Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
ĐHQGHN đẩy mạnh hợp tác với các Đại học Liên bang Nga
Từ 25/10 đến 1/11/2014, Đoàn công tác của ĐHQGHN do Giám đốc Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Ban Hợp tác và Phát triển, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Giáo dục và Khoa Quốc tế.

Tháng 5/2013, ĐHQGHN đã ký kết thỏa thuận hợp tác về khoa học và giáo dục với ĐHQG Moscow. Từ đó đến nay, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo hai bên, quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN với các đối tác tại Liên bang Nga đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trong chuyến công tác lần này, đoàn ĐHQGHN đã gặp gỡ, trao đổi và có những ký kết hợp tác quan trọng với các ĐH lớn của LB Nga như ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov, ĐHQG Saint-Petersbourg, ĐH Hữu nghị Moskva, ĐH Khí tượng Thuỷ văn Liên bang Nga, ĐH Năng lượng Moskva trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN Nguyễn Văn Nội và Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Khí tượng Thủy văn Quốc gia Liên bang Nga Vladimir Sakovich trao đổi văn bản ký kết

Ngày 27/10/2014, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc và chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (HUS) - ĐHQGHN với Trường ĐH Khí tượng Thủy văn Quốc gia Liên bang Nga (RSHU). Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Hiệu trưởng RSHU Vladimir Sakovich khẳng định, hợp tác giữa RSHU và ĐHQGHN đã có truyền thống từ nhiều năm và tin tưởng rằng với sự ủng hộ của hai Chính phủ, việc hợp tác khoa học giữa hai bên sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Thông qua việc hợp tác, các nhà khoa học của RSHU sẽ hỗ trợ các nhà khoa học ĐHQGHN các định hướng nghiên cứu mới, phương pháp luận xây dựng các công cụ dự báo và quản lý tài nguyên nước các lưu vực sông lớn thiếu số liệu quan trắc, đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận với các nguồn dữ liệu mở (vệ tinh, radar,…) cùng các công nghệ mới, hiện đại tạo tiền đề cho việc ứng dụng, xây dựng các công cụ phục vụ quản lý tài nguyên nước nói chung và quản lý các thiên tai và hiện tượng cực đoan liên quan đến nước nói riêng.

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ hy vọng dự án nghiên cứu chung này sẽ vượt khuôn khổ giữa 2 đối tác để trở thành dự án đa phương với nhiều quốc gia trong khu vực cùng tham gia. Giám đốc mong muốn ngoài các chương trình xây dựng các nhóm nghiên cứu quốc tế mạnh, hai bên cần thúc đẩy hợp tác về đào tạo với mô hình 2+2 với 2 năm đào tạo tại ĐHQGHN và 2 năm đào tạo tại RSHU.

Cũng trong buổi làm việc này, Phó Chủ nhiệm Khoa Khí tượng - Thủy văn - Hải dương học, HUS Trần Ngọc Anh và Chủ nhiệm Khoa Khí thượng – Thủy văn và Quan trắc, RSHU Vadim Kuzmin đã đại diện 2 cơ quan cùng đề xuất ý tưởng thực hiện một dự án chung theo Nghị định thư về “Xây dựng cơ sở phương pháp luận và công nghệ quản lý tài nguyên nước các lưu vực sông lớn ở các lục địa Á-Âu trong điều kiện thiếu/không có số liệu quan trắc về khí tượng thủy văn (ví dụ cho Liên bang Nga và Việt Nam)”.

Tiếp tục chuyến công tác, sáng 29/10/2014, lãnh đạo ĐHQG Saint-Peterburgs (SPbU) đã tiếp Đoàn ĐHQGHN và thực hiện kí kết văn bản hợp tác trong giai đoạn tiếp theo về các nội dung: Tiến hành các hoạt động đào tạo, nghiên cứu chung; đồng xuất bản các ấn phẩm khoa học; tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học; thực hiện trao đổi cán bộ, giảng viên, nhà khoa học và sinh viên...

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và Phó Giám đốc ĐH Saint Petersburg Alexander Gogolevsky

Tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dựa trên nền tảng hợp tác đã có, cụ thể là văn bản thỏa thuận hợp tác khung năm 2010 và văn bản thỏa thuận trao đổi sinh viên năm 2012 giữa hai đại học, ĐHQGHN và SPbU cần xây dựng kế hoạch hợp tác chi tiết để triển khai hiệu quả những nội dung được hai bên thống nhất. Hợp tác giữa ĐHQGHN và SPbU không chỉ tập trung vào nghiên cứu mà còn gắn với đào tạo và trao đổi học thuật nhằm phát huy tối đa thế mạnh của hai đại học. Giám đốc ĐHQGHN đề nghị hướng hợp tác trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào 3 nhóm chính: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ; Khoa học Xã hội và Nhân văn, Việt Nam học và Ngôn ngữ; Khoa học Trái đất và Biến đổi khí hậu.

ĐHQGHN đề xuất việc thành lập các phòng thí nghiệm chung liên quan đến lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, qua đó hai bên cùng phối hợp nghiên cứu và đưa ra những công bố chung, trước hết về công nghệ ứng dụng (Công nghệ Sinh học, Công nghệ Hóa học và Môi trường). Đồng thời, ĐHQGHN và SPbU có thể thành lập nhóm nghiên cứu chung về Việt Nam học, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia. Giám đốc ĐHQGHN đề nghị mở rộng hợp tác không chỉ với SPbU mà còn với các ĐH khác của Liên bang Nga trong việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về Thủy văn, Khí tượng, Quản lý nguồn nước và Biến đổi khí hậu.

Ngoài ra Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ còn nhấn mạnh đến việc hợp tác trong lĩnh vực đào tạo. Ông bày tỏ mong muốn trong thời gian tới xây dựng chương trình đào tạo liên kết về lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, qua đó đào tạo đội ngũ cán bộ am hiểu về văn hóa Việt – Nga nhằm góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa hai quốc gia, hướng tới kỉ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam và Liên bang Nga vào năm 2015.

Phó Giám đốc ĐH Saint Petersburg Alexander Gogolevsky khẳng định và tin tưởng vào sự hợp tác sâu rộng giữa ĐHQGHN và SPbU và hoàn toàn đồng ý về các đề xuất của phía ĐHQGHN. Ông tin rằng, dựa trên nền tảng hợp tác vững chắc, tiềm năng, thế mạnh và quyết tâm chung của hai đại học, ĐHQGHN và SPbU sẽ xây dựng và triển khai thành công các dự án, gắn kết vững chắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự phát triển của hai bên và ngày càng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Thứ Năm, 30/10/2014, Đoàn ĐHQGHN đã có những buổi làm việc với lãnh đạo ĐH Hữu nghị Moscow (RUDN) và ĐH Năng lượng Moscow (MPEI) đồng thời chứng kiến lễ kí kết văn bản hợp thỏa thuận tác giữa các ĐH này với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Khoa Quốc tế của ĐHQGHN. Trên cơ sở văn bản hợp tác được ký kết, các bên sẽ tập trung triển khai các hoạt động hợp tác: trao đổi giảng viên, cán bộ, nhà khoa học theo các chương trình ngắn hạn và trung hạn; trao đổi sinh viên, học viên sau đại học, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; hỗ trợ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; trao đổi các xuất bản phẩm, sách giáo khoa và tài liệu nghiên cứu hiện hành; chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp dạy học tiên tiến, kinh nghiệm cải thiện cơ cấu quản lý trường đại học; đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội nghị chuyên đề chung; thực hiện các dự án và chương trình nghiên cứu chung; trao đổi ấn phẩm trên tất cả các khía cạnh của hoạt động hợp tác,…

Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế - Phụ trách Khoa Trần Anh Hào và Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Năng lượng Mátxcơva ký văn bản thoả thuận hợp tác

Với vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam, ĐHQGHN được Chính phủ tin tưởng, giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong đó có việc đảm bảo chất lượng giáo dục, góp phần đưa giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập quốc tế. Đây cũng chính là mục tiêu và là nội dung trong văn bản hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐHQG Moscow vào 31/10/2014.

ĐHQGHN giao cho Trường ĐH Giáo dục triển khai thực hiện hợp tác với Khoa Giáo dục Sư phạm, MGU nghiên cứu công nghệ đào tạo giáo viên trong thế kỷ 21 thông qua hình thức hình thành các nhóm nghiên cứu để thực hiện đồng bộ các dự án chung về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện trong 03 năm (từ 2014-2017) với các mục đích chính: Đề xuất triết lí, các mô hình đào tạo giáo viên phù hợp với bối cảnh của Việt Nam trên cơ sở kế thừa, tổng hợp các mô hình đào tạo giáo viên trên thế giới; đề xuất bản đồ năng lực và hệ thống chuẩn năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, chuẩn đánh giá giáo viên theo thông lệ quốc tế; triển khai thí điểm trong mô hình đào tạo giáo viên tại Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN; nghiên cứu xây dựng “Trung tâm nghiên cứu sư phạm và phát triển nghề nghiệp” theo mô hình trung tâm xuất sắc (COE).

Chương trình kí kết giữa Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN và Khoa Giáo dục Sư phạm, MGU nhằm thúc đẩy mạnh mẽ và cụ thể hóa các hoạt động hợp tác giữa ĐHQGHN và MGU trong biên bản ghi nhớ do Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và Giám đốc MGU Viktor A. Sadovnichiy kí vào tháng 5/2013 (xem tin chi tiết tại đây).

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ nhận Bằng Tiến sĩ Danh dự của ĐH Năng lượng Moskva

Cũng nhân chuyến công tác lần này, ĐH Năng lượng Moskva đã long trọng tổ chức lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của Giám đốc ĐHQGHN đối với việc phát triển lĩnh vực đào tạo nói chung và với sự hợp tác giữa hai ĐH nói riêng.

Trong thời gian tới, ĐHQGHN và các ĐH LB Nga sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác chi tiết để triển khai hiệu quả những nội dung được hai bên thống nhất, chú trọng triển khai các thỏa thuân cụ thể những lĩnh vực tiềm năng của hai bên, đem lại lợi ích cho các bên tham gia và góp phần đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới.

>>> Tin liên quan:

- VOV: Thúc đẩy quan hệ hợp tác đào tạo Nga - Việt

- HUS-RSHU: Hiện thực hoá các hoạt động hợp tác song phương

- Hợp tác nghiên cứu công nghệ đào tạo giáo viên với MGU

- (Website Đại học Saint Petersburg) ĐHQGHN thăm và làm việc với ĐH Saint Petersburg

- (14/5/2013) ĐQHGHN và ĐHQG Mátxcơva ký thoả thuận về hợp tác khoa học, giáo dục dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước Việt Nam - Liên bang Nga

 

 PV (tổng hợp) - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   |