Tiếp đoàn có GS TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc cùng đại diện một số ban chức năng và lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.
SIPA là một tổ chức thành viên của Ủy ban Điều phối Chương trình Đào tạo về Quản lý và Công nghệ Khoa học Dịch vụ/Dịch vụ Công nghệ Thông tin của Thái Lan (SSME/ITSC Steering Committee of Thailand)
Hai bên đã cùng bàn thảo về một số triển vọng hợp tác trong tương lai, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực Quản lý và Công nghệ Khoa học Dịch vụ theo hướng Dịch vụ Công nghệ Thông tin (Service Science, Management and Engineering/ Information Technology Service – viết tắt SSME/ITSC). SIPA cam kết phối hợp cùng SSME/ITSC Steering Committee of Thailand hỗ trợ các đơn vị của ĐHQGHN trong việc triển khai đào tạo chương trình SSME/ITSC.
Hai bên thỏa thuận sẽ cùng hướng tới việc thành lập một Ủy ban Điều phối chung của Việt Nam và Thái Lan để phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo về Quản lý và Công nghệ Khoa học Dịch vụ. Thái Lan là một trong vài nước ASEAN đã triển khai thực hiện đào tạo theo chương trình SSME/ITSC.
Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN là đơn vị đào tạo có uy tín trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin của Việt Nam. Cùng với Trường ĐHKHTN, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐHCN, ĐHQGHN là đơn vị đào tạo đại học Việt Nam tiên phong có kế hoạch triển khai lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu SSME/ITSC tại Việt Nam. Ngày 20 tháng 5 năm 2009 vừa qua, Trường ĐHCN và IBM Việt Nam đã ký kết văn bản thỏa thuận về việc hợp tác triển khai chương trình SSME/ITSC tại Trường ĐHCN. SIPA sẵn sàng phối hợp với IBM để hỗ trợ Trường ĐHCN triển khai nhanh và có hiệu quả chương trình này, có thể giúp đào tạo các cán bộ giảng dạy chương trình này cho Việt Nam.
SSME là lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu liên ngành, kết hợp nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học máy tính, công nghệ, khoa học quản lý, chiến lược kinh doanh và khoa học xã hội, do IBM đề xuất và hỗ trợ triển khai thực hiện ở nhiều nước. SSME/ITSC nhằm mục tiêu đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực Công nghệ Thông tin (CNTT) phát triển toàn diện. Người học không chỉ có đầy đủ kiến thức chuyên môn mà còn có cả những kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực hoạt động thực tiễn và có khả năng phát triển, cung cấp dịch vụ, quản lý tài nguyên và tài sản, quản trị nguồn nhân lực, đồng thời nắm vững các quy trình phát triển và thực hiện dịch vụ CNTT.
SIPA được Chính phủ Thái Lan thành lập năm 2003 với mục đích thúc đẩy nền công nghiệp phần mềm Thái Lan tiến lên sánh vai cùng các nước có nền công nghiệp phần mềm hàng đầu thế giới. SIPA đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao vị thế nguồn nhân lực và các tổ chức trong lĩnh vực công nghệ phần mềm, nâng cao chất lượng các sản phẩm phần mềm cho phù hợp xu thế và trình độ quốc tế…
|