô ĐTSĐH của nhà trường có sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng học viên và số chuyên ngành đào tạo. Số lượng học viên SĐH hiện nay là 1.864 học viên, tỷ trọng quy mô ĐTSĐH trên tổng quy mô đào tạo chính quy là 25,38%. Hiện Trường được giao nhiệm vụ đào tạo 27 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 29 chuyên ngành tiến sĩ. Công tác tuyển sinh của Nhà trường những năm qua luôn được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Điểm trúng tuyển và tỷ lệ tuyển chọn đầu vào của Trường luôn ở mức cao so với các đơn vị khác. Công tác giảng dạy, học tập được tổ chức chặt chẽ, đúng tiến độ. Quy trình, thủ tục làm hồ sơ bảo vệ luận văn, luận án đã được cải tiến theo hướng nhanh gọn, thuận lợi cho học viên.

Đặc biệt, thời gian qua, việc gắn kết nghiên cứu khoa học với ĐTSĐH được thực hiện tốt nhằm nâng cao chất lượng ĐTSĐH và tăng cường nguồn nhân lực NCKH. Kết quả NCKH trở thành các chuyên luận, sách tham khảo trong ĐTSĐH, đề tài, dự án hợp tác và hội thảo quốc tế gắn với ĐTSĐH, một số học viên SĐH thực hiện luận văn, luận án trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu khoa học.

Nhà trường cũng là đơn vị đi đầu của ĐHQGHN trong việc chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo tín chỉ. Nhà trường đã chuyển đổi 27 chương trình đào tạo thạc sĩ và 29 chương trình đào tạo tiến sĩ phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ. Nội dung môn học cũng được điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của các chuyên ngành khoa học và thực tiễn xã hội.

Nhà trường mở các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ liên kết quốc tế: thạc sĩ Quản lý tổ chức, thạc sĩ Tâm lý học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên với Đại học Toulouse II từ năm 2007, thạc sỹ Quản lý khách sạn với Đại học Toulouse II, Đại học Taylor từ năm 2008. Hai chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế là thạc sỹ Lịch sử Việt Nam và tiến sĩ Lịch sử Việt Nam do Trường xây dựng đã được ĐHQGHN thẩm định và phê duyệt.

Tại hội nghị, một số hạn chế của công tác ĐTSĐH cũng được chỉ ra như: quy mô đào tạo ĐTSĐH tăng nhanh nhưng chủ yếu là đào tạo thạc sỹ, một số chuyên ngành đào tạo chưa hấp dẫn người học, việc triển khai xây dựng một số chương trình đào tạo mới ở các đơn vị còn chậm, việc quảng bá tuyển sinh chưa tốt nên chưa thu hút được sự quan tâm của thí sinh; việc tổ chức dạy và học ở một số đơn vị chưa tốt, nhiều học viên không có kế hoạch thực hiện luận văn, luận án, không tuân thủ quy trình dẫn đến tình trạng quá hạn khá phổ biến, việc xây dựng đề cương môn học và đổi mới phương pháp giảng dạy bậc SĐH chưa được một số cán bộ quan tâm và đầu tư công sức; việc thu hút học viên tham gia đề tài, chương trình nghiên cứu của khoa còn hạn chế, một số đơn vị chưa mạnh dạn đăng ký triển khai các chương trình đào tạo thuộc Đề án 16+23.

Công tác ĐTSĐH giai đoạn 2009-2014 của Nhà trường được xác định là hoạt động chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho nhà trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, Nhà trường sẽ đẩy mạnh liên kết đào tạo quốc tế, quốc tế hoá các chương trình đào tạo, tích cực chuyển đổi sang phương thức đào tạo tín chỉ, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, đổi mới nội dung chương trình đào tạo...

Một số giải pháp chủ yếu được đưa ra:

- Duy trì quy mô đào tạo cao học, mở rộng quy mô đào tạo tiến sĩ;

- Đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo mới;

- Đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập;

- Cụ thể hoá lịch trình ĐTSĐH, tin học hoá các thủ tục và biểu mẫu bảo vệ luận văn, luận án

- Tăng cường vai trò của khoa, bộ môn trong quản lý ĐTSĐH;

- Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh liên kết đào tạo sau đai học với các trường đại học tiên tiến trên thế giới...

 Thanh Hà - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :