Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Hội thảo quốc tế “Việt Nam gia nhập WTO: nguồn vốn xã hội - phát triển nguồn nhân lực”
Hội thảo diễn ra vào ngày 28/11/2006 với sự phối hợp tổ chức của Trường ĐHKHXH&NV và Viện Konrad Adenauer (CHLB Đức).

Tới dự hội thảo có GS. TSKH. Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN, PGS. TS. Vũ Đức Nghiệu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, TS. Willibold Frehner - Đại diện viện KAS tại Hà Nội. Các báo cáo viên là các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ ĐHQGHN, Đại học DL Đông Đô, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, Đại học Albeus-Magnus và Viện KAS (CHLB Đức).

Lấy sự kiện Việt Nam gia nhập WTO ngày 7/11/2006 làm tiền đề, các báo cáo đề cập đến khái niệm vốn xã hội và nguồn nhân lực; tầm quan trọng của vốn xã hội và nguồn nhân lực đối với sự phát triển và hội nhập của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; những đề xuất cụ thể để phát triển vốn xã hội và nguồn nhân lực của Việt Nam nói chung và trong từng lĩnh vực cụ thể nói riêng.

GS. Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐHQGHN phát biểu tại hội thảo.

Trong báo cáo "Vốn xã hội - một động lực để phát triển", TS. Trịnh Hoà Bình (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đưa ra nội dung cơ bản của vốn xã hội: "là những thứ được biểu hiện nhiều nhất trong cuộc sống thường nhật của con người: đó là thiện ý, tính bằng hữu. Sự đồng cảm và giao tiếp, tương tác xã hội giữa các cá nhân, gia đình và nhóm tạo thành một đơn vị xã hội. Khái nhiệm vốn xã hội thường gắn với sự tham gia xã hội và công dân, với các mảng hợp tác và đoàn nhất, gắn với sự cố kết xã hội, sự tin cậy, sự có đi có lại và tính hiệu quả thể chế". Vốn xã hội là một thứ tài sản của cộng đồng, là mạng lưới, kiểu liên kết, quan hệ ràng buộc giữa các cá nhân trong cộng đồng, là yếu tố quan trọng cho sự bền vững, cố kết xã hội. Vốn xã hội luôn tiềm ẩn trong đời sống xã hội nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể phát huy và trở thành động lực, sức mạnh của cộng đồng để giải quyết những vấn đề khó khăn của đất nước, của dân tộc. Vốn xã hội không chỉ nên được làm giàu thêm trên cơ sở tiếp thu những giá trị tốt đẹp của nhân loại mà còn là một thứ áo giáp sàng lọc, loại bỏ những tác động ngoại lai tiêu cực từ bên ngoài vào.

Đề cập đến nguồn nhân lực, các báo cáo đều khẳng định: để tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, nguồn nhân lực Việt Nam phải trở thành một nguồn lực then chốt thúc đẩy quá trình hội nhập. Sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, quan trọng giúp phát huy thế mạnh và khắc phục hạn chế của con người, thiết thực phục vụ sự phát triển đất nước. Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm và nhược điểm của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay, phân tích những thách thức và khó khăn của nguồn nhân lực khi Việt Nam gia nhập WTO, các nhà khoa học đã đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế và các nguyên tắc thị trường; phát triển kinh tế xã hội tạo nhiều việc làm và thu hút lao động; hoàn thiện và phát triển thị trường lao động, tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hoàn thiện và phát triển hệ thống an sinh xã hội...

Bên cạnh đó, một số báo cáo đề cập đến việc đào tạo nhân lực trong từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể như: lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đào tạo nhân lực lao động trên địa bàn Hà Nội, tại các trường đại học...

 Tin & ảnh: Lê Thanh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :