TÔI KHÂM PHỤC VIỆT NAM
Tôi nghĩ rằng các nước nông nghiệp ở Châu Á đều có chung truyền thống quý báu, truyền thống tốt đẹp là quá trình cùng nhau lao động, sản xuất nông nghiệp. Chính tập tục này là một trong những yếu tố quan trọng để các nhà khoa học tiếp tục sáng tạo. Tôi nghĩ rằng, sự liên kết trong hoạt động tập thể theo thói quen canh tác lúa nước cần được phát huy trong nghiên cứu khoa học, để tiếp tục trả lời những câu hỏi của thiên nhiên.
Tôi rất nhớ thời thanh xuân của mình, nhớ thời khắc những sinh viên Nhật Bản chúng tôi đã vui mừng thế nào nghe tin về sự thất bại của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Sau đó, khi Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam, ở Nhật Bản đã diễn ra các cuộc biểu tình phản đối Mỹ ném bom ở Việt Nam. Hôm nay, trong tôi đang trào dâng niềm tự hào khi được đứng trên đất nước Việt Nam – một quốc gia tôi đã khâm phục từ lâu và phấn khởi khi được giao lưu với các giảng viên và sinh viên ĐHQGHN. Các bạn đã bảo vệ thành công tổ quốc của mình và đang tiếp tục thành công trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
TÔI RẤT GHÉT ĐƯỜNG
Điều đặc biệt của tôi là rất ghét đường. Lí do của tôi rất đơn giản, mẹ đã cho tôi ăn cơm trộn với đường suốt cả thời thơ bé. Và có lẽ, tuổi thơ tôi đã ăn đường đủ cho cả cuộc đời. Sau đó, khi tôi vào THPT, cha tôi khuyên không nên vào ĐH mà tôi nên nối nghiệp gia đình trong việc kinh doanh, buôn bán đường.
Trong thời gian 4 năm THPT, tôi phải đấu tranh với cha để được vào đại học, nơi tôi có thể làm nghiên cứu khoa học chứ không phải là công việc kinh doanh. Chính vì thế mà tôi ghét đường, nói chính xác hơn là ghét công việc kinh doanh buôn bán đường. Tôi đã không theo nghiệp của gia đình mà dấn thân vào khoa học.
TÔI BIẾT ƠN KẺ TRỘM
Một hôm, kẻ trộm đột nhập vào nhà tôi. Gia đình chúng tôi không mất nhiều đồ nhưng cảnh sát đến điều tra và thể hiện thái độ hách dịch, khiến chúng tôi rất khó chịu.
Nhưng sau khi nhìn thấy tấm bằng tiến sĩ về hạt cơ bản của tôi thì nhóm cảnh sát đã có thái độ khác hẳn. Họ tỏ ra rất kính trọng bố tôi, bởi vì nghĩ ông là chủ nhân của tấm bằng đó. Trong suy nghĩ của người Nhật lúc bấy giờ, người ta luôn nghĩ rằng, người có bằng tiến sĩ phải là một cụ già có râu. Và tôi thực sự thấy hài lòng, vì với tấm bằng tiến sĩ đó, tôi đã tạo được sự kính trọng của người khác đối với cha mẹ mình. Tôi luôn nói rằng đó là lần duy nhất tôi đã báo hiếu được cha mẹ (cười).
Ý TƯỞNG NGHIÊN CỨU LÀ NGUỒN GỐC CỦA SỰ RA ĐỜI CÁC TRANG THIẾT BỊ HIỆN ĐẠI
Tôi không nghĩ có điều kiện vật chất và trang thiết bị hiện đại mới tạo ra những thành công trong nghiên cứu. Thời trẻ, chúng tôi đã từng thực hiện những nghiên cứu với những thiết bị thô sơ. Những thiết bị hiện đại ra đời và phát triển dựa trên ý tưởng nghiên cứu của các nhà khoa học, phục vụ công tác nghiên cứu. Không phải cứ có một phòng thí nghiệm hiện đại là có thể xuất hiện những ý tưởng khoa học.
Tôi có một người bạn nghiên cứu về nguyên lý phá vỡ. Anh ấy đã làm thí nghiệm rất đơn giản. Anh ấy đã thả các tấm kính và xem nguyên tắc vỡ của chúng. Từ đó, anh ấy đưa ra những nguyên lý liên quan đến sự phá vỡ, một trong những nguyên lý quan trọng trong nghiên cứu của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, cơ hội trong các lĩnh vực nghiên cứu rất đa dạng. Các bạn hãy tôn trọng cá tính, sở thích, hoài bão và cố gắng hết sức mình thì khả năng thành công rất cao.
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẦN CÓ SỰ LÃNG MẠN VÀ LÒNG KHÁT KHAO
Tôi thường nói với các bạn sinh viên, đối với nhà khoa học thì điều quan trọng nhất là sự lãng mạn và lòng khao khát. Anhxtanh khi quan sát sự di chuyển của quả lắc đồng hồ đã nhận định rằng, sự di chuyển hay đứng im chỉ là tương đối. Nhiều người đã phản đối nhưng lòng khao khát, sự quyết tâm của ông đã giành chiến thắng. Tôi cho rằng, sự lãng mạn ở đây là khả năng sáng tạo, sự hình dung đã giúp cho Anhxtanh thuyết phục tất cả chúng ta, để giờ đây chúng ta đều tin vào thuyết tương đối.
Tôi nghĩ việc duy trì và phát huy tính lãng mạn, lòng khao trong nghiên cứu là bước đầu tiên để tiến gần đến thành công trong khoa học. Hai điều này rất quan trọng nhưng chưa đủ, để có thành công còn cần có dũng khí và quyết tâm đeo đuổi.
KHOA HỌC LÀ CÔNG CỤ ĐỂ CON NGƯỜI TỒN TẠI VÀ PHÁT TRIỂN
Tôi thấy rằng, có một nguyên tắc, trong những điều kiện cụ thể với những nỗ lực tối đa và khả năng sáng tạo của con người, chúng ta có thể khám phá thiên nhiên và có thể phát kiến ra những nguyên lý mới. Mọi khoa học đều như vậy. Khoa học ngày càng trở nên vĩ đại và phát triển ở tầm cao mới dù chúng ta có yêu quí nó hay không. Điều này không chỉ riêng với khoa học tự nhiên mà về khoa học nói chung. Khoa học là một công cụ không thể thiếu để chúng ta tiếp tục tồn tại và phát triển.
GS. Toshihide Maskawa trả lời phóng vấn của Đài truyền hình Việt Nam và của Website ĐHQGN
|