Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 26/2, TS. Harsha V. Singh - Phó tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã đến thăm Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN để trao tài trợ của Chương trình WTO Chairs (WCP) cho nhóm nghiên cứu của Trường, và có bài thuyết trình về chủ đề “Hệ thống thương mại toàn cầu sau khủng hoảng tài chính: Những hệ lụy đối với các nước đang phát triển”.
Nhóm nghiên cứu do TS. Vũ Quốc Huy – Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN chủ trì đã nhận tài trợ của WCP. Được biết Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên trong cả nước được nhận tài trợ của Chương trình này.
“Khi lựa chọn các đề xuất, Ban cố vấn WCP xem xét các tiêu chí như khả năng liên kết, tính mới mẻ, khả năng nâng cao năng lực của các nhà khoa học trẻ, tính xây dựng và tính bền vững...”, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN cho biết.
Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế dự tính sẽ tiến hành 2 nhóm hoạt động chính trong đề xuất bao gồm nhóm hoạt động nghiên cứu và nhóm hoạt động đào tạo các chủ đề thương mại. “Những kết quả dự tính của các hoạt động nghiên cứu sẽ được sử dụng để phân tích chính sách và các khóa đào tạo ngắn hạn về thương mại và chính sách”, TS.Vũ Quốc Huy cho biết.
Sau khi trao tài trợ WCP, TS. Harsha V. Singh đã có bài thuyết trình trong đó nhấn mạnh những cơ hội tăng trưởng chính do hệ thống thương mại toàn cầu tạo ra làm gia tăng tầm quan trọng và vai trò của các nước đang phát triển. Theo TS. Harsha V. Singh, những vấn đề cốt yếu của thế giới hiện nay là cần phải được giải quyết triên cơ sở đa phương và các nước đang phát triển phải tham gia tích cực trong quản lý những vấn đề toàn cầu.
TS. Harsha V. Singh nhấn mạnh, hệ thống thương mại đa phương WTO ngày càng trở nên quan trọng. Cụ thể, một kết quả thành công của Vòng đàm phán Doha sẽ tạo ra những khả năng to lớn cho việc tiếp tục tăng cường hệ thống thương mại đa phương cùng với những cơ hộ mới cho tất cả các nước phát triển và đang phát triển. Vòng đàm phán Doha thành công sẽ sửa chữa một lọat những méo mó hiện dang tồn tại trong hệ thộng thương mại và tạo ra sân chơi bình đẳng cho thế giới.