Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
ĐHQGHN trao bằng Tiến sĩ danh dự cho GS.TS Daniel Weissberg
GS.TS Daniel Weissberg, nguyên Giám đốc Cơ quan Đại học Pháp ngữ tại châu Á – Thái Bình Dương (AUF) là nhà khoa học và quản lý có tâm huyết và tình cảm với Việt Nam, đã dành nhiều thời gian và công sức giúp đỡ Việt Nam trong nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.

GS.TS Daniel Weissberg (người ngồi ngoài cùng bên phải)
Sau hơn hai mươi năm thiết lập quan hệ hợp tác, ghi nhận sự đóng góp của GS.TS Daniel Weissberg đối với giáo dục đại học của Việt Nam nói chung và đối với ĐHQGHN nói riêng, Giám đốc ĐHQGHN đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-ĐHQGHN về việc phong tặng bằng Tiến sĩ danh dự cho giáo sư. Dưới đây, website ĐHQGHN xin trân trọng giới thiệu một số thông tin về GS.TS Daniel Weissberg cùng những đóng góp nổi bật của giáo sư cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Một số thành tích nổi bật
Về chính sách đào tạo:
Với tư cách là Giám đốc Cơ quan ĐH Pháp ngữ tại châu Á – Thái Bình Dương, vị trí do Bộ Ngoại giao bổ nhiệm, GS.TS Daniel Weissberg đã góp phần xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo các lớp song ngữ từ lớp 1 đến lớp 12 tại khu vực nhằm cung cấp nguồn sinh viên song ngữ chất lượng cao cho các trường đại học và viện nghiên cứu. Ở bậc đại học, dưới sự lãnh đạo của GS.TS Daniel Weissberg, Cơ quan Đại học Pháp ngữ tại châu Á-Thái Bình Dương đã tạo dựng một hệ thống hơn 60 chuyên ngành mới bằng tiếng Pháp, trong đó Việt Nam nói chung và ĐHQGHN nói riêng được thụ hưởng hơn 50 chuyên ngành. Ví dụ, tại ĐHQGHN, các chuyên ngành Luật hợp tác quốc tế (Khoa Luật), Tâm lý học lâm sàng (Trường ĐH KHXH&NV), Vật lý hạt nhân, Hóa học (Trường ĐH KHTN)… đã cung cấp những kiến thức hiện đại và phương pháp đào tạo tiên tiến cho người học. Đến nay, hàng trăm tiến sĩ của Việt Nam đã được đào tạo tại Cộng hòa Pháp hoặc tại một nước Pháp ngữ tiên tiến thông qua chương trình học bổng của AUF, đã và đang công tác ở nhiều trường ĐH và viện nghiên cứu của Việt Nam.
GS.TS Daniel Weissberg đã dành một chương trình học bổng đặc biệt cho Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN để đào tạo các nhà Tâm lý học lâm sàng đầu tiên của Việt Nam nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Đến nay, một nhóm gồm 7 phó giáo sư và tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Pháp ngữ, được thụ hưởng chương trình học bổng đặc biệt này đang làm việc tại Khoa Tâm lí học của Nhà trường. Ngoài ra, với sự giúp đỡ của GS.TS Daniel Weissberg, một chương trình đào tạo Thạc sĩ Xã hội học theo hướng ứng dụng (Thạc sĩ Quản lý tổ chức – MADO), nay gọi là Quản lý chính sách công và doanh nghiệp (MAPE) đã được mở ra tại Trường ĐH KHXH&NV sau khi đã nhận được ngân sách hỗ trợ nghiên cứu tiền khả thi của AUF (2004-2006). Đây cũng là chương trình đào tạo Thạc sĩ Xã hội học theo hướng ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam.
Về chính sách xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu:
Chính sách này được xây dựng và thực hiện hiệu quả thông qua Chương trình Hợp tác nghiên cứu khoa học đạt đẳng cấp quốc tế (PCSI). Nhờ có chương trình này, nhiều nghiên cứu khoa học quốc tế đã được thực hiện bởi đội ngũ các giảng viên/nhà nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế. Các ấn phẩm khoa học đã và đang được in bằng tiếng Pháp tại Cộng hòa Pháp. Tại Trường ĐH KHXH&NV, có thể kể đến nghiên cứu của nhóm GS.TS Gilbert de Terssac (Pháp), GS.TS Diane Tremblay (Canada), PGS.TS Trịnh Văn Tùng và TS. Trương An Quốc (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN). Chính sách xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu quốc tế do GS.TS Daniel Weissberg phụ trách gồm các biện pháp sau đây:
+ Ưu tiên các nhà nghiên cứu trẻ thuộc các nước đang phát triển tham gia các chương trình nghiên cứu bằng các loại học bổng khác nhau;
+ Ưu tiên cấp học bổng cho các giảng viên/nhà nghiên cứu trẻ thuộc các nước đang phát triển để hoàn thiện bài giảng, giáo trình với các giáo sư đầu đàn, đầu ngành của các nước Pháp ngữ phát triển.
Thành tích nổi bật trong hợp tác quốc tế với ĐHQGHN  
Với tư cách là Giám đốc Cơ quan ĐH Pháp ngữ tại châu Á – Thái Bình Dương, GS.TS Daniel Weissberg đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế giữa ĐHQGHN với hơn 700 trường ĐH có sử dụng tiếng Pháp trên thế giới. Là thành viên của Cơ quan ĐH Pháp ngữ, giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên ĐHQGHN được ưu tiên miễn giảm học phí, phí ghi danh và được hưởng nhiều chế độ ưu tiên khác khi đăng kí học tại Cộng hòa Pháp hoặc một nước Pháp ngữ tiên tiến, nếu được hưởng học bổng AUF. Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN và Trường ĐH Toulouse 2-Le Mirail đã nâng tầm quan hệ lên thành “đối tác toàn diện” từ khi GS.TS Daniel Weissberg được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng phụ trách quan hệ châu Âu và quốc tế.
Với tư cách là thành viên năng động của AUF, được sự hỗ trợ của GS.TS Daniel Weissberg, Trường ĐH KHXH&NV tham gia tích cực và hiệu quả vào Diễn đàn Hiệu trưởng của các Trường ĐH có sử dụng tiếng Pháp tại châu Á – Thái Bình Dương (Confrasie). Từ đây, nhiều chương trình hợp tác quốc tế đã được ký kết và triển khai thực hiện, cụ thể gồm:
- Hợp tác tổ chức các hội thảo quốc tế lớn như: (1) Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm tại Việt Nam (2002); (2) Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại (2004); (3) 100 năm đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (2005); (4) Nông thôn trong quá trình chuyển đổi (2006); (5) Văn hóa toàn cầu hóa (2007); (6)Phân tích hỗ trợ chuyển đổi doanh nghiệp (2007); (8) Tạo dựng hoạt động kinh tế - xã hội phục vụ phát triển bền vững địa phương – Trường hợp Tây Bắc và Sơn La (2010)….
- Tạo điều kiện hợp tác nghiên cứu liên vùng giữa giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường ĐH KHXH&NV và Trường ĐH Toulouse 2 – Le Mirail trong khuôn khổ Chương trình hợp tác phi tập trung giữa vùng Midi-Pyrénés, Cộng hòa Pháp và tỉnh Sơn La, Việt Nam. Thông qua chương trình, GS.TS Daniel Weissberg đã tìm kiếm một số học bổng nghiên cứu thực địa cho học viên Việt Nam (15 học bổng, tổng giá trị khoảng 400 triệu đồng).
Thành tích nổi bật trong đào tạo tiến sĩ cho Việt Nam
Với chuyên ngành Địa lý Xã hội, GS.TS Daniel Weissberg đã đào tạo nhiều tiến sĩ cho Việt Nam nói chung và cho ĐHQGHN nói riêng, cụ thể gồm:
·      Trần Nhật Kiên (2010). Di sản làng quê trước quá trình đô thị hóa: trường hợp các làng ven đô Triều Khúc và Nhân Chính, Hà Nội, Việt Nam (đồng hướng dẫn với Paulette Girard)
·      Phan Việt Hà (2010). Xung đột đất đai trong bối cảnh chuyển đổi nông nghiệp của vùng Tây Nguyên, Việt Nam: trường hợp tỉnh Đắk Lắk.
·      Huyền Thị Bảo Châu (2011). Di sản kiến trúc, đô thị và du lịch: Trường hợp Hội An, Việt Nam.
·      Nguyễn Đỗ Long (2012). Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng và phát triển địa phương tại Tây Bắc, Việt Nam: nghiên cứu trường hợp làng Phú Mẫu 1, 2, xã Chiềng Yên, tỉnh Sơn La.
Hiện tại, GS.TS Daniel Weissberg cũng đang hướng dẫn một số luận án tiến sĩ liên quan đến các đề tài như: “Một thành phố như là hệ thống công viện: Đà Lạt, Việt Nam”; “Hồ Tây, Hà Nội, Việt Nam: giữa bản sắc và cảnh quan”; “Đình – di sản kiến trúc đô thị Việt Nam. Công trình và đô thị: nghiên cứu trường hợp tại Hà Nội”; “Xây dựng nhà ở theo đồ án ‘KDTM’ ở Hà Nội”.
Thành tích nổi bật trong nghiên cứu ở Việt Nam và cho Việt Nam
- Chủ nhiệm một chương trình nghiên cứu xây dựng thành phố cỡ vừa ở thành phố Hồ Chí Minh (1997-2000);
- Chủ nhiệm một chương trình nghiên cứu về sản xuất cà phê và phát triển nông thôn (Đắk Lắk, đại học đối tác: Tây Nguyên);
- Thành viên chủ chốt trong nhóm nghiên cứu phát triển cộng đồng tại Sơn La (2007-nay) với chủ đề Nhà du lịch cộng đồng (MTV) gồm: (1) GS.TS Daniel Weissberg; (2) GS.TS Gilbert De Terssac; (3) PGS.TS Trịnh Văn Tùng và (4) GVC.TS Michel Cattla.
 

 V.S
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan