Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Xây dựng và thống nhất đất nước ở Việt Nam và Đức giai đoạn 1500 - 2000
Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế do Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phối hợp với ĐH Greifswald, CHLB Đức và Quỹ Rosa Luxemburg Việt Nam tổ chức trong hai ngày 18 - 19/11/2009.

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó giám đốc ĐHQGHN, GS. Michael North - Phó giám đốc ĐH Greifswald, bà Dorit Lehrack - Giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg Việt Nam cùng đông đảo các nhà sử học, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đại diện sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của hai khoa: Lịch sử và Quốc tế học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã tham dự hội thảo.

Diễn văn khai mạc của PGS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó hiệu trưởng Nhà trường đã khẳng định: Cuộc hội thảo là dịp để nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của hai dân tộc Việt Nam - CHLB Đức, góp phần làm rõ những đặc tính lịch sử, tâm lý, ý thức dân tộc và cả những tương đồng… trong quá trình thống nhất đất nước. Mục tiêu của hội thảo nhằm tìm hiểu bối cảnh lịch sử, các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và những tác động của các nhân tố đó đến quá trình xây dựng và phát triển của 2 nước trong suốt chặng đường dài 5 thế kỷ.

GS.TSKH VŨ Minh Giang phát biểu tại hội thảo

23 tham luận của các nhà khoa học cả ở trong và ngoài nước đều nhấn mạnh vào một số nội dung cơ bản như: vai trò, ý nghĩa lịch sử to lớn của Nhà nước, vai trò của các thể chế chính trị từ trung ương đến địa phương, tìm hiểu các mô hình, sự chuyển hóa mô hình, vai trò của các nhà tư tưởng, lãnh đạo, của các tổ chức xã hội, các khuynh hướng vận động và phát triển trong lịch sử Việt Nam và Đức... Bên cạnh đó, các tham luận cũng đã tập trung phân tích tác động của các nước láng giềng, các cường quốc khu vực và quốc tế đến quá trình xây dựng, thống nhất của 2 nước Việt - Đức.

Với 5 phiên họp được phân theo các mảng chủ đề, hội thảo lần này chính là dịp để các nhà khoa học hai nước trao đổi, phân tích các vấn đề lịch sử từ đó tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, nhận thức lịch sử, rút ra những bài học kinh nghiệm, đúc kết quy luật phát triển nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.

Diễn văn khai mạc của PGS.TS Nguyễn Văn Kim đã nêu bật ý nghĩa thực tiễn của hội thảo

GS. Michael North - Phó giám đốc ĐH Greifswald trình bày tham luận của mình

Trong lời phát biểu chỉ đạo tại phiên họp toàn thể, GS.TSKH Vũ Minh Giang đánh giá hội thảo này đã đề cập tới một vấn đề lớn mang tính toàn cầu chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi Việt Nam và CHLB Đức. “Mặc dù hai dân tộc Đức và Việt Nam có lịch sử, văn hóa, truyền thống rất khác nhau và từ thế kỷ XV đến năm 2000 là một khoảng thời gian quá xa để có thể tìm ra những nét tương đồng nhưng chúng ta có thể có 3 hệ quy chiếu cho hội thảo này gồm: các nội dung xoay quanh vấn đề dân tộc, quốc gia; khát vọng về sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và cách tiếp cận theo hướng nhìn vào quá khứ, lịch sử để hướng tới tương lai. Với 3 hệ quy chiếu này sẽ giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, sâu sắc hơn... Tôi mong muốn rằng, hội thảo có thể vươn lên tầm không chỉ là những trao đổi liên quan đến lịch sử, quá khứ mà phải rút ra được những bài học có tính thời sự cho hiện tại và tương lai...” - GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

 Văn Trương - Nguyệt Anh - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :