Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Ghi chép: "Sư tử và Rồng: Bốn thế kỷ quan hệ Hà Lan - Việt Nam"
Đó là chủ đề chính của hội thảo quốc tế do Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phối hợp với Lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM tổ chức ngày 20/5/2008. . Năm nay, Việt Nam và Hà Lan chính thức kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng trên thực tế, mối quan hệ này đã khởi nguồn từ nhiều thế kỷ trước.

Ngài André Haspel - Đại sứ đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam; ngài Tonvan Zeeland - nguyên Tổng lãnh sự Hà Lan tại Tp. Hồ Chí Minh; đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo); GS. TSKH Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐHQGHN cùng hơn 150 học giả trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo.

Mối bang giao nhìn từ nhiều góc độ

Hội thảo được mở đầu bằng việc ra mắt chính thức bản tiếng Việt của cuốn sách “Sư tử và Rồng: Bốn thế kỷ quan hệ Hà Lan - Việt Nam” (Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội). Bản tiếng Hà Lan và tiếng Anh đã ra mắt bạn đọc năm 2007 và đầu năm 2008 (Nhà Xuất bản Boom, Amsterdam). Các sử gia Việt Nam và Hà Lan đã dày công đóng góp với 11 chương đề cập tới nhiều lĩnh vực trong lịch sử quan hệ hai nước. Thời kỳ công ty Đông Ấn Hà Lan, còn gọi là VOC (1601 - 1700) đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các học giả. Bốn chương trong cuốn sách viết về thời kỳ này là nền tảng hữu ích cho các cuộc thảo luận chi tiết hơn và tìm hiểu sâu rộng hơn về lịch sử hoạt động của VOC tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 1600, khi những con tàu VOC Hà Lan đầu tiên cập cảng Faifo (Hội An ngày nay).

Bìa cuốn sách

Cuốn sách đã tập hợp những phân tích, trình bày về quá trình tái phát hiện và trở lại của người Hà Lan ở Việt Nam; quan hệ hai nước trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, phong trào đoàn kết của nhân dân Hà Lan ủng hộ Việt Nam; cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Hà Lan. Sách được xuất bản bằng 3 thứ tiếng Hà Lan, Việt và Anh. Phát biểu nhân dịp này, ông André Haspel, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam khẳng định qua bốn thế kỷ, quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hà Lan ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực như y tế, môi trường, văn hoá cũng như các quan hệ thương mại và đầu tư.

Hội thảo diễn ra trong 1 ngày với những tham luận đề cập đến các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại, văn hoá giữa Việt Nam và Hà Lan trong lịch sử; những tác động đa dạng, đa chiều của mối quan hệ đó đến xã hội hai nước, đồng thời phân tích mối quan hệ Việt Nam - Hà Lan trong mối giao lưu, tiếp xúc văn hoá Đông - Tây, cũng như bối cảnh khu vực, quốc tế thời đại bấy giờ. Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề như tiềm năng và hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam, các tuyến giao thương truyền thống, những bước phát triển mới trong quan hệ hai nước những năm gần đây, nhất là sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Sau hội thảo, một phái đoàn các sử gia và các nhà khảo cổ học Hà Lan và Việt Nam sẽ thăm một số di tích khảo cổ tại Tiên Lãng (Hải Phòng) nơi các nhà buôn và các nhà hàng hải của Công ty VOC từng hoạt động. Chuyến thăm kéo dài từ 21 đến 25/5, do Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) phối hợp cùng với Trung tâm Hoạt động Di sản Quốc tế (CIHA) có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan tổ chức. Chuyến thăm của phái đoàn nhằm tìm kiếm các khả năng hợp tác dài hạn hơn giữa các sử gia và các nhà khảo cổ học hai nước.

400 năm và 35 năm

Bước vào thế kỷ XVII được nhiều sử gia thế giới coi là “Thế kỷ Hà Lan”. Hà Lan bắt đầu “thời kỳ vàng son” mà đặc trưng là những đội thương thuyền vươn ra Châu Á và thế giới. Và cũng chính lúc này, những người Hà Lan đầu tiên bắt đầu đến miền Trung Việt Nam. Luận án tiến sĩ (được bảo vệ ngày 19/3/1929) của sử gia Hà Lan Wilhelm Jozef Maria Buch (1895 -1975) với đầu đề Công ty Đông Ấn Hà Lan và Bắc Bộ: Quan hệ Hà Lan với An Nam thế kỷ XVII được coi là tác phẩm đầy đủ đầu tiên viết về quan hệ hai nước thủơ ban đầu. Vì nhiều lý do lịch sử, phải đến năm 1973, hai nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao và từng bước phát triển từ đó. Sau khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, Hà Lan là một trong những nước đầu tiên viện trợ phát triển cho Việt Nam và mở Đại sứ quán năm 1976. Đến nay, hai bên đã ký các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1994), Hiệp định tránh đánh thuế trùng (1995), Hiệp định khung về hợp tác phát triển (2000)...

Từ khi Việt Nam mở Đại sứ quán tại Hà Lan vào năm 1998 và Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hà Lan năm 2001, quan hệ hai nước đã phát triển hơn, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế - thương mại. Người Hà Lan giờ đây biết đến Việt Nam không phải chỉ là tên một đất nước trải qua cuộc chiến tranh mà nhiều người Hà Lan đã xuống đường phản đối những năm 1960, mà là một đất nước đang đổi mới và hội nhập. Mấy năm nay, hàng Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy hải sản, các sản phẩm nông nghiệp... vào Hà Lan không ngừng tăng qua cảng Rotterdam. Việc Việt Nam gia nhập WTO được Hà Lan, đặc biệt là doanh nghiệp, hồ hởi đón chào và cử nhiều đoàn sang khảo sát.


 

 Trương Minh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :